tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 27-08-2017

  • Cập nhật : 27/08/2017

Xem xét đề xuất cho đối tác Trung Quốc xây sân bay Long Thành

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết đã giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam lập báo cáo nghiên cứu khả thi, khi thông qua rồi mới có cơ sở tuyển chọn nhà đầu tư.

phuong an co y tuong tu hinh anh hoa sen cach dieu duoc to tu van kien nghi chon lam phuong an thiet ke kien truc san bay long thanh - anh: acv

Phương án có ý tưởng từ hình ảnh hoa sen cách điệu được Tổ tư vấn kiến nghị chọn làm phương án thiết kế kiến trúc sân bay Long Thành - Ảnh: ACV

Geleximco cùng đối tác Trung Quốc vừa gửi văn bản đến Thủ tướng muốn xây dựng sân bay Long Thành theo hình thức đối tác công tư (PPP) "hiện đại và văn minh" mà giá thấp.

Cụ thể, ông Vũ Văn Tiền, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Geleximco và ông Chen Yi Long, chủ tịch Tập đoàn Năng lượng mới KAIDI Dương Quang (KAIDI) của Trung Quốc, đề xuất Thủ tướng đồng ý về mặt nguyên tắc cho phép đầu tư dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo hình thức PPP.

Nhà đầu tư Trung Quốc cam kết giá thấp nhất

Tự giới thiệu có kinh nghiệm và có khả năng thu xếp nguồn vốn cho dự án, lãnh đạo hai doanh nghiệp này cam kết xây đựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành hiện đại và văn minh.

Về tiến độ xây dựng, hai nhà đầu tư một Việt Nam, một Trung Quốc này đưa ra là 3-5 năm với "giá thành đầu tư thấp nhất cho một sân bay mới hiện đại".

Trong văn bản gửi tới Thủ tướng, lãnh đạo Geleximco giới thiệu họ có mối quan hệ chặt chẽ với KAIDI Dương Quang trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng và vận hành các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.

Tập đoàn này cũng nói rằng mình có mối quan hệ với các quỹ đầu tư lớn như Tập đoàn Quản lý tài sản Hoa Dung Trung Quốc (Hoa Dung) là một công ty nhà nước với tổng tài sản đạt trên 250 tỉ USD hay Công ty TNHH cổ phần Đầu tư Dân Sinh, IDG...

Đến nay Geleximco và đối tác đã thành lập một Quỹ đầu tư trị giá 15 tỉ USD và bắt đầu giải ngân giai đoạn đầu khoảng 6 tỉ USD.

Đây không phải là lần đầu tiên đại gia Vũ Văn Tiền muốn cùng đối tác Trung Quốc đề xuất tham gia xây dựng sân bay Long Thành. 

Hồi tháng 10-2016, Geleximco và Công ty TNHH Hong Kong United Investors Holding (HUI) cũng đã đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải cho phép tham gia đầu tư vào 4 dự án hạ tầng giao thông lớn, trong đó có sân bay Long Thành. 

Ba dự án còn lại gồm Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc Nam đoạn Thanh Hóa - Hà Tĩnh và TP.HCM đến Khánh Hòa, Dự án đường bộ cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái và Dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam.

Thời điểm đó, trong tổng vốn ước tính đầu tư của cả 4 dự án này là gần 50 tỉ USD, liên doanh Geleximco - HUI của ông Vũ Văn Tiền chưa đề cập đến mức độ đầu tư bao nhiêu, chỉ nói rằng họ có mối quan hệ với các quỹ tài chính lớn. 

Sân bay Long Thành: Ai cũng có quyền đề xuất tham gia

Đề xuất xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành của Geleximco và KAIDI đã được Văn phòng Chính phủ gửi tới Bộ Công thương, Bộ Giao thông - vận tải xem xét.

Trao đổi Tuổi Trẻ Online về đề xuất này, Thứ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Lê Đình Thọ cho biết bộ này hoan nghênh các nhà đầu tư quan tâm dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.  

Dự án sân bay Long Thành, theo ông Thọ, có các hạng mục kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách nhà nước nên bất cứ nhà đầu tư nào cũng có thể đề xuất phương án tham gia.

Ở thời điểm hiện tại, ông Thọ cho biết Bộ Giao thông - vận tải đã giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam tiến hành lập báo cáo nghiên cứu khả thi để làm cơ sở tuyển chọn nhà đầu tư.

Chính vì thế các bên cần phải chờ đến khi báo cáo được cơ quan có thẩm quyền thông qua mới tiến hành tuyển chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo các tiêu chí được quy định rõ trong báo cáo. 

Các nhà đầu tư có thể tìm hiểu, căn cứ nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt để đề xuất những phương án cụ thể hơn.

Theo chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được Quốc hội thông qua, tổng mức đầu tư khái toán là 336.630 tỉ đồng (tương đương 16,03 tỉ USD, áp dụng đơn giá của năm 2014), trong đó giai đoạn 1 là 114.450 tỉ đồng (tương đương 5,45 tỉ USD). 

Phần sử dụng vốn ngoài ngân sách được tính toán sẽ chiếm khoảng 62,4% tổng mức đầu tư, trong đó có phần PPP cho các hạng mục công trình có khả năng thu hồi vốn cao như nhà ga hành khách, ga hàng hóa, các hạng mục thương mại...(Tuoitre)
--------------------------

ACB tiếp tục trích lập dự phòng 600 tỷ đồng cho các công ty của "bầu" Kiên

Đến cuối quý 2/2017, dư nợ nhóm 6 công ty liên quan đến Bầu Kiên còn khoảng 3.500 tỷ đồng, trong đó ngân hàng đã trích lập 3.000 tỷ đồng.

Theo công bố của ACB, 6 tháng đầu năm 2017, ngân hàng đã hoàn nhập 340 tỷ đồng dự phòng cho khoản nợ của Vinalines. Do vậy, thu nhập khác tăng trưởng hơn 3 lần so với cùng kỳ và là một trong những động lực giúp thu nhập hoạt động tăng trưởng 58% so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng 5.451 tỷ đồng.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, chi phí hoạt động tăng mạnh 43%, chủ yếu do chi phí dự phòng các khoản phải thu hơn 653 tỷ đồng. Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2017, ACB tiếp tục tăng cường trích lập dự phòng rủi ro nợ của nhóm 6 công ty liên quan đến Bầu Kiên (nhóm G6). Cụ thể, khoảng 600 tỷ đồng đã được trích lập cho nhóm G6, khiến chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng mạnh 160% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2017 theo đó đạt 1.262 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ và hoàn thành 57% kế hoạch cả năm. ACB dự kiến hoàn thành trích lập dự phòng rủi ro nhóm G6 và trái phiếu đặc biệt trong năm 2017.

Đến cuối quý 2/2017, dư nợ nhóm G6 còn khoảng 3.500 tỷ đồng, trong đó ngân hàng đã trích lập tổng cộng 3.000 tỷ đồng. Đối với trái phiếu đặc biệt, số dư ròng sau trích lập dự phòng còn xấp xỉ 883 tỷ đồng.

Trái với xu hướng tăng trưởng tín dụng luôn cao hơn so với tăng trưởng huy động khách hàng ở các năm trước, tốc độ tăng trưởng của hai khoản mục này duy trì tương đương trong nửa đầu năm 2017. Nhờ vậy, chỉ tiêu về an toàn vốn (CAR) và tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) được duy trì ở mức khá tốt so với quy định của Thông tư 36, với CAR hợp nhất đạt 12% và LDR đạt 75%.

Tỷ lệ nợ xấu của ACB còn khoảng 1,1% vào cuối quý 2/2017, nhờ vậy tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu tăng mạnh lên xấp xỉ 131%, chỉ thấp hơn so với tỷ lệ của VCB.(Infonet)
--------------

Tín dụng có thể tăng tới 22%

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng tăng trưởng tín dụng trên 20% là có thể đạt được. Tuy nhiên, để nâng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN), điều kiện quan trọng là phải giảm được lãi suất.

anh minh hoa. nguon: internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ diễn ra vào cuối tuần trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có kế hoạch, lộ trình để bảo đảm tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 21-22%. Thủ tướng nhấn mạnh tăng trưởng tín dụng là kênh rất quan trọng góp phần không nhỏ để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm nay.

Mới đây nhất, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu Thống đốc điều hành linh hoạt, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ phối hợp với chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm tăng trưởng tín dụng trên 20% gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng; phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên.

Tuy nhiên, có ý kiến băng khoăn là liệu định hướng đưa tín dụng lên trên mức 20% là có khả thi? Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã đưa ra những nhận định về vấn đề này.

“Tăng trưởng tín dụng trên mức 20% là có thể đạt được, do các điều kiện kinh tế vĩ mô đang tương đối thuận lợi để NHNN có thể xem xét tới việc tăng cung tiền tệ và trên cơ sở đó giảm lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay”, TS. Lê Xuân Nghĩa khẳng định.

Cụ thể, lạm phát cơ bản trong 3 năm liên tục đang ở mức khá thấp, dưới 2%; lãi suất trái phiếu Chính phủ cũng đang ở mức thấp khoảng 5%, lãi suất trần ngắn hạn tiền gửi cũng thấp…

Tuy nhiên, theo ông Nghĩa một điều rất quan trọng cần phải tính toán, xem xét đó là liệu DN, nền kinh tế có khả năng hấp thụ nguồn tín vốn tín dụng được mở rộng hay không?

Ông cho rằng, việc các DN, nhất là các DN vừa và nhỏ trong nền kinh tế sẽ có cơ hội tiếp cận và khả năng hấp thụ tốt phụ thuộc vào lãi suất, nếu lãi suất cao thì các DN khó có thể hấp thụ được nguồn vốn tín dụng đó.

“Bởi lẽ trong bối cảnh lãi suất đang cao, nếu mở rộng tín dụng thì nguồn lực này sẽ chảy vào những lĩnh vực ngoài mong muốn như bất động sản, chứng khoán, những ngành có mức độ rủi ro tương đối cao. Trong khi, nếu lãi suất giảm xuống thì tăng trưởng tín dụng này sẽ vào được những lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo”, TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích.

Vị chuyên gia cũng dẫn ra hai khả năng khi đưa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên trên 20%. Nếu nền kinh tế hấp thụ tốt, đúng hướng, trong điều kiện lãi suất tương đối thấp có thể tạo nên hiệu ứng tăng cầu, góp phần tăng trưởng GDP. Còn nếu không giảm lãi suất mà đẩy tăng trưởng tín dụng lên cao như vậy thì chưa chắc đã tạo nên được tác dụng tăng tổng cầu an toàn và có thể dẫn đến lạm phát cao hơn trong những năm tiếp theo. “NHNN cần cân nhắc, tính toán thận trọng”, ông Nghĩa nhận định.

Nhìn rộng hơn ra thế giới, vị chuyên gia cho biết xu thế nới lỏng tiền tệ toàn cầu vẫn đang là xu thế chính chứ không phải thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt. “Có thể thấy dư địa để giảm lãi suất và tăng trường tín dụng của nước ta vẫn còn nhưng không nhiều và cũng không thể ‘mạnh tay’ trong nới lỏng tín dụng mà cần rất thận trọng”, ông Nghĩa nhận xét.

Ông cũng cho biết, thực tế, mặt bằng lãi suất của Việt Nam vẫn ở mức cao, kể cả khi so với Trung Quốc và các nước ASEAN… làm tăng gánh nặng chi phí tài chính của DN lên khá lớn. Trong bối cảnh các DN Việt Nam làm việc phần lớn bằng vốn đi vay, tỉ lệ đòn bẩy tài chính cao, trong 100 tỷ thì vốn tự có chỉ khoảng 10-20 tỷ, còn lại là vốn vay, dẫn đến chi phí tài chính trong giá thành sản phẩm còn rất lớn. Có DN đạt doanh thu năm khoảng 150 tỷ thì lãi vay ngân hàng đã lên tới 5-6 tỷ, vượt cả phi phí về trích lập khấu hao, “đó là điều mà chỉ làm DN mới hiểu được sức ép của lãi suất ngân hàng lớn đến như thế nào”, ông chia sẻ.

Đặc biệt, các DN trong ngành chế biến, chế tạo thường xuyên nhập khẩu nguyên vật liệu nên vốn lưu động rất lớn. Như trong ngành bao bì, giả sử doanh thu 100 tỷ thì riêng tiền nguyên phụ liệu đã chiếm tới 75-80%, tất cả chi phí này phải đi vay ngân hàng làm vốn lưu động. Cho dù tăng vòng quay vốn như thế nào thì chi phí trả lãi vay ngân hàng trong tổng chi phí vẫn rất lớn tạo nên sức ép, hạn chế năng lực cạnh tranh của DN.

“Điều kiện quan trọng là lãi suất phải giảm để nâng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và tăng được sức cạnh tranh của DN”, TS. Lê Xuân Nghĩa khẳng định.(TCTC)
-----------------------------

Hàng trăm triệu đô la từ nước ngoài đang chờ đổ vào thị trường BĐS Việt Nam

Theo JLL – đơn vị chuyên nghiên cứu và tư vấn bất động sản, thị trường bất động sản dự kiến sẽ tiếp tục sôi động trong năm 2017 với hàng loạt các thương vụ mua bán và sáp nhập.

JLL cho biết, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu thông qua hoạt động M&A. Hình thức liên doanh đang trở nên phổ biến giữa các nhà đầu tư nước ngoài với khả năng tài chính mạnh và giàu kinh nghiệm sẽ hợp tác cùng với các tập đoàn tại địa phương, những nhà đầu tư đang nắm giữ đất đai trên thị trường cũng như có mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền sở tại.

Qua quan sát của JLL, hiện có hàng trăm triệu đô la đang chờ đợi để đổ vào thị trường trong nước ở hầu hết các phân khúc, bao gồm nhà ở, văn phòng, bán lẻ, khách sạn và khu công nghiệp. Các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc…

hang tram trieu do la dang cho do vao thi truong bat dong san viet nam.

Hàng trăm triệu đô la đang chờ đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam.

Từ đầu năm đến nay, thị trường ghi nhận khá nhiều giao dịch đáng chú ý. Chẳng hạn như trong tháng 3, công ty Keppel Land (Singapore) đã nắm 16% cổ phần còn lại của Tổng công ty cổ phần Đường Sông Miền Nam (Sowatco) trong dự án Saigon Centre - thông qua công ty thành viên Krystal Investment Pte., Ltd.

Hay như Hongkong Land sẽ trở thành đối tác chiến lược với Công ty Đầu tự Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (CII) để phát triển nhà ở tại khu độ thị mới Thủ Thiêm.

Hoặc vào tháng 5 vừa qua, Quốc Cường Gia Lai đã bán dự án của công ty tại quận Nhà Bè, TP. HCM cho Sunny Island Investment với giá trị giao dịch không được tiết lộ.

Hay gần đây, Công ty Cổ phần Bất động sản Phát Đạt cũng đã tuyên bố đã chuyển nhượng một phần của dự án Everrich 3 tại TP. HCM. Còn Công ty bất động sản Hưng Thịnh có chiến lược thâu tóm 20 dự án đã bị trì hoãn lâu dài, trong đó 10 dự án đã được tiến hành xây dựng và bắt đầu tung ra thị trường.

Ngoài ra, quỹ đầu tư VinaCapital cho biết đã bán 70% cổ phần của mình trong dự án Đại Phước Lotus ở tỉnh Đồng Nai cho China Fortune Land Development (CFLD). CFLD đã ký biên bản ghi nhớ với Công ty Tín Nghĩa để xây dựng thành phố công nghiệp mới (NIC) tại Khu công nghiệp Ông Kèo, dựa trên kế hoạch xây dựng hàng chục khu công nghiệp ở Đông Nam Á.

Theo JLL, phân khúc nhà ở vẫn là thị trường hấp dẫn nhất. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư hiện nay đang có xu hướng chuyển sang thị trường BĐS thương mại, đặc biệt tập trung vào các dự án văn phòng hạng A có vị trí đắc địa, tiềm năng tăng trưởng về giá trị vốn và lợi suất đầu tư (7 – 8%). Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng cho thấy sự quan tâm đặc biệt đối với những dự án khách sạn.

Đối với các dự án nhà ở và thương mại, các nhà đầu tư nước ngoài thường tìm kiếm những khu đất “sạch”, tức là đã hoàn thành thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng, hoàn tất thanh toán chi phí sử dụng đất, có quyền sử dụng đất, và kế hoạch phát triển tốt... Tuy nhiên, những dự án như trên rất hiếm, bởi lẽ thị trường BĐS Việt Nam vẫn còn non trẻ.

Bên cạnh đó, thị trường BĐS Việt Nam vẫn còn kiểm soát chặt chẽ, các dự án có tiềm năng phát triển tốt khá khan hiếm. Khả năng tiếp cận đến các dự án tốt tương đối hạn chế. Do đó, hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài thường tìm đến sự hỗ trợ của các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để có thể gia nhập vào thị trường.

M&A sẽ ghi nhận mức kỷ lục mới trong năm 2017 và 2018

JLL nhận định, thị trường BĐS Việt Nam đang đón nhận nhiều luồng quan tâm mạnh mẽ đến từ các nhà đầu tư nước ngoài và sẽ tiếp diễn trong thời gian sắp tới. Các phân khúc BĐS vẫn đang trên đà phát triển như mong đợi. Phân khúc khách sạn luôn thu hút được sự quan tâm trong thời gian qua với nhiều nguồn vốn từ nước ngoài được đổ vào Việt Nam.

Cũng theo JLL, những thị trường khác như khu công nghiệp và giáo dục cũng đang không ngừng tăng trưởng. Thị trường nhà ở bình dân được đánh giá là phân khúc thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư, chủ yếu nhờ vào sự gia tăng của tầng lớp trung lưu.

Số lượng nhà đầu tư nước ngoài gia nhập và thành lập văn phòng tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Thay vì phải di chuyển liên tục, các nhà đầu tư hiện nay đã phát triển đội ngũ nhân viên của công ty ngay tại Việt Nam với sự kết hợp giữa các chuyên gia, quản lý trong và ngoài nước cho từng dự án.

“Nhìn chung, Việt Nam vẫn đang thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ các nhà đầu tư trong khu vực, chúng tôi hy vọng hoạt động M&A tại Việt Nam sẽ ghi nhận mức kỷ lục mới trong năm 2017 và 2018”, ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL nhận định.(Infonet)

Trở về

Bài cùng chuyên mục