tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 03-08-2017

  • Cập nhật : 03/08/2017

Xuất khẩu thủy sản có thể chạm mốc 8 tỷ USD

Theo Hiệp Hội xuất khẩu Thủy sản(Vasep) cho biết, với kết quả xuất khẩu đã đạt được trong 7 tháng đầu năm, nhiều khả năng, xuất khẩu thủy sản cả năm nay có thể lần đầu tiên chạm mốc 8 tỷ USD.

Cụ thể, Sau khi tăng trưởng nhẹ gần 5% trong quý I/2017, chủ yếu nhờ các mặt hàng hải sản như cá ngừ, mực bạch tuộc và cá biển, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực trong quý II với tốc độ tăng mạnh hơn nhờ đẩy mạnh xuất khẩu tất cả các mặt hàng chủ lực. Với mức tăng xuất khẩu trên 10% trong 3 tháng quý II, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong nửa đầu năm 2017 đạt 3,6 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Vasep, xuất khẩu tôm bắt đầu phục hồi mạnh trong quý II (tăng trên 30%), đưa tổng giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm lên 1,56 tỷ USD, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm chân trắng ước đạt 962 triệu USD, tăng trên 21%, xuất khẩu tôm sú đạt 414 triệu USD, giảm 6,8%. Nguồn cung tôm tại một số nước sản xuất và ở thị trường nhập khẩu chính giảm tạo cơ hội cho tôm Việt Nam đẩy mạnh giá trị xuất khẩu trong nửa đầu năm nay. Ước xuất khẩu tôm trong tháng 7 sẽ gần 18% đạt 322 triệu USD, đưa tổng xuất khẩu tôm 7 tháng đầu năm lên gần 2 tỷ USD, tăng 16%.

Ngoài xuất khẩu tôm, xuất khẩu thủy sản cuối năm hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào sự tăng trưởng của các sản phẩm chủ lực khác như cá tra, cá ngừ, nhuyễn thể và cá các loại khác.

Đối với xuất khẩu cá tra trong quý II vẫn duy trì tăng nhẹ 2 – 4% nhờ xuất khẩu sang các thị trường khác tăng, đưa tổng xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng gần 6% đạt 836 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu cá tra sang EU giảm mạnh nhất 24%, sang Mỹ giảm 5,7%, bù lại xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn tăng mạnh 46% và sang các thị trường khác cũng tăng đáng kể, nên xuất khẩu nửa đầu năm vẫn khả quan. Ước xuất khẩu cá tra trong tháng 7 đạt 148 triệu USD, tăng 7,7%, đưa tổng giá trị xuất khẩu cá tra 7 tháng đầu năm đạt 985 triệu USD, tăng 6%.

Xuất khẩu cá ngừ, mực-bạch tuộc và các loại hải sản khác đều tăng mạnh hơn trong quý II, góp phần đáng kể cho tổng giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh trong 6 tháng qua. Trong đó, xuất khẩu cá ngừ tăng gần 21% dạt 271 triệu USD, xuất khẩu mực bạch tuộc tăng mạnh nhất 50% đạt 269 triệu USD, xuất khẩu các loại cá biển khác tăng 14% đạt 581 triệu USD.

Xu hướng tăng trưởng trong nửa đầu năm dự báo sẽ tiếp tục có tác động tích cực đối với xuất khẩu các mặt hàng hải sản của Việt Nam trong những tháng tới.

Xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đều tăng trưởng 2 con số chủ yếu nhờ mặt hàng tôm sang những thị trường này tăng mạnh. Ngoài ra, xuất khẩu thủy sản sang các thị trường khác như Nga, Canada, Brazil…đều tăng trưởng 2 con số, góp phần đáng kể cho tăng trưởng tổng xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm nay. Trong khi đó, XK thủy sản sang Mỹ và Australia giảm mạnh cũng chủ yếu do xuất khẩu tôm sang những thị trường này bị ảnh hưởng.

Với tình hình như hiện nay, Vasep dự báo tổng giá trị xuất khẩu thủy sản trong nửa cuối năm sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu của thị trường gia tăng cùng với sự điều chỉnh cơ cấu sản phẩm và thị trường tốt hơn. Tuy nhiên, khó khăn từ thị trường Mỹ đối với sản phẩm tôm và cá tra sẽ hạn chế phần nào mức tăng trong nửa cuối năm.(Tri Thức Trẻ)
------------------------------

Nhiều cái mới trong quản lý sữa trẻ em

Bộ Công Thương sẽ tập trung vào quản lý giá bán lẻ đối với mặt hàng sữa vì đây mới là mức giá mà người tiêu dùng được tiếp cận.

Đây là thông tin được ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đưa ra tại hội nghị hướng dẫn triển khai Thông tư 08/2017 về đăng ký giá, kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới sáu tuổi diễn ra ngày 2-8. Thông tư 08 sẽ có hiệu lực từ ngày 10-8-2017.

Ông Nguyễn Lộc An chia sẻ so với các quy định trước đây, Thông tư 08 của Bộ có nhiều đổi mới. Theo đó thay vì áp giá trần, quản lý giá bán buôn, tới đây Bộ sẽ tập trung vào quản lý giá bán lẻ đối với mặt hàng sữa vì đây mới là mức giá mà người tiêu dùng được tiếp cận.

Ngoài ra doanh nghiệp phải khai báo về hệ thống phân phối để cơ quan quản lý giám sát giá bán trên thị trường, đồng thời gắn trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu đối với chất lượng và giá hàng hóa của mình đến người tiêu dùng cuối cùng.

Cũng theo ông An, Thông tư 08 sẽ rất có lợi cho người tiêu dùng về cả hai mặt giá và chất lượng. “Thông tư mới sẽ quản lý có hệ thống các mặt hàng sữa từ giá bán lẻ đến chất lượng sản phẩm. Đây được xem là bước tiến để người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều hơn. Thông tư 08 hướng đến thị trường. Các doanh nghiệp vẫn được quyền quyết định giá và cơ quan nhà nước sẽ hậu kiểm” - ông An cho hay.

Ông Matthew Garland, đại diện Tiểu ban thực phẩm dinh dưỡng thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cho hay thông tư mới này đã đề ra một hướng quản lý mới, trong đó tập trung vào quản lý hệ thống phân phối và giá bán lẻ cuối cùng đến tay người tiêu dùng. Từ đó đảm bảo được sự minh bạch của thị trường và lợi ích của người tiêu dùng, đồng thời tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp và các nguyên tắc cơ bản khác của nền kinh tế thị trường.

“Trong thời gian triển khai Thông tư 08 sắp tới, Tiểu ban thực phẩm dinh dưỡng của EuroCham cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý để thực hiện, qua đó hướng tới một thị trường cạnh tranh lành mạnh và môi trường pháp lý minh bạch, ổn định" - ông Matthew Garland nói.

Còn theo ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, việc cho phép thương nhân kê khai giá tại các cơ quan có thẩm quyền và được chủ động điều chỉnh giá trong biên độ dưới 5% là một điểm mới để giá sữa theo giá thị trường, song không để giá sữa tăng quá cao, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

“Tôi cho rằng cạnh tranh minh bạch, doanh nghiệp cũng phải có lời nhưng phải đúng quy định pháp luật. Biên độ cho dưới 5% là điểm mới vì thị trường biến động. Hiện lượng sữa trong nước mới đáp ứng một phần nhỏ, khoảng 60%-70% sữa phải nhập khẩu… Phải cho doanh nghiệp tự điều chỉnh nhưng nếu tăng phải có giải trình. Tôi hy vọng góp phần bình ổn giá, không để báo chí và người tiêu dùng phản ứng không tích cực” - ông Trung nói.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại nảy sinh nhiều vấn đề bất cập trong quá trình thực hiện. Đại diện Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cho biết khi lập danh sách thương nhân phải đăng ký giá và kê khai giá. Với doanh nghiệp sản xuất thì còn dễ nhưng với doanh nghiệp nhập khẩu sữa và thực phẩm chức năng thì khó kiểm soát vì doanh nghiệp được nhập khẩu ở nhiều cửa khẩu khác nhau.

Ngoài ra, các địa phương vẫn lúng túng trong việc phân biệt giữa sản phẩm sữa và sản phẩm chức năng dành cho trẻ dưới sáu tuổi. Danh mục sản phẩm đến nay vẫn chưa được cập nhật chi tiết.

Ông Nguyễn Văn Dũng, đại diện Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, cho biết đơn vị này sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính về danh mục sản phẩm sữa. Tới đây Bộ sẽ công bố danh mục gồm sản phẩm sữa và sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ dưới sáu tuổi.

Trước băn khoăn về việc khi để doanh nghiệp tự đăng ký, kê khai giá, liệu có trường hợp gian lận, trục lợi, kê khai giá cao hơn thực tế, đại diện Bộ Công Thương cho biết để kê khai hay đăng ký giá, các yếu tố hình thành giá phải mang tính hợp lý. Ngoài Bộ Công Thương còn có các bộ, ngành khác như Y tế, Hải quan… cùng phối hợp kiểm soát.

Tới đây Bộ Công Thương sẽ công khai trên website của Bộ thông tin doanh nghiệp, mức giá… để cộng đồng cùng kiểm tra, giám sát. (PLO)
---------------------------------

Cho phép người Việt đánh bạc trong nước: Thay đổi lớn của ngành du lịch

Hiện tại Việt Nam có 7 sòng bạc, với 3 sòng bạc sắp đi vào hoạt động.

Bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán Sài Gòn vừa ra báo cáo về ngành kinh doanh casino tại Việt Nam.

Trong số các sòng bạc đang hoạt động, Grand Hồ Tràm Strip là sòng bạc lớn nhất với 90 bàn chơi. Crowne nổi tiếng là nơi dành cho khách đánh bạc VIP từ Trung Quốc, những người có thể đáp các chuyến bay trực tiếp từ Trung Quốc đến Đà Nẵng (trong mùa cao điểm, có khoảng 130 chuyến bay trực tiếp từ Trung Quốc đến Đà Nẵng mỗi tuần, chủ yếu là các chuyến bay thuê nguyên). 2 nhà phát triển bất động sản lớn nhất trong nước, Vingroup và Sun Group, đều có kế hoạch khai thác một sòng bạc quy mô lớn.

Theo Bloomberg, chính quy định cấm người Việt đến các sòng bạc trong nước đã tạo nên dòng tiền chảy ra mỗi năm vào khoảng 800 triệu USD. Theo Nghị định 03/2017/NĐ-CP, có hiệu lực kể từ ngày 15/3/2017, Chính phủ sẽ cho phép công dân Việt Nam đánh bạc ở các sòng bạc trong nước trong thời gian 3 năm đầu, áp dụng cho các sòng bạc cụ thể.

Quyết định cho người Việt được phép chơi bạc trong nước sẽ mở ra nhiều cơ hội cho ngành du lịch

Người chơi phải mua thẻ, 1 triệu đồng cho 24 giờ chơi hoặc 25 triệu đồng cho một tháng. Ngoài ra, những người này phải chứng minh được thu nhập hàng tháng từ 10 triệu đồng trở lên hoặc phải nộp thuế thu nhập cá nhân ở cấp 3.

Nghị định 03 sẽ cần Thông tư hướng dẫn kèm theo từ Bộ Tài chính để hoàn thiện điều kiện cho cả sòng bạc và người chơi địa phương cũng như Thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về quản lý ngoại hối. Sau 3 năm thí điểm, Chính phủ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc có cho phép công dân Việt Nam đánh bạc trong nước hay không.

Theo Viện Phát triển Bền vững Khu vực, tổng doanh thu năm 2014 từ 8 sòng bạc hiện có ở Việt Nam lên đến 1.379 tỷ đồng, với mức nộp thuế là 336 tỷ đồng. Theo Donaco, tập đoàn casino của Úc thu được 3,7 triệu USD lợi nhuận ròng sau thuế trong năm tài chính 2016 từ khách sạn và sòng bạc quốc tế Aristo với hơn 40 bàn chơi.

Các sòng bạc thành công hiện nay dường như thu hút được nhu cầu mạnh mẽ từ các con bạc lớn của Trung Quốc. Tuy nhiên, nguồn khách này dường như biến động qua nhiều năm.

Sun Group hiện có kế hoạch đầu tư vào một khu nghỉ mát tích hợp ở Vân Đồn, Quảng Ninh.(NDH)
----------------------------------

Phát hành thêm gần 15,2 nghìn tỷ trái phiếu Chính phủ trong tháng 7, lãi suất giảm sâu

Lãi suất trúng thầu của trái phiếu Kho bạc Nhà nước giảm khá mạnh trên tất cả các kỳ hạn. Trong đó, giảm mạnh nhất là kỳ hạn 20 năm (0,85%/năm) và 30 năm (0,88%/năm).

Tháng 7/2017, Sở GDCK Hà Nội đã tổ chức 14 phiên đấu thầu, huy động được tổng cộng 15.170 tỷ đồng trái phiếu (tất cả đều do Kho bạc Nhà nước phát hành), giảm 32% so với tháng 6/2017. Tỷ lệ giá trị trúng thầu so với giá trị gọi thầu đạt 92,5%.

Với tổng cộng 16.400 tỷ trái phiếu chào bán, giá trị đăng ký mua gấp 3,5 lần với xấp xỉ 57.430,7 tỷ đồng. Không kể 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm đấu giá bất thành trong buổi đấu thầu cuối cùng của tháng 7, tỷ lệ giá trị trúng thầu sẽ còn cao hơn nữa. Ở buổi đấu giá này, lượng đặt thầu thực tế rất lớn, gấp 4,9 lần lượng gọi thầu. Tuy nhiên, điều mà nhà đầu tư kỳ vọng là mức lãi suất hấp dẫn hơn (cao hơn). Không gặp nhau về giá nên toàn bộ số trái phiếu này đã không được phát hành.

So với tháng 6/2017, lãi suất trúng thầu của trái phiếu Kho bạc Nhà nước giảm khá mạnh trên tất cả các kỳ hạn: 5 năm giảm 0,42%/năm, 7 năm giảm 0,25%/năm, 10 năm giảm 0,27%/năm, 15 năm giảm 0,55%/năm, 20 năm giảm 0,85%/năm, 30 năm giảm 0,88%/năm.

Lãi suất trúng thầu của trái phiếu kỳ hạn 5 năm nằm trong khoảng 4,48-4,90%/năm, 7 năm trong khoảng 4,95-5,19%/năm, 10 năm là 5,38%/năm, 15 năm trong khoảng 5,75-6,25%/năm, 20 năm trong khoảng 5,82-6,55%/năm, 30 năm trong khoảng 6,22-6,65%/năm.

Trên thị trường TPCP thứ cấp tháng 7, tổng khối lượng giao dịch TPCP theo phương thức giao dịch thông thường (outright) đạt hơn 1.020 triệu trái phiếu, tương đương với giá trị giao dịch đạt hơn 109,8 nghìn tỷ đồng, giảm 1,3% về giá trị so với tháng 6/2017.

Tổng khối lượng giao dịch TPCP theo phương thức giao dịch mua bán lại (repo) đạt hơn 988 triệu trái phiếu, tương đương với giá trị giao dịch đạt hơn 98,8 nghìn tỷ đồng, giảm 0,42% về giá trị so với tháng 6/2017.

Giá trị giao dịch mua outright của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đạt hơn 8,1 nghìn tỷ đồng, giá trị giao dịch bán outright của NĐTNN đạt 5,6 nghìn tỷ đồng. Giá trị giao dịch repo của NĐTNN đạt hơn 216 tỷ đồng.(NDH)

Trở về

Bài cùng chuyên mục