tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 08-05-2016

  • Cập nhật : 08/05/2016

Kinh tế Eurozone tăng trưởng trở lại, lợi hại hơn Mỹ

Nền kinh tế các nước khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng trưởng trở lại. Đáng mừng hơn là tăng trưởng của các nước này được cho là năng động hơn cả Mỹ (chỉ đạt 0,12%) và Anh (chỉ đạt 0,4%) trong cùng thời điểm. 

Số liệu do Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố mới đây cho thấy GDP trong quý I-2016 của Eurozone đã tăng 0,6%, cao gấp hai lần so với quý IV-2015. Dù con số này vẫn thấp nhưng có một thực tế chắc chắn là Eurozone đã lấy lại được quy mô kinh tế như trước khủng hoảng, điều Mỹ đã làm từ năm 2011. Trang sử suy thoái đau đớn cuối cùng đã được lật qua mặc dù các nước trong Eurozone vẫn giữ lại những "vết sẹo" của đợt suy giảm kinh tế mạnh mẽ được ghi nhận năm 2009 (là -4,5%) khiến tỷ lệ thất nghiệp dài hạn bùng nổ và nợ xấu của nhiều nước (như Hy Lạp hay Italy) tăng mạnh. Pháp và Tây Ban Nha đã làm tốt hơn sự trông đợi của các nhà phân tích khi GDP tăng tương ứng 0,5% và 0,8% trong quý I-2016. Theo ước tính của Ngân hàng Pictet (Thụy Sĩ), GDP của Đức (dự kiến công bố vào ngày 13-5 tới) sẽ tăng khoảng 0,6%, và của Italy là 0,3%. 

Các chỉ số trên cho thấy "đầu tàu chủ chốt" của tăng trưởng châu Âu trong quý I-2016 là nhu cầu nội địa. Tại Pháp, nước duy nhất đã công bố chi tiết tỷ trọng của các thành phần kinh tế, chi tiêu của các hộ gia đình đã phục hồi mạnh mẽ, tăng tới 1,2% sau khi chứng kiến sự sụt giảm 0,1% trong quý IV-2015- một phần do tác động của vụ tấn công khủng bố ở Paris ngày 13-11-2015. Bức tranh cũng có những gam màu sáng tương tự tại Đức, Italy hay Tây Ban Nha. Ở hầu hết các nước này, nhu cầu nội địa đã tranh thủ được những làn gió mát lành. Sự cải thiện của thị trường lao động đã hỗ trợ tiêu dùng của các hộ gia đình. Vào tháng 3-2016, tỷ lệ thất nghiệp ổn định ở mức 10,2% trong Eurozone, so với mức 10,4% trong tháng 2. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 8-2011. Trong toàn EU, thất nghiệp đã giảm từ 8,9% còn 8,8%. Cũng cần lưu ý là thất nghiệp đã giảm ở 25/28 nước thành viên. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn cao ở một số nước như Hy Lạp (24,4%) và Tây Ban Nha (20,4%). Một số nước khác như Đức hay CH Czech đã giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 4,2% và 4,1%. 

Tiêu dùng trong Eurozone cũng được hỗ trợ mạnh bởi giá dầu thấp. Tháng 4 vừa qua, lạm phát giảm 0,2%, chủ yếu bắt nguồn từ giá năng lượng giảm mạnh (8,7%). Nếu sự sụt giảm này gây lo ngại về nguy cơ "giảm phát kiểu Nhật Bản", trong ngắn hạn lại có tác dụng hỗ trợ sức mua của các hộ gia đình ở châu Âu. Đặc biệt, nó khẳng định sự cần thiết phải tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ mà Ngân hàng Trung ương châu Âu đang tiến hành. Nhờ đó, doanh nghiệp cũng như hộ gia đình trong Eurozone có thể tranh thủ được lãi suất vay cực thấp. Các yếu tố trên đã bù đắp cho sự yếu kém của ngành ngoại thương.

Tuy nhiên, chuyên gia về Eurozone của Capital Economics, ông Jonathan Loynes cảnh báo “ít khả năng nhu cầu nội địa sẽ tiếp tục nhận được hỗ trợ mạnh tương tự trong quý II-2016” bởi tác động tích cực của việc giảm giá các loại nguyên liệu đầu vào sẽ chậm lại. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy niềm tin của giới lãnh đạo doanh nghiệp bắt đầu giảm. Nhiều rủi ro chính trị có thể xuất hiện, đe dọa niềm tin, yếu tố cần thiết cho sự phục hồi bền vững của đầu tư và tuyển dụng lao động. Trong những tháng tới sẽ xuất hiện nhiều sự kiện có tầm ảnh hưởng lớn, có khả năng gây bất ổn cho Eurozone. Ngoài cuộc khủng hoảng người di cư và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, các con mắt đang đổ dồn vào cuộc trưng cầu dân ý về việc đi hay ở lại EU của nước Anh vào ngày 23-6 tới. Nếu kịch bản "Brexit" không gây ra những hậu quả trực tiếp mạnh mẽ tới Eurozone thì cũng có khả năng phát động một cuộc khủng hoảng chính trị và hậu quả là không thể lường trước. Vấn đề này sẽ gieo rắc bầu không khí lo ngại đè nặng lên tương lai của EU, làm ảnh hưởng tới sức năng động của phục hồi kinh tế. Thêm vào đó là cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn tại Tây Ban Nha (trong tháng 6 tới) hay sự bế tắc của các cuộc đàm phán giữa Athens và các chủ nợ vì cho đến nay vẫn chưa nhất trí về chi tiết "chương trình cải tổ" mà Hy Lạp phải thực hiện. 

Các sự kiện chính trị này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tăng trưởng của Eurozone? Theo kịch bản bi quan nhất, các chuyên gia kinh tế nhận định GDP của cả khu vực sẽ tăng từ 1,4 đến 1,8% trong năm 2016 và sẽ thấp hơn Mỹ. Bất chấp những thất vọng trong quý I-2016, kinh tế Mỹ sẽ đạt mức tăng trưởng 2,5% trong năm nay- theo dự đoán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.(HQ)


Doanh nghiệp ngày càng teo tóp vì rào cản

Những ý kiến được nêu tại cuộc gặp giữa Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp tuần qua cho thấy, bức tranh toàn cảnh về kinh doanh của doanh nghiệp Việt đang “trĩu” những gánh nặng vô hình. Sự nhũng nhiễu và các chi phí “bên lề” khiến doanh nghiệp Việt ngày càng teo tóp.

DN phải một cổ nhiều tròng

Về những kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, trao đổi với PV Tiền Phong mới đây, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, một trong những điểm khiến cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh tại Việt Nam luôn bức xúc chính là chậm đổi mới môi trường kinh doanh.

Theo ông Thành, những vấn đề cũ luôn được các doanh nghiệp nêu ra tại các cuộc gặp, đối thoại của Thủ tướng hay lãnh đạo các bộ, ngành với doanh nghiệp chính là bên cạnh việc phải thực hiện nghĩa vụ về thuế với nhà nước, doanh nghiệp còn phải chịu các loại thuế phí phát sinh từ các “giấy phép con”, những quy định kiểu “lệ làng”. Đây chính là những rào cản vô hình cho sự phát triển của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, đổi mới, tạo dựng môi trường kinh doanh ngày càng thông thoáng hơn là vấn đề cũ được đề cập nhiều thời gian qua. Tuy nhiên, doanh nghiệp, hiệp hội càng kêu nhiều thì dường như giấy phép con ngày càng nhiều hơn. Điều này cho thấy có khoảng cách giữa nói và làm trong tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển.

Cũng theo ông Ánh, cải cách hành chính đã làm khá nhiều nhưng mới là những cải cách liên quan đến thủ tục, trong khi bộ máy và con người không có biện pháp thay đổi. “Thực tế hiện nay doanh nghiệp đang trong cảnh một cổ nhiều tròng, bất cứ cơ quan quản lý nào cũng có thể nhảy vào kiểm tra theo các lĩnh vực mình phụ trách. Vì vậy mới có tình trạng một năm doanh nghiệp phải đón cả chục đoàn vào thanh, kiểm tra. Để bỏ tình trạng này, cần có quy định kết quả kiểm tra 1 doanh nghiệp phải được sử dụng chung và chia sẻ cho các cơ quan khác”, ông Ánh nói.

Theo chuyên gia này, cần có cơ chế để xử lý những cán bộ mà các doanh nghiệp đã “chỉ tận tay day tận trán” về hành vi nhũng nhiễu hay tham nhũng vặt. Thay đổi môi trường cạnh tranh bản chất là cải cách bộ máy hành chính. Để làm được cần phân định rõ quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc giám sát cũng như hỗ trợ doanh nghiệp, không để tình trạng khi bị doanh nghiệp tố thì lại phủi tay!

Giảm thiểu những gánh nặng vô hình

Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt để giảm mạnh rủi ro và chi phí, để bảo đảm an toàn và “khoan sức” cho doanh nghiệp là ý kiến của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI).

“Trước mắt, với gần 6.000 điều kiện kinh doanh, đến ngày 1/7 tới cần công bố đầy đủ điều kiện đối với từng ngành nghề trên Cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật đầu tư để mọi người dân, doanh nghiệp biết và tuân thủ. Trong quá trình rà xét các giấy phép, điều kiện kinh doanh nói riêng và cải cách thủ tục hành chính nói chung, nên tham khảo kinh nghiệm của các nền kinh tế dẫn đầu ASEAN, hạn chế tối đa các kẽ hở cho công chức lợi dụng nhũng nhiễu, tham nhũng vặt”.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI

 

Ông Lộc đơn cử: Các doanh nghiệp trong nước đang phải gánh chịu chi phí của cả các khoản nợ xấu của hệ thống ngân hàng cũng như nợ công của Chính phủ. Nếu mức lãi suất thực hợp lý của người gửi tiền khoảng 2% và mức chênh lệch lãi suất huy động và cho vay hợp lý của hệ thống ngân hàng khoảng 2-3%, mặt bằng lãi suất hiện nay cần giảm thêm 2% nữa mới về mức hợp lý.

“Chính phủ nên đặt mục tiêu cụ thể giảm lãi suất thực 1-2% trong năm tới cùng với việc giải quyết nợ xấu một cách thực chất. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần triển khai gói hỗ trợ từ tái cấp vốn với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường 2-3% cho doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ theo định hướng trọng tâm của Chính phủ, tương tự như gói 30.000 tỷ cho nhà ở xã hội”, ông Lộc đề xuất.

Ngoài ra, theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, cần phải xem lại cơ chế ưu đãi đầu tư trong thu hút FDI ở các địa phương như hiện nay. Việc mở cửa ưu đãi ồ ạt về thuế phí, đất đai, cơ hội tiếp cận và tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp ngoại cũng là đón giáng làm suy yếu sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp trong nước đang bị yếu thế rất nhiều. Như lãi suất hiện nay phải vay ở mức 10%/năm, trong khi các doanh nghiệp ngoại nếu vay vốn nước ngoài chỉ phải trả lãi suất 1-2%/năm. Riêng phần chênh lãi suất này cũng khiến doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh được.

“Chính phủ cần tính tới xây dựng nguồn thu bền vững thông qua tạo dựng cơ chế để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Khi doanh nghiệp có nguồn thu, các khoản đóng góp cho ngân sách sẽ gia tăng. Chừng nào doanh nghiệp còn khó khăn mà tập trung tăng thu thì khác gì con gà chưa có trứng nhưng vẫn bị ép phải lấy trứng”, ông Thành nói.


Him Lam khởi công dự án 5.000 tỷ đồng tại Hải Phòng

Sáng nay (7/5), Công ty cổ phần Him Lam chính thức khởi công 2 dự án khu du lịch - nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Dấu, tại quận Đồ Sơn, Thành phố Hải Phòng.

Dự án Khu du lịch - nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Dấu do Công ty cổ phần Him Lam làm chủ đầu tư có diện tích 100 ha, tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: vui chơi giải trí, khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, bãi tắm, cáp treo và các công trình phụ trợ.

Dự án bao gồm 2 hợp phần, gồm: Khu du lịch - nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Dấu nằm tại khu vực đảo Hòn Dấu và khu hậu cần du lịch - nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Dấu, tại khu vực Vụng Xéc. Được phát triển trên cơ sở lấn biển, dự án có hạng mục cáp treo nối với đất liền từ khu Vụng Xéc đến đảo Hòn Dấu dài khoảng 2 km.

thu tuong chinh phu nguyen xuan phuc cung lanh dao hairi phong, chu dau tu bam nut khoi cong du an.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Hairi Phòng, chủ đầu tư bấm nút khởi công dự án.

Không gian của toàn bộ 2 dự án khu du lịch – nghỉ dưỡng Hòn Dấu bao phủ 4 khu vực là Vụng Xéc, đảo Hòn Dấu, khu vực xây dựng tuyến cáp treo nối bán đảo Đồ Sơn với đảo Hòn Dấu và khu vực mở. Dự án khu du lịch – nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Dấu có quy mô 49,7 ha, phía Bắc giáp dự án Khu hậu cần du lịch - nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Dấu và 1 phần đảo Hòn Dấu hiện hữu, phía Nam, Đông và Tây đều giáp biển, là khu du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp.

“Tại đây, sẽ xây dựng khu công viên nước, khu vui chơi giải trí và khu căn hộ - khách sạn trong đó diện tích xây dựng lớn nhất là khu vui chơi (trên 14,6ha). Khu này có bãi tắm và mặt nước biển được bố trí thành 02 vịnh, 01 vịnh tiếp giáp khu căn hộ - khách sạn; 1 vịnh tiếp giáp với khu vui chơi giải trí. Dự án còn có vùng mặt nước xung quanh khu vực với chức năng là vùng mặt nước cảnh quan. Dự án khu hậu cần du lịch – nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Dấu bao phủ không gian gồm một phần đất liền, một phần mặt biển phía Tây khu Vụng Xéc và một phần đảo Hòn Dấu”. Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Him Lam cho biết.

Phát biểu tại Lễ khởi công, ông Lê Văn Thành, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng đánh giá cao quyết định của lãnh đạo Công ty cổ phần Him Lam khi đầu tư vào đảo Hòn Dấu, với ý tưởng xây dựng một khu nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí cao cấp trên cơ sở lấn biển, giữ nguyên hiện trạng của đảo Hòn Dấu. Dự án có ý nghĩa quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển du lịch còn chưa thực sự năng động của Hải Phòng. Ông Thành cũng đề nghị Công ty cổ phần Him Lam khi xây dựng cần chú trọng đến bảo vệ môi trường, đặc biệt môi trường biển cũng như không được chặt phá rừng, bảo vệ những nét đẹp riêng có của Hòn Dấu, để Hòn Dấu mãi đẹp và thu hút du khách.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Hải Phòng có nhiều công trình lớn, phục vụ nhân dân và phát triển kinh tế xã hội; biểu dương lãnh đạo Thành phố đã năng động, làm nhiều việc để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. “Chúng ta cần nhiều công trình cho nhân dân, cho xã hội, để thúc đẩy kinh tế phát triển”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng nêu rõ quan điểm coi kinh tế - xã hội – môi trường là tam giác phát triển, trong quá trình phát triển kinh tế thì phải quan tâm chăm lo an sinh xã hội, coi trọng bảo vệ môi trường.

Với tinh thần này, Thủ tướng mong muốn chủ đầu tư trong quá trình triển khai dự án, cần tránh gây ô nhiễm môi trường, chặt phá rừng, bảo vệ những nét đẹp riêng có của Hòn Dấu, để Hòn Dấu mãi đẹp và thu hút du khách.

Với Hải Phòng, Thủ tướng cho rằng, Thành phố cần coi trọng thúc đẩy sản xuất công nông - nghiệp và phát triển dịch vụ. Hải Phòng có tiềm năng lớn về du lịch, nên cần khai thác lợi thế này, trong đó, cần lưu ý xây dựng thương hiệu du lịch, thể chế, chính sách cho phát triển du lịch và huy động cộng đồng cùng làm du lịch.

Thủ tướng nhấn mạnh, sắp tới sẽ có hội nghị lớn về phát triển du lịch, tại đó, sẽ có thêm những kinh nghiệm quý cho Hải Phòng để phát triển ngành kinh tế mũi nhọn này.


Quan niệm sai về công nghiệp hỗ trợ?

Quan niệm sai về công nghiệp hỗ trợ?
Sự xuất hiện của các tổ hợp sản xuất, lắp ráp điện tử của Samsung, LG Electronics, Foxconn hay cả tổ hợp lắp ráp ô tô của tập đoàn trong nước như Trường Hải trong những năm qua đã góp phần thay đổi nền kinh tế của VN. Nhưng với kinh nghiệm của một người đã gắn bó với ngành công nghiệp hỗ trợ hơn 20 năm, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty TNHH Thăng Long Tech, lại không coi đó là một tín hiệu của sự phát triển bền vững.

Ông Tuấn chia sẻ, những nhà máy lắp ráp đó mới chỉ là bề nổi của nền công nghiệp và không tạo ra giá trị gia tăng nhiều. Còn bề chìm, như người ta vẫn thường gọi là công nghiệp hỗ trợ, tức là các nhà máy sản xuất linh phụ kiện hoặc nguyên liệu đầu vào, lại chưa mấy phát triển ở VN.

Chính và phụ

“Có thể nói VN là một trong những nước khỏe nhất thế giới về lắp ráp, nhưng kinh tế lại rất yếu. Vấn đề vì gia tăng thấp, công nghiệp hỗ trợ không có. Cái đem lại giàu có cho đất nước nằm ở công nghiệp hỗ trợ chứ không phải mấy cái ông to đùng to đoàng lắp ráp đâu,” ông Tuấn nhấn mạnh và cho rằng các nhà làm chính sách dường như đang hiểu sai về nền công nghiệp này khi cho rằng đây là “phụ” còn lắp ráp hoàn thiện ra sản phẩm cuối cùng mới là “chính”.

Hơn 20 năm gắn bó với việc kinh doanh thương mại và nay là cả sản xuất thiết bị máy móc tự động hóa, ông Tuấn kể rằng cũng có những lúc “hoang mang” vì cảm thấy Nhà nước chả ủng hộ lĩnh vực sản xuất linh phụ kiện. Đôi lúc ông còn nghĩ “có ít tiền rồi đi làm cái khác thôi, chứ chờ đến lúc có chính sách ủng hộ hỗ trợ thì khó lắm.”

Có lẽ cũng chính vì quan niệm về vai trò công nghiệp hỗ trợ sai mà trong suốt nhiều năm qua, những doanh nhân cảm thấy hoang mang như ông Tuấn khi tiến hành kinh doanh sản xuất các linh phụ kiện công nghiệp không phải là ít. Dù rằng hiện tại chính sách ưu đãi và hỗ trợ cho các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đã được Bộ Công thương ban hành, nhưng đại diện của Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội mới đây cũng thừa nhận rằng chưa đủ hấp dẫn và sức nặng để giúp các DN phát triển

Ngành công nghiệp hỗ trợ: Cuộc chơi không “bảo hộ” Để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thực sự mạnh Bao giờ ngành công nghiệp hỗ trợ hết “vật vã” vì vốn?

Có thể nói những yêu cầu thực tế và khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác cung cấp linh kiện từ chính các nhà đầu tư nước ngoài như Samsung hay Canon đã cho thấy tầm quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ. Trong suốt những năm qua, việc thiếu các cơ sở sản xuất linh kiện, máy móc cho ngành công nghiệp ô tô đã buộc các tập đoàn ô tô nước ngoài lựa chọn Thái Lan và Indonesia làm trung tâm sản xuất ở Đông Nam Á thay vì VN.

Chính sách ưu đãi ngành công nghiệp hỗ trợ của VN chưa đủ hấp dẫn và sức nặng để giúp các DN phát triển.

Nền tảng của công nghiệp hỗ trợ

Trong một lần trả lời báo chí, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, ông Trần Đình Thiên cũng từng nêu ý kiến rằng nền tảng của sản xuất công nghiệp chính là công nghiệp hỗ trợ. Chuyên gia kinh tế nổi tiếng này cho rằng VN chưa có nền công nghiệp hỗ trợ theo đúng nghĩa như là một hệ thống, và nguyên nhân cũng xuất phát từ quan niệm sai lầm về vai trò của ngành công nghiệp này.

Ông Thiên đưa ra ví dụ đối với Nhật Bản, ngành công ngiệp hỗ trợ chiếm 80% giá trị sản xuất công nghiệp. “Cần có cách hiểu đúng, tư duy đúng về công nghiệp hỗ trợ. Cần hiểu đúng chức năng, đánh giá đúng vị trí của công nghiệp hỗ trợ thì lúc đó chúng ta mới có một chính sách, chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ phù hợp,” ông Thiên nói.

Nhưng mặc dù gọi là công nghiệp hỗ trợ, nhưng ông cũng nhấn mạnh cần phải coi đó là lực lượng chủ yếu để tạo ra giá trị công nghiệp. Và trên hết, công nghiệp hỗ trợ không đồng nghĩa với các hoạt động công nghiệp dựa trên công nghệ thấp, mà trái lại, do là nền tảng của nền công nghiệp hiện đại, nên về cơ bản, đây phải là những ngành hoạt động dựa trên công nghệ và lao động kỹ năng cao.


Woojin đầu tư 247 triệu USD xây nhà máy điện gió ở Trà Vinh

Nhà đầu tư Woojin Construction Co.Ltd (Hàn Quốc) đã được chấp thuận đầu tư hơn 247 triệu USD để triển khai giai đoạn II Nhà máy Điện gió Hàn Quốc - Trà Vinh.

Woojin Construction Co.Ltd (Hàn Quốc) đã được UBND tỉnh Trà Vinh chấp thuận để triển khai tiếp giai đoạn II Dự án Nhà máy Điện gió Hàn Quốc - Trà Vinh.

Dự án có vốn đầu tư hơn 4.952 tỷ đồng (tương đương hơn 247,6 triệu USD), dự kiến được xây dựng tại thị xã Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh) trên diện tích 2.445 ha mặt nước và 2,5 ha mặt đất, công suất 96 MW, bao gồm 48 tuabin gió, công suất mỗi tuabin 2 MW, sản lượng hơn 332.438 MWh/năm.

Trước dự án này, Woojin đã đầu tư xây dựng Nhà máy Điện gió Hàn Quốc - Trà Vinh giai đoạn I. Dự án có công suất thiết kế 48 MW với tổng vốn đầu tư 130 triệu USD (tương đương 2.800 tỷ đồng).

tra vinh da quy hoach 6 du an nha may dien gio tai 6 bai boi ven bien thuoc huyen duyen hai va thi xa duyen hai.

Trà Vinh đã quy hoạch 6 dự án nhà máy điện gió tại 6 bãi bồi ven biển thuộc huyện Duyên Hải và thị xã Duyên Hải.

Giai đoạn I của Dự án được cấp chứng nhận đầu tư từ tháng 6/2015, dự kiến đến tháng 2/2017, đi vào hoạt động, tạo sản lượng điện hơn 173.000 MWh/năm.

Cả hai dự án này của Woojin đều nằm trong quy hoạch phát triển điện gió đến năm 2020, có xét đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 công suất lắp đặt của Trà Vinh đạt khoảng 270 MW, sản lượng điện gió tương ứng 634 triệu kWh.

Hiện tại, Trà Vinh đã quy hoạch 6 dự án nhà máy điện gió tại 6 bãi bồi ven biển thuộc huyện Duyên Hải và thị xã Duyên Hải; trong đó, có 3 nhà máy tại xã Trường Long Hòa, 2 nhà máy tại xã Hiệp Thạnh và 1 nhà máy tại xã Đông Hải.

Trà Vinh không phải là địa phương duy nhất trong cả nước ưu tiên phát triển điện gió. Ninh Thuận, Bình Thuận cũng quy hoạch phát triển nhiều dự án điện gió và cũng đã có rất nhiều nhà đầu tư đến nghiên cứu, đề xuất các dự án điện gió quy mô hàng trăm triệu USD.

Mới đây nhất, tháng 4/2016, UBND tỉnh Ninh Thuận đã phải hủy bỏ chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy điện gió tại hai huyện Ninh Phước và Thuận Nam đối với nhà đầu tư IMPSA Singapore Pte. Lý do là nhà đầu tư đã vi phạm tiến độ hoàn tất thủ tục, hồ sơ đăng ký đầu tư theo các cam kết được đưa ra từ năm 2011, khi UBND tỉnh Ninh Thuận chấp thuận chủ trương đầu tư cho IMPSA.

Không chỉ IMPSA, phần lớn các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đều chậm tiến độ, chưa được triển khai. Một trong những nguyên nhân cơ bản là vì giá bán điện gió hiện khá thấp, kể cả có trợ giá của Chính phủ cũng chỉ là 7,8 Uscent/kWh. Với mức giá này, thì sẽ không đem lại hiệu quả kinh tế cho nhà đầu tư.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục