Vốn FDI từ tháng 1 - 8 đạt hơn 23 tỉ USD; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam trả cổ tức lớn nhất từ trước đến nay; Xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 5,13 tỷ USD; TP HCM cấp phép xây dựng trực tuyến từ tháng 10
Tin kinh tế đọc nhanh 27-08-2017
- Cập nhật : 27/08/2017
Mỹ loan báo sự thật sức mạnh nông nghiệp Nga
Các chuyên gia kinh tế nông nghiệp Mỹ dự đoán, Nga có thể vượt qua Mỹ trong xuất khẩu lúa mì và chiếm giữ vị trí số 1 thế giới
Cơ quan Kinh tế nông nghiệp nước ngoài thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đưa ra dự báo về tình hình sản xuất ngũ cốc ở Mỹ và một số nước trên thế giới.
Trong đó, báo cáo nhấn mạnh rằng, nước Nga đang đạt được các chỉ số ấn tượng, khối lượng xuất khẩu lúa mì của Nga "sẽ đạt mức cao kỷ lục" 31,5 triệu tấn.
"Theo dự báo, ở các nước EU và Nga sẽ có vụ thu hoạch lớn hơn, cho phép họ bán lúa mì nhiều hơn, đồng thời làm giảm thị phần của Mỹ và Canada trong xuất khẩu nông nghiệp thế giới", báo cáo cho hay.
Cơ quan này cho biết trong năm 2016-2017 phía Nga đã bán 27,8 triệu tấn lúa mì. Trên cơ sở đó, các chuyên gia kinh tế nông nghiệp Mỹ dự đoán, Nga có thể vượt qua Mỹ trong xuất khẩu lúa mì và chiếm giữ vị trí số 1 thế giới. Sản lượng lúa mì ở Nga sẽ tăng từ mức 72,5 triệu lên 77,5 triệu tấn.
Cũng theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, ở Nga giai đoạn 2017-2018 khối lượng tiêu thụ lúa mì có thể tăng từ 40 lên 42 triệu tấn. Trong đó, một phần vụ thu hoạch sẽ được dùng cho gieo cấy và dự trữ.
Nga có thể vượt qua Mỹ trong xuất khẩu lúa mì và chiếm giữ vị trí số 1 thế giới
Những dự báo mà Bộ Nông nghiệp Mỹ đưa ra hoàn toàn khách quan.
Mới đây, Sputnik dẫn lời nhà phân tích tại ngân hàng Rosbank Yevgeny Koshelev cho biết, hoạt động sản xuất nông nghiệp của Nga đang tăng mạnh, giá cả nông sản nhanh chóng ổn định sau lệnh trừng phạt từ châu Âu và Mỹ.
Từ tháng 1/2017, hoạt động sản xuất rau trong nhà kính tại Nga đã đạt 507.000 tấn, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Chúng ta đã chứng kiến một sự tăng trưởng rõ rệt trong lĩnh vực chế biến thực phẩm và sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là trong ngành thịt và sữa, cũng như sự gia tăng trong sản xuất nhà kính'', ông Koshelev cho biết.
Theo nhà phân tích này, nông nghiệp Nga không thể là động lực duy nhất cho tăng trưởng kinh tế nhưng sự tăng trưởng của nó cũng tăng lên trong tổng sản phẩm quốc nội từ 2,5- 4%. Khả năng để sản phẩm nông nghiệp Nga vươn ra được thị trường thế giới là rất lớn.
Nga đã tăng đáng kể trong hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và lợi nhuận từ xuất khẩu nông nghiệp hiện nay vượt quá doanh số bán vũ khí của Nga ra nước ngoài.
Đồng quan điểm, ông Nikita Maslennikov, chuyên gia tại Viện phát triển hiện đại cho biết: ''Nga có mọi thứ cần thiết để trở thành một trong những nhà sản xuất lượng thực dẫn đầu thế giới''.
Trước đó, hồi tháng 2, Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Aleksander Tkachev đã chính thức bày tỏ hy vọng chính phủ Nga sẽ tiếp tục thực hiện cấm nhập khẩu thực phẩm từ Mỹ và các nước phương Tây, bởi đó được xem như một biện pháp giúp thúc đẩy sản xuất hàng thực phẩm trong nước.
Theo người đứng đầu Bộ Nông nghiệp Nga thì do lệnh cấm nhập khẩu không thể kéo dài vĩnh viễn nhưng những thành tích cao mà ngành nông nghiệp nước Nga đạt được thời cấm vận nên được tiếp tục duy trì.
Điều này có thể giúp nông dân và doanh nghiệp Nga chuẩn bị đủ điều kiện và tâm thế sẵn sàng cạnh tranh với hàng nhập khẩu một khi lệnh cấm được dỡ bỏ.
Vì vậy, người Nga hy vọng lệnh cấm vận sẽ kéo dài thêm một thời gian nữa để nền tảng của kinh tế Nga vững chắc hơn, qua đó đảm bảo giữ vững được những thành quả có được nhờ lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây.
Có thể thấy, kinh tế tế nước Nga, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, không những không lâm vào khủng hoảng mà còn chuyển mình rõ rệt kể từ khi bị cấm vận.(ĐVO)
------------------------------
Gần 2 tỷ USD đã đầu tư vào Vân Đồn
Tại cuộc làm việc giữa Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cùng các lãnh đạo Ban, Bộ, ngành trung ương và tỉnh Quảng Ninh về phát triển kinh tế xã hội, đặc khu kinh tế Vân Đồn chiều 25/8, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thành cho biết, Quảng Ninh đã thu hút được 36.000 tỷ đồng (gần 2 tỷ USD) đầu tư hạ tầng cho Vân Đồn trong quá trình hoàn thiện cơ sở pháp lý cho đặc khu này, trong đó có nhiều dự án có tổng mức đầu tư từ 5.000 đến 7.000 tỷ đồng.
“Khi làm đề án đặc khu kinh tế Vân Đồn, chúng tôi tự tin nhưng thời gian 'chạy đà' tương đối dài rồi mà các nhà đầu tư đang chờ và chờ lâu hơn thì niềm tin giảm sút. Nên chúng tôi mong các Bộ, ngành và Quốc hội sớm thông qua cho Quảng Ninh”, ông Thành bày tỏ.
Vân Đồn (Quảng Ninh) đang hướng tới trở thành đặc khu kinh tế.
Đánh giá nỗ lực của Quảng Ninh trong chuẩn bị đề án đặc khu kinh tế Vân Đồn, thu hút nhà đầu tư chiến lược vào khu vực này, nhưng với 9 chính sách ưu đãi về thuế mà Quảng Ninh đề xuất, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhận xét "không còn nhiều ý nghĩa".
Theo ông, việc xây dựng đề án đặc khu hành chính kinh tế Vân Đồn cần bảo đảm không cạnh tranh trong thu hút đầu tư với hai đặc khu còn lại là Bắc Vân Phong (Khánh Hoà) và Phú Quốc (Kiên Giang). "Các nhà đầu tư chiến lược đầu tư tại Vân Đồn từ đầu thì cần quy định điều khoản chuyển tiếp ưu đãi bảo đảm công bằng cho họ", Phó thủ tướng nói và yêu cầu tỉnh Quảng Ninh báo cáo kỹ hơn về thẩm quyền của chức danh Trưởng đặc khu Vân Đồn.
Nêu quan điểm của địa phương về ưu đãi cho đặc khu kinh tế Vân Đồn, ông Nguyễn Văn Thành đề nghị không nên quy định “cứng” cho nhà đầu tư thuê đất trong 99 năm trong khu vực Vân Đồn mà giao Trưởng đặc khu tự quyết về thời hạn thuê đất. “Nếu không trao quyền cho Trưởng đặc khu thì vẫn như anh Chủ tịch huyện thôi”, ông Thành nói.
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Quảng Ninh tiếp tục rà soát thể chế, chính sách cho đặc khu hành chính kinh tế nói chung và đặc khu Vân Đồn nói riêng, để Chính phủ kịp trình dự án Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt vào kỳ họp Quốc hội tháng 10 năm nay.
Theo lộ trình, kỳ họp tháng 10 năm nay, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu về dự án Luật đơn vi hành chính kinh tế đặc biệt, quyết định cơ chế, chính sách cho 3 đặc khu: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Theo dự thảo luật, mỗi đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt lựa chọn phát triển thế mạnh riêng có, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh, tạo động lực phát triển mới, bảo đảm phân bổ nguồn lực theo vùng, tạo hiệu ứng lan tỏa trên phạm vi cả nước.
UBND các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang chủ trì, phối hợp với bộ ngành hoàn thiện các Đề án đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; đề xuất cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng các dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cho từng đơn vị.
Tuy nhiên, hiện dự thảo luật vẫn dừng lại ở việc hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia trong ngành, chưa được báo cáo ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Nhiều chuyên gia hàng đầu đều đánh giá rằng đây là một dự án luật rất khó, vì phải xây dựng một cơ chế vượt trên khung khổ thông thường để thu hút đầu tư, chứ không phải đi học từ những ưu đãi của các đặc khu khác đã thành công trên thế giới để về áp dụng.(Vnexpress)
---------------------------
Cơ hội và thách thức từ sáng kiến Vành đai con đường
Giới học thuật Trung Quốc và Việt Nam đã cùng nhau thảo luận các cơ hội hợp tác từ sáng kiến Vành đai con đường tại cuộc tọa đàm diễn ra ở Hà Nội sáng 25-8.
“Vấn đề gay cấn nhất đối với Việt Nam và Trung Quốc là những căng thẳng trong tranh chấp Biển Đông. Yếu tố này làm tổn thương lớn nhất đến lòng tin chính trị của hai nước, gây trở ngại không nhỏ đến tiến trình hợp tác Vành đai con đường
PGS.TS Phùng Thị Huệ
Đồng tổ chức bởi Học viện Ngoại giao Việt Nam và Đại sứ quán Trung Quốc, tọa đàm thu hút sự tham dự của khoảng 80 đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành, các cơ quan nghiên cứu và một số doanh nghiệp, cùng với hơn 30 cơ quan báo chí của Việt Nam và Trung Quốc.
Phát biểu tại tọa đàm, TS Sử Dục Long - Viện nghiên cứu vĩ mô, Ủy ban Phát triển và cải cách quốc gia Trung Quốc - cho rằng một số khu vực trên thế giới như Nam Á, châu Phi, Đông Nam Á gặp khó khăn về phát triển cơ sở hạ tầng tạo ra vùng xám phát triển, thách thức kinh tế toàn cầu.
Ông Long cho rằng sáng kiến Vành đai con đường do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng năm 2013 đã giúp thúc đẩy hợp tác và liên kết khu vực theo nguyên tắc cùng bàn, cùng xây và cùng hưởng, nhằm kết nối giao thông, năng lượng và thông tin.
“Sáng kiến này khả thi và hiệu quả rõ ràng, những thành tựu kinh tế của Trung Quốc trong 40 năm qua đã tạo nền tảng vững chắc cho sáng kiến này” - chuyên gia Trung Quốc nhấn mạnh.
PGS.TS Đặng Hoàng Linh - phó trưởng khoa kinh tế, Học viện Ngoại giao - cho rằng tham gia sáng kiến Vành đai con đường, Việt Nam có cả lợi ích lẫn thách thức.
Về mặt lợi, Việt Nam sẽ tiếp cận được nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng và giao thông, gia tăng cơ hội hội nhập, trao đổi thương mại đầu tư với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, gia tăng tiềm năng du lịch giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, cũng như duy trì lợi thế là cầu nối giao thương trong khu vực châu Á và hỗ trợ phát triển kinh tế theo chiều Đông - Tây.
Ngược lại, Việt Nam sẽ gặp nhiều rủi ro về nợ công. Bên cạnh đó, nhân công Trung Quốc sang lao động tại thị trường Việt Nam, chất lượng các dự án do nhà thầu Trung Quốc thực hiện như dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông cũng là vấn đề đáng lo ngại.
Trong bài tham luận, PGS.TS Phùng Thị Huệ - Viện nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - cho rằng phần đông các quốc gia dọc tuyến đường Vành đai con đường đều tồn tại tâm lý “bất thông” trên một số phương diện: an toàn môi trường, chất lượng hạ tầng, độ minh bạch trong đầu tư thương mại, đặc biệt là lòng tin về an ninh chính trị.
Trao đổi bên lề với Tuổi Trẻ, ông Lăng Đức Quyền (Trung tâm nghiên cứu các vấn đề thế giới thuộc Tân Hoa xã) nói: “Là người quan sát Việt Nam lâu năm, tôi nhận thấy Việt Nam có nhiều thành tích nổi bật và tiến bộ rõ rệt sau 30 năm đổi mới.
Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ mới trên 2.000 USD, trong khi Trung Quốc là hơn 8.000 USD.
Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ hơn các quốc gia như Lào, Campuchia, tụt hậu so với Thái Lan, Singapore, Malaysia. Chính vì thế Việt Nam còn nhiều việc phải làm”.(Tuoitre)
-------------------------------
Xóa bỏ các rào cản, mở rộng hợp tác đầu tư Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ
Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc hội đàm và tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo ngày 23/8/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chào mừng Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yıldırım lần đầu thăm chính thức Việt Nam, chuyến thăm là mốc lịch sử quan trọng trong quan hệ hai nước.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá cao sự phát triển của Việt Nam trong thời gian qua, đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong ASEAN và mong Việt Nam là cầu nối để Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường quan hệ với các nước ASEAN, một tổ chức có vai trò quan trọng trong khu vực và thế giới.
Đồng tình với Thủ tướng Binali Yıldırım, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và khẳng định sẽ làm hết sức mình để thúc đẩy quan hệ của ASEAN với các nước, các đối tác, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ahmet Yildiz ký thỏa thuận hợp tác và hỗ trợ hành chính trong lĩnh vực hải quan dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: TBTC
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị phía Thổ Nhĩ Kỳ sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, đồng thời đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ bãi bỏ nhiều loại thuế đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như giày dép, sợi, dây cu-roa/băng truyền tải, điều hòa nhiệt độ, điện thoại di động...
Sau hội đàm, hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký Thỏa thuận giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Hải quan và Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ về hợp tác và hỗ trợ hành chính trong lĩnh vực hải quan, Bản ghi nhớ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ về Hợp tác trong lĩnh vực khu tự do/khu chế xuất/khu kinh tế/khu kinh tế đặc biệt, Kế hoạch triển khai hợp tác 2017-2018 giữa Viện Tiêu chuẩn Thổ Nhĩ Kỳ (TSE) và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Việt Nam (STAMEQ).
Trong khuôn khổ chuyến thăm, sáng ngày 24/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yıldırım đã dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh đoàn doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ, mong rằng thông qua các tiếp xúc lần này, các doanh nghiệp sẽ phối hợp, hợp tác cụ thể thúc đẩy trao đổi hàng hóa, đẩy mạnh đầu tư, khuyến khích giao lưu nhân dân, du lịch giữa hai nước.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Vương Đình Huệ cho rằng, nền kinh tế của cả hai nước Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ đang phát triển nhanh chóng và cùng hội nhập sâu vào kinh tế thế giới.
Phó Thủ tướng cho biết, tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ đạt gần 2 tỷ USD trong năm 2016 và tiếp tục tăng trưởng nhanh, hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD trong năm 2020, theo hướng cân bằng hơn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yıldırım, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng các đại biểu tại Diễn đàn. Ảnh: VGP
Hiện nay, có 13 dự án của doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn 730 triệu USD. Việt Nam hoan nghênh Thổ Nhĩ Kỳ đã phê duyệt Hiệp định tránh đánh thuế trùng và Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư.
Theo Phó Thủ tướng, quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước vẫn còn nhiều dư địa để ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa, tương xứng với tiềm năng và đáp ứng được kỳ vọng của Chính phủ và nhân dân hai nước.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yıldırım nhất trí cho rằng, hai bên cùng mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác sang lĩnh vực kinh tế, thương mại, một lĩnh vực rất cần sự tiên phong của lực lượng doanh nghiệp. Theo đó, Chính phủ hai nước sẽ nỗ lực hỗ trợ cho doanh nghiệp, xóa bỏ các rào cản, mở ra con đường rộng hơn cho các doanh nghiệp.
Thủ tướng Binali Yıldırım cũng cho biết, các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tìm hiểu thị trường Việt Nam với mong muốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng, y tế, những lĩnh vực mà doanh nghiệp có kinh nghiệm.(TCTC)