Dệt may Đông Nam Á e dè Việt Nam
Các nước xuất khẩu hàng may mặc trong khu vực như Indonesia, Myanmar và Campuchia đang 'đứng ngồi không yên' trước những lợi thế vượt trội của VN.
Là nước xuất khẩu dệt may lớn thứ 4 thế giới, VN đang đứng trước cơ hội tăng thêm bậc ngành này khi được hưởng những ưu đãi mới trong việc tiếp cận thị trường 11 quốc gia thành viên Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và 28 quốc gia thành viên EU theo Hiệp định thương mại tự do (FTA) VN - EU. Các nước này đều là những thị trường lớn với các thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới.
Lợi thế của dệt may VN từ TPP và FTA khiến nhiều nước Đông Nam Á đang rất lo lắng - Ảnh: Reuters
TPP cần được Mỹ và các nước thành viên khác phê chuẩn, nên sớm nhất cũng phải đến năm 2017 hiệp định mới được thực thi. Trong khi đó, theo FTA giữa VN và EU, hàng dệt may VN xuất sang khu vực này chỉ được xóa bỏ thuế hoàn toàn sau 7 năm nữa. Mặc dù vậy, các nước sản xuất dệt may lớn ở Đông Nam Á như Myanmar và Campuchia đang rất lo lắng. “Các hiệp định thương mại mà VN đang tham gia sẽ là một mối quan ngại không chỉ đối với Myanmar mà còn cả khu vực”, bà Khine Khine Nwe, Tổng thư ký Hiệp hội Các doanh nghiệp may mặc Myanmar, nói với tờ Nikkei Asian Review.
Ngành dệt may đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch trở thành nền kinh tế sản xuất của Myanmar và các công ty sản xuất hàng may mặc nước này hiện xem châu Âu vừa là thị trường vừa là nhà đầu tư. Hồi năm 2013, EU đã cắt giảm thuế suất đối với hàng xuất khẩu từ Myanmar trong khuôn khổ chương trình tiếp cận thị trường dành cho các nước kém phát triển. EU là một thị trường quan trọng của ngành dệt may Myanmar, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của nước này và tỷ lệ đó được dự đoán sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Nhờ chương trình giảm thuế tương tự, Campuchia cũng đã tăng kim ngạch xuất khẩu sang châu Âu từ mức 28% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may hồi năm 2011 lên 42% vào năm 2014. Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may Campuchia lo ngại thị phần xuất khẩu sang châu Âu sẽ sụt giảm khi khu vực này sẽ dần hạ mức thuế cho hàng dệt may VN từ 11,7% hiện nay xuống còn 0%.
Dệt may là một trụ cột của nền kinh tế Campuchia. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), ngành này có hơn 700.000 lao động và chiếm 5,3 tỉ USD, tức khoảng 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Campuchia trong năm 2014. Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với Nikkei Asian Review, ông Ken Loo, Tổng thư ký Hiệp hội Các doanh nghiệp may mặc Campuchia, thừa nhận ngành dệt may nước này đã mất thị phần ở Mỹ vào tay VN, nước có chi phí nhân công thấp hơn nhưng năng suất lao động cao hơn Campuchia.
“Nếu chúng tôi không thể cạnh tranh ngay cả trong điều kiện hiện tại thì khi TPP đến, làm sao chúng tôi cạnh tranh nổi? Câu trả lời là: Chúng tôi thực sự lo lắng”, ông Loo nói.
Giới chuyên gia dự báo TPP sẽ giúp hàng may mặc VN tăng thị phần tại Mỹ từ mức 10% hiện tại lên 35%. Để đón đầu hiệp định này, hồi tháng 3 năm ngoái, tập đoàn dệt may lớn nhất nước là Vinatex đã khởi công xây dựng khu liên hợp sợi - dệt - nhuộm - may với tổng vốn đầu tư lên đến 1.200 tỉ đồng tại H.Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Dự kiến dự án này sẽ được đưa vào hoạt động trong năm 2017.
Nhằm đối phó với sự cạnh tranh gay gắt từ VN, Indonesia, quốc gia đang xuất khẩu 50% hàng dệt may sang Mỹ và EU, hồi tháng 10.2015 đã quyết định hạ thuế đối với điện tiêu thụ vào ban đêm nhằm giúp giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.
“Vấn đề lớn nhất (của ngành dệt may) là chi phí điện năng quá cao. Tiếp đó là những khó khăn trong việc tiếp cận thị trường châu Âu và Mỹ. Nếu chúng tôi khắc phục được hai vấn đề này, tăng trưởng xuất khẩu có thể đạt mức hai con số”, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Indonesia Ade Sudrajat nói với Nikkei Asian Review.
Mặc dù quy mô của nền kinh tế Indonesia lớn gấp 4 lần VN, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu của VN sang EU ngày càng tăng, đạt 22,2 tỉ euro trong năm 2014. Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu của Indonesia đang trên đà tụt giảm và chỉ đạt 14,4 tỉ euro năm 2014.
Lợi thế của VN về thuế suất đối với hàng dệt may từ các điều khoản của TPP và FTA với EU khiến mối lo cạnh tranh không chỉ ở các doanh nghiệp Đông Nam Á mà còn lan sang những quốc gia xuất khẩu dệt may lớn trong khu vực châu Á như Bangladesh và Pakistan.
“VN là một thị trường dệt may mới nổi và đã trở thành một đối thủ đáng gờm đối với ngành dệt may của Pakistan. Sau khi tham gia FTA với EU, VN đã xuất khẩu 23 tỉ USD hàng may mặc sang khu vực này, trong khi Pakistan chỉ xuất được 5 tỉ USD”, báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Pakistan lưu ý.
Tham ô hàng tỷ USD, tỷ phú Iran bị kết án tử hình
Với cáo buộc tham nhũng, Tòa án Hồi giáo Iran đã kết án tử hình đối với một trong những người giàu nhất nước này, ông Babak Zanjani.
Tham ô hàng tỷ USD, tỷ phú Iran bị kết án tử hình
Tỷ phú Iran Babak Zanjani tại toàn án hồi tháng 11/2015 (Ảnh: Hemat Khahi/EPA)
Trong cuộc họp báo hằng tuần được truyền hình trực tiếp ngày 06/3, phát ngôn viên cơ quan tư pháp Iran Gholam Hossein Mohseni Ejei cho biết, Tòa án Hồi giáo Iran đã kết án 3 bị cáo là Babak Zanjani cùng 2 đồng phạm tội tham ô và buộc họ phải trả lại tiền cho các tổ chức, trong đó có Công ty Dầu khí Quốc gia Iran (NIOC).
Vụ án này được quan tâm rộng rãi do vai trò nổi bật của Babak Zanjani trong việc giúp Chính phủ Iran né lệnh trừng phạt dầu mỏ của .
Theo Telegraph, tỷ phú này bị bắt giữ vào tháng 12/2013 vì cáo buộc đã chiếm hàng tỉ USD từ tiền bán dầu thông qua công ty của ông, và bị kết tội lừa đảo cũng như các tội khác.
Là một trong những người giàu nhất Iran, Zanjani đã bị Mỹ và EU đưa vào danh sách đen vì giúp Iran vượt qua lệnh trừng phạt dầu lửa của LHQ thời kỳ đó. Ông thừa nhận sử dụng một mạng lưới các công ty ở UAE, Thổ Nhĩ Kỳ và Malaysia để bán hàng triệu thùng dầu của Iran thay mặt chính phủ từ 2010.
Trước khi bị bắt giữ, Zanjani tuyên bố rằng lệnh trừng phạt quốc tế ngăn cản ông trả hơn 1,2 tỉ USD vẫn còn nợ chính phủ. Nhưng tại phiên tòa gần đây, công tố cho biết ông nợ chính phủ hơn 2,7 tỉ USD.
Tỷ phú Babak Zanjani ôm giấy tờ tài liệu tại toà án (Ảnh: MEGHDAD MADADI/AFP)
Tỷ phú Zanjani cũng từng nói với một tạp chí Iran rằng, ông đã tích lũy tài sản 10 tỷ USD cùng các khoản nợ có quy mô tương tự.
Trong cuộc phỏng vấn năm 2013 với BBC, tỷ phú Zanjani không đề cao các mối liên hệ chính trị của ông ở Iran và nói rằng: "Tôi không làm gì liên quan đến, tôi chỉ làm kinh doanh".
Bộ trưởng Vinh: Có thể hết tiền đầu tư do ứng trước quá nhiều
Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh lo ngại số vốn ứng trước chưa bố trí được nguồn thanh toán còn khá lớn nên một số bộ, địa phương sẽ không có tiền đầu tư.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh lo ngại một số bộ ngành, địa phương sẽ không còn tiền đầu tư
Báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay 7-3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh cho biết dự kiến tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2016-2020 là 1,846 triệu tỉ đồng, bao gồm đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết và bội chi ngân sách địa phương sẽ đưa vào cân đối NSNN theo Luật NSNN năm 2015, không bao gồm 260.000 tỉ đồng vốn trái phiếu Chính phủ.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN do các Bộ, ngành và địa phương đề xuất khoảng 4 triệu tỉ đồng, gấp 20,5 lần kế hoạch năm 2015; gấp 2,1 lần khả năng cân đối vốn 5 năm 2016-2020 là 1,846 triệu tỉ đồng.
Về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho hay việc bố trí vốn đầu tư tập trung, khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Chỉ bố trí cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của Luật Đầu tư công. Chỉ bố trí khởi công mới khi đã bố trí đủ vốn kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 để thanh toán số nợ đọng xây dựng cơ bản.
Riêng đối với Bộ, ngành Trung ương và địa phương có số nợ đọng xây dựng cơ bản và số ứng trước lớn phải bố trí đủ vốn ứng trước, đồng thời xây dựng phương án sử dụng nguồn tăng thu hoặc nguồn vốn hợp pháp khác của địa phương để hoàn trả các khoản vốn ứng trước. Không được bố trí vốn kế hoạch đầu tư trung hạn để khởi công mới các dự án, trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng quyết định…
Trước đó, báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển giai đoạn 2011-2015 tại phiên họp, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng chỉ ra thực tế việc huy động vốn đầu tư toàn xã hội chỉ đạt khoảng 31,7% GDP, không đạt mục tiêu đề ra là 33,5%-35%. Nguyên nhân do bối cảnh trong nước, quốc tế không thuận lợi. Ngoài ra, chất lượng công tác quy hoạch, quản lý dự án đầu tư vẫn còn bất cập; một số dự án sử dụng vốn vay hiệu quả chưa cao, không trả được nợ, phải tái cơ cấu tài chính hoặc chuyển sang cơ chế nhà nước đầu tư vốn, làm tăng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ…
Do đó, về dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết tổng vốn ngân sách Trung ương 5 năm tới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu đầu tư của cả nước. Số vốn ứng trước chưa bố trí được nguồn thanh toán còn khá lớn so với khả năng cân đối vốn ngân sách Nhà nước trong 5 năm tới.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cũng lo ngại đối với các dự án của một số Bộ, ngành Trung ương, địa phương có số nợ đọng xây dựng cơ bản, số vốn ứng trước lớn, nếu trong kế hoạch trung hạn bố trí để thanh toán hết số nợ và số ứng trước thì sẽ không còn nguồn để đối ứng các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp và thực hiện các mục tiêu khác. Thậm chí, theo ông Vinh, nhiều nơi sẽ không còn nguồn để khởi công mới như Bộ Giao thông Vận tải, các tỉnh Ninh Bình, Hà Tĩnh, Bình Thuận…
“Nhiều dự án cấp bách, đã có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn, nhưng do tổng mức đầu tư quá lớn, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương chưa cân đối được trong số vốn được phân bổ. Đồng thời vẫn chưa bố trí được đủ vốn đối ứng cho các chương trình, dự án ODA trọng điểm” - Bộ trưởng Vinh chỉ ra.
Dầu rớt thảm, ngân sách quốc phòng Nga giảm 160 tỉ rúp
Ngân sách quốc phòng của Nga sẽ được cắt giảm 5%, tức khoảng 160 tỉ rúp vào năm 2016, vì giá dầu giảm.
Theo Reuters, Hãng tin RIA dẫn lời Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Tatiana Shevtsova cho biết thông tin trên.
Việc Moscow tăng chi tiêu quốc phòng trong thời gian qua là một phần kế hoạch của Tổng thống Vladimir Putin nhằm khôi phục sức mạnh quân sự Nga.
Tuy nhiên, quyết định cắt giảm tới 5% nói trên cho thấy ngay cả lực lượng vũ trang cũng không tránh khỏi những tác động từ nên kinh tế Nga vốn đang chao đảo bởi giá dầu lao dốc cùng với lệnh trừng phạt của phương Tây.
Nga cắt giảm 5% ngân sách quốc phòng trong năm 2016 (Ảnh: Reuters)
Nếu đề xuất cắt giảm 5% ngân sách quốc phòng được Tổng thống Putin chấp thuận, đây sẽ là lần cắt giảm chi tiêu quốc phòng lớn nhất kể từ khi ông Putin cầm quyền vào năm 2000.
Theo hãng tin Sputnik, chi tiêu quốc phòng của Nga năm 2016 dự kiến sẽ đạt 3,14 ngàn tỉ rúp, cắt giảm 5%, tức giảm 160 tỉ rúp.
Hồi năm 2011, khi giữ chức Thủ tướng Nga, ông Putin đã công bố kế hoạch "hồi sinh" quân đội bằng việc chi 23.000 tỉ rúp (khoảng 320 tỉ USD) đến năm 2020.
Trong năm 2015, GDP của nước Nga đã giảm 3,7% và các chuyên gia dự báo GDP nước này sẽ tiếp tục giảm thêm 1% vào năm này
Cảnh báo nguy cơ từ lãi suất âm
Các nhà kinh tế thế giới đang cảnh báo về rủi ro tiềm ẩn từ chính sách lãi suất âm mà ngân hàng trung ương các nước như Nhật Bản, Đan Mạch, Thụy Điển đang áp dụng.
Theo CNN hôm nay 7.3, giới chuyên gia tại một tổ chức ngân hàng trung ương đang cảnh báo về rủi ro tiềm ẩn từ lãi suất tiêu cực được áp dụng ở Nhật Bản và các nước châu Âu như Thụy Sĩ, Thụy Điển và Đan Mạch.
Hiện chưa ai chắc chắn về kết quả lâu dài của chính sách mới và độc đáo này. Chính sách đưa lãi suất về vùng âm là việc ngân hàng trung ương tính phí các nhà băng thương mại khi gửi tiền, được sử dụng với mục đích khuyến khích người dân và doanh nghiệp chi tiêu nhiều hơn tiết kiệm tiền.
“Có một sự không chắc chắn lớn về hành vi của các cá nhân và tổ chức nếu lãi suất tiếp tục giảm sâu hơn vào vùng tiêu cực trong một thời gian dài”, các nhà kinh tế tại Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), nhóm gồm 60 ngân hàng trung ương toàn cầu, cho hay trong báo cáo mới công bố.
Lời cảnh báo này được đưa ra trước cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) diễn ra vào ngày 10.3 sắp tới. Cuộc họp này có khả năng đưa lãi suất thậm chí còn sâu hơn dưới ngưỡng 0. Giới hoạch định chính sách Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), nước vừa công bố chính sách lãi suất âm hồi tháng 1, sẽ họp không lâu sau đó.
Báo cáo của BIS nhấn mạnh chuyện có thêm các nghiên cứu lớn hơn về việc liệu lãi suất âm có thực sự hiệu quả trong hiện thực hóa các mục tiêu chính sách hay không là cần thiết. Tác động của lãi suất âm lên sự ổn định tài chính và kinh tế cũng nên được xem xét. Thị trường chứng khoán và tiền tệ Nhật Bản dao động mạnh trong nhiều tuần kể từ khi BOJ thông báo về lãi suất âm.
Ngoài ra, báo cáo của BIS còn đặt ra lo ngại về những khó khăn mà các nhà băng trung ương đối mặt trong bối cảnh tiền tệ mới. Doanh nghiệp bảo hiểm và quỹ hưu trí cũng được cho là đang và sẽ đối mặt với khó khăn từ chính sách lãi suất âm kéo dài.
Tháng trước, nhà đầu tư nổi tiếng Jim Rogers cũng dự báo chính sách lãi suất âm sẽ giúp chứng khoán đi lên trong ngắn hạn, song sau đó gặp rắc rối nặng vào cuối năm nay cho đến năm sau.
(
Tinkinhte
tổng hợp)