Việt Nam không nên học Trung Quốc chặn Facebook và Google; Platium Victory mua hơn 51 triệu cổ phiếu VNM và trở thành cổ đông lớn của Vinamilk; Tập đoàn nào lập quy hoạch tổng thể đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong?; Thuế về 0%, đường Việt sợ bị hạ đo ván trên sân nhà
Tin kinh tế đọc nhanh 22-11-2017
- Cập nhật : 22/11/2017
Tham nhũng gây thiệt hại gần 60.000 tỷ, vì sao chỉ thu hồi được 4.676 tỷ?
"Theo Báo cáo của Chính phủ trong 10 năm số thiệt hại do tham nhũng gây ra là 59.750 tỷ đồng và 400ha đất nhưng số thu hồi chỉ là 4.676 tỷ đồng và 219ha đất, tức là chỉ trên dưới 10%. Chúng tôi cho rằng có nhiều nguyên nhân nhưng một trong những nguyên nhân là do pháp luật chưa có cơ chế để xử lý sớm đối với tài sản tham nhũng".
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã cho biết như vậy tại phiên thảo luận dự án Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) ngày 21/11.
Dẫn báo cáo của Chính phủ, bà Thuỷ cho biết trong 10 năm số thiệt hại do tham nhũng gây ra là 59.750 tỷ đồng và 400ha đất nhưng số thu hồi chỉ là 4.676 tỷ đồng và 219ha đất, tức là chỉ trên dưới 10%.
"Chúng tôi cho rằng những khó khăn nêu trên do nhiều nguyên nhân nhưng một trong những nguyên nhân là do pháp luật chưa có cơ chế để xử lý sớm đối với tài sản tham nhũng", bà Thuỷ nói, đồng thời làm rõ 4 vấn đề.
Thứ nhất, pháp luật hiện hành chưa có cơ chế để xử lý đối với tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp. Theo bà Thuỷ, thực tiễn vừa qua có một số trường hợp kê khai không đúng nhưng chỉ áp kỷ luật đối với chính người kê khai, có thể là khiển trách, cảnh cáo, thậm chí là cách chức chứ không thể đụng được vào khối tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp của họ.
Muốn xử lý tịch thu khối tài sản này thì phải thông qua một vụ án hình sự, từ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, đến khi đó sẽ rất khó khăn, nhiều vụ án sẽ không còn tài sản để thi hành án.
Một trong những kỳ vọng của cử tri đặt ra đối với việc sửa luật lần này đó là phải giải quyết được vấn đề nêu trên. Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo bà Thuỷ cho biết tại Điều 122 và 123 vẫn chỉ xử lý đối với người kê khai không đúng.
Cụ thể là nếu như người đó đang được dự kiến bổ nhiệm thì sẽ không được bổ nhiệm nữa và nếu như người đó đã được bổ nhiệm thì tuỳ theo mức độ mà có thể bị cách chức hoặc giáng chức. Đối với khối tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp thì dự thảo vẫn tiếp tục để ngỏ không có cơ chế xử lý giống như hiện nay.
Thứ hai, lý do Ban soạn thảo giải thích cho việc không bổ sung quy định nêu trên là để phù hợp với nguyên tắc của tố tụng hình sự, nguyên tắc trách nhiệm chứng minh thuộc về nhà nước.
Theo đó, muốn xử lý tịch thu khối tài sản này thì chính các cơ quan tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm chứng minh chứ không phải người có tài sản có trách nhiệm giải trình.
"Ở khía cạnh này, chúng tôi khác với ý kiến Ban soạn thảo và đồng tình với nhiều chuyên gia, bởi lẽ tham nhũng là loại tội phạm đặc biệt, xảy ra rất lâu rồi mới bị phát hiện, độ ẩn của tội phạm là rất cao. Do đó, nếu như không có các thủ tục tố tụng đặc biệt vượt lên các khuôn khổ pháp lý thông thường thì sẽ không thể xử lý được", bà Thuỷ nói.
Đồng thời, khác với các tội giết người, cướp của, đánh nhau gây thương tích thì hành vi tham nhũng thường diễn biến trong một thời gian dài. Sau khi tham nhũng được là tiêu sài lãng phí, tặng cho, chuyển đổi dưới nhiều hình thức.
Do đó, theo bà đại biểu Thuỷ, ngay chính các quốc gia được xem là mô hình đấu tranh chống tham nhũng hiệu quả cũng không hy vọng sẽ thu hồi được 100% số tài sản tham nhũng.
Chính vì vậy, trách nhiệm giải trình và biện pháp chế tài áp dụng trong trường hợp không giải trình được nguồn gốc hợp pháp của tài sản đã được các quốc gia đặt ra để sớm khoanh vùng nhận diện và tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng.
Thứ ba, đại biểu Thuỷ cho biết quyền tài sản là quyền hiến định được bảo hộ ở mức cao nhất là Hiến pháp. Do đó, nếu phương án nêu trên được chấp thuận đưa vào dự thảo thì phải được tiến hành thông qua thủ tục tư pháp một cách công khai và chặt chẽ, đủ thời gian cho người có tài sản giải trình và phải do Tòa án có quyền phán quyết, không phải tịch thu bằng con đường hành chính.
Về thủ tục thì chính các cơ quan được giao trách nhiệm kiểm soát thu nhập tài sản của cán bộ, công chức phải là các cơ quan có trách nhiệm đưa vụ việc ra yêu cầu Tòa án giải quyết.
Thứ tư, về kinh nghiệm quốc tế, bà Thuỷ cho biết chưa có điều kiện tham khảo hết được các luật của các nước trên thế giới, nhưng đã tập hợp được danh sách hơn 40 quốc gia trên thế giới quy định xử lý đối với tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp.
Điều đáng chú ý là các quốc gia này có nhiều điểm chung giống Việt Nam như hệ thống kiểm soát thu nhập trong xã hội chưa tốt, thói quen chi tiêu tiền mặt trong xã hội vẫn còn phổ biến.
Bà Thuỷ lấy ví dụ về kinh nghiệm của Trung Quốc. Trung Quốc khác với Việt Nam, Trung Quốc không có luật riêng về phòng, chống tham nhũng. Các quy định về phòng, chống tham nhũng của Trung Quốc được đặt trong các luật chuyên ngành.
Để xử lý đối với tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp thì Trung Quốc đã bổ sung vào Điều 395 của Bộ luật Hình sự như sau: Bất kỳ công chức công nào có tài sản hoặc chi tiêu vượt quá thu nhập hợp pháp, nếu có sự khác biệt lớn thì đều có thể bị yêu cầu giải trình về nguồn gốc hợp pháp của tài sản đó. Nếu công chức không giải trình được thì phần tài sản vượt quá thu nhập hợp pháp sẽ bị coi là tài sản bất hợp pháp và bị tịch thu. Ngoài ra còn có thể bị phạt tù đến 5 năm.
Tại một hội thảo phòng chống tham nhũng do Ban Nội chính trung ương tổ chức, các chuyên gia Trung Quốc chia sẻ mục tiêu của quy định trên là bằng mọi giá khiến người có hành vi tham nhũng trả lại tất cả những gì họ đã chiếm đoạt của nhà nước.
Các chuyên gia này cũng cho biết ở Trung Quốc việc thu hồi tài sản tham nhũng là rất triệt để, thu cả đồng hồ, bút máy đắt tiền, thu theo giá trị tài sản đã tham nhũng.
Chẳng hạn đối tượng sử dụng 1 tỷ tiền tham nhũng để mua ôtô mới, sau vài năm sử dụng giá trị chiếc xe chỉ còn khoảng 600 triệu. Khi thu hồi sẽ tính theo giá trị tài sản tại thời điểm thu hồi là 600 triệu, chứ không tính là thu được 1 tỷ.
Đối với kinh nghiệm của Singapore thì nước này không chỉ ban hành luật riêng về chống tham nhũng mà còn có luật riêng về thu hồi tài sản tham nhũng, trong đó có các quy định rất cụ thể về căn cứ, điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thu hồi tài sản tham nhũng.
"Thu hồi tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp dù là vấn đề mới và rất khó với Việt Nam, song đây là sự chờ đợi của người dân. Các nước đều đã và đang trải qua những khó khăn giống Việt Nam trong công cuộc chống tham nhũng, nhưng họ đã tìm ra cơ chế để sớm thu hồi tài sản tham nhũng. Chúng tôi rất mong ban soạn thảo tiếp thu vấn đề này để thảo luận thấu đáo", bà Nguyễn Thị Thủy nói.(bizlive)
-----------------------------------
Kiều hối về TP.HCM tăng mạnh
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết lượng kiều hối tính đến hết tháng 10 đạt 3,9 tỉ USD, tăng khoảng 500 triệu USD so với cuối tháng 9.
Theo dự báo của ông Nguyễn Hoàng Minh, lượng kiều hối đến cuối năm 2017 có thể đạt được con số 5,2 tỉ USD, tăng 6% so với năm 2016.
Tình hình kinh tế ở các nước có lượng kiều hối chuyển về VN hiện nay khá tích cực, đặc biệt tại Mỹ có lượng kiều hối chiếm đến 60%, kế đến là châu Âu 19% và các châu khác chiếm 20% còn lại. Kiều hối đang bắt đầu vào mùa cao điểm, nhiều ngân hàng triển khai các chương trình khuyến mãi nên khả năng sẽ tăng mạnh vào những tháng cuối năm.
Lượng kiều hối chuyển về vẫn chủ yếu chảy vào các hoạt động sản xuất kinh doanh chiếm gần 72%, bất động sản chiếm 22% và còn lại là hỗ trợ người thân.(Thanhnien)
--------------------
13 pháp nhân liên quan tới Việt Nam trong “Hồ sơ Paradise”
Trong 25.000 pháp nhân liên quan đến Hồ sơ Paradise có 13 pháp nhân liên quan đến Việt Nam, trong đó có 25 cá nhân.
Hơn 10 ngày sau khi công bố thông tin chấn động về "Hồ sơ Paradise" phanh phui các chiêu trò trốn thuế của những người giàu nhất thế giới, Liên đoàn Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã công khai các dữ liệu này để ai cũng có thể tra cứu tìm xem các tổ chức, cá nhân nào nằm trong "danh sách đen".
ICIJ vốn đã duy trì cơ sở dữ liệu chứa hàng loạt hồ sơ tiết lộ chuyện trốn thuế, che giấu tài sản như "Hồ sơ Panama" hay "Hồ sơ Bahamas" (cùng công bố năm 2016) và "Hồ sơ Offshore Leaks" (công bố năm 2013) tại địa chỉ https://offshoreleaks.icij.org.
Ngày 17-11, trang web này được cập nhật thêm dữ liệu liên quan đến 25.000 pháp nhân có liên quan đến "Hồ sơ Paradise".
Tìm với từ khóa "Vietnam", kết quả cho thấy có 13 pháp nhân, chủ yếu là các công ty bình phong đăng ký tại quần đảo Cayman, quần đảo British Virgin và 25 tên cá nhân có liên quan đến "Hồ sơ Paradise".
Tính luôn cả dữ liệu cập nhật mới nhất từ "Hồ sơ Panama" và "Hồ sơ Offshore Leaks", có 32 pháp nhân và 214 cá nhân liên quan đến Việt Nam trong trang tìm kiếm của ICIJ.
"Hồ sơ Paradise" gồm 13,4 triệu tài liệu là kết quả cuộc điều tra công phu của một nhóm nhà báo toàn cầu, sử dụng dữ liệu do Công ty luật Appleby rò rỉ.
Báo Süddeutsche Zeitung (Đức) tiếp cận các dữ liệu này đầu tiên, trước khi chia sẻ với ICIJ và một mạng lưới gồm hơn 380 nhà báo ở 67 quốc gia.(Tuoitre)
--------------------------------
UBND TP HCM chỉ đạo kiểm tra hoạt động của địa ốc Alibaba
Ngày 21-11, UBND TP HCM đề nghị các sở, ngành nhanh chóng kiểm tra hoạt động của công ty địa ốc Alibaba trong việc rao bán đất nền Tây Bắc - Củ Chi
Qua đó, giao cho Sở Xây dựng chủ trì cùng với Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT), Ban quản lý khu đô thị Tây Bắc kiểm tra hoạt động của công ty CP địa ốc Alibaba và Công ty CP Alibaba Tây Bắc TP HCM về dự án Alibaba Tây Bắc Củ Chi. Từ đó, đề xuất cho UBND TP về hướng xử lý.
Ngoài ra, UBND TP cũng đề nghị UBND huyện Củ Chi phải nắm bắt rõ tình hình lên phương án chủ động, đảm bảo an ninh trật tự.
Trước đó, ngày 20-11, Sở TN-MT TP đã phát thông báo khẩn về những thông tin sai sự thật của Công ty CP Alibaba Tây Bắc TP HCM và Công ty CP Địa ốc Alibaba.
Cụ thể, thời gian qua Sở TN-MT nhận được nhiều phản ánh của người dân thông tin về việc hai công ty nói trên (thực chất là một đơn vị điều hành) có hành vi rao bán dự án chưa đầy đủ thủ tục cần thiết.
Qua kiểm tra và xác minh, Sở nhận thấy những quảng cáo của Địa ốc Alibaba không đúng sự thật. Trong đó, dự án "Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi Khu vực VIII-3", xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi chưa có chủ đầu tư, chưa được phép công bố bán nền nhà, thu tiền đặt chỗ.
"Thông qua vụ việc này người dân cảnh giác và tìm hiểu kỹ khi đầu tư nhà, đất" - thông báo của Sở TN-MT TP HCM nêu rõ.
Ngoài ra, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) gần đây cũng liên tục lên tiếng cảnh báo về hoạt động của công ty nói trên.(NLĐ)