Trung Quốc: Đường sắt cao tốc chạy ngầm dưới Vạn Lý Trường Thành; Méo mặt vì chanh dây đột ngột rớt giá thê thảm; ‘Siết’ kinh doanh hàng không vì hạ tầng chưa cho phép; Ông chủ Zara lên ngôi giàu thứ 2 thế giới
Tin kinh tế đọc nhanh tối 01-08-2017
- Cập nhật : 01/08/2017
Hàng chục nghìn đại lý “chết lâm sàng“ vì cuộc chiến giá ô tô
Hơn 17.700 doanh nghiệp là các đại lý, chủ showroom bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy đã phải ngừng hoạt động, chờ phá sản hoặc phá sản, trong đó số cơ sở kinh doanh ô tô chiếm số lượng lớn.
Doanh nghiệp là đại lý xe ô tô, xe máy đang phá sản, chết lâm sàng nhiều nhất cả nước (ảnh minh hoạ)
Theo Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong 7 tháng đầu năm 2017, cả nước có khoảng 17.700 doanh nghiệp (DN), đại lý kinh doanh bán buôn, bán lẻ ô tô, xe máy phải tạm ngừng hoạt động chờ giải thể, con số này tăng hơn 2.00 DN so với cùng kỳ năm trước 2016.
Đáng lưu ý, tỷ lệ DN tạm ngừng không đăng ký quay trở lại hoạt động (chết lâm sàng) tăng khá mạnh chiếm hơn 11.500 DN, chiếm hơn 42% tổng số DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoạt động trở lại trên cả nước.
Về tổng số DN phá sản trong 7 tháng qua, theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, cả nước có khoảng 6.600 DN, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 92,4% DN có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng.
Nếu phân theo loại hình, công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên chiếm 41%; công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên gần 30% và công ty tư nhân chiếm 17%, còn lại là công ty cổ phần...
Thực tế, trong thời gian qua thị trường bán buôn, bán lẻ ô tô, xe máy gặp rất nhiều khó khăn, trong đó đặc biệt là phân phối ô tô. Sau Thông tư 20 của Bộ Công Thương về siết chặt kinh doanh xe hơi năm 2006, hết hiệu lực cuối năm 2016, các DN phân phối xe những tưởng sẽ được tháo bỏ "vòng kim cô" về điều kiện kinh doanh đối với xe hơi.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã đưa ra dự thảo Nghị định về kinh doanh ô tô mới với nhiều điều kiện ràng buộc kinh doanh xe nhập khẩu, hạn chế lớn quyền tự do kinh doanh. Theo nhiều DN phân phối xe, với những cơ chế quy định rất khắt khe về điều kiện kinh doanh xe nhập khẩu,, nhóm DN nhỏ và vừa phân phối xe hơi sẽ không còn đất sống.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê 6 tháng qua cũng cho thấy, số DN là đại lý, showroom ô tô, xe máy "chết lâm sàng" hoặc phá sản hiện chiếm đến đến hơn 41% số các DN ngừng hoạt động trên cả nước. Đây là một minh chứng cho thấy các DN kinh doanh ô tô trong nước đang gặp khó khăn lớn hơn bao giờ hết.
Về thị trường ô tô Việt Nam, từ đầu năm 2017 đến nay, kinh doanh ô tô trong nước có rất nhiều biến động, giá xe mới nhiều phân khúc giảm liên tục, thấp nhất là 20 - 30 triệu đồng/chiếc; cao nhất có mẫu lên đến 200 triệu đồng/chiếc. Từ các đại lý phân phối chính hãng, uỷ quyền chính hãng đến các đại lý ô tô tư nhân nhỏ lẻ đã và đang bước vào cuộc đua giảm giá khốc liệt để giành thị trường của nhau.
Giá xe mới giảm nhanh, mạnh; chủng loại xe mới ra đời ngày càng đa dạng với mức giá đang "bình dân hoá" hoặc được hỗ trợ vay vốn trên 70% của các ngân hàng. Điều này đã khiến các đại lý kinh doanh xe cũ ở vào thế dồn chân tường, cực kỳ nghẹt thở. Nhiều chủ xe chấp nhận bán xưởng, bán xe để tránh lỗ và trả lãi vay ngân hàng.
Thời kỳ mới của thị trường xe đã và đang khốc liệt hơn đối với dân buôn xe cũ, khiến hàng loạt đại lý với "vốn mỏng, lãi nhà băng dầy" đã và đang phải trốn chạy hoặc chuyển nghề. (Dantri)
---------------------------
Kho bạc Nhà nước huy động trái phiếu Chính phủ đạt 75,6% kế hoạch
Theo báo cáo mới nhất của Kho bạc Nhà nước (KBNN), lũy kế đến ngày 25/7/2017, KBNN đã huy động trái phiếu Chính phủ (TPCP) đạt 75,6% kế hoạch năm (183.300 tỷ đồng).
KBNN cho biết, trong tháng 7, cơ quan này đã tổ chức 3 phiên đấu thầu TPCP qua Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, huy động được 12.800 tỷ đồng cho NSNN và cho đầu tư phát triển.
Như vậy, lũy kế đến ngày 25/7/2017, KBNN đã huy động cho (ngân sách nhà nước) NSNN 138.544,7 tỷ đồng TPCP, đạt 75,6% kế hoạch năm (183.300 tỷ đồng).
Theo báo cáo của KBNN, tính đến ngày 31/7/2017, toàn hệ thống đã thực hiện kiểm soát chi thường xuyên được 419.527 tỷ đồng, đạt 46,5% so với dự toán (dự toán chi thường xuyên năm 2017 là 902.880 tỷ đồng).
Trong đó, trung ương là 129.983 tỷ đồng, địa phương là 226.544 tỷ đồng (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng).
Đồng thời, thông qua công tác kiểm soát chi NSNN, các đơn vị KBNN đã phát hiện ước khoảng 10.256 khoản chi chưa đủ thủ tục theo quy định, đã yêu cầu bổ sung các thủ tục cần thiết và số tiền thực từ chối thanh toán là 10,8 tỷ đồng.
Thông qua kiểm soát thanh toán vốn đầu tư, trong 7 tháng năm 2017, hệ thống KBNN đã từ chối 24 tỷ đồng do chủ đầu tư đề nghị thanh toán khối lượng phát sinh chưa được phê duyệt, một số khoản chi chưa đủ hồ sơ theo quy định.
Về giải ngân vốn đầu tư, tính đến ngày 31/7, lũy kế vốn đầu tư giải ngân qua hệ thống KBNN đạt 116.281 tỷ đồng, đạt 36,7% so với kế hoạch vốn năm 2017 nhà nước giao (kế hoạch nhà nước giao năm 2017 đến thời điểm báo cáo là 316.832,2 tỷ đồng).
Trong đó: (i) vốn xây dựng cơ bản giải ngân là 100.104,1 tỷ đồng; (ii) vốn TPCP giải ngân là 2.300 tỷ đồng; (iii) vốn chương trình mục tiêu giải ngân là 1.985,4 tỷ đồng; (iv) nguồn vốn khác giải ngân là 11.891,7 tỷ đồng.(TCTC)
-------------------------------
Hà Nội: Thu ngân sách đạt trên 114 nghìn tỷ trong 7 tháng đầu năm
Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, trong 7 tháng đầu năm, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP. Hà Nội, ước tính thực hiện được 114.045 tỷ đồng, đạt 55,69% dự toán, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 10.132 tỷ đồng đạt 58,9% dự toán; thu từ dầu thô 1.866 tỷ đồng, đạt 103,6% dự toán; Cao nhất trong thu ngân sách là thu nội địa với 102.047 tỷ đồng, đạt 54,9% dự toán.
Đối với chi ngân sách, ghi nhận chi ngân sách địa phương 7 tháng đầu năm ước thực hiện là 31.389 tỷ đồng, đạt 40,3% dự toán, chi thường xuyên là 18.280 tỷ đồng. Về tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước, đã đạt 14.405 tỷ đồng, đạt 43,1% kế hoạch giao.
Ngày 19/7/2017, UBND TP. Hà Nội đã tổ chức giao ban xây dựng cơ bản với các chủ đầu tư, UBND các quận, huyện thị xã trên địa bàn, qua đó giải quyết các vướng mắc, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Về tình hình tín dụng ngân hàng, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP. Hà Nội tháng 7 đạt 1.762 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so tháng trước, tăng 12,4% so cùng kỳ năm 2016. Tổng dư nợ cho vay tháng 7 ước đạt 1.611 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% so tháng trước, tăng 16,4 so cùng kỳ và tăng 10,1% so tháng 12 năm trước. (TCTC)
-----------------------
Xuất siêu rau quả đạt 1,178 tỷ USD
Đó là số liệu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa cho biết về kết quả giá trị xuất khẩu mặt hàng rau quả trong 7 tháng năm 2017.
Theo đó, trong tháng 7, xuất khẩu rau quả ước đạt 360 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu mặt hàng rau quả 7 tháng qua ước đạt 2,03 tỷ USD, tăng 48,9% so với cùng kỳ năm 2016.
Về nhập khẩu rau quả, trong tháng 7/2017, giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả ước đạt 216 triệu USD, đưa giá trị nhập khẩu rau quả 7 tháng đầu năm 2017 đạt 852 triệu USD.
Như vậy trong 7 tháng qua, mặt hàng rau quả đã xuất siêu khoảng 1,178 tỷ USD.
Theo Bộ NN&PTNT, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam. Các thị trường có giá trị xuất khẩu hàng rau quả tăng mạnh là Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (82,3%), Nhật Bản (61,6%), Nga (54,9%), Trung Quốc (53,5%), Hoa Kỳ (28,6%)...
Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu rau qua nhiều nhất là từ Thái Lan (chiếm 57% thị phần), tiếp đến là Trung Quốc (chiếm 16,8%).(TCTC)