tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 03-08-2017

  • Cập nhật : 03/08/2017

Trung Quốc: Đường sắt cao tốc chạy ngầm dưới Vạn Lý Trường Thành

Trung Quốc đang tiến hành xây dựng một đường tàu cao tốc dài 12 km bên dưới một đoạn của Vạn Lý Trường Thành để nối TP Trương Gia Khẩu, nơi đồng tổ chức Thế Vận hội Mùa đông 2022, với TP Bắc Kinh.

Tờ Nhân dân Nhật báo đưa tin các kỹ sư Trung Quốc đã mất hàng tháng trời để thiết kế điểm giao nhau tốt nhất. Cuối cùng, đường hầm tàu nằm sâu bên dưới Vạn Lý Trường Thành ở khu vực Bát Đạt Lĩnh mới được các chuyên gia thẩm định thông qua. 

Đường ray được thiết kế để con tàu có thể đạt vận tốc 350 km/h, dự kiến sẽ rút ngắn quãng đường kéo dài hơn 3 giờ xuống chỉ còn khoảng 1 giờ. Đường hầm có độ sâu dao động từ 4 m đến 432 m và có thể được hoàn thành vào năm 2019.

Theo tờ Thời báo Hoàn cầu, người dân Trung Quốc đang nín thở chờ đến giây phút đường hầm được xây dựng xong mà không ảnh hưởng đến sự nguyên vẹn của Vạn Lý Trường Thành. 

Trung Quốc: Đường sắt cao tốc chạy ngầm dưới Vạn Lý Trường Thành - Ảnh 1.

Công nhân đào một đoạn đường hầm tại thuộc Đường sắt Cao tốc Bắc Kinh - Trương Gia Khẩu. Ảnh: Tân Hoa Xã

Ông Luo Duhao, kỹ sư trưởng của dự án Đường sắt Cao tốc Bắc Kinh - Trương Gia Khẩu, cho biết Công ty Đường sắt Số 5 Trung Quốc sẽ áp dụng "công nghệ vi nổ chính xác" và đảm bảo Vạn Lý Trường Thành không bị ảnh hưởng bởi các vụ nổ đào hầm. 

"Công nghệ mới này gây ra rất ít thiệt hại với môi trường địa chất, giúp bảo vệ được Trường Thành. Tôi đã từng đứng trên thành và không hề cảm thấy vụ nổ" - tờ Thời báo Hoàn cầu dẫn lời ông Dai Longzhen, phó giám đốc dự án. 

Trung Quốc: Đường sắt cao tốc chạy ngầm dưới Vạn Lý Trường Thành - Ảnh 2.

Một đoạn Vạn Lý Trường Thành ở khu vực Bát Đạt Lĩnh. Ảnh: Beijing Today

Trả lời phỏng vấn tờ Nhân dân Nhật báo, ông Zhang Xuehua, một chuyên gia về các vụ nổ tại công trường, thông báo họ đã tiến hành 4.500 vụ nổ kể từ đầu tháng 2 năm nay.

Hãng tin Tân Hoa Xã đưa tin tại phần giữa của đường hầm, một nhà ga với diện tích rộng nhất thế giới lên tới 36.000 m2 và được trang hoàng lộng lẫy sẽ nằm ngay bên dưới Vạn Lý Trường Thành khu vực Bát Đạt Lĩnh ở độ sâu 102 m.

Theo lời ông Dai, bởi vì nhà ga được xây ngầm dưới lòng đất, nó sẽ gây ra ít thiệt hại hơn cho vùng đất xung quanh và còn chứng tỏ công nghệ xây dựng đường sắt hàng đầu của Trung Quốc.

Trung Quốc: Đường sắt cao tốc chạy ngầm dưới Vạn Lý Trường Thành - Ảnh 3.

Ảnh: China Highlights.com

Bắt đầu từ Nhà ga Bắc Kinh Bắc, Đường sắt Cao tốc Bắc Kinh - Trương Gia Khẩu sẽ đi qua các quận Hải Điến, Xương Bình và Diên Khánh của Bắc Kinh. Sau đó, đoạn đường sắt tiếp tục đi về hướng Tây Bắc qua 2 huyện của tỉnh Hồ Bắc trước khi kết thúc tại TP Trương Gia Khẩu với tổng chiều dài 174 km.

Được xây dựng từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên đến triều đại nhà Minh (1368-1644), Vạn Lý Trường Thành trải dài 21.000 km và là 1 trong 7 kỳ quan của thế giới. Mỗi năm, có đến 4 triệu lượt du khách đến thăm công trình vĩ đại này của Trung Quốc. (NLĐ)
--------------------------

Méo mặt vì chanh dây đột ngột rớt giá thê thảm

Nếu như những năm trước, giá chanh dây ở Tây Nguyên cao chót vót có thời điểm lên đến 56 ngàn đồng/kg thì đến thời điểm hiện nay chỉ bằng 1/10.

Năm 2016, trung bình 1 ha chanh dây sau khi thu hoạch, trừ hết các khoản chi phí người trồng thu về 350-400 triệu đồng. Bởi giá thời điểm đó lên tới 40.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm tăng vùn vụt lên đến 56.000 đồng/kg.

Nhưng đến thời điểm đầu năm 2017 giá chanh dây ở Tây Nguyên giảm mạnh chỉ còn 10 -15.000/kg, còn đến thời điểm hiện tại chỉ còn từ 3000-5.000 đồng/kg.

Chia sẽ với chúng tôi, anh Phạm Văn Dũng, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk cho biết: “Năm 2016 thấy nhiều hộ dân trên địa bàn trồng chanh dây thắng lớn, cho hiệu quả kinh tế cao nên năm nay tôi đầu tư gần 100 triệu đồng để trồng 0,8 ha chanh dây. Tuy nhiên, thời điểm tôi bắt đầu thu hoạch cũng là lúc giá chanh dây xuống thấp quá. Nếu so với năm trước, thì năm nay tôi thất thu lớn rồi”.

Chị Lê Thị Liên-một thương lái thu mua chanh dây ở huyện Krông Păc cho biết thêm: Những năm trước, giá chanh dây cao nên việc thu mua dễ dàng, người dân cũng phấn khởi. Năm nay, giá thu mua đã thấp mà rủi do cao nên tôi  không giám “ôm” nhiều bởi giá do chủ đại thu gom quyết định và lên xuống hàng ngày.

​Méo mặt vì chanh dây đột ngột rớt giá thê thảm - ảnh 1
Người dân Tây Nguyên đổ xô vào trồng chanh dây đang phải đối diện với giá cả xuống thấp. Ảnh: Trí Tín

Theo thống kê chưa đây đủ thì trên địa bàn Tây Nguyên có khoảng trên dưới 5.000 ha chanh dây, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum. Trong đó trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có khoảng 500 ha chanh dây, tập trung chủ yếu tại các huyện Buôn Đôn, Krông Năng, Krông Pắc…

Được biết, hiện nay ở các tỉnh Tây Nguyên việc trồng chanh dây chủ yếu do người dân tự phát, trồng theo phong trào nên rủi ro cao về giá cả.

Do vậy ngoài việc khuyến cáo, tuyên truyền cho người dân không phát triển chanh dây một cách ồ ạt mà bản thân người nông dân cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đổ xô vào trồng các loại cây theo phong trào.(PLO)
---------------------------------

‘Siết’ kinh doanh hàng không vì hạ tầng chưa cho phép

Từ đầu năm 2017 đến nay, thị trường hàng không Việt Nam vẫn đang có tốc độ phát triển lên tới 20% trong nửa đầu năm. Liên tục các doanh nghiệp xin thành lập hãng hàng không mới. Nhưng mới đây, Chính phủ và Bộ GTVT đã chính thức siết lại lĩnh vực này.

Hàng loạt doanh nghiệp lớn xin “bay”

Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, tính đến cuối tháng 7/2017, các cơ quan chức năng đã cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho 4 hãng là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air, Vasco và cấp Giấy phép kinh doanh hàng không chung cho 4 hãng là Công ty CP hàng không Hải Âu; Hành Tinh Xanh; Lưỡng dụng Ngôi sao Việt; Công ty CP dịch vụ kỹ thuật hàng không. Tổng số lượng máy bay đăng ký quốc tịch Việt Nam hiện là 160 chiếc, tăng 8 chiếc so với tháng 12/2016 và tăng 19 chiếc so với cùng kỳ 2016.

Cùng với sự “nở rộ” của thị trường hàng không trong nước, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước lên kế hoạch “cất cánh” tại thị trường Việt Nam.

Cuối tháng 3/2017, hãng hàng không giá rẻ Air Asia của Malaysia lên kế hoạch thành lập một hãng hàng không giá rẻ liên doanh tại thị trường Việt Nam.

Đến giữa tháng 5/2017, Vietstar Airlines có văn bản gửi Chính phủ tái đề nghị được xem xét, phê duyệt cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không, gia nhập thị trường vận chuyển hành khách. Mặc dù, trước đó vào tháng 4/2017, Chính phủ đã phát đi thông báo, việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án vận tải hàng không và cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty TNHH MTV Hàng không Vietstar (Vietstar Airlines) sẽ chỉ được xem xét sau khi đã hoàn thành xây dựng thêm nhà ga hành khách và sân đỗ tàu bay theo đúng phương án điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện Phương án điều chỉnh Quy hoạch đang được Bộ GTVT hoàn thiện, và phải mất 2-3 năm nữa mới có thể hoàn thiện nhà ga hành khách mới và mở rộng vị trí sân đỗ tại Tân Sơn Nhất.

Cuối tháng 5/2017, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC cũng gây bất ngờ khi tuyên bố thành lập hãng hàng không với tên gọi Bamboo Airways. Doanh nghiệp này cũng cho biết thay vì tập trung vào các thành phố lớn như các hãng bay hiện tại, hãng sẽ khai thác các tuyến bay thẳng từ quốc tế tới các điểm du lịch Việt Nam, từ các thành phố lớn đến các địa điểm du lịch, các địa điểm du lịch với nhau.

Chính phủ “siết” vì hạ tầng chưa cho phép

Có thể thấy, tăng trưởng hàng không đang là sức hút với nhiều doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, do đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên ngay tại cuộc họp về đầu tư, xây dựng và kinh doanh trong lĩnh vực hàng không vào giữa tháng 7 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh: Đầu tư, xây dựng và kinh doanh trong lĩnh vực hàng không là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, đòi hỏi một lượng vốn đầu tư lớn; đồng thời, đây cũng là một ngành đặc thù, ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh quốc gia, công tác đối ngoại và an toàn giao thông.

Để nâng cao hiệu quả đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển lành mạnh và bền vững, việc chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy phép kinh doanh vào lĩnh vực hàng không cần được xem xét một cách thận trọng và đúng quy định pháp luật; bảo đảm tuyệt đối an toàn và an ninh hàng không trong mọi tình huống.

Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT có trách nhiệm hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia đầu tư, xây dựng và kinh doanh trong lĩnh vực hàng không thực hiện đúng quy định tại Luật Đầu tư, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và các quy định pháp luật liên quan; đồng thời, rà soát, thẩm định kỹ các trường hợp đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Về việc cấp Giấy phép kinh doanh hàng không chung cho Công ty CP dịch vụ bay và du lịch biển Tân Cảng, Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT tiếp thu ý kiến các Bộ: KH&ĐT, Tư pháp, VHTT&DL, Tài chính và các cơ quan liên quan, hướng dẫn Công ty CP dịch vụ bay và du lịch biển Tân Cảng hoàn thiện hồ sơ cấp Giấy phép kinh doanh hàng không chung theo đúng quy định pháp luật; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định…

Đề xuất cấp Giấy phép kinh doanh hàng không chung của Công ty CP Tân Cảng được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận từ tháng 1/2017. Doanh nghiệp có số vốn điều lệ 100 tỷ đồng này dự kiến duy trì đội bay 2 chiếc phục vụ bay dịch vụ hàng không chung như bay taxi, phục vụ khách du lịch, bay khảo sát địa chất.

Và trước sự chỉ đạo quyết liệt về việc siết chặt lĩnh vực kinh doanh hàng không của Chính phủ, Bộ GTVT cũng vừa yêu cầu Cục Hàng không và các đơn vị liên quan thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Theo đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ yêu cầu: “Để nâng cao hiệu quả đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển lành mạnh và bền vững, việc chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy phép kinh doanh vào lĩnh vực hàng không cần được xem xét một cách thận trọng và đúng quy định của pháp luật; bảo đảm tuyệt đối an toàn và an ninh hàng không trong mọi tình huống”.

Bộ GTVT giao Cục Hàng không Việt Nam hướng dẫn cho các doanh nghiệp khi tham gia đầu tư, xây dựng và kinh doanh trong lĩnh vực hàng không thực hiện đầy đủ các quy định. Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không được yêu cầu là phải rà soát, thẩm định kỹ các trường hợp đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung trước khi báo cáo Bộ GTVT để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. (ChinhPhu)
------------------------

Ông chủ Zara lên ngôi giàu thứ 2 thế giới

Chỉ sau thời gian ngắn lên ngôi giàu nhất thế giới, nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos hiện đã tụt xuống vị trí thứ 3. Trong khi đó, tỷ phú bán lẻ Tây Ban Nha Amancio Ortega, chủ sở hữu thương hiệu thời trang Zara, vươn lên vị trí thứ 2, theo Forbes.

Đầu phiên giao dịch ngày 31/7, tỷ phú Amazon Jeff Bezos đã không còn là người giàu nhất thế giới và tụt xuống vị trí thứ 2. Chốt phiên, tỷ phú bán lẻ Tây Ban Nha Amancio Ortega soán vị trí thứ 2 với tài sản 84,3 tỷ USD, đẩy Bezos xuống một bậc với tài sản 84,1 tỷ USD.

Sau ngày giao dịch 1/8, tài sản của Ortega tăng lên 85,5 tỷ USD còn Bezos là 84,6 tỷ USD lần lượt là người giàu thứ 2 và thứ 3 thế giới. Trong khi đó, tỷ phú Bill Gates tiếp tục là người giàu nhất thế giới với tài sản 89,9 tỷ USD.

Theo Forbes, từ ngày 27/7 đến nay, cổ phiếu Amazon đã giảm gần 5% do không đạt dự báo lợi nhuận quý, khiến tài sản của Bezos “bay hơi” 4,1 tỷ USD. Điều này cũng khiến ông chỉ ở ngôi vị giàu nhất thế giới trong thời gian rất ngắn.

Trong khi đó, tài sản của tỷ phú Amancio Ortega, được biết đến nhiều nhất là ông chủ của thương hiệu thời trang “ăn liền” Zara, lại tăng 1,2 tỷ USD từ ngày 27/7 nhờ cổ phiếu hãng thời trang bán lẻ Inditex tăng hơn 1%.

Bezos và Ortega là hai tỷ phú thường xuyên có mặt trong top xếp hạng tỷ phú hàng ngày của Forbes nhưng chưa bao giờ giữ vị trí số 1 trong xếp hạng cả năm, thường công bố vào tháng 3 hàng năm.

Tháng 10/2015, Ortega lần đầu tiên vượt qua Bill Gates thành người giàu nhất thế giới nhưng chỉ trong chưa đầy một ngày. Gần một năm sau đó, tháng 9/2016, ông tiếp tục vươn lên vị trí số một nhưng cũng chỉ duy trì được hai ngày.

Trong khi đó, ông chủ Amazon Bezos chỉ giữ ngôi người giàu nhất thế giới trong 4 giờ đồng hồ ngày 27/7, trước khi tụt xuống vị trí thứ 2 và hiện tại ở vị trí thứ 3.

Bezos lần đầu lọt vào danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ vào năm 1998 với tài sản 1,6 tỷ USD, một năm sau khi Amazon lên sàn chứng khoán. Còn tỷ phú Tây Ban Nha vào danh sách tỷ phú 3 năm sau đó khi hãng thời trang Inditex, công ty mẹ của chuỗi thời trang Zara, niêm yết cổ phiếu lần đầu. Thời điểm đó, Bill Gates đã là người giàu nhất thế giới được 6 năm với tài sản 58,7 tỷ USD.

Khác với Bill Gates và Jeff Bezos, dù sở hữu khối tài sản khổng lồ, tỷ phú Tây Ban Nha Ortega khá kín tiếng, hiếm khi xuất hiện trước công chúng. Năm 2012, tờ Bloomberg cho biết Ortega chỉ chấp nhận phỏng vấn với 3 tờ báo. Ông mới chỉ thực hiện một vài cuộc phỏng vấn chia sẻ về sự nghiệp thành công của mình.

Với số vốn ban đầu chưa tới 100 USD, ông cùng vợ là Rosalia Mera bắt đầu may đồ lót, đồ ngủ và áo ngủ ngay tại nhà rồi đem bán. Năm 1975, họ thành lập hãng thời trang Zara. Tám năm sau đó, Zara mở rộng với 9 cửa hàng ở khắp Tây Ban Nha. Năm 1984, Ortega mở một trung tâm hậu cần, vận chuyển rộng gần 1.000 m2.

Đến nay, công ty bán lẻ Inditex SA, công ty mẹ của Zara, Massimo Dutti và Pull&Bear, có 7.386 cửa hàng trên khắp thế giới.

Không giống các hãng thời trang khác, Inditex không tập trung quá nhiều vào quảng cáo, mà dồn sức phát triển công ty thành một trong những hệ thống bán lẻ hiệu quả nhất thế giới.

Dù giàu có nhưng Ortega sống khá giản dị, thường chỉ mặc quần áo đơn giản và đều không phải thuộc các thương hiệu thời trang của mình. Mỗi ngày, ông đều mua cafe ở cùng một cửa hàng và ăn trưa với nhân viên ở canteen của công ty.(Vneconomy)

Trở về

Bài cùng chuyên mục