Vốn FDI từ tháng 1 - 8 đạt hơn 23 tỉ USD; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam trả cổ tức lớn nhất từ trước đến nay; Xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 5,13 tỷ USD; TP HCM cấp phép xây dựng trực tuyến từ tháng 10
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 27-08-2017
- Cập nhật : 27/08/2017
Thu bauxite kém xa dự tính: Minh chứng càng làm càng lỗ?
Số thu ngân sách kém xa so với dự tính ban đầu của các dự án alumin-nhôm đã được cảnh báo từ lâu.
Báo Đầu tư dẫn báo cáo của tỉnh Đắk Nông do Chủ tịch UBND Nguyễn Bốn ký mới đây cho biết, theo kết quả phân tích, tính toán về hiệu quả kinh tế của Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ theo vốn đầu tư điều chỉnh và các quy định về cơ chế chính sách của Nhà nước tại thời điểm tháng 12/2016 được Sở Công thương cung cấp, kể từ năm 2016, năm kế hoạch Nhà máy đi vào hoạt động, tổng số thuế bình quân hàng năm đóng góp cho ngân sách là 437,761 tỷ đồng.
Tuy nhiên trên thực tế, thống kê từ Cục Thuế tỉnh Đắk Nông cho thấy, tổng dự toán thu ngân sách năm 2017 từ Nhà máy chỉ khoảng 107,390 tỷ đồng, thấp hơn so với báo cáo phân tích hiệu quả kinh tế ban đầu hơn 330 tỷ đồng.
Trong quý I/2017, Nhà máy Alumin Nhân Cơ đã sản xuất được trên 247.000 tấn hydroxyt nhôm và 126.000 tấn alumin. Đồng thời, Nhà máy đã xuất khẩu được 16.600 tấn hydroxyt nhôm sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và khoảng 85.000 tấn alumin sang thị trường Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Số nộp ngân sách nhà nước từ Nhà máy là 57,181 tỷ đồng, trong đó lớn nhất là tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với 23 tỷ đồng; thuế xuất khẩu 13,8 tỷ đồng; phí bảo vệ môi trường 7 tỷ đồng; thuế tài nguyên 6,2 tỷ đồng…
Theo tính toán của tỉnh Đắk Nông, với khả năng đóng góp cho ngân sách như hiện tại và sản phẩm alumin sản xuất ra chỉ để xuất khẩu, thì cả năm 2017, tổng thu các khoản từ Nhà máy Alumin Nhân Cơ chỉ khoảng 150 tỷ đồng.
52% số thu này được đưa về ngân sách trung ương, tức là khoảng 78 tỷ đồng; còn ngân sách địa phương sẽ được hưởng khoảng 72 tỷ đồng.
Dĩ nhiên, số dự tính thu được của Alumin Nhân Cơ năm 2017 cũng kém xa so với con số 437,7 tỷ đồng được ước tính khi triển khai dự án.
Đối với Nhà máy Alumin Tân Rai, theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) hồi tháng 7/2017, trong 6 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận trước thuế của Nhà máy ước đạt trên 60 tỷ đồng.
Vào thời điểm đó, lãnh đạo TKV cho hay, 2 dự án Nhân Cơ và Tân Rai đang thu được kết quả kinh doanh ngày càng tốt hơn. Về hiệu quả kinh tế của dự án, năm 2017 đã bắt đầu có lãi và cắt lỗ trước kế hoạch 1 năm.
Tuy nhiên, nhìn kết quả từ hai nhà máy, một số chuyên gia địa chất và khoáng sản cho rằng số thu được từ Tân Rai và Nhân Cơ là quá ít so với những gì phải trả và họ nhắc lại lời cảnh báo bauxite càng làm càng lỗ đã đưa ra cách đây rất nhiều năm.
PGS.TS Nguyễn Văn Phổ, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Địa chất và Khoáng sản một lần nữa nhấn mạnh, dự án Tân Rai và Nhân Cơ khó có thể đạt được hiệu quả kinh tế bởi hai yếu tố: hàm lượng bauxite thấp và công nghệ Trung Quốc.
Từ khi nhà máy chưa làm ông đã đưa ra dự báo này và thực tế đã chứng minh điều đó là đúng.
"Đối với bauxite, có những nơi người ta không coi đó là quặng nhưng Việt Nam lại đánh giá đó là quặng với trữ lượng lên đến hàng tỷ tấn rồi làm. Làm như thế không đem lại lợi ích ích tế gì, chỉ càng làm càng lỗ", PGS.TS Nguyễn Văn Phổ chỉ rõ.
Vị chuyên gia khẳng định, cái giá phải trả cho các dự án alumin-nhôm là quá lớn khi tiền thu được quá ít ỏi, đất rừng bị mất, môi trường bị ảnh hưởng", ông nói.
Đồng quan điểm, GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường cũng nhận xét, kết quả của hai nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ cho thấy cảnh báo của giới chuyên gia cách đây nhiều năm đã đúng.
GS Bá cho rằng, việc tuyên bố mức lãi của các dự án alumin-nhôm ngày càng tăng chỉ là chuyện ảo tưởng khi có quá nhiều vấn đề tồn tại xung quanh các dự án này.
"Thứ nhất, thế giới đã không làm nhôm từ bauxite nữa, ngay như Úc dù đã đầu tư hàng triệu USD cũng vẫn bỏ, chỉ có Việt Nam gánh công nghệ của Trung Quốc.
Thứ hai, làm nhôm từ bauxite quá ô nhiễm. Đập chứa bùn đỏ ở vùng cao 700-800m so với mặt nước biển, nếu xảy ra sự cố vỡ đập thì dưới hạ lưu như TP.HCM, Biên Hòa, Bình Dương... chịu rủi ro vô cùng lớn với lũ quét, hệ sinh thái bị tiêu diệt.
Thứ ba, bauxite Việt Nam phân bố theo kiểu lỗ chỗ, không phải ở 1 vỉa sâu liên tục, khai thác dễ nhưng hiệu quả không tốt, hậu quả lớn là không thể hoàn thổ được, mặt bằng sau khi khai thác không còn khả năng sử dụng để canh tác", vị chuyên gia phân tích.
Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường dẫn con số so sánh: 7 tấn nhôm mới bằng được 1 tấn hạt tiêu, làm sao làm có lời được? Trong khi đó trồng hồ tiêu không độc hại, dân ai cũng quen trồng, trồng được ở khắp nơi.
Không dừng ở đó, việc vận chuyển bauxite cũng bế tắc bởi trước TKV tính làm cảng Kê Gà nhưng sau dừng lại dù đã bỏ bao nhiêu tiền; chạy xuống sông Vàm Cỏ để nhẹ tiền hơn nhưng cũng tan nát hết đường.
Bởi giá thành sản xuất cao hơn giá bán nên GS.TSKH Lê Huy Bá cảm thấy "bế tắc" đối với các dự án alumin-nhôm.
"Cảnh báo thì đã nói nhiều, giờ với những con số thực tế như vậy, hy vọng những người có trách nhiệm sẽ nhận ra dù hơi muộn", vị chuyên gia nói.(ĐVO)
-------------------------
Đến hết quý II/2017, số dư Quỹ Bình ổn giá đạt 3.975,665 tỷ đồng
Bộ Tài chính vừa công bố về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu quý II/2017.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, số dư Quỹ Bình ổn giá tại thời điểm 01/01/2017 là 2.389,891 tỷ đồng. Tính đến hết quý I/2017 (đến hết ngày 31/3/2017), số dư Quỹ Bình ổn giá đạt 2.864,527 tỷ đồng.
Tổng số trích Quỹ Bình ổn giá trong quý II/2017 (từ ngày 01/4/2017 đến hết ngày 30/6/2017) đạt 1.405,439 tỷ đồng. Tổng số sử dụng Quỹ Bình ổn giá trong quý II/2017 (từ ngày 01/4/2017 đến hết ngày 30/6/2017) đạt 298,085 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng cho biết, lãi phát sinh trên số dư Quỹ Bình ổn giá dương trong quý II/2017 đạt 3,826 tỷ đồng. Trong khi lãi phát sinh trên số dư Quỹ Bình ổn giá âm trong quý II/2017 đạt 43 triệu đồng.
Số dư Quỹ Bình ổn giá đến hết quý II/2017 (đến hết ngày 30/6/2017) là 3.975,665 tỷ đồng.(TCTC)
-----------------------------
Mỹ áp một loạt trừng phạt kinh tế mới với Venezuela
Chính quyền Mỹ vừa công bố một loạt lệnh trừng phạt kinh tế mới với Venezuela theo sắc lệnh hành pháp của tổng thống Donald Trump.
Theo báo Independent (Anh), tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký phê duyệt sắc lệnh hành pháp áp đặt một loạt các lệnh trừng phạt tài chính mới, nghiêm ngặt với chính quyền Venezuela.
Nhà Trắng dẫn lý do trừng phạt vì cho rằng chính quyền của tổng thống Maduro đang làm khánh kiệt lương thực và thuốc men trong nước, cáo buộc Venezuela trấn áp tự do ngôn luận.
Theo các lệnh trừng phạt này, các tổ chức tài chính Mỹ bị nghiêm cấm tham gia các giao dịch mua trái phiếu cũng như cổ phiếu do chính phủ Venezuela phát hành, trong đó có cả cổ phiếu của công ty dầu khí quốc gia Venezuela, Petróleos de Venezuela SA (PdVSA).
Các ngân hàng Mỹ cũng không được phép cho chính phủ cũng như tập đoàn dầu khí của Venezuela vay tiền. Những lệnh cấm mới liên quan tới điều kiện tiếp cận tín dụng của Venezuela sẽ có hiệu lực ngay lập tức.
Những lệnh cấm này chắc chắn sẽ khiến Venezuela tiếp tục gặp nhiều khó khăn hơn trong bối cảnh rất cần tiền để thanh toán những khoản lãi của nợ công đang ngày tăng lên.
Dù vậy gói trừng phạt mới của Mỹ vẫn chưa “đụng” tới một lệnh trừng phạt có thể gây tổn hại nghiêm trọng nhất với nền kinh tế của quốc gia Nam Mỹ, đó là một lệnh cấm vận dầu mỏ.
Venezuela vẫn đang chìm trong cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ dẫn tới tình trạng khan hiếm hàng hóa trong nước và cả hàng hóa nhập khẩu nước ngoài.
Tình trạng thiếu thốn lương thực, thuốc men đang ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống của người dân. Theo nghiên cứu của 3 đại học ở Venezuela, cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng tới mức 75% dân số nước này đã bị sút cân trung bình 8,61 kg.
Phản ứng sau thông tin này, tổng thống Venezuela, ông Maduro, cho rằng: “Những quyết sách phi pháp của tổng thống Donald Trump áp dụng hôm nay chống lại nhân dân Venezuela đã vi phạm luật pháp quốc tế. Họ đã phê chuẩn một lộ trình gây hấn kiểu đế quốc với Venezuela”.(Tuoitre)
------------------------
Sếp Huawei nói gì trước những hoài nghi của khách hàng?
“Huawei đã có mặt tại hơn 170 quốc gia, ở tất cả những thị trường này người tiêu dùng đều hoài nghi về chất lượng sản phẩm cũng như tính bảo mật về an toàn thông tin”.
Đó là thông tin được ông Thomas Zhou, Tổng Giám đốc Huawei Việt Nam đưa ra trong lễ khai trương website tiếng Việt (www.huawei.com/vn) của tập đoàn vào chiều 24/08/2017.
Để phản hồi những nghi ngại của người tiêu dùng đối với sản phẩm “Made in China” của Huawei, ông Thomas Zhou khẳng định tập đoàn này luôn tự chủ trong việc sản xuất ra các linh kiện từ đầu đến cuối, cũng như chính sách bảo hành từ đầu đến cuối cho khách hàng.
“Mọi người có thể yên tâm khi mua sản phẩm của Huawei là mua sự bảo đảm về chất lượng, đồng thời sẽ có cơ quan Chính phủ của từng quốc gia kiểm nghiệm và chứng nhận hợp quy về sản phẩm của chúng tôi”, ông Thomas Zhou khẳng định.
Tổng Giám đốc Huawei Việt Nam cũng cho biết, vấn đề về bảo mật và an toàn thông tin luôn là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu của Huawei. Trong cơ cấu của tập đoàn, người lãnh đạo cao nhất đồng thời cũng là Chủ tịch Ủy ban bảo đảm an toàn thông tin.
“Cam kết của Huawei là không bao giờ để vấn đề an toàn thông tin bị lu mờ trước những tính toán về lợi ích thương mại. Chúng tôi có sự kiểm soát chặt chẽ về vấn đề an toàn thông tin ở tất cả các khâu”.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng vấn đề an toàn bảo mật thông tin về dữ liệu người dùng luôn là vấn đề nóng, cần có sự hợp tác của các bên, từ cơ quan Chính phủ đến doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Ông Thomas Zhou (đứng giữa), Tổng Giám đốc Huawei Việt Nam trong lễ khai trương website Huawei Việt Nam.
Lý giải cho việc mặc dù đã có mặt tại Việt Nam được 19 năm, nhưng đến nay công ty mới xây dựng website tiếng Việt, ông Thomas Zhou cho biết trước đây Huawei chỉ tập trung mảng hạ tầng CNTT với mô hình B2B (cung cấp dịch vụ từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp), nhu cầu để quảng bá không cao nên công ty chỉ xây dựng website tiếng Anh. Tuy nhiên, gần đây công ty đã mở rộng sang 2 mảng kinh doanh mới là mảng kinh doanh về giải pháp dành cho doanh nghiệp (enterprise) và mảng kinh doanh về sản phẩm tiêu dùng (B2C), do nhu cầu kết nối, giao lưu và chia sẻ thông tin với khách hàng.
Theo chia sẻ của ông Thomas Zhou, mảng kinh doanh truyền thống đem lại khoảng 70% doanh thu cho Huawei Việt Nam, mảng kinh doanh sản phẩm tiêu dùng (điện thoại, máy tính bảng,…) đem lại doanh thu 25%, mảng kinh doanh về giải pháp dành cho doanh nghiệp mới chỉ đóng góp khoảng 5% doanh thu do mới bắt đầu triển khai. Tuy nhiên, với hơn 7.600 doanh nghiệp tại Việt Nam có nhu cầu ứng dụng ICT tiềm năng của thị trường là không hề nhỏ.
Sau 19 năm có mặt tại Việt Nam, Huawei đã đào tạo khoảng 6.500 chuyên gia về ICT, đồng thời tạo ra khoảng 15.000 cơ hội việc làm tại Việt Nam.
Tại buổi lễ, Huawei cũng úp mở khả năng tham gia cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho chính quyền các thành phố tại Việt Nam trong việc triên khai mô hình Thành phố thông minh (Smart City) và Thành phố an toàn (Safe City). Theo ông Mark Wang, Phó TGĐ Huawei Việt Nam, không ai có thể triển khai các mô hình này một mình. Các thành phố cần có những đối tác cung cấp giải pháp, nhưng điều quan trọng nhất là cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá thế nào là Smart city hoặc Safe city.(Infonet)