Đồng USD lên đỉnh 1 tháng so với rổ tiền tệ khi nhà đầu tư tiếp tục đánh giá triển vọng Fed tăng lãi suất trong năm nay.
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 01-08-2017
- Cập nhật : 01/08/2017
Los Angeles: Chi 1 tỷ USD mua xe buýt chạy bằng điện
Mới đây, thành phố Los Angeles (Hoa Kỳ) đã công bố kế hoạch thay toàn bộ đội xe buýt của họ băng xe chạy điện vào năm 2030 để khắc phục tai tiếng là một thành phố luôn bị làn sương mù bao phủ do khí thải của các loại xe chạy trên đường.
California tự xác định là bang đi đầu trong cuộc chiến chống lại lượng khí thải carbon. Ảnh Tribune News Service chụp tại trung tâm Los Angeles.
Các nhà chức trách thành phố cho biết, trong khuôn khổ của Dự án, người ta sẽ mua khoảng 2.200 xe, trong vòng 10 năm tới, với chi phí khoảng 1 tỉ USD.
Hilda Solis, Ủy viên Hội đồng thành phố nói: "Cuộc bỏ phiếu hôm nay thể hiện một sự đầu tư to lớn trong tương lai hướng đến một Los Angeles giàu có và thịnh vượng".
Đội xe buýt hiện nay của thành phố chạy bằng khí tự nhiên nén (CNG), được xem là lựa chọn thân thiện với môi trường nhất khi được mua vào những năm 1990.
Một nhóm các nhà sản xuất CNG, trước đó đã lên tiếng phản đối việc chuyển đổi sang xe chạy điện với lập luận rằng, trong khi các mục tiêu của dự án là hợp lý, nhưng xe buýt điện vẫn chưa phải là một công nghệ đáng tin cậy.
California tự xác định là bang đi đầu trong cuộc chiến chống lại lượng khí thải carbon mặc dù Tổng thống Donald Trump quyết định bãi bỏ luật do người tiền nhiệm Barack Obama ban hành và đưa Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris vào tháng Sáu năm tới.(Viettimes)
-----------------------
Công ty Bất động sản Thái Thịnh được đầu tư Khu thể thao, giải trí dịch vụ 1,7ha
Công ty cổ phần bất động sản Thái Thịnh vừa được UBND TP. Hà Nội chấp thuận cho đầu tư dự án Khu thể thao, giải trí và dịch vụ trên tổng diện tích gần 1,7ha tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội.
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 4889/QĐ-UBND chấp thuận cho Công ty cổ phần Bất động sản Thái Thịnh đầu tư dự án Khu thể thao, giải trí và dịch vụ Xà Cầu, xã Phú Cầu, huyện Ứng Hòa.
Tổng diện tích khu đất dự kiến đầu tư gồm 16.917,5m2 (gần 1,7ha), quy mô công trình: đáp ứng nhu cầu tập luyện thể thao cho 300 người/ngày, với tổng mức đầu tư 48,100 tỷ đồng, dự án sẽ đưa vào khai thác quý II/2020.
Mục tiêu dự án nhằm xây dựng khu vui chơi giải trí đồng bộ kết hợp sinh hoạt tập luyện thể thao, tạo một không gian thư giãn, phục vụ sức khỏe cộng đồng, phục vụ nhu cầu ngày càng cao sinh hoạt thể dục thể thao của người dân trong xã và các vùng lân cận, phát triển phong trào vui chơi giải trí, thể dục thể thao tại địa phương.
Công ty cổ phần bất động sản Thái Thịnh đầu tư dự án này địa chỉ tại nhà số 6, ngõ 102 Khuất Duy Tiến, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội với số vốn điều lệ là 90 tỷ đồng.
Doanh nghiệp này thành lập từ năm 2007, Tổng Giám đốc – người đại diện theo pháp luật là ông Lý Đình Thái, sinh năm 1963. Ông Thái cũng đăng ký hộ khẩu thường trú tại nhà số 6, ngõ 102 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Công ty cổ phần bất động sản Thái Thịnh kinh doanh nhiều ngành nghề, trong đó có: kinh doanh khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, khu sinh thái, nghỉ dưỡng và các dịch vụ phục vụ khách du lịch; Môi giới, kinh doanh bất động sản; Bán lẻ thiết bị, dụng cụ thể dục, thể thao trong các cửa hàng chuyên doanh; Sản xuất dụng cụ thể dục, thể thao; Cho thuê thiết bị thể thao, vui chơi giải trí;...
Về việc triển khai thực hiện dự án, UBND TP. Hà Nội giao Công ty Thái Thịnh chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và Thành phố về tính chuẩn xác và tính hợp pháp của các thông tin, số liệu, tài liệu gửi kèm hồ sơ dự án đầu tư đề nghị Quyết định chủ trương đầu tư dự án. Thực hiện các thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản liên quan.(Viettimes)
-------------------------------
Hà Nội: 38 dự án bất động sản sai phạm hơn 1.500 tỷ
Tổng số tiền sai phạm được phát hiện qua thanh tra lên tới hơn 1.562 tỷ đồng. Trong đó, có tới 733 tỷ đồng số tiền sử dụng đất chưa nộp tại lô đất CT2 thuộc Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ và hơn 611 tỷ đồng do việc xác định các nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư chưa đúng, chưa đủ và chưa nộp.
Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận về quản lý đầu tư xây dựng tại 38 dự án phát triển nhà ở, khu đô thị và quản lý sử dụng quỹ đất, quỹ nhà để lại tại Hà Nội giai đoạn 2002-2014.
Kết luận đã nêu hàng loạt sai phạm trong thực hiện đầu tư xây dựng theo quy hoạch, thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai, quản lý và sử dụng quỹ nhà ở, quỹ đất...
Cụ thể, các dự án tổ hợp đa năng 28 tầng thuộc dự án làng quốc tế Thăng Long do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội (Handico) đầu tư với số tiền sai phạm ước tính hơn 247 tỷ đồng. Dự án khu nhà ở để bán tại Sài Đồng, Long Biên do Handici đầu tư, với số tiền sai phạm được xác định 22 tỷ. Bên cạnh đó, dự án chung cư 18 tầng giai đoạn một tại 671 Hoàng Hoa Thám do Tổng công ty Viglacera đầu tư với số tiền sai phạm hơn 37 tỷ, dự án khu đô thị mới Việt Hưng - Long Biên do Tổng công ty Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) đầu tư với số tiền sai phạm khoảng 44 tỷ đồng…
Cơ quan thanh tra cũng cho biết, đơn vị này tiến hành kiểm tra 10 dự án thì tất cả trong số này đều vi phạm quy hoạch xây dựng. Điển hình như dự án FLC Landmark Tower do Công ty TNHH một thành viên FLC Land làm chủ đầu tư; dự án khu đô thị mới Dịch Vọng do Công ty CP phát triển đô thị Từ Liêm làm chủ đầu tư, và dự án khu đô thị mới Kim Văn - Kim Lũ do Công ty CP Xây dựng số 2 làm chủ đầu tư...
Theo Thanh tra Chính phủ, việc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội chấp thuận phương án kiến trúc không tuân thủ quy định của pháp luật đã dẫn đến nhiều chủ đầu tư được hưởng lợi vì không phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
Nhiều dự án khi được thanh tra có sai phạm về quy hoạch làm tăng diện tích đất xây dựng, tăng diện tích sàn xây dựng, tăng diện tích tầng hầm, sử dụng diện tích đất thuê sai quy hoạch… nhưng chưa xác định được phần diện tích tăng thêm, chưa thu đủ tiền sử dụng đất khoảng hơn 200 tỷ đồng. Đó là các dự án khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra) do Công ty TNHH Phát triển đô thị Nam Thăng Long làm chủ đầu tư; dự án khu nhà ở Trung Văn của Công ty cổ phần Xây dựng 3 (Vinaconex 3); dự án khu đô thị mới Nghĩa Đô - Dịch Vọng của Công ty TNHH MTV quản lý kinh doanh phát triển nhà Hà Nội...
Về xử lý kinh tế, Thanh tra Chính phủ giao Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội kiểm tra, xem xét, xử lý và thu hồi về ngân sách thành phố số tiền hơn 509 tỷ đồng. Trong đó bao gồm số tiền sử dụng đất hơn 483 tỷ đồng do chủ đầu tư dự án lô CT2 thuộc Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính. Đối với khoản này, Vinaconex2 phải nộp hơn 340 tỷ đồng và Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên phải nộp hơn 142 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu thu hồi số tiền hơn 1.053 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ đối từ những sai phạm như đã nêu ở trên.
Đồng thời, yêu cầu UBND thành phố Hà Nội tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân qua các thời kỳ để xảy ra các sai phạm tại kết luận thanh tra này.
Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ yêu cầu dựa vào kết quả kiểm điểm phải có “biện pháp xử lý đối với những tập thể, cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ, chức năng được giao, đối với những hành vi nếu có dấu hiệu cấu thành tội phạm, yêu cầu chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo quy định”.(Viettimes)
---------------------------
Bộ KHĐT đề nghị dừng triển khai dự án mỏ sắt Thạch Khê
Trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về dự án mỏ sắt Thạch Khê, Bộ KHĐT nhận xét năng lực tài chính của chủ đầu tư không đáp ứng nhu cầu vốn cho dự án, phương án tiêu thụ quặng trong dài hạn chưa chắc chắn. Do đó, Bộ KHĐT kiến nghị dừng triển khai dự án mỏ sắt này.
Dừng hoạt động từ 2011, mỏ sắt Thạch Khê hiện đang tồn tại trong tình trạng như này. Nguồn ảnh: Báo Hà Tĩnh
Trước đó, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã đề xuất khôi phục việc đầu tư khai thác mỏ sắt Thạch Khê đã bị dừng triển khai từ năm 2011.
Bộ Công Thương đã đồng ý với đề nghị này của TKV, tuy nhiên đại diện tỉnh Hà Tĩnh lại không mặn mà với việc khôi phục đầu tư mỏ sắt này. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KHĐT rà soát, đánh giá lại các điều kiện của mỏ sắt này.
Theo kết quả rà soát của Bộ KHĐT, sau 2 lần điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư từ hơn 14.500 tỷ đồng xuống còn gần 12.200 tỷ đồng, năng lực tài chính của Công ty CP sắt Thạch Khê – chủ đầu tư – vẫn không đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư theo tiến độ. Dự án cũng chưa tính đủ chi phí liên quan vào tổng mức đầu tư.
Đồng thời, theo Bộ KHĐT, dự án cũng chưa dự báo giá quặng sắt trong dài hạn. Hiện, Tập đoàn Hòa Phát đã ký thỏa thuận nguyên tắc mua quặng sắt Thạch Khê giai đoạn từ năm 2017 tới năm 2021, với khối lượng khoảng 3 triệu tấn/năm, giai đoạn sau đó chưa có cam kếtcụ thể. Trong khi, Formosa vẫn chưa có ý định mua quặng sắt từ mỏ Thạch Khê.
Do đó, phương án tiêu thụ quặng sắt Thạch Khê trong dài hạn là chưa chắc chắn và không đủ cơ sở tính toán hiệu quả dự án – Bộ KHĐT cho biết.
Quan trọng nhất, theo Bộ KHĐT, dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê hiện nay không được sự đồng thuận của tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Hà Tĩnh do còn nhiều băn khoăn về tính khả thi của dự án, hiệu quả kinh tế - xã hội, đầu tư cảng biển vận chuyển quặng sắt, phương án bảo vệ người dân...
Bộ KHĐT bày tỏ sự đồng tình với tỉnh Hà Tĩnh trước những lo ngại về vấn đề môi trường nếu dự án khởi động trở lại. Cụ thể là là về nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm; xâm nhập mặn; sa mạc hóa; sạt lở bờ moong tầng khai thác, bãi thải; ảnh hưởng xấu tới sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong vùng... Nguy cơ sự cố môi trường có thể xảy ra, khó lường hết - Bộ đánh giá.
Với những tồn tại, vướng mắc này, Bộ KHĐT nhận xét nếu cho tiếp tục triển khai đầu tư dự án mỏ sắt Thạch Khê là không khả thi, không đáp ứng được các chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ.(Viettimes)