Hết tháng 7, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 9 triệu lượt; Phế liệu vào Việt Nam tăng gấp đôi sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu; Đầu tư vào nông nghiệp vẫn khó!
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 29-07-2018
- Cập nhật : 29/07/2018
Hạ viện Mỹ thông qua một số biện pháp hạn chế đầu tư của Trung Quốc
Dự luật mới bao gồm một số biện pháp nhằm kiềm chế đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ và cấm cơ quan chính phủ Mỹ sử dụng công nghệ từ các công ty viễn thông lớn của Trung Quốc.
Hạ viện Mỹ ngày 26/7 đã thông qua một dự luật cho phép chi tiêu quốc phòng ở mức 716 tỷ USD trong tài khóa 2019, trong đó bao gồm một số biện pháp nhằm kiềm chế đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ và cấm cơ quan chính phủ Mỹ sử dụng công nghệ từ các công ty viễn thông lớn của Trung Quốc.
Dự luật do thượng nghị sỹ John S. McCain đệ trình này đã được Hạ viện Mỹ thông qua với tỷ lệ 359-54 phiếu ủng hộ, và sẽ còn phải được Thượng viện phê chuẩn trước khi trình Tổng thống ký ban hành.
Dự luật trên đã tăng cường quyền lực cho Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), nơi xem xét các khoản đầu tư nước ngoài được đề xuất và đánh giá liệu chúng có đặt ra những lo ngại về an ninh quốc gia hay không.
Văn bản pháp lý này cũng quy định sự kiểm soát đối với các hợp đồng mà Chính phủ Mỹ ký với các doanh nghiệp công nghệ ZTE và Huawei của Trung Quốc.
Tuy nhiên, các hạn chế được các nghị sỹ chấp nhận ở dự thảo cuối cùng đã nhẹ hơn nhiều so với dự thảo ban đầu.
Nhà Trắng hoan nghênh việc Hạ viện thông qua dự luật trên. Thư ký báo chí của Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết: "Văn bản trên có các bước đi tích cực, phù hợp với cam kết của chính quyền về việc duy trì một nền tảng công nghiệp quốc phòng mạnh mẽ và kiên định".(Vietnam+)
-----------------
Chính phủ: Đẩy nhanh tiến độ dự án sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Bộ GTVT, UBND TP HCM, UBND tỉnh Đồng Nai cùng các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện 2 dự án quan trọng sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành.
Văn phòng Chính phủ ngày 24-7 đã có thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp ngày 12-7 tại trụ sở Chính phủ về tình hình triển khai lập quy hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất và thực hiện dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Thông báo kết luận nêu rõ việc lập quy hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư mở rộng sân bay cho giai đoạn trước mắt và lâu dài, đảm bảo việc sử dụng có hiệu quả quỹ đất trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất; đồng thời, vừa đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao về vận tải hàng không của khu vực TP HCM trong thời gian chưa có sân bay Long Thành, vừa đảm bảo việc thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ dự án Tân Sơn Nhất - Ảnh: Hoàng Triều
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức rà soát, tính toán lại cụ thể diện tích đất trong khu vực sân bay sử dụng cho các mục đích quốc phòng, an ninh và kinh tế; trên cơ sở đó, xác định cụ thể chức năng của sân bay là sân bay dân dụng đồng thời sử dụng cho mục đích quốc phòng khi cần thiết; từ đó, xác định diện tích đất cần thiết để xây dựng nhà ga dân dụng và nhà ga dùng chung đảm bảo hiệu quả.
Bộ GTVT trao đổi, thống nhất với Bộ Quốc phòng về diện tích đất (hiện do Bộ Quốc phòng quản lý, sử dụng) sẽ được dành cho việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất; đồng thời, tính toán kỹ lưỡng khu vực dùng chung dân dụng và quốc phòng, và việc quản lý, điều hành sân bay đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động hàng không.
Trên cơ sở đó, Bộ GTVT xác định cụ thể chức năng, nhu cầu đầu tư mở rộng sân bay để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không và đảm bảo công suất của sân bay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng phương án bố trí nhà ga đảm bảo tiết kiệm và hiệu quả cao trong việc sử dụng quỹ đất trong khu vực sân bay.
UBND TP HCM phối hợp với Bộ GTVT để rà soát, hoàn thiện phương án quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khu vực sân bay đảm bảo việc đầu tư và khai thác, sử dụng đường giao thông được thuận tiện và bảo vệ môi trường; đồng thời, phối hợp với các cơ quan truyền thông làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng cho người dân, xã hội biết mục đích và ý nghĩa to lớn của việc quy hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất theo đúng tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ.
Trên cơ sở các bộ, ngành đã thực hiện các nội dung công việc nêu trên, Bộ GTVT chỉ đạo rà soát, hoàn thiện quy hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, tổ chức thẩm định và phê duyệt quy hoạch theo quy định.
Để đáp ứng yêu cầu về tiến độ của dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đòi hỏi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng phải được thực hiện khẩn trương.
Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT tập trung đẩy nhanh tiến độ lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, giai đoạn 1 để kịp trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp cuối năm 2019.
Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) và các cơ quan có liên quan tổ chức rà soát lại việc lập quy hoạch đảm bảo kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông cả bên trong và bên ngoài sân bay Long Thành.
Bộ Xây dựng phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức lập quy hoạch xây dựng khu vực sân bay Long Thành làm căn cứ để quản lý, đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ khu vực sân bay đảm bảo hiệu quả.
Bộ TN-MT sớm hoàn thành việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án; phối hợp và hướng dẫn UBND tỉnh Đồng Nai trong triển khai thực hiện công tác thu hồi đất để giải phóng mặt bằng cho dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Hội đồng thẩm định Nhà nước phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ để UBND tỉnh Đồng Nai khẩn trương hoàn chỉnh nội dung bổ sung của báo cáo nghiên cứu khả thi dự án; trên cơ sở đó, Hội đồng thẩm định Nhà nước tổ chức rà soát, hoàn thiện nội dung báo cáo thẩm định trong thời gian sớm nhất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.(NLĐ)
---------------------------
Mỹ-Trung tranh cãi “sặc mùi thuốc súng” tại WTO
Các đại sứ Trung Quốc và Mỹ đã tranh luận gay gắt về mô hình kinh tế của Bắc Kinh tại cuộc họp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ở TP Geneva – Thụy Sĩ hôm 26-7.
Cuộc tranh cãi nảy lửa diễn ra trong bối cảnh hai nước đang đối đầu trong cuộc chiến thương mại hàng tỉ USD. Trong đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tung ra một loạt mức thuế, cáo buộc Trung Quốc không công bằng và đánh cắp sáng kiến, đáp lại Trung Quốc trả đũa vào các mặt hàng nông nghiệp của Mỹ.
Trong báo cáo có tựa đề "Mô hình kinh tế phá hoại thương mại của Trung Quốc" tại cuộc họp WTO, Đại sứ Mỹ Dennis Shea trình bày: "Mặc dù Trung Quốc nhiều lần tự mô tả mình là quốc gia quyết bảo vệ tự do thương mại và hệ thống thương mại toàn cầu nhưng thực tế lại là nền kinh tế bảo hộ, trọng thương nhất trên thế giới".
Đại sứ Mỹ Dennis Shea (phải) trò chuyện với Đại sứ Trung Quốc Zhang Xiangchen hôm 26-7. Ảnh: Reuters
Bên cạnh vấn đề thuế quan, hai bên liên tục công kích đối phương tại cuộc họp khi Washington cho rằng Bắc Kinh gian lận vì có nền kinh tế do nhà nước kiểm soát còn Trung Quốc khẳng định mình tuân thủ các quy tắc đã được thống nhất khi gia nhập WTO vào năm 2001.
Ông Shea cho hay những tác hại từ phương pháp tiếp cận thương mại và đầu tư do nhà nước chi phối của Trung Quốc có thể không còn dung thứ được nữa và không đủ để khẳng định Bắc Kinh tuân theo các quy định của WTO.
Theo đại sứ Mỹ, các doanh nghiệp nhà nước đóng một vai trò rất lớn ở Trung Quốc, trong đó các lãnh đạo quản lý được chính quyền bổ nhiệm và nắm giữ các yếu tố quan trọng như đất đai và vốn.
Ông Shea cho rằng: "Đối với Trung Quốc, cải cách kinh tế có nghĩa là hoàn thiện việc quản lý của chính phủ và đảng Cộng sản đối với nền kinh tế cũng như tăng cường lĩnh vực nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc nhà nước".
Phản ứng, Đại sứ Trung Quốc Zhang Xiangchen cho rằng những phát biểu của ông Shea làm không khí sặc mùi thuốc súng và báo cáo của ông là "nửa vời" khi không có bằng chứng về việc chính phủ Trung Quốc "kiểm soát" các doanh nghiệp.
Nói với Reuters, ông Zhang cho hay Mỹ đang cố buộc Trung Quốc xuống nước nhưng thật là hoang tưởng khi nghĩ rằng Bắc Kinh sẽ hạ mình và chấp nhận những quy tắc của riêng nhóm đối tượng nào đó để bắt tay.(NLĐ)
-----------------------
Lạm phát 1 triệu %, Venezuela xóa 5 số 0 trên tờ tiền
Trong một nỗ lực giải quyết vấn đề lạm phát phi mã, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro cho biết sẽ xóa 5 số 0 trên đồng bolivar.
Cách đây một năm, một tách cà phê ở Venezuela chỉ có giá khoảng 2.300 bolivar. Hiện tại, giá của nó là 2.000.000 bolivar. Để khắc phục vấn đề, chính quyền Venezuela quyết định xóa 5 số 0 trên đồng bolivar thay vì 3 số 0 như kế hoạch ban đầu.
"Giải pháp" nói trên được Tổng thống Maduro thông báo vào tối 25-7 (giờ địa phương). Được biết, nó là một phần của kế hoạch cải cách tiền tệ vốn được lên kế hoạch bắt đầu vào tháng 6 nhưng đã bị hoãn 2 lần. Theo sau giải pháp nói trên, Venezuela sẽ bắt đầu ban hành đồng tiền mới vào tháng 8.
Những tờ "bolívar fuerte" với mệnh giá từ 1.000 đến 100.000 sẽ được thay thế bởi những tờ "bolívar soberano" với mệnh giá từ 2 đến 500. Venezuela cũng sẽ ban hành tiền đồng mới, với một đồng soberano tương đương 100.000 fuertes. Tổng thống Maduro đã hé lộ một vài tờ tiền mới trong lúc phát biểu trên truyền hình.
Tổng thống Maduro chia sẻ những tờ tiền mới. Ảnh: Reuters
Sau cải cách, một tách cà phê nói trên sẽ chỉ có giá khoảng 20 bolívares. Tuy nhiên, tình hình khủng hoảng kinh tế của Venezuela nhiều khả năng sẽ không khá khẩm hơn. Các chuyên gia kinh tế của Venezuela thậm chí còn chỉ trích kế hoạch nói trên của Tổng thống Maduro, nói rằng nó chỉ là một biện pháp tạm thời và không thể giải quyết được bất kỳ vấn đề cốt lõi nào đằng sau cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng mà quốc gia này đang đối mặt.
Đầu năm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán tỉ lệ lạm phát của Venezuela sẽ tăng chóng mặt, từ 2.280% vào năm 2017 đến tận 12.870% vào năm 2018. Tuần này, IMF khẳng định tỉ lệ lạm phát của Venezuela có thể chạm mức một triệu phần trăm, tương đương khủng hoảng tại Đức vào những năm 1920 và tại Zimbabwe vào những năm 2000 (NLĐ)