Xuất khẩu thủy sản có thể chạm mốc 8 tỷ USD; Nhiều cái mới trong quản lý sữa trẻ em; Cho phép người Việt đánh bạc trong nước: Thay đổi lớn của ngành du lịch; Phát hành thêm gần 15,2 nghìn tỷ trái phiếu Chính phủ trong tháng 7, lãi suất giảm sâu
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 02-08-2017
- Cập nhật : 02/08/2017
Giành được Trung Quốc, Didi tiếp tục "truy sát" Uber tại châu Âu và châu Phi
Dịch vụ gọi xe Didi Chuxing của Trung Quốc đã tuyên bố hợp tác với một đối thủ khác của Uber là Taxify kể từ ngày 1/8.
Mới đây, dịch vụ chia sẻ xe Taxify (có trụ sở tại Estonia) vừa nhận được vốn đầu tư từ tập đoàn Didi (Trung Quốc), nhưng không tiết lộ giá trị. Theo nguồn tin của TechCrunch, đây là một khoản đầu tư có trị giá 8 con số (nghĩa là tính bằng đơn vị chục triệu USD).
Theo thông báo từ Taxify, công ty đang lên kế hoạch sử dụng nguồn vốn từ Didi để mở rộng thị trường của mình ở châu Âu và châu Phi.
Được thành lập cách đây 4 năm, Taxify tự nhận đang là ứng dụng gọi xe phát triển nhanh nhất tại Châu Âu với 2,5 triệu khách hàng tại 18 quốc gia, chủ yếu là ở Đông Âu cũng như châu Phi.
Taxify đã triển khai dịch vụ tại Nam Phi vào tháng 5/2016, và đã tận dụng tình hình khủng hoảng hiện nay tại Uber để mở rộng hoạt động từ Cape Town đến Durban và Johannesburg. Taxify hiện cũng đã có mặt tại Cairo (Ai Cập), Nairobi (Kenya) và Lagos (Nigeria), nơi mà Taxify đã làm Uber phải toát mồ hôi hột hồi năm ngoài. Điều đáng chú ý là Taxify đã làm tất cả những điều trên chỉ với số vốn đầu tư 2 triệu euro, một khoản "tiền lẻ" so với số vốn 15 tỷ USD mà Uber đã huy động được.
Về phía Didi, việc hợp tác với những đối tác nhỏ như Taxify sẽ giúp thực hiện tham vọng toàn cầu của công ty này, sau khi đã đánh bật được Uber ra khỏi thị trường Trung Quốc hồi năm ngoái. Hiện Didi đã là ứng dụng gọi xe lớn nhất thế giới, có mặt tại 400 thành phố của Trung Quốc và phục vụ hơn 400 triệu người dùng. Didi đã huy động được gần 13 tỷ USD và nhận định giá 50 tỷ USD, trở thành công ty khởi nghiệp có trị giá lớn thứ nhì thế giới sau Uber. (NCĐT)
--------------------------
Châu Âu điều tra xe nâng giá kê bằng tay Việt Nam nghi “thay thế” hàng Trung Quốc
Nguyên đơn cáo buộc rằng sản phẩm từ Trung Quốc được nhập khẩu vào Việt Nam để lắp ráp thêm rồi xuất khẩu sang EU. Theo số liệu nhập khẩu của Eurostat, lượng nhập khẩu từ Việt Nam tăng mạnh từ năm 2011 (ít hơn 1.000 đơn vị) lên hơn 73.000 đơn vị năm 2016.
Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 19/7 Uỷ ban châu Âu (EC) đã ra quyết định khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm xe nâng giá kê bằng tay (hand pallet truck) nhập khẩu từ Việt Nam. Nguyên đơn là Công ty PR Industrial SRL và Công ty Toyota Material Handling Europe.
Trước đó, ngày 6/6/2017, một số doanh nghiệp tại Liên minh Châu Âu - EU (nguyên đơn) đã nộp đơn kiện chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá tới EC đối với sản phẩm nêu trên.
Trước đó, vào năm 2005, sau khi tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với cùng chủng loại sản phẩm trên có xuất xứ từ Trung Quốc, EC đã ban hành lệnh áp thuế với Trung Quốc với mức thuế từ 7,6 – 46,7%. Năm 2009, EC tiến hành điều tra và áp thuế chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm nêu trên nhập khẩu từ Thái Lan (mức thuế áp dụng là 46,7%).
Năm 2011, EC tiến hành rà soát cuối kỳ lệnh áp thuế đối với Trung Quốc và quyết định tiếp tục áp thuế chống bán phá giá với mức thuế suất cũ, cũng như duy trì mức thuế 46,7% đối với Thái Lan. Năm 2013, EC tiến hành rà soát hành chính lệnh áp thuế nêu trên, và quyết định điều chỉnh mức thuế lên 70,8% đối với cả Trung Quốc và Thái Lan.
Theo thông báo khởi xướng điều tra, nguyên đơn đã cáo buộc rằng có sự tăng đáng kể về lưu lượng thương mại liên quan tới việc xuất khẩu sản phẩm bị điều tra từ Trung Quốc và Việt Nam vào EU sau khi lệnh áp thuế năm 2013 nêu trên có hiệu lực mà không có bất kỳ lý do hợp lý nào khác ngoài mục đích nhằm lẩn tránh thuế chống bán phá giá này.
Theo đó, nguyên đơn cáo buộc rằng sản phẩm từ Trung Quốc được nhập khẩu vào Việt Nam để lắp ráp thêm rồi xuất khẩu sang EU. Theo đơn kiện, theo số liệu nhập khẩu của Eurostat, lượng nhập khẩu từ Việt Nam tăng mạnh từ năm 2011 (ít hơn 1000 đơn vị) lên hơn 73 000 đơn vị năm 2016.
Nguyên đơn cáo buộc rằng lượng nhập khẩu từ Việt Nam mà tăng trong giai đoạn từ 2012-2013, xung quanh khoảng thời gian EC tiến hành rà soát hành chính mà dẫn tới việc sửa đổi tăng thuế chống bán phá giá với Trung Quốc từ 46,7% lên 70,8%.
Cũng theo thông báo khởi xướng, nguyên đơn đã cung cấp đầy đủ các bằng chứng sơ bộ chứng minh việc lắp ráp thêm này cấu thành hành vi lẩn tránh thuế, theo đó các bộ phận của Trung Quốc chiếm trên 60% tổng trị giá sản phẩm lắp ráp và trị giá gia tăng trong quá trình lắp ráp thấp hơn 25% chi phí sản xuất.
Hơn nữa, đơn kiện cũng có đầy đủ chứng cứ cơ bản cho thấy các tác động của biện pháp chống bán phá giá hiện có đối với sản phẩm liên quan đang bị suy yếu cả về mặt số lượng và giá cả. Khối lượng nhập khẩu đáng kể của sản phẩm bị điều tra từ Việt Nam dường như đã thay thế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ngoài ra, đơn kiện cũng có đầy đủ bằng chứng sơ bộ cho thấy sản phẩm bị điều tra nhập khẩu từ Việt Nam có mức giá thấp hơn mức giá không gây thiệt hại được tính toán trong cuộc điều tra chống bán phá giá đối với Trung Quốc. Cuối cùng, đơn kiện cũng có đầy đủ chứng cứ cơ bản cho rằng giá của sản phẩm bị điều tra là bán phá giá so với trị giá thông thường đã được xây dựng trước đó .
Nếu ngoài hành vi lắp ráp nêu trên, trong quá trình điều tra nếu cơ quan điều tra có phát hiện ra các hành vi khác thì các hành vi này cũng sẽ thuộc diện bị điều tra.
Sau khi xem xét đơn kiện, EC đã quyết định khởi xướng điều tra vụ việc và các sản phẩm bị điều tra xuất khẩu từ Việt Nam sẽ phải tiến hành đăng ký khi nhập khẩu để đảm bảo rằng trong trường hợp EC kết luận có lẩn tránh thuế, một khoản thuế chống bán phá giá thích hợp sẽ được thu đối với các lô hàng này kể từ ngày đăng ký.(bizlive)
---------------------------
Ông “trùm” mía đường đột ngột đóng cửa hãng taxi, 80 tài xế mất việc
Gần 80 tài xế của Trung tâm taxi TTC ở Phan Thiết - Bình Thuận bỗng dưng mất việc sau một đêm vì trung tâm này bất ngờ tuyên bố giải thể.
Ảnh minh họa.
Sáng 1/8, gần 80 tài xế của Trung tâm taxi TTC ở Phan Thiết - Bình Thuận phải tập trung về khách sạn TTC Place (thành phố Phan Thiết) để nhận thông báo taxi TTC ngừng hoạt động. Nhiều tài xề bức xúc cho biết việc trung tâm thông báo giải thể đột ngột khiến họ trở tay không kịp.
Theo các tài xế, ngày hôm qua (31/7), họ vẫn làm việc bình thường nhưng đến tối, nhiều người khi hết giờ làm việc bị buộc đưa xe vào bãi “để bảo trì”. Đến sáng nay, khi chuẩn bị đi làm thì nhận được thông tin ngưng hoạt động. Mọi việc xảy ra bất ngờ mà không ai được biết trước.
Sau giờ làm việc tối 31/7, các tài xế TTC taxi được yêu cầu đưa xe về bảo trì, đến sáng hôm sau thì hãng tuyên bố dừng hoạt động. Ảnh: Q.N
Trung tâm taxi TTC Binh Thuận trực thuộc Công ty Cổ phần đầu tư Thành Thành Công (TTC) của đại gia Đặng Văn Thành. Các tài xế của trung tâm taxi này cho biết sáng nay họ được báo lệnh dừng hoạt động taxi TTC do Chủ tịch tập đoàn quyết đinh.
Theo quy định, khi ký hợp đồng lao động, tài xế đã phải ký quỹ 5 triệu đồng/người. Hàng tháng người lao động đều tham gia gia bảo hiểm, quỹ công đoàn, quỹ taxi. Người lao động bức xúc yêu cầu phải thông báo cho họ số tiền họ đóng góp sẽ xử lý như thế nào. Công ty sẽ trợ cấp những gì khi đồng loạt sa thải gần cả trăm lao động, dù sau 2 năm hoạt động doanh thu đều đạt.
Ông Dương Văn Mậu – Đại diện công đoàn cơ sở, Liên đoàn lao động tỉnh Bình Thuận sáng nay cũng đã có mặt tại buổi thông báo, ghi nhận tình hình và kiến nghị của người lao động.
Ông Mậu cũng đồng thời cũng yêu cầu TTC giải quyết chế độ hợp lý và hỗ trợ cho người lao động theo đúng luật.
Trung tâm taxi TTC tiền thân là taxi Bình Thuận, được quản lý bởi Công ty du lịch Bình Thuận. Năm 2015, TTC thâu tóm Công ty du lịch Bình Thuận, trong đó có taxi và đổi tên thành Trung tâm taxi TTC.(zing)
-------------------------
Nhiều bất cập trong phương án cổ phần hoá của “ông lớn” HUD
HUD là một trong 4 “ông lớn” ngành xây dựng sẽ được cổ phần hoá trong 2017. Tuy nhiên, tại văn bản trả lời Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã chỉ ra nhiều bất cập trong phương án cổ phần hoá doanh nghiệp này.
Ảnh minh họa.
Nhà nước nắm giữ 51% vốn tại HUD đến hết năm 2019
Mới đây Bộ Kế hoạch và đầu tư đã có công văn phúc đáp Văn phòng Chính phủ liên quan đến phương án cổ phần hoá Công ty mẹ, Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (HUD) thuộc Bộ Xây Dựng.
Tại văn bản này, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã đưa ra nhiều điểm bất hợp lý trong kế hoạch bán cổ phần của Bộ Xây dựng, kiến Nghị Chính phủ và các bộ liên quan xem xét và quyết định.
Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, tại thời điểm 31/12/2014, giá trị doanh nghiệp của HUD là 10.943 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước là hơn 3.400 tỷ đồng. Theo phương án cổ phần, HUD sẽ cổ phần hoá theo hình thức bán một phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Cơ cấu vốn điều lệ theo đó dự kiến như sau: Nhà nước nắm 51%, cổ đông chiến lược 25%, cán bộ công nhân viên nắm 0,31%, nhà đầu tư bên ngoài năm 23,69%. Mức giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phiếu. Giá bán cho nhà đầu tư chiến lược thực hiện theo hình thức thỏa thuận trực tiếp sau khi đã bán đấu giá công khai, nhưng không thấp hơn giá giao dịch thành công thấp nhất.
Bộ Xây dựng đã đề xuất tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại doanh nghiệp là 51% với lý do HUD nắm giữ nhiều đất đai, chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, căn cứ vào danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020, HUD thuộc diện nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ sau cổ phần.
Đến ngày 17/3/2017, theo kết luận của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ về việc sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước, HUD thuộc diện cổ phần hoá, bán bớt phần vốn nhà nước, nắm giữu 51% vốn điều lệ đến hết năm 2019.
Do vậy, đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào phương án cổ phần hoá về tỷ lệ vốn do Nhà nước nắm giữ tại HUD sau cổ phần hoá.
HUD không cần nhà đầu tư chiến lược
Về đề xuất bán 25% cổ phần tại HUD cho nhà đầu tư chiến lược của Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng HUD không cần thiết có nhà đầu tư chiến lược.
Theo lý giải của Bộ này, nhà đầu tư chiến lược là những nhà đầu tư có thể hỗ trợ doanh nghiệp sau cổ phần hóa về chuyển giao công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp; cung ứng nguyên vật liệu, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. HUD là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về phát triển nhà ở và thị trường bất động sản nên không cần thiết phải có nhà đầu tư chiến lược.
Do vậy, Bộ Kế hoạch và đầu tư đề nghị Bộ Xây dựng đấu giá rộng rãi, công khai toàn bộ cổ phần Nhà nước thoái đợt này tại HUD nhằm tăng sức hấp dẫn trong việc đấu giá lần đầu, tránh thất thoát vốn Nhà nước.
Xác định lại giá trị tài sản HUD trước IPO
Về kiến nghị của Bộ Xây dựng cho phép lấy kết quả xác định giá trị doanh nghiệp này ngày 31/12/2014 như trên để làm căn cứ xác định giá trong IPO, Bộ Kế hoạch và đầu tư trích dẫn Thông tư của Bộ Tài chính nêu rõ: "Việc công bố giá trị doanh nghiệp và IPO cách thời điểm xác định giá trị không quá 18 tháng, trừ các trường hợp đặc thù theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ".
Như vậy, theo Bộ Kế hoạch và đầu tư trường hợp xác định giá của HUD đã quá 29 tháng nên không tránh khỏi khả năng có nhiều biến động về giá trị tài sản. Đặc biệt, HUD là doanh nghiệp hàng đầu về phát triển nhà ở, thị trường bất động sản, việc cổ phần hóa cần thực hiện cẩn trọng, đảm bảo tính đầy đủ giá trị đất đai, tránh thất thoát cho Nhà nước.
Bộ Kế hoạch và đầu tư đề nghị Thủ tướng cho phép Kiểm toán Nhà nước vào cuộc rà soát để cập nhật, bổ sung giá trị doanh nghiệp trước khi định giá để cổ phần hoá.
Tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, các dự án của HUD chưa hoàn thành và dự án có trích trước chi phí đầu tư kết cấu hạ tầng để tiếp tục đầu tư đang được hạch toán tại tài khoản chi phí phải trả gần 3.800 tỷ đồng.
Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ cho phép HUD tiếp tục sử dụng nguồn chi phí trích trước sau khi cổ phần doanh nghiệp nếu sử dụng không hết phần chênh lệch sẽ nộp lại ngân sách.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và đầu tư khẳng định: Từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến nay đã gần 30 tháng, khoản chi phí trích trước này cũng đã được sử dụng một phần để hoàn thành các hạng mục cam kết.
Do đó, Bộ đề nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính tính toán cụ thể số liệu chi trước đầu tư đến thời điểm IPO để quyết toán dứt điểm các khoản mục, trường hợp có chênh lệch thì ghi đầy đủ vào giá trị vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đảm bảo không thất thoát vốn Nhà nước.
Trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Xây dựng đề nghị tạm loại trừ toàn bộ giá trị tài sản tại 22 cơ sở nhà đất ở Hà Nội với tổng giá trị 19 tỷ đồng, lý do Bộ này đưa ra đến thời điểm hiện nay là Hà Nội chưa có ý kiến chính thức cuối cùng về phương án sử dụng đất của công ty HUDS (Công ty TNHH MTV Dịch vụ Nhà ở và khu đô thị - công ty con của HUD) có tài sản trên.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, UBND Hà Nội đã có ý kiến về việc HUDS tạm giữ lại, tiếp tục quản lý, sử dụng 10 cơ sở Nhà đất, còn lại thực hiện bàn giao cho Hà Nội 12 cơ sở nhà, đất đất đang sử dụng không đúng mục đích được giao.
Vì vậy, Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo tính toán điều chỉnh xử lý chênh lệch tính giá trị thực tế số giá trị tài sản còn lại sau khi đã giao cho Hà Nội như trên.(Bizlive)