Gần 100.000 tỷ vốn đầu tư đổ vào Quảng Ninh trong hai năm
“Tôi biết doanh nghiệp phải phí lót tay, chi ngoài... rất cao"
Lạm phát thấp, lãi suất vẫn cao
Nhờ giá dầu, Nga lại là TTCK sinh lời tốt nhất năm 2016
Đức: Kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nếu Anh rời khỏi EU
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 07-03-2016
- Cập nhật : 07/03/2016
Chạy đua lãi suất, bao giờ thì dừng?
Cuộc đua lãi suất huy động của các ngân hàng hiện vẫn chưa có dấu hiệu tạm dừng và vô hình chung đang tạo ra mặt bằng lãi suất mới.
Cuộc đua lãi suất thực tế đã diễn ra âm thầm từ những tháng cuối năm 2015 khi các ngân hàng thu hút khách bằng chiêu lãi suất mỗi ngày một cao. Cho đến thời điểm cuối tháng 2/2016, cuộc đua tăng lãi suất trở nên nóng hơn, thị trường ghi nhận hầu hết các ngân hàng đã thay bảng niêm yết lãi suất mới như Eximbank, OCB, SeABank, VPBank, Sacombank, VietABank,...
Các kỳ hạn có biến động chủ yếu là kỳ hạn 13 tháng, 24 tháng và 36 tháng. Một số NHTM đã tăng lãi suất huy động kỳ hạn 36 tháng lên trên 8% thậm chí mức lãi cao nhất trên thị trường đã lên tới 8,38%/năm. Ngoài ra, nếu gửi tiết kiệm online, các khách hàng còn được nhận mức lãi suất cao hơn 0,1-0,2%/năm.
Nhận định về đợt tăng lãi suất lần này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngân hàng tăng lãi suất để giữ chân khách hàng, vì thế hiện nay cuộc đua lãi suất của các ngân hàng vẫn chưa có dấu hiệu tạm dừng. Vô hình chung, các ngân hàng tạo ra một cuộc đua lãi suất, hình thành mặt bằng lãi suất mới.
Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhìn nhận, các mức lãi suất này chỉ áp dụng cho kỳ hạn dài và đối tượng là khách VIP với số tiền gửi rất lớn, do vậy lãi suất này sẽ không có nhiều ảnh hưởng đến đa số người gửi tiền hiện nay.
BVSC đồng thời cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến quyết định tăng mạnh lãi suất ở các kỳ hạn dài của các ngân hàng trên là nhằm củng cố nguồn vốn trung dài hạn, nhất là trong bối cảnh sửa đổi Thông tư 36 dự kiến tỷ lệ vốn cho vay trung và dài hạn trên tổng vốn ngắn hạn giảm từ 60% về 40%.
"Cuộc đua lãi suất huy động này xem ra người gửi không được hưởng lợi, nhưng lại làm dấy lên lo ngại lãi suất cho vay sẽ tăng. Khi đó, người đi vay lại chịu thiệt thòi", một chuyên gia kinh tế nhìn nhận.
Dự báo chi tiết hơn trong một báo cáo mới đây, ngân hàng HSBC cho rằng NHNN sẽ chuyển sang áp dụng các biện pháp thắt chặt trong nửa sau của năm nay và lãi suất sẽ tăng 50 điểm đầu tiên trong quý III/2016.
Về phía cơ quan điều hành, mới đây trả lời báo chí, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước Bùi Quốc Dũng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều tiết ổn định mặt bằng lãi suất, không để các ngân hàng chạy đua, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp đi đêm, vượt rào.
Theo đại diện của Ngân hàng Nhà nước, các TCTD đẩy lãi suất lên cao chủ yếu để thu hút sự chú ý với khách hàng, PR - quảng bá thương hiệu và nắm giữ thị phần nhiều hơn. Trên thực tế, ngoài kỳ hạn dài người gửi phải có khoản tiền rất lớn lên tới hàng chục tỷ đồng, người dân không hề gửi như vậy nên mặt bằng lãi suất gần như không thay đổi.
Hơn nữa, trên phương diện chi phí vốn và thu nhập, hệ số lợi nhuận biên ròng của các TCTD từ đầu năm đến nay không thay đổi, điều này đồng nghĩa với mặt bằng lãi suất không tăng.
Dẫu vậy, theo nhận định của TS. Nguyễn Đức Độ, Viện phó Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính (Bộ Tài chính), nếu ngân hàng nào đó thực hiện quảng cáo bằng cách này, có thể dẫn đến hệ quả không mong muốn là nhiều người nghĩ rằng ngân hàng đó đang gặp vấn đề về thanh khoản. Các cơ quan chức năng có thể cũng sẽ “để ý” đến ngân hàng nhiều hơn.
Có lẽ khả năng lớn là thị trường dự báo Thông tư 36 thế nào cũng được sửa đổi, vấn đề chỉ là mức độ và các ngân hàng nhỏ có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn ở mức cao đang chuẩn bị trước cho tình huống này.
Vị chuyên gia đồng thời cho rằng, không loại trừ khả năng việc tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài và chỉ áp dụng đối với khách hàng lớn là một cách thức để các NHTM truyền thông điệp đến NHNN rằng việc siết tín dụng bất động sản nên được cân nhắc một cách thận trọng.
Dự kiến: Không cần lên Upcom, cổ phiếu của DN có thể giao dịch ngay sau khi đấu giá
Đó là kế hoạch về cơ chế giao dịch Pre-Upcom của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đang xây dựng cơ chế giao dịch Pre - Upcom, tức là nhà đầu tư có thể giao dịch cổ phiếu ngay sau khi thực hiện đấu giá cổ phần doanh nghiệp thay vì đợi các doanh nghiệp này chính thức lên thị trường Upcom.
Trong quy định hiện tại, các doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện đăng ký giao dịch trên thị trường Upcom trong vòng 90 ngày kể từ khi thực hiện đấu giá.
Theo ông Nguyễn Thành Long – Nguyên Phó Chủ tịch UBCKNN, Tân Chủ tịch HĐQT HNX, hoạt động giao dịch cổ phiếu ngay sau khi đấu giá vẫn nằm trong cơ chế hoạt động của thị trường Upcom và cơ chế giao dịch Pre - Upcom sẽ giúp rút ngắn thời gian giao dịch đối với cổ phần được đấu giá.
Ông Long cũng cho biết, khi các doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký đấu giá sẽ đăng ký luôn mã giao dịch. Do đó, nhà đầu tư có thể thực hiện giao dịch theo cơ chế Pre - Upcom ngay sau đó.
Vinamotor bán một chi nhánh với giá 0 đồng kèm khoản công nợ lớn
Tổng Công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam (Vinamotor) vừa công bố báo tài chính năm 2015 của riêng công ty mẹ đã được kiểm toán. Theo đó, trong năm 2015, Vinamotor đạt 787 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động kinh doanh và 98 tỷ đồng doanh thu tài chính; lợi nhuận sau thuế đạt 75,5 tỷ đồng.
Một thông tin đáng chú ý trong báo cáo tài chính của Vinamotor là vào ngày 31/12/2015, Vinamotor và Tổng cục Hậu Cần – Kỹ thuật – Bộ Công An đã kí hợp đồng chuyển nhượng Chi nhánh của Vinamotor, Nhà máy Cơ khí công trình cho Tổng cục này. Thời điểm bàn giao trong vòng 5 ngày kể từ ngày kí.
Nhà máy cơ khí công trình của Vinamotor có trụ sở tại số 199 đƣờng Minh Khai, Quận Hai Bà Trưng, Tp. Hà Nội.
Theo hợp đồng, Tổng cục sẽ nhận chuyển nhượng toàn bộ tài sản, công nợ và lao động của chi nhánh từ Vinamotor với giá 0 đồng. Tổng cục chấp nhận thanh toán công nợ của chính từ Vinamotor với giá 62,16 tỷ đồng. Ngày 5/1/2016, việc chuyển giao đã hoàn tất.
Trong năm 2015, theo quyết định của Văn phòng Chính phủ, Vinamotor cũng đã chuyển nhượng và bàn giao toàn bộ 56,65% cổ phần tại CTCP Cơ khí Ô tô 3/2 cho Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật Bộ Công an.
Đầu năm 2016, thông qua đấu giá trọn lô, Cty TNHH Motor NA Việt Nam (Vinamco) đã mua lại toàn bộ 97,7% cổ phần của Vinamotor từ Bộ Giao thông vận tải với giá trị chuyển nhượng đạt hơn 1.250 tỷ đồng
BIDV được cấp phép thành lập chi nhánh tại Myanmar
BIDV cùng 3 ngân hàng khác của Đài Loan, Hàn Quốc và Ấn Độ được cấp phép đợt 2 về mở chi nhánh tại Myanmar. Trước đó hồi năm 2014 đã có 9 ngân hàng nước ngoài được mở chi nhánh tại nước này.
Hội đồng cấp phép thành lập chi nhánh Ngân hàng nước ngoài của Myanmar vừa thông báo cấp phép cho 4 Ngân hàng nước ngoài được mở chi nhánh hoạt động tại Myanmar bao gồm: BIDV (Việt Nam), E.SUN Commercial Bank (Đài Loan), Shinhan Bank (Hàn Quốc) và State Bank of India (Ấn Độ).
Đây là đợt cấp phép lần thứ 2 cho các ngân hàng nước ngoài của Chính phủ Myanmar. Trước đó, tháng 10/2014, Chính phủ Myanmar đã cấp phép đợt 1 cho 9 chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo nội dung thông báo, trong vòng 12 tháng kể từ ngày được cấp phép sơ bộ, BIDV sẽ hoàn tất mọi thủ tục và điều kiện để khai trương hoạt động chi nhánh theo qui định của Ngân hàng trung ương Myanmar.
Thực hiện Tuyên bố chung Việt Nam - Myanmar về 12 lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác kinh tế, trong đó có lĩnh vực tài chính - ngân hàng, hợp tác kinh tế giữa Việt Nam –Myanmar trong 6 năm qua đã có những bước phát triển đột phá. Chẳng hạn tổng giá trị đầu tư của Việt Nam vào Myanmar đã tăng 28 lần trong giai đoạn từ năm 2010 – 2015. Năm 2010 mới có 2 dự án của Việt nam với tổng vốn đăng ký 23,649 triệu USD (đứng thứ 22); Năm 2015 Việt nam đã có 8 dự án được cấp phép với tổng số vốn đăng ký là 691,572 triệu USD (đứng thứ 10). Hay về thương mại cũng tăng 2,9 lần từ mức 152 triệu USD năm 2010 lên mức 434,7 triệu USD năm 2015.
Tuy nhiên trong hai năm trở lại đây, hoạt động hợp tác kinh tế giữa hai nước đang có dấu hiệu chững lại do chưa có hoạt động ngân hàng thương mại của Việt Nam tại Myanmar hỗ trợ. Năm 2014, Việt Nam không có dự án nào được cấp phép tại Myanmar, giá trị thương mại năm 2015 chỉ đạt 434,7 triệu USD giảm so với năm 2014 là 480,6 triệu USD.
Cơ hội nào cho ngành bảo hiểm khi đón sóng TPP?
Theo nhìn nhận của chuyên gia, khi tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các doanh nghiệp bảo hiểm của Việt Nam sẽ được phép thành lập doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại các nước thành viên nếu đáp ứng điều kiện của nước sở tại.
Liên quan đến tác động của Hiệp định TPP tới ngành bảo Việt Nam, trả lời báo chí, ông Phùng Đắc Lộc - Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng cơ hội của ngành bảo hiểm là rất lớn bởi trong 11 nước tham gia TPP cùng Việt Nam đã có Australia, Canada, Nhật, Mỹ có sự hiện diện thương mại ( doanh nghiệp bảo hiểm) tham gia vào thị trường bảo hiểm Việt Nam.
"Khả năng những nước này cùng với những nước còn lại sẽ có thêm doanh nghiệp bảo hiểm xin cấp phép hoạt động tại Việt Nam, tuy nhiên điều này còn tùy thuộc vào quyết định đầu tư kinh doanh của đối tác. Về phía Việt Nam, các DNBH đang hoạt động tại Việt Nam cũng sẽ được phép thành lập doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại 11 nước thành viên nếu đáp ứng điều kiện của nước sở tại", ông Lộc nhận định.
Theo ông Lộc, những cơ hội mới sẽ đến với ngành bảo hiểm khi giao lưu thương mại, dịch vụ, đầu tư, du lịch… trong các nước thành viên được mở rộng cùng với 1 số nước ngoài TPP đầu tư vào Việt Nam để được hưởng lợi từ TPP. Chính vì thế, đó sẽ là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp tận dụng để hội nhập.
Chỉ rõ những cơ hội của ngành bảo hiểm khi hội nhập TPP, ông Lộc lấy dẫn chứng như trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ nhu cầu bảo hiểm tài sản sẽ tăng nhanh chóng khi làn sóng đầu tư nước ngoài từ các nước thành viên vào Việt Nam cũng như các nước ngoài TPP đầu tư vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, lộ trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ được thúc đẩy nhanh chóng cùng với việc nới room cho các nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp nhà nước không nắm giữ nhiều sở hữu; lộ trình cổ phần hóa 70.000 cơ sở sự nghiệp công lập cũng sẽ được thúc đẩy…, tạo thêm sân chơi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ngoài ra, hoạt động giao thương kinh tế , văn hóa, du lịch phát triển kéo theo nhu cầu bảo hiểm. Nhu cầu bảo hiểm trách nhiệm cũng sẽ tăng cao theo tập quán của người nước ngoài và doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Các loại hình bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm, trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm ô nhiễm môi trường, trách nhiệm công cộng, trách nhiệm với người thứ 3…, sẽ được phát triển, trong đó nhu cầu bảo hiểm trách nhiệm hàng hóa xuất khẩu sẽ tăng nhanh...
Vị lãnh đạo của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cũng cho biết, không chỉ bảo hiểm phi nhân thọ mà cả bảo hiểm nhân thọ cũng sẽ hưởng lợi từ TPP. Theo đó, khi hội nhập, nhu cầu bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam tăng cao về số lượng và chất lượng.
"Thị trường chứng khoán, bất động sản phát triển làm gia tăng khả năng đầu tư tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm từ quỹ chủ hợp đồng, hứa hẹn lãi suất hấp dẫn giúp phát triển bảo hiểm liên kết chung, bảo hiểm liên kết đơn vị... Đặc biệt, nhu cầu bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm cho người cao tuổi sẽ tăng bởi Việt Nam có tốc độ già hóa dân số nhanh...", ông Lộc nhìn nhận.
Mặc dù ngành bảo hiểm được cho là sẽ có nhiều cơ hội, nhưng theo ông Lộc, khi vào TPP các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đối mặt với không ít trắc trở. Cụ thể, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam sẽ phải nắm bắt nhu cầu để phát triển các sản phẩm hoặc cải tiến các sản phẩm phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế, của thế giới như bảo hiểm công nghệ cao, bảo hiểm công trình quy mô lớn, phức tạp, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm hàng hóa xuất khẩu, bảo hiểm ô nhiễm môi trường…
Hơn nữa, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng sẽ phải cạnh tranh gay gắt với nhau khi số lượng doanh nghiệp cùng ngành ngày càng tăng cao và các dịch vụ bảo hiểm mang lại doanh thu hấp dẫn, đòi hỏi doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng dịch vụ khách hàng, quản lý rủi ro và phân tán rủi ro để nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Khi hội nhập, các doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam cũng sẽ phải cạnh tranh với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tại nước ngoài được bán sản phẩm qua biên giới, nếu sản phẩm bảo hiểm kém hấp dẫn hoặc không đáp ứng được tiêu chuẩn sẽ rất khó cạnh tranh dẫn đến nguy cơ thụt lùi rồi phá sản.
Trong lĩnh vực nhân thọ, theo ông Lộc, các doanh nghiệp sẽ phải nghiên cứu, cải tiến, phát triển sản phẩm bảo hiểm có sức hấp dẫn so với sản phẩm cùng loại của doanh nghiệp bảo hiểm khác. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng sẽ phải nâng cao năng lực cạnh tranh từ khâu phân phối sản phẩm bảo hiểm, quản lý hợp đồng, quản trị rủi ro, quản trị và nâng cao hiệu quả đầu tư tài chính để tồn tại và phát triển.
Mặc dù dự báo các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp không khí khó khăn khi hội nhập TPP nhưng lãnh đạo Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam tự tin các doanh nghiệp bảo hiểm của chúng ta sẽ vượt qua nếu biết nắm bắt cơ hội. Theo ông, vấn đề chính vấn nằm ở doanh nghiệp bởi chỉ có họ mới hiểu được giá trị của chính doanh nghiệp mình đang trèo lái từ đó đưa ra được phương án tốt nhất để hội nhập.
"Các doanh nghiệp phải cạnh tranh với các định chế tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản trong thu hút tiền nhàn rỗi đầu tư vào bảo hiểm nhân thọ… Tuy nhiên, thách thức là vậy nhưng nếu biết nắm bắt và vượt qua, các doanh nghiệp bảo hiểm của chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để phát triển mạnh mẽ", ông Lộc nhận định.