Ôtô 7 đến 9 chỗ ngồi phải dán nhãn năng lượng từ năm 2018; Nước sạch Vĩnh Phúc "mở đường" cho nhà đầu tư muốn sở hữu lượng lớn cổ phần NVP; Xi măng Tam Điệp mất gần hết vốn; Nhiều đại gia đồ uống nước ngoài 'đổ bộ' vào Việt Nam
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 22-11-2017
- Cập nhật : 22/11/2017
Bất động sản Việt: Nhà đầu tư ngoại thèm muốn cơ hội phát triển khu nghỉ dưỡng lớn
Thị trường bất động sản Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển nhờ vào vị trí địa lý thuận tiện cho phát triển khách sạn và khu nghỉ dưỡng lớn.
Theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài, trong 10 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đạt hơn 2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư vào thị trường bất động sản, lớn hơn so với con số 1,7 tỷ USD của năm 2016.
Phát biểu tại Hội nghị bất động sản 2017 diễn ra tại TP.HCM ngày 21/11/2017, Tiến sỹ Sử Ngọc Khương, Giám đốc Bộ phận Đầu tư, Savills Việt Nam, cho biết số vốn 2 tỷ USD rót vào bất động sản Việt Nam là số vốn cực lớn, có thể so sánh với gói 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội đã được giải ngân hết. Do đó, 2 tỷ USD này là rất lớn trong thị trường bất động sản, nhất là trong 1 năm. Đây là cú hích cho nền kinh tế nói chung.
Đặc biệt, các nhà đầu tư nước ngoài khi nhìn vào vị trí của Việt Nam họ thấy thị trường có nhiều cơ hội phát triển khách sạn và khu nghỉ dưỡng lớn. Giả định tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2018 bằng với năm 2017 sẽ là sức hút rất lớn đối với nhà đầu tư ngoại.
Mặc dù Chính phủ có các chính sách nới rộng cho nhà đầu tư ngoại đầu tư vào bất động sản Việt nhưng nhà đầu tư chủ đạo vẫn là người Việt Nam. Nếu doanh nghiệp bất động sản Việt cởi bỏ được 03 vấn đề vẫn còn tồn tại là: vốn, pháp lý và sản phẩm thì sẽ có những bước phát triển vượt bậc.
Còn ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam, cho rằng thị trường bất động sản Việt Nam có nhiều điểm yếu do vẫn còn dư chấn của khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008. Điều lo lắng hiện tại là làm sao để ngân hàng có thể bắt đầu cho vay trở lại, luật pháp chưa phù hợp với việc cho vay và còn nhiều vấn đề trong định giá khoản vay của ngân hàng.
Gần đây, các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm hơn tới các đối tác địa phương vì một số doanh nghiệp trong nước đã có quy trình quản lý tốt, minh bạch, có kinh nghiệm.
Một điểm nhấn quan trọng khiến thị trường bất động sản Việt Nam rất thu hút đối với các nhà đầu tư ngoại là số lượng người mua nhà để ở ngày càng tăng.
Theo ông Barry Weisblatt, Giám đốc phân tích, công ty chứng khoán Bản Việt, kể từ năm 2014, số lượng người mua căn hộ để ở so với người mua để đầu tư ngày một tăng. Chỉ tính trong nửa đầu năm 2017, đã có hơn một nửa số người mua căn hộ là để ở. Số lượng người vay tiền ngân hàng mua nhà đã chiếm 50% so với chỉ hơn 10% cách đây 10 năm và chi phí vay cũng thấp hơn trước.
Điều này thể hiện sôi động nhất tại TP.HCM khi nhu cầu về nhà ở đang tăng nhanh với mỗi năm tăng thêm hàng trăm nghìn dân nhập cư. Trong khi đó, mỗi năm thị trường tại thành phố cũng chỉ tăng thêm 110.000 m2 nhà ở, chưa thể đáp ứng nhu cầu hiện tại.
Ngoài ra, các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang hỗ trợ cho thị trường bất động sản, như: lạm phát ổn định, khách du lịch quốc tế tăng mạnh, tăng trưởng tín dụng cao, tỷ lệ đầu tư nước ngoài rót vào lĩnh vực sản xuất và chế biến duy trì mức 80%… là các tín hiệu tích cực đối với thị trường.(bizlive)
------------------------
Quy định về điều kiện sản xuất phân bón gây khó cho doanh nghiệp
Theo VCCI, nhiều quy định trong Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón chưa rõ ràng có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn số 8143/BNN-BVTV của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc góp ý Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón. Theo VCCI, nhiều quy định chưa rõ ràng có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Tại điểm b, khoản 2, điều 6, Dự thảo Nghị định quy định mức xử phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi “địa điểm sản xuất, diện tích nhà xưởng không phù hợp với công suất của dây chuyền, máy móc thiết bị sản xuất phân bón”. VCCI nhận định quy định này chưa rõ ràng, bởi việc xác định như thế nào được cho là địa điểm sản xuất, diện tích nhà xưởng không phù hợp với công suất của dây chuyền, máy móc thiết bị sản xuất phân bón không được quy định cụ thể.
Từ đó, VCCI đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định nêu trên hoặc cần quy định rõ thế nào là “không phù hợp”. Bên cạnh đó, việc quy định phạt tiền “từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi vi phạm sử dụng phân bón không có Quyết định công nhận lưu hành tại Việt Nam” cũng chưa hợp lý. Vì trong nhiều trường hợp họ không thể biết được sản phẩm phân bón có Quyết định công nhận lưu hành tại Việt Nam hay không. Đây là trách nhiệm của người cung cấp phân bón.(thanhnien)
---------------------
Cuối năm "bung hàng" thoái vốn nhà nước
Đa số thực hiện bán vốn vào thời điểm cuối năm đều là những doanh nghiệp có vị thế đầu ngành, kinh doanh hiệu quả, có nhiều yếu tố thu hút nhà đầu tư như thương hiệu, thị trường, nhân sự và cả bề dày lịch sử hoạt động
Tiến độ cổ phần hóa (CPH), thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) 3 quý đầu năm khá đủng đỉnh với kết quả chỉ bán, thu về được 16.000 tỉ đồng, trong khi kế hoạch thu về 60.000 tỉ đồng. Thế nhưng, chỉ trong hơn 1 tháng còn lại của năm 2017, tiến độ này sẽ được tăng tốc do nhiều tên tuổi lớn đã chốt ngày giao dịch.
Hàng tốt liên tục lên sàn
Gần đây nhất là sự kiện Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã tổ chức buổi giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phần của SCIC tại Tổng Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cùng 4 DN khác, gồm Nhựa Bình Minh, Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, Xuất nhập khẩu Y tế Domesco và FPT. Dự kiến ngày 28-11, SCIC sẽ công bố giá khởi điểm, quy chế và nhận đặt cọc, ngày 8-12 sẽ tổ chức chào bán công khai. Nếu bán thành công, dự kiến SCIC sẽ thu về khoảng 8.000 tỉ đồng. Hàng trăm nhà đầu tư đã có mặt tại cuộc roadshow và trước đó có ít nhất 5 quỹ đầu tư lớn đang muốn mua cổ phần của Vinaconex mà SCIC đang nắm giữ. Đáng lưu ý là buổi roadshow này được tổ chức ngay sau khi SCIC đã thoái vốn thành công đợt 2 tại Vinamilk với tỉ lệ bán 3,6% vốn điều lệ, thu về 9.000 tỉ đồng.
Một sự kiện khác được trông chờ là Bộ Công Thương đã có thông báo về kế hoạch thoái vốn tại Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) sau một thời gian chậm tiến độ không xác định được thời điểm. Dự kiến, thông tin chi tiết về tỉ lệ vốn thoái, mức giá khởi điểm sẽ được công bố vào ngày 27-11 và bán vốn sẽ được hoàn tất trong tháng 12 tới. Chưa công bố số lượng cổ phần chào bán cụ thể lần đấu giá đầu tiên này nhưng Bộ Công Thương cũng tiết lộ phương thức thoái vốn tại Sabeco sẽ được bán theo hình thức chào giá cạnh tranh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tương tự phương thức bán vốn lần 2 tại Vinamilk. Sở dĩ sự kiện thoái vốn tại Sabeco trở thành tâm điểm chú ý của thị trường vì đây là DN ăn nên làm ra, đang nắm giữ 45% thị phần bia Việt Nam. Không chỉ hấp dẫn nhà đầu tư trong nước, Sabeco cũng từng được các đại gia bia thế giới ngỏ ý muốn mua cổ phần như Heineken (Hà Lan), Asahi (Nhật Bản), SAB Miller (Mỹ).
Nguồn thu lớn cho ngân sách
Như vậy, đa số thực hiện bán vốn nhà nước vào thời điểm cuối năm đều là DN có vị thế đầu ngành, kinh doanh hiệu quả, có nhiều yếu tố thu hút nhà đầu tư như thương hiệu, thị trường, nhân sự và cả bề dày lịch sử hoạt động. Việc thoái vốn của nhiều DN, trong đó có những DN lớn như Sabeco, Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đã ghi vào dự thu ngân sách năm 2017.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, động lực tăng trưởng của nền kinh tế đã không còn trông chờ vào dầu thô, tín dụng mà chuyển hướng sang ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch và một phần quan trọng là nguồn thu từ CPH, thoái vốn nhà nước tại DN, trong đó có Sabeco, Vinamilk… Quá trình CPH được chuẩn bị từ đầu năm đến quý IV này mới tiến hành, các DN thực hiện CPH cuối năm có tổng vốn rất lớn như Tập đoàn Cao su Việt Nam, PVOil, Tổng Công ty Điện lực dầu khí, Lọc hóa dầu Bình Sơn… cùng thoái vốn khỏi Vinamilk, Sabeco. Nếu bán kịp sẽ có dư địa cho năm sau.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương, từ nay đến năm 2020, cả nước sẽ sắp xếp 240 DN nhà nước, trong đó CPH 137 DN, nếu thực hiện đúng kế hoạch thì dự kiến số cổ phần nhà nước bán ra đạt tối thiểu hơn 296.362 tỉ đồng. Đây chính là nguồn lực rất lớn cho phát triển đất nước mà chúng ta đang nắm giữ nhưng chưa có cách phát huy, thay vào đó khá nhiều nghiên cứu lại nhắc đến nguồn nằm trong dân cư. Nếu quyết liệt thực hiện yêu cầu các DN nhà nước đã CPH phải niêm yết trên sàn chứng khoán như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngân sách sẽ có thêm cả tỉ USD mà không phải tốn kém nhiều công sức.(NLĐ)
------------------------
Bia Sài Gòn sang Singapore và Anh tìm cơ hội bán cổ phiếu
Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước Giải khát Sài Gòn (Sabeco) sẽ đến Singapore và sau đó là Anh tổ chức roadshow nhằm bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, Sabeco sẽ tổ chức hội thảo gặp gỡ các nhà đầu tư nước ngoài tại Singapore vào ngày 24-11 và giới thiệu cơ hội tìm kiếm đầu tư (roadshow) cho các nhà đầu tại Vương quốc Anh vào ngày 27-11 tới.
Đây là hai thị trường lớn Sabeco thực hiện kế hoạch thoái vốn sau khi Bộ Công thương công bố thoái vốn hôm 15-11 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Sau Singapore và Anh, các nhà đầu tư tại Việt Nam mới có cơ hội đăng ký làm việc trực tiếp với đại diện Sabeco thông qua tuần lễ doanh nghiệp tổ chức giới thiệu tại thị trường Việt Nam, bắt đầu từ ngày 29-11-2017.
Như vậy, đến nay Bộ Công thương lẫn Sabeco vẫn chưa công bố số lượng chào bán, mức giá khởi điểm, giá chào bán…thế nào.
Tuy nhiên, tiêu chí bán vốn được Bộ Công thương khẳng định thực hiện theo diễn giá thị trường, đảm bảo tỉ lệ sở hữu nước ngoài theo quy định của pháp luật, đồng thời có giải pháp giữ gìn và phát triển thương hiệu bia Việt Nam.
Bên cạnh đó, phương thức bán vốn sẽ thực hiện theo hình thức chào giá cạnh tranh giữa các nhà đầu tư đủ điều kiện tham gia mua cổ phần theo quy chế chào bán do Bộ Công thương xây dựng.
Theo đó, các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và theo quy chế chào bán cạnh tranh đều được tham gia.
Việc thoái vốn Nhà nước tại Sabeco, theo Bộ Công thương, sẽ được thực hiện theo nguyên tắc công khai minh bạch.
Hiện tại, bia vẫn là lĩnh vực chiếm tỉ trọng lớn nhất, trên 85% tổng doanh thu của Sabeco từ 2014 cho đến nay.
Bia cũng chính là mảng chính đem lại lợi nhuận chính cho Sabeco khi chiếm từ 95-97% lợi nhuận gộp trong giai đoạn 2014-2016.
Sản lượng tiêu thụ bia Sài Gòn của Sabeco cũng tăng vọt qua từng năm.
Năm 2015, sản lượng tiêu thụ bia Sài Gòn các loại đạt 1,466 tỉ lít, tăng 8,11% so với năm 2014. Năm 2016, sản lượng này vọt lên mức 1,59 tỉ lít, tăng 8,46% so với năm 2015.
Hiện tại, sáng nay, 21-11, giá cổ phiếu mã SAB của Sabeco được giao dịch ở mức 287.000 một cổ phiếu, tăng 7.000 đồng so với giá đóng cửa phiên hôm qua, và tăng 10.000 đồng so với thời điểm công bố thoái vốn.(Tuoitre)