Vinamilk lãi ròng 2.666 tỷ đồng trong quý 2, mỗi ngày chi hơn 4 tỷ đồng cho quảng cáo; Các "đại gia" ô tô bàn thảo biện pháp đáp trả thuế quan của Mỹ; Những vụ lừa đảo tiền ảo gây chấn động Việt Nam
Tin kinh tế đọc nhanh tối 29-07-2018
- Cập nhật : 29/07/2018
Xây dựng đề án an ninh kinh tế trong lĩnh vực BĐS
Bộ Xây dựng đang hoàn thiện đề án an ninh kinh tế trong lĩnh vực BĐS, trong đó xem xét an ninh cho người nước ngoài mua nhà tại VN.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Xây dựng chiều 27/7.
Theo ông Ninh, Bộ Xây dựng đang tiến hành xây dựng đề án an ninh kinh tế trong lĩnh vực bất động sản. Trong đề án này, Bộ sẽ đánh giá tình hình an ninh trong nhiều vấn đề liên quan đến bất động sản trước khi trình Chính phủ vào tháng 12.
“Chúng tôi sẽ đánh giá an ninh kinh tế trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài; cho người nước ngoài mua nhà; tín dụng, bong bóng bất động sản; quản lý vận hành, tranh chấp nhà chung cư…”, ông Ninh nói.Vị này cũng cho biết hiện Bộ Xây dựng đã làm xong đề cương và gửi đi lấy ý kiến các địa phương về đề án. Không chỉ Bộ Xây dựng mà nhiều bộ ngành khác cũng được Chính phủ giao xây dựng đề án an ninh kinh tế.
Việc Bộ Xây dựng xây dựng đề án an ninh trong lĩnh vực bất động sản diễn ra trong bối cảnh nhiều người lo ngại vấn đề người nước ngoài mua nhà, thậm chí là nhờ mua nhà tại Việt Nam.
Nhiều ý kiến lo ngại vấn đề người nước ngoài sở hữu nhà tại các khu vực nhạy cảm sẽ ảnh hưởng đến tình hình an ninh, quốc phòng.
Trước đó, chia sẻ với báo chí, ông Đoàn Văn Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị CEO Group nêu rõ, quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở của người nước ngoài ở Việt Nam, ông Chủ tịch CEO Group cho biết, Luật Nhà ở năm 2014 cho phép cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua việc “mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ”.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 5 Luật Đất đai 2013, người nước ngoài không được liệt kê trong số các đối tượng có quyền sử dụng đất tại Việt Nam. Trong khi đó, Khoản 1, Điều 19 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 yêu cầu “việc mua bán nhà, công trình xây dựng phải gắn với quyền sử dụng đất”.
Từ thực tiễn trên, ông Bình cho rằng, cá nhân người nước ngoài có nhu cầu mua nhà ở riêng lẻ đang có nhiều bối rối, hoài nghi, bởi theo họ, Luật Đất đai thì không quy định họ là “người sử dụng đất”, pháp luật nhà ở cho phép mua nhà ở riêng lẻ nhưng không có quy định về việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất kèm theo nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản lại quy định “việc mua bán nhà, công trình xây dựng phải gắn với quyền sử dụng đất”.
Vậy, vấn đề quyền sử dụng đất, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người nước ngoài nếu mua nhà ở riêng lẻ như thế nào? Do đó, doanh nghiệp kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần có quy định, hướng dẫn cụ thể vấn đề này.
Liên quan đến vấn đề này, tại hội nghị về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất cho người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức tại TP.HCM ngày 31/10/2017, các cơ quan quản lý nhà nước cho biết, dù luật pháp cho phép người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam nhưng do vướng nhiều thủ tục khá nhiêu khê nên hơn 2 năm qua chỉ có 15 người nước ngoài có "chốn an cư" tại Việt Nam.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, muốn kiều bào mua được nhà thì luật và việc thực thi phải thông thoáng hơn.
Một câu chuyện đáng chú ý khác, theo báo cáo gửi Chính phủ về tình trạng cư dân khiếu nại, phản đối chủ đầu tư tại các dự án bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, trong 43 báo cáo của địa phương và số lượng đơn thư gửi về Bộ Xây dựng cho thấy có 215 dự án có khiếu nại, tranh chấp.
Trong đó có 108 dự án xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân hoặc giữa các chủ thể liên quan trong phạm vi dự án, còn lại 107 dự án có khiếu nại, tranh chấp không thuộc phạm vi báo cáo như tranh chấp, khiếu nại về thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng và những nội dung dân sự khác.(ĐVO)
-----------------------
Nửa đầu năm, ngành Hải quan đã hoàn thành 51,57% dự toán thu ngân sách
Theo Tổng cục Hải quan, số thu ngân sách nhà nước (NSNN) của ngành Hải quan trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 51,57% dự toán được giao năm 2018.
Tổng cục Hải quan cho biết, số thu NSNN của ngành Hải quan trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 145.934 tỷ đồng, bằng 51,57% dự toán, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, thu từ xăng dầu đạt 19.500 tỷ đồng, thu từ hàng hóa khác đạt 126.434 tỷ đồng.
Năm 2018, Tổng cục Hải quan được giao thu NSNN là 283.000 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng phải thu 23.584 tỷ đồng. Chỉ tiêu phấn đấu Bộ Tài chính giao là 293.000 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng phải thu 24.416 tỷ đồng cao hơn dự toán 3,52%.
Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố tiếp tục quyết liệt thực hiện các giải pháp thu NSNN theo Chỉ thị số 555/CT-TCHQ ngày 26/01/2018 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.
Đồng thời, căn cứ Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 24/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; Thông tư số 54/2018/TT-BTC ngày 08/6/2018 của Bộ Tài chính về hướng dẫn xây dựng dự toán thu NSNN năm 2019 và kế hoạch tài chính 3 năm 2019-2021 để đánh giá khả năng thu NSNN năm 2018 của từng đơn vị, nắm rõ các yếu tố tăng giảm ảnh hưởng đến thu NSNN tại địa bàn mình phụ trách.
Đặc biệt, toàn ngành Hải quan tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của cộng đồng doanh nghiệp, tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, chống gian lận thương mại trong những tháng cuối năm 2018 (TCTC)
-----------------------
Đề xuất 3 giai đoạn phát triển cho khu đô thị sáng tạo tp. Hồ Chí Minh
Muốn xây dựng thành công khu đô thị sáng tạo, TP. Hồ Chí Minh sẽ phải tạo đột phá về thể chế, cải cách cán bộ, cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực.
Muốn xây dựng thành công khu đô thị sáng tạo, TP. Hồ Chí Minh sẽ phải tạo đột phá về thể chế, cải cách cán bộ, cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực. . Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN
Phát biểu tại hội thảo quốc tế “Tầm nhìn cho đô thị sáng tạo” do UBND Tp. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 28/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, cho biết: Khu đô thị sáng tạo của thành phố sẽ có nghiên cứu, đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ; đồng thời có trung tâm dịch vụ, khu vực sản xuất công nghệ cao gắn với không gian văn hóa giải trí…
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, Tp. Hồ Chí Minh muốn gộp 3 quận gồm 2, 9, Thủ Đức thành đô thị sáng tạo phía Đông của thành phố; trong đó, quận Thủ Đức là nơi tập trung năng lực về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, quận 2 với Khu Đô thị mới Thủ Thiêm sẽ giữ vai trò trung tâm tài chính quốc tế còn quận 9 sẽ là nơi nghiên cứu và phát triển với điểm nhấn Khu Công nghệ cao.
“Trong năm 2018, thành phố sẽ tổ chức cuộc thi với sự tham gia của các đơn vị tư vấn quốc tế để xây dựng tầm nhìn và các bước triển khai cụ thể, sau đó xây dựng quy hoạch tổng thể cho khu đô thị đổi mới sáng tạo thành phố”, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân thông tin.
Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ: Tp.Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước và cũng là nơi có lực lượng lao động chất lượng cao, năng suất lao động gấp 2,7 lần so với bình quân cả nước.
Ngoài ra, thành phố có các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh, đóng góp 82% cho nền kinh tế thành phố. Tuy nhiên, hiện nay thành phố đang phải đối mặt với nhiều thách thức; trong đó có kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm không khí.
Đại hội Đảng bộ Tp. Hồ Chí Minh lần thứ X đã xác định 7 chương trình đột phá. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, đến năm 2017 thành phố bổ sung thêm đề án xây dựng đô thị thông minh với 4 mục tiêu chính là tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững, tạo môi trường sống tốt cho người dân và sự tham gia của người dân vào việc giám sát hoạt động của chính quyền.
Sau đó thành phố có điều chỉnh, đề ra mục tiêu mới cho giai đoạn 5 năm tiếp theo là xây dựng đô thị sáng tạo gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm tạo sự tương tác giữa các lĩnh vực nghiên cứu, phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ,… cũng như hỗ trợ các tỉnh xung quanh gồm Đồng Nai và Bình Dương để tạo ra cụm động lực phát triển kinh tế cho khu vực phía Nam.
Tại hội thảo, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, đô thị sáng tạo đòi hỏi phải có tất cả các yếu tố cơ bản phối hợp đồng bộ với những chính sách nhất quán, rõ ràng, Với TP. Hồ Chí Minh, việc xây dựng khu đô thị sáng tạo cần xem xét toàn bộ hệ sinh thái của khu đô thị sáng tạo về quy hoạch, chính sách, thiết kế, cơ sở hạ tầng và tổ chức, chứ không chỉ về công nghệ.
Còn theo ông Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, bản chất của khu đô thị sáng tạo là nơi có các hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp diễn ra với cường độ và mật độ cao.
Kế hoạch xây dựng khu đô thị sáng tạo phía Đông thành phố là chất xúc tác cho nhiều ý tưởng trong bối cảnh chuyển dịch mạnh mẽ kinh tế thành phố; trong đó sự kết nối là tâm điểm bao gồm kết nối phần cứng (giao thông) và phần mềm (các chương trình liên kết, hợp tác).
Góp ý về giải pháp triển khai khu đô thị sáng tạo, ông Huỳnh Thế Du, Giảng viên chính sách công tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright đề xuất ý tưởng định hướng khu đô thị sáng tạo TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm dịch vụ có sức cạnh tranh toàn cầu, là nơi đặt các trụ sở quốc tế và phối hợp hoạt động của các công ty toàn cầu, trung tâm dịch vụ tài chính, trung tâm nghiên cứu và phát triển phần mềm, trung tâm nghiên cứu về khoa học đời sống kết hợp với nghiên cứu thử nghiệm, trung tâm dịch vụ chia sẻ cung cấp các dịch vụ cho các công ty toàn cầu.
Ông Huỳnh Thế Du đề xuất 3 giai đoạn phát triển cho khu đô thị sáng tạo thành phố gồm giai đoạn xây dựng nền tảng ban đầu (từ năm 2018 – 2025) tiếp tục mô hình chính quyền đô thị; giai đoạn phát triển theo chiều sâu (2025 – 2050) hoàn thiện kết nối giữa các địa phương trong vùng; sau năm 2050 sẽ là giai đoạn phát triển nền kinh tế dựa trên tri thức và công nghệ.
Muốn xây dựng thành công khu đô thị sáng tạo, TP. Hồ Chí Minh sẽ phải tạo đột phá về thể chế, cải cách cán bộ, cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực.
Trong khi đó, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc xây dựng khu đô thị sáng tạo thành phố có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp nhiều thách thức như thiếu điều kiện hạ tầng, quỹ đất chưa khai thác còn khá lớn nhưng không tập trung mà nằm rải rác trên nhiều khu vực, thủ tục hành chính còn phức tạp, chuyển biến chậm trong áp dụng Chính phủ điện tử.
Về giải pháp, thành phố cần các chính sách thu hút, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, phát triển tại khu đô thị sáng tạo cũng như các chuyên gia, nhà khoa học và sự liên kết giữa khu đô thị sáng tạo với các trung tâm khác của thành phố.
Lãnh đạo Tp. Hồ Chí Minh đã khởi xướng ý tưởng quy hoạch xây dựng tích hợp quận 2, 9, Thủ Đức thành khu đô thị sáng tạo với vai trò là một khu vực đô thị công nghệ cao và thông minh trọng điểm của thành phố và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tầm nhìn của khu đô thị sáng tạo là trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của thành phố và khu vực trên nền tảng phát triển kinh tế tri thức.(TTXVN)