tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 28-07-2018

  • Cập nhật : 28/07/2018

Trung Quốc hối thúc mô hình hợp tác BRICS+

Ngày 27/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hối thúc tiếp tục mở rộng hơn nữa mô hình hợp tác BRICS+, từ đó giúp duy trì hệ thống thương mại đa phương và chống lại chủ nghĩa bảo hộ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: TTXVN

Phát biểu trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 10 Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) ở Nam Phi, Chủ tịch Tập Cận Bình nêu rõ: “Chúng ta cần mở rộng hợp tác BRICS +, và làm sâu sắc quan hệ đối tác đôi bên cùng có lợi... Chúng ta cần mở rộng hợp tác BRICS + để thúc đẩy môi trường đối ngoại thuận lợi. Trong tình hình hiện tại, chúng ta cần duy trì hệ thống thương mại đa phương, phản đối mạnh mẽ chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương”.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh, sự hợp tác BRICS+ sẽ giúp các nước tham gia tận dụng được tất cả cơ hội mà cuộc cách mạng khoa học và công nghệ mang lại, từ đó xây dựng một mô hình quan hệ quốc tế kiểu mới.

BRICS gồm 5 nước thành viên gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Khái niệm BRICS+ do Trung Quốc đề xuất là mô hình phát triển hợp tác giữa 5 nước này với các nền kinh tế đang phát triển khác.

Nam Phi đã mời lãnh đạo các nước Argentina, Indonesia, Ai Cập, Jamaica, Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS, như một phần trong Sáng kiến BRICS+ (TTXVN)
----------------------

Hàng container qua cảng biển tăng 30 lần trong 20 năm qua

6 tháng đầu năm 2018, theo Cục Hàng hải Việt Nam, sản lượng hàng container đạt 8,7 triệu TEU, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước.

35-40% hàng container khu vực phía nam được vận chuyển qua đường thủy nội địa /// Đ.N.T

35-40% hàng container khu vực phía nam được vận chuyển qua đường thủy nội địa - Đ.N.T

Theo khảo sát của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, vận tải container bằng đường bộ khu vực phía bắc (tuyến Hải Phòng - Lào Cai) chiếm đến 72%, trong khi đường sắt chiếm 27% và đường thủy nội địa hầu như không có, chỉ chiếm 1%. Đây cũng là một trong những lý do khiến giá thành cước vận tải container chưa giảm được.

Trong khi đó, ở khu vực phía nam, 35-40% hàng container được vận chuyển bằng đường thủy nội địa, tập trung khu vực TP.HCM.

Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải dự báo, đến năm 2020, tổng khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam sẽ đạt khoảng từ 202 - 224 triệu tấn tăng lên khoảng 406 - 467 triệu tấn đến năm 2030...

Thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam cũng cho thấy, trong hơn 20 năm qua, tổng lượng hàng container qua cảng biển đã tăng gần 30 lần. Chẳng hạn, năm 1995, lượng hàng container qua cảng biển mới đạt 3,4 triệu tấn (532.000 TEU, 1 TEU = 1 container 20 feet), đến năm 2017 con số này đã lên tới 165,7 triệu tấn (14,3 triệu TEU), chiếm gần 32%.

Riêng 6 tháng đầu năm 2018, theo Cục Hàng hải Việt Nam, sản lượng hàng container đạt 8,7 triệu TEU, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước.(Thanhnien)
---------------------------

Thủ đoạn mới tuồn phế liệu vào Việt Nam

Ngày 26-7, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018, các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) đánh giá tình trạng nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam đang diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc lợi dụng nhập khẩu để vận chuyển hàng cấm vào nước ta.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) Nguyễn Văn Cẩn cho biết trước những nguy cơ và diễn biến phức tạp của việc nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam, tổng cục đã chỉ đạo ngăn chặn và đưa lực lượng kiểm định xuống cùng với các đơn vị tại cảng biển để kiểm tra hàng hóa nhập khẩu trên cơ sở quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. 

Quá trình rà soát đã phát hiện những lỗ hổng trong quá trình tiền kiểm và hậu kiểm của các cơ quan chức năng đối với hàng phế liệu. "Các đối tượng đã lợi dụng sơ hở để làm giả giấy tờ thủ tục với mục đích nhập khẩu phế liệu. Hải quan đã phối hợp với lực lượng công an phát hiện một số vụ việc và đã khởi tố vụ án" - ông Cẩn nói.

Thủ đoạn mới tuồn phế liệu vào Việt Nam - Ảnh 1.

Ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi để tuồn phế liệu vào Việt Nam thông qua các cảng biển Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan còn làm rõ được một số thủ đoạn mới của các đối tượng nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam. Theo đó, lợi dụng việc chính phủ Trung Quốc cấm nhập khẩu phế liệu, một số cá nhân người Trung Quốc đã chuyển hướng đưa loại hàng hóa này vào Việt Nam thông qua các cảng biển. 

"Họ sang tìm cách kết nối, thuê người Việt Nam đi xin giấy phép thành lập các nhà máy xử lý phế liệu. Qua đấu tranh, nắm bắt nhận thấy có nhà máy đủ tiêu chuẩn nhưng nhiều nhà máy hoạt động trá hình chủ yếu để nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam để tiêu thụ" - ông Cẩn nêu thực tế.

Cụ thể, các cá nhân người Trung Quốc thu gom nguồn phế liệu từ các nước châu Âu, sau đó tìm cách nhập khẩu vào Việt Nam. Họ khai báo là phế liệu đủ tiêu chuẩn nhập khẩu nhưng thực chất qua kiểm tra đều không đủ và hiện có khoảng 1.000 container hàng hóa thuộc loại này. 

Ông Nguyễn Văn Cẩn dẫn chứng về các khung tranh cũ, sau khi đưa vào Việt Nam, các đối tượng người Trung Quốc sẽ thuê người tách lấy phần nhôm, còn toàn bộ rác thải (nhựa, kính...) để lại Việt Nam. "Hiện chúng tôi đang phối hợp với cơ quan công an điều tra về quy mô của các hoạt động này để có hướng xử lý" - ông Cẩn cho hay.

Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam và các giải pháp quản lý, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành rà lại tất cả giấy phép còn hạn ngạch, không cấp mới giấy phép nhập phế liệu vào Việt Nam. Thủ tướng cũng khẳng định không thể để Việt Nam trở thành bãi thải, không vì lợi ích nhóm nào đó mà ảnh hưởng đến môi trường sống của nhân dân, cộng đồng, ảnh hưởng tới uy tín của Việt Nam.

Thủ tướng giao Bộ Công an phối hợp với lực lượng Hải quan khẩn trương điều tra, truy tố nhanh một số vụ vi phạm về môi trường do nhập phế liệu trái phép vào Việt Nam để làm gương, tránh tình trạng coi thường pháp luật, coi thường môi trường sống của người dân.(NLĐ)
----------------------

Nội tệ rớt giá, Tổng thống Indonesia kêu gọi doanh nghiệp chuyển ngoại tệ về nước

Tổng thống Joko Widodo của Indonesia đã kêu gọi các nhà xuất khẩu nước này chuyển ngoại tệ đang gửi ở nước ngoài về nước nhằm giúp ngăn đồng nội tệ Rupiah rớt giá sâu hơn - giới chức Indonesia cho biết ngày 27/7.

Ngoại tệ chuyển về nước có thể giúp nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á làm đầy dự trữ ngoại hối đang giảm nhanh. Mấy tháng qua, Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) đã phải rút mạnh ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối để hãm đà giảm giá của đồng Rupiah trong bối cảnh các đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi bị bán tháo.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Indonesia, bà Sri Mulyani, cho biết, vào ngày thứ Năm, Tổng thống Widodo đã có cuộc gặp kéo dài hai tiếng rưỡi đồng hồ với lãnh đạo 40 công ty xuất khẩu hàng đầu Indonesia để thuyết phục họ chuyển tiền về nước.

"Chúng tôi muốn họ gửi trong nước số tiền thu được về từ xuất khẩu. Nếu họ cần tiền để mua nguyên vật liệu và nhập khẩu, dự trữ ngoại hối có thể được sử dụng… nhưng chúng tôi hy vọng số tiền còn lại sẽ được giữ ở Indonesia và chuyển đổi sang Rupiah", bà Mulyani nói tại một cuộc họp báo.

Vào năm 2012, Ngân hàng Trung ương Indonesia đã yêu cầu các công ty xuất khẩu Indonesia nhận tiền bán hàng hóa ra nước ngoài thông qua các ngân hàng trong nước, với hy vọng một phần số tiền này sẽ được giữ trong nước và chuyển đổi ra Rupiah.

Phó thống đốc BI Mirza Adityaswara nói rằng hầu hết các nhà xuất khẩu của Indonesia tuân thủ quy định này và 90% doanh thu xuất khẩu của các công ty này đã được cất trong các ngân hàng trong nước. Tuy nhiên, trong số tiền đó, mới chỉ có 15-25% được chuyển đổi sang Rupiah.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng Indonesia thường giữ ngoại tệ của các doanh nghiệp xuất khẩu trong các tài khoản nostro, đồng nghĩa với số tiền này lại được chuyển ra nước ngoài.ng thời gian từ tháng 2-6/2018, dự trữ ngoại hối của Indonesia giảm 12,2 tỷ USD, tương đương giảm 9%. Trong khi đó, đồng Rupiah vẫn mất giá hơn 6% từ đầu năm đến nay. Hiện tỷ giá đồng tiền này đang ở mức thấp nhất gần 3 năm, với 14.460 Rupiah/USD.

BI cho biết mức dự trữ ngoại hối gần 120 tỷ USD ở thời điểm cuối tháng 6 tương đương với hơn 7 tháng nhập khẩu của nước này, cao hơn so với tiêu chuẩn quốc tế về "đủ" dự trữ ngoại hối là tương đương 3 tháng nhập khẩu.(Vneconomy)

Trở về

Bài cùng chuyên mục