Nguy cơ khủng hoảng tài chính toàn cầu vẫn chưa dừng lại; Cherry Úc chính thức được vào Việt Nam; TP.HCM điều chỉnh 451 đồ án quy hoạch; Cảnh báo tình trạng khai sai mã hàng ở khu vực cảng Hải Phòng
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 25-08-2017
- Cập nhật : 25/08/2017
Bơm gần 700 ngàn tỷ đồng, sẽ tăng lạm phát, nợ xấu
Có thể, trong 5 tháng cuối năm, một lượng vốn “khủng” dự kiến gần 700 ngàn tỷ đồng sẽ được bơm ra, tiền ra ồ ạt, tăng trưởng đạt nhưng rủi ro nào nền kinh tế sẽ phải đối mặt: lạm phát hay nợ xấu?
7 tháng qua, tiền vào đâu?
Báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, tín dụng tính đến hết tháng 7/2017 ước tăng 9,3% so với cuối năm 2016. Tuy nhiên, bất thường ở chỗ dù mức tăng tín dụng cao nhưng GDP không nhận được mức tăng khả quan tương ứng.
Trước hiện tượng này, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đã đặt ra hai tình huống. Thứ nhất, theo BVSC, tiền đang đi vào sản xuất nhưng do mức độ tác động của tín dụng đến tăng trưởng của nền kinh tế luôn có độ trễ. Khoảng thời gian trễ này có thể tính bằng quý, thậm chí là bằng năm, tùy đặc thù hoạt động của từng doanh nghiệp.
Thứ hai, có thể do cơ cấu các khoản cho vay không hợp lý, dòng tiền chủ yếu chảy vào các lĩnh vực đầu cơ mua đi bán lại thứ cấp, điển hình như cho vay chứng khoán hay bất động sản.
Mổ xẻ số liệu của Ngân hàng Nhà nước, BVSC đã chỉ ra: 6 tháng đầu năm, cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, với tỷ trọng khoảng 80% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Trong đó, tín dụng đối với ngành công nghiệp ước tăng khoảng 10,5%; tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp và các nhu cầu vốn trên địa bàn nông thôn tăng gần 10%.
Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro đều tăng thấp như cho vay kinh doanh bất động sản ước tăng 5,5%; cho vay các dự án BOT, BT giao thông chi tăng 1,75%.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng vụ các tổ chức tín dụng (NHNN) cho hay, tính đến 15/8, tín dụng tăng trưởng đạt mức 9,68% “trong đó có một lượng lớn chiếm tới 14-15% trong tổng tín dụng đã vào nông nghiệp, tương ứng khoảng 1,2 triệu tỷ đồng”, ông Hùng nói.
Những gì sẽ biến động?
Trước khả năng hệ thống ngân hàng sẽ sớm hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 18% đặt ra hồi đầu năm, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra ngày 3/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng giảm lãi suất cho vay, đồng thời đưa dư nợ tín dụng lên cao hơn hoặc bằng 20% trong năm nay, trên cơ sở đảm bảo chất lượng tín dụng và ổn định vĩ mô.
Hiện tổng dư nợ toàn hệ thống ngân hàng đạt khoảng 6 triệu tỷ đồng. Theo tính toán, nếu tăng trưởng tín dụng đạt 20% nghĩa là cả năm 2017 dư nợ phải tăng thêm 1,2 triệu tỷ đồng. Như vậy, trong 5 tháng cuối năm, khoảng 642.000 tỷ đồng qua cửa ngân hàng sẽ được tiếp tục bơm ra nền kinh tế.
Nếu tính thêm cả lượng vốn hơn 143.000 tỷ đồng đang được Kho bạc gửi tại các ngân hàng thương mại rút về để giải ngân đầu tư công, dự báo một lượng tiền cực lớn sẽ được đưa ra.
Việc khuyến khích mở rộng tăng trưởng tín dụng lên tới hơn 20% theo nhìn nhận của một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, dường như là thông điệp nới lỏng chính sách. Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng quan ngại rằng, tỷ giá đang duy trì sự ổn định khá tốt nhưng trước những diễn biến trên, không có gì bảo đảm chắc chắn tỷ giá không có biến động và áp lực vẫn còn ở phía trước cả về khách quan và chủ quan.
Từ năm 2001 đến 2010, tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam liên tục ghi nhận tốc độ trên 20%, riêng năm 2005 ở mức 19,2%; trong đó có những năm đột biến như 2004 tăng tới 41,5%, năm 2007 lên tới 53,8% và năm kích cầu 2009 tăng 37,5%. Sau giai đoạn bùng nổ đó, từ năm 2011 tăng trưởng tín dụng rơi xuống chỉ còn 10,9% và duy trì dưới 20% mỗi năm cho đến nay.
Bài học về nới lỏng chính sách tiền tệ ở vào giai đoạn năm 2007 vẫn còn nguyên giá trị khi cung tiền cao đã đẩy lạm phát năm 2008 bùng lên dữ dội tới 23%. Rút kinh nghiệm trong điều hành tiền tệ, một nguồn tin cho biết, hiện NHNN đang rốt ráo xây những kịch bản tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm với đích cán 22% và những giải pháp thắt chặt làm sao để vừa đảm bảo tăng trưởng, vừa tránh tác động mạnh đến lạm phát và tỷ giá.(tienphong)
-------------------------
Áp thuế chống bán phá giá với thép từ Trung Quốc
Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 3283/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) chính thức đối với một số mặt hàng thép hình chữ H nhập khẩu vào VN, có xuất xứ từ Trung Quốc (sản phẩm có mã HS 7216.33.00, 7228.70.10, 7228.70.90), sẽ có hiệu lực từ ngày 5.9.
Biện pháp CBPG chính thức được áp dụng dưới hình thức thuế nhập khẩu bổ sung ở mức 20,48% và 22,09% dành cho 4 công ty sản xuất cụ thể. Riêng các công ty sản xuất và xuất khẩu không hợp tác trong vụ điều tra sẽ bị áp thuế CBPG là 29,17% (giảm so với mức thuế tạm thời là 36,33%).
Đồng thời, Bộ Công thương thông báo loại bỏ sản phẩm có xuất xứ từ Hồng Kông trong đợt điều tra. Các lô hàng thép hình chữ H có xuất xứ từ Hồng Kông đã nhập vào VN và đã nộp thuế CBPG sẽ được hoàn trả lại tiền thuế CBPG.(Thanhnien)
------------------------
Tăng tín dụng lên 21%, cần kiểm soát chặt phân bổ nguồn vốn
Chuyên gia cho rằng, khi tăng tín dụng lên 21% cần phải có biện pháp kiểm soát chặt, đảm bảo nguồn vốn đi đúng hướng vào sản xuất, kinh doanh.
Theo thông báo kết luận của cuộc họp Thường trực Chính phủ về các giải pháp bảo đảm thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng yêu cầu bảo đảm tín dụng cho nền kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm đạt 21%, qua đó góp phần phấn đấu đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2017, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%.
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, tăng tín dụng lên 21% là mức cao so với tăng trưởng kinh tế hiện nay và cần phải có biện pháp kiểm soát chặt, đảm bảo nguồn vốn đi đúng hướng vào sản xuất, kinh doanh chứ không vào các hoạt động mang tính đầu cơ.
Tính đến hết tháng 7/2017, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng mới đạt 9,3%. Trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng qua chỉ tăng 2,52% so với cùng kỳ, một số ý kiến nhận định với áp lực lạm phát thấp nên có thể đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng và đây là thời điểm thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước xem xét nới lỏng hơn về tín dụng, tăng cung tiền tệ, trên cơ sở đó giảm lãi suất cho doanh nghiệp.
Trước yêu cầu xem xét đẩy tăng trưởng tín dụng lên 21% trong năm nay, thay vì mục tiêu tăng trưởng 18% như kế hoạch đặt ra từ đầu năm, TS. Nguyễn Thị Mùi, chuyên gia tài chính- ngân hàng cho rằng: Tăng tín dụng sẽ giúp đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%.
"Tăng trưởng 2 quý đầu năm còn thấp. Vì thế, trong hai quý cuối năm, mỗi quý tính ra cần tăng trưởng 7% thì cuối năm tăng trưởng GDP mới đạt 6,7%. Ở Việt Nam, tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào vốn. Đưa mục tiêu như thế thì cũng có mặt được nhưng vẫn có những hạn chế", TS. Nguyễn Thị Mùi phân tích.
Nếu đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 21% vào cuối năm nay, thì trong các tháng còn lại, lượng tiền bơm vào nền kinh tế sẽ vô cùng lớn, lên tới hơn 600.000 tỷ đồng.
Cùng quan điểm này, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược đầu tư, Công ty Cổ phần Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, tín dụng tăng trưởng cao và doanh nghiệp cũng như nền kinh tế hấp thụ được có thể đảm bảo tăng trưởng GDP tốt hơn tuy nhiên vẫn thận trọng với khả năng lạm phát quay trở lại.
"Tăng trưởng tín dụng phải chú ý đến lạm phát. Nếu tăng trưởng quá nhanh thì lạm phát khả năng quay trở lại, mục tiêu giữ lạm phát dưới 4% là gặp nhiều thách thức, rất khó. Nên tăng trưởng tín dụng ở mức 18% là hợp lý hơn còn tăng 21% có thể khó đạt và chỉ tiêu về lạm phát có thể không được đảm bảo", ông Khánh lưu ý.
Ngoài mối lo về lạm phát, việc tín dụng tăng trưởng cao trong một vài tháng cuối năm còn làm dấy lên lo ngại về dòng chảy tín dụng sẽ đi về đâu. TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright nhận định, nền kinh tế hiện nay tăng trưởng 6,5%, nếu tín dụng tăng trưởng 15% có thể coi là cao rồi, chưa nói là tăng lên 21%.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã đạt tới giới hạn tiềm năng, vì vậy năng lực hấp thụ vốn là có giới hạn. Lượng tín dụng tăng ồ ạt thì hấp thụ nhiều nhất có thể không phải là các ngành sản xuất kinh doanh, mà là khu vực bất động sản. Nguy cơ phân bổ tín dụng có thể bị bóp méo, đưa vào lĩnh vực đầu cơ như bất động sản, thay vì chảy vào sản xuất, tạo giá trị gia tăng.
TS. Vũ Thành Tự Anh khuyến cáo: "Giải quyết vấn đề này thì cần phải siết chặt tiêu chuẩn phân bổ tín dụng. Những dự án phải xét duyệt thận trọng không thể nới lỏng tiêu chuẩn. Nhiều trường hợp trước đây quá nới lỏng tiêu chuẩn, rồi định giá không chính xác, nên nợ xấu sau gần 10 năm chưa giải quyết được. Do đó, phải đảm bảo an toàn cho các hệ thống ngân hàng.
Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, Ngân hàng Nhà nước luôn phải đảm bảo kiểm soát tín dụng phân bổ tín dụng cho dòng vốn đi đúng hướng vào sản xuất kinh doanh, tạo ra giá trị gia tăng chứ không phải đầu cơ.
Bài học tăng trưởng tín dụng “nóng” năm 2008-2009 vẫn còn đó, khi tín dụng tăng trưởng tốc độ cao có thể gây ra hệ lụy, trong đó có vấn đề nợ xấu. Bởi vậy, tăng trưởng tín dụng cần phù hợp với khả năng hấp thụ của nền kinh tế, đi cùng với đó là kiểm soát dòng vốn, đưa vào những lĩnh vực ưu tiên, có lợi cho nền kinh tế, tránh đi vào những hoạt động có tính chất đầu cơ, rủi ro và tạo ra bong bóng tín dụng.(VTC)
-------------------------------
Jack Ma giành lại ngôi giàu nhất châu Á
Cổ phiếu Alibaba tăng mạnh giúp nhà sáng lập Jack Ma giành lại ngôi giàu nhất châu Á và giàu thứ 18 thế giới từ ông chủ Tencent - Ma Huateng.
Theo xếp hạng thời gian thực của Forbes, hiện Jack Ma - nhà sáng lập, chủ tịch Tập đoàn Alibaba, sở hữu tài sản 38,5 tỷ USD, trong khi đó Ma Huateng hiện có 36,9 tỷ USD, đứng thứ 2 tại châu Á và thứ 19 thế giới.
Tuần trước, Alibaba công bố kết quả kinh doanh quý 2 với tăng trưởng lợi nhuận và doanh thu lần lượt tăng 62% và 56% so với cùng kỳ năm ngoái mảng thương mại điện tử cốt lõi. Theo đó, chỉ trong một tuần, cổ phiếu Alibaba tăng hơn 10%. Từ đầu năm dến nay, cổ phiếu này đã tăng hơn 80%.
Kết quả kinh doanh quý 2 cho thấy Alibaba ngày càng thu lời lớn từ sự bùng nổ của xu hướng mua sắm mọi thứ từ thực phẩm, quần áo cho tới hàng xa xỉ qua mạng của người Trung Quốc.
Giới phân tích thậm chí còn dự báo Alibaba sẽ sớm “đuổi kịp” Amazon, hiện có giá trị vốn hoá 474 tỷ USD, để giành vị trí hãng thương mại điện tử lớn nhất thế giới. Hiện Alibaba có giá trị vốn hóa 392 tỷ USD và được dự báo sẽ còn tăng nhanh trong thời gian tới.
Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2017, Tecent cũng báo cáo lợi nhuận tăng vượt dự báo tới 70% nhờ mảng kinh doanh game di động cũng như thanh toán trực tuyến và quảng cáo. Tuần trước, cổ phiếu Tencent cũng tăng 4,9%.
Là một cựu giáo viên tiếng Anh, Jack Ma thành lập Alibaba tại thành phố Hàng Châu quê hương ông vào năm 1999. Trong 12 tháng qua (tính tới tháng 18/8/2017), tài sản của Jack Ma đã tăng gần 12 tỷ USD.
Tham vọng lớn nhất Jack Ma là đưa tập đoàn Alibaba phủ sóng toàn cầu ra toàn cầu. Mục tiêu doanh thu là vượt GDP của nền kinh tế thứ 5 thế giới, chỉ đứng sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2036.
Alibaba cũng đặt mục tiêu tăng lượng khách hàng lên 2 tỷ người vào năm 2036. Tính tới tháng 12/2016, Alibaba có gần 450 triệu khách hàng tại hơn 200 quốc gia trên thế giới.
Tại Trung Quốc, Alibaba có mặt tại mọi ngóc ngách cuộc sống: mua sắm, tài chính, buôn chuyện qua mạng, giải trí, tin tức, y tế..., chiếm tới 10% tổng doanh thu bán lẻ tại Trung Quốc. Đây cũng là công ty đẩy eBay ra khỏi Trung Quốc và thâu tóm hoạt động của Yahoo tại nước này vào năm 2005.(Thanhnien)
---------------------------