tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 29-07-2018

  • Cập nhật : 29/07/2018

Kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh nhất trong gần nửa thập kỷ

Kinh tế Mỹ đã tăng trưởng vượt bậc trong quý II/2018, đạt mức 4,1%. Đây là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất của nền kinh tế số một thế giới trong 4 năm qua.

Tổng thống Mỹ Donald Trump dự báo nền kinh tế "xứ cờ hoa" sẽ bứt tốc nhờ các chính sách kinh tế mới của chính phủ. TTXVN phát

Động lực cho đà tăng trưởng này là việc người tiêu dùng bắt đầu chi tiêu các khoản tiền có được từ chính sách giảm thuế của chính phủ, trong khi các nhà xuất khẩu nỗ lực cung ứng sản phẩm trước khi "cuộc chiến" áp thuế giữa Mỹ và nhiều quốc gia khác chính thức khai hỏa.

Thông báo ngày 27/7 của Bộ Thương mại Mỹ nhấn mạnh Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã đạt mức tăng ấn tượng nhất kể từ sau mốc tăng trưởng 4,9% ghi nhận được trong quý III/2014.

Tổng thống Mỹ Donald Trump dự báo nền kinh tế "xứ cờ hoa" sẽ bứt tốc nhờ các chính sách kinh tế mới của chính phủ. Trong khi đó, giới chuyên gia tỏ ra khá thận trọng khi nhận định tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý II vừa qua thiếu tính bền vững, vì những số liệu tích cực này có được nhờ các yếu tố mang tính tạm thời.

Tuy nhiên, họ cũng dự báo hai quý cuối năm sẽ chứng kiến nhiều tín hiệu khả quan, với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ vào khoảng 3%.(Bnews)
-------------------------

7 tháng thêm 13,2 tỉ USD vốn FDI đổ vào Việt Nam

Nguồn vốn mới đổ vào do xuất hiện của các dự án FDI quy mô lớn.

Số liệu do Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) công bố ngày 26.7 cho thấy từ tháng 1 - 7.2018 đã có 1.656 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký cấp mới là 13,2 tỉ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Nguồn vốn mới đổ vào do xuất hiện của các dự án FDI quy mô lớn, như: dự án thành phố thông minh, vốn đầu tư 4,138 tỉ USD; dự án Nhà máy sản xuất polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại VN, vốn đầu tư 1,201 tỉ USD; dự án Lotte Mall Hà Nội 600 triệu USD...

Ngoài vốn đăng ký mới, còn có 627 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm 4,95 tỉ USD, bằng 84,2% so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, còn có 3.331 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp gần 4,79 tỉ USD, tăng 53,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Như vậy, tính chung từ tháng 1 - 7.2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 22,94 tỉ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, vốn giải ngân vẫn có xu hướng tích cực, đạt 9,85 tỉ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 7 tháng, Nhật Bản vẫn giữ vững ngôi đầu bảng về vốn đăng ký FDI, Hàn Quốc đứng thứ hai và Singapore đứng vị trí thứ 3.(Thanhnien)
------------------------------

Doanh nghiệp Singapore đua nhau đầu tư sang Việt Nam

Khoảng 77% doanh nghiệp Singapore cho biết có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài, trong đó Việt Nam là một trong ba điểm đến hàng đầu của nhà đầu tư Singapore.

Đây là kết quả khảo sát do Liên đoàn Doanh nghiệp (DN) Singapore thực hiện theo ủy quyền của Ngân hàng HSBC và do HSBC Việt Nam công bố ngày 26-7.

Theo đó, Việt Nam là điểm đến thu hút đối với các DN Singapore có kỳ vọng mở rộng hoạt động ra thị trường quốc tế. Khoảng 76% DN được hỏi cho biết họ đã hoạt động tại thị trường Việt Nam (tỉ lệ cao chỉ đứng sau Malaysia, Indonesia và Thái Lan) và 30% DN kỳ vọng mở rộng hoạt động hơn nữa tại thị trường Việt Nam trong 2 năm tới (chỉ sau Indonesia, Malaysia).

Hoạt động đầu tư, thương mại tăng cao từ Singapore là tín hiệu tốt đối với Việt Nam do nước này vốn đã là một trong những thị trường mang lại nguồn vốn đầu tư cao nhất vào thị trường Việt Nam.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm, Singpore đứng ở vị trí thứ 3 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký 2,73 tỉ USD, chiếm 11,9% tổng vốn đầu tư.

Doanh nghiệp Singapore đua nhau đầu tư sang Việt Nam - Ảnh 1.

VSIP là dự án thành công tiêu biểu của nhà đầu tư Singapore tại Việt Nam. Ảnh: VSIP

Đầu tư từ Singapore vào Việt Nam đến từ các DN bản địa cũng như từ nhiều công ty quốc tế. Trong số 37.400 DN quốc tế tại Singapore, có 7.000 công ty là công ty đa quốc gia.

Một nghiên cứu trên cũng chỉ ra tổng vốn đầu tư từ các DN tại Singapore vào thị trường ASEAN đến năm 2020 được kỳ vọng sẽ tăng, trong đó Việt Nam là một trong những thị trường chính. Thị trường tiêu dùng đang tăng trưởng và môi trường đầu tư cải thiện của Việt Nam là những yếu tố chính dẫn đến các kế hoạch mở rộng đầu tư của DN Singapore.

Ông Winfield Wong, Giám đốc toàn quốc Khối dịch vụ ngân hàng DN của HSBC Việt Nam, cho biết các DN Singapore đánh giá cao đà tăng trưởng của thị trường tiêu dùng tại Việt Nam và đang có nhiều DN tìm kiếm cơ hội tiếp tục mở rộng hoạt động tại thị trường này.

"Ngoài lĩnh vực tiêu dùng, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam cũng đang phát triển ở một tầm cao hơn. Và nhiều công ty đặt trụ sở, khối văn phòng hỗ trợ tại Singapore nhưng các hoạt động tạo ra lợi nhuận lại đang được vận hành tại Việt Nam. Xu hướng này được kỳ vọng phát triển hơn nữa khi thị trường Việt Nam ngày càng tăng trưởng về chuỗi giá trị và cung ứng" - ông Winfield Wong nhận xét.

Hầu hết các DN nhỏ và vừa có trụ sở tại Singapore đang thâm nhập hoặc mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam, đều đang hoặc sẽ tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Việt Nam. Khảo sát cho thấy hơn 63% DN được hỏi có một nhà phân phối hoặc một đối tác liên doanh tại Việt Nam.

Do đó, theo các chuyên gia, cơ hội cho DN Việt trong hợp tác với nhà đầu tư Singapore là rất lớn. Các DN Việt cần chủ động kết nối với mạng lưới các thị trường quốc tế, tiếp cận các DN nhỏ và vừa tại Singapore đang có kế hoạch mở rộng kinh doanh…(NLĐ)
---------------------

Áp lực với tiền đồng khi Trung Quốc liên tục phá giá nhân dân tệ

Phá giá tiền đồng có thể vô tình "cứu" Trung Quốc trong cuộc chiến với Mỹ nhưng đẩy Việt Nam rơi vào vòng xoáy căng thẳng tiền tệ.

VND lên giá như thế nào so với NDT?

Tuần qua, đồng nhân dân tệ (NDT) đã có lúc đánh dấu mức giảm hơn 5,5% so với đôla Mỹ (USD) tính từ đầu năm đến nay. Còn nếu chỉ tính riêng từ đầu quý II đến nay, NDT đã giảm giá hơn 10%, mức biến động rất mạnh trong nhiều năm trở lại đây.

Ngược lại, tiền đồng (VND) chịu nhiều áp lực nhưng vẫn được xem là đồng tiền ổn định nhất trong khu vực. So với đầu năm nay, tỷ giá trung tâm USD/VND chỉ tăng 1%. Có nghĩa là, tiền đồng mất giá so với USD chỉ bằng một phần năm so với sự mất giá của NDT với USD. Trên thị trường liên ngân hàng và tự do, tỷ giá có điều chỉnh mạnh hơn nhưng cũng chỉ giảm giá từ 2-3%.

Tính từ đầu năm, đồng nhân dân tệ đã giảm hơn 5% so với đôla Mỹ. Ảnh: Reuters.

Nhưng khi NDT liên tiếp giảm giá so với USD, tiền đồng cố gắng duy trì sự ổn định, dẫn tới hệ quả tiền đồng đã tăng giá đáng kể so với nhân dân tệ. Theo tỷ giá tính chéo cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước, một nhân dân tệ hiện nay chỉ đổi được 3.351 đồng, trong khi hồi đầu năm đổi được 3.419 đồng, tức tiền đồng đã tăng giá đến 2% so với nhân dân tệ trong gần 7 tháng qua. Còn nếu so với tháng 4, thời điểm đồng nhân dân tệ lên giá cao nhất so với đôla Mỹ, tiền đồng đã tăng giá hơn 6,3% so với nhân dân tệ chỉ trong vòng 3 tháng.

Ảnh hưởng đến thương mại và du lịch

Việc tiền đồng tăng giá so với nhân dân tệ khó tránh khỏi và gây ra những ảnh hưởng lên nền kinh tế Việt Nam.

Thứ nhất, thương mại với Trung Quốc có thể thâm hụt nặng nề hơn, khi mà hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam rẻ hơn, ngược lại hàng Việt Nam xuất sang Trung Quốc có thể mất lợi thế cạnh tranh do giá trở nên đắt hơn. Một báo cáo hồi tháng 5 năm nay của Bộ Tài chính cho thấy, từ năm 2013 đến quý I/2018, Việt Nam đã thâm hụt thương mại với Trung Quốc lên đến 150 tỷ USD, và chỉ riêng trong năm 2017, con số này là 23,2 tỷ USD.

Thống kê cũng cho thấy, xu hướng thâm hụt thương mại với Trung Quốc có tốc độ tăng ngày càng nhanh trong những năm qua và dự kiến khó có thể giải quyết. Nếu NDT tiếp tục giảm giá, áp lực nhập siêu từ Trung Quốc sẽ càng nặng nề. Điều này có thể khiến các doanh nghiệp nội địa Việt Nam phải chịu cạnh tranh quyết liệt hơn ngay trên sân nhà.

Tuy nhiên, những doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào từ Trung Quốc có thể sẽ được lợi nhờ chi phí đầu vào giảm xuống. Thế nhưng, cái giá mà nền kinh tế chung phải trả là lớn hơn rất nhiều.

Với du lịch, tiền đồng lên giá so với nhân dân tệ có thể kích thích du lịch từ Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh nhờ chi phí rẻ hơn, ngược lại khách du lịch Trung Quốc vào Việt Nam có thể bị ảnh hưởng. Hiện tại, Trung Quốc vẫn chiếm hơn 32,5% tổng khách du lịch đến Việt Nam. Do đó, nếu lượng khách từ quốc gia đông dân nhất thế giới này sụt giảm cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến nguồn thu du lịch và các sản phẩm dịch vụ khác đi kèm.

Tác động đến đầu tư

Nhân dân tệ giảm giá mạnh càng kích thích dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh rủi ro tỷ giá, cả vốn đầu tư trực tiếp lẫn đầu tư gián tiếp. Ngay cả các doanh nghiệp Trung Quốc cũng tăng mạnh đầu tư vào Việt Nam trước sự ổn định của tiền đồng, cũng như tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam đã ký kết gần đây, đặc biệt là để tránh các hàng rào thuế quan trong cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra.

Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã thu hút 1.366 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt gần 11,8 tỷ USD. Vốn đầu tư từ Trung Quốc đã vươn lên xếp thứ 6 trong số các quốc gia đầu tư FDI vào Việt Nam với 328 triệu USD, nhưng nếu xét theo số dự án thì Trung Quốc xếp thứ 3 chỉ sau Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngoài ra, nếu cộng thêm dòng vốn từ đặc khu hành chính Hồng Kong, số dự án là 228 xếp thứ hai chỉ sau Hàn Quốc và giá trị vốn là 722 triệu USD, xếp thứ 3, vượt qua Thái Lan và Singapore.

Tuy nhiên, dòng vốn này có thể bị chững lại nếu như tiền đồng không thể duy trì sự ổn định. Với những áp lực lên tỷ giá quá lớn trong những ngày qua, Ngân hàng Nhà nước đã có một số can thiệp để giải tỏa áp lực cho thị trường, không chỉ từ việc bán ra ngoại tệ mà gần nhất là tăng giá bán USD tại Sở giao dịch. Động thái này châm ngòi đẩy giá mua bán tại các ngân hàng cũng như trên thị trường tự do trong những ngày đầu tuần.

Phá giá tiền đồng tương ứng với nhân dân tệ có thể tránh thiệt hại quá lớn về thương mại nhưng nhà điều hành nên cẩn trọng bởi động thái này có thể làm chững lại dòng vốn đang dịch chuyển vào Việt Nam, từ đó vô tình “cứu” Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và cũng đưa Việt Nam rơi vào vòng xoáy cuộc chiến tiền tệ đang manh nha xuất hiện.

Ngoài ra, do đặc thù xuất khẩu của Việt Nam có giá trị gia tăng rất ít, vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu từ nước ngoài, nên phá giá tiền đồng không mang lại lợi ích nhiều cho xuất khẩu như các lý thuyết kinh tế đã chỉ ra.(Vnexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục