tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 21-11-2017

  • Cập nhật : 21/11/2017

Đến lượt Sở TN-MT TP.HCM cảnh báo khẩn về Địa ốc Alibaba

Ngày 20-11, Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM đã phát thông báo khẩn về những thông tin sai sự thật của Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba.

Theo nội dung thông báo, Sở Tài nguyên - Môi trường đã nhận được nhiều phản ánh của người dân về việc Công ty cổ phần Alibaba Tây Bắc TP.HCM và Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba, có hành vi rao bán dự án "Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi Khu vực VIII-3" khi chưa đầy đủ thủ tục cần thiết.

Hai công ty này, thực chất do một đơn vị điều hành, đã công bố bán nền nhà, thu tiền đặt chỗ trước của khách hàng tại dự án "Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi Khu vực VIII-3, có diện tích 97,58ha, pháp lý: sổ đổ thổ cư 100%"  (thuộc Khu đô thị Tây Bắc, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM)

Qua kiểm tra và xác minh, Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM nhận thấy các quảng cáo của Địa ốc Alibaba không đúng sự thật. 

Trong số đó, dự án "Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi Khu vực VIII-3", xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi vẫn chưa có chủ đầu tư, chưa được phép công bố bán nền nhà, thu tiền đặt chỗ.

Sở Tài nguyên - Môi trường yêu cầu người dân cảnh giác và tìm hiểu kỹ khi đầu tư nhà, đất.

Cơ quan này cũng gửi kèm văn bản của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) phát đi trước đó, về việc cảnh báo những thông tin sai sự thật của Công ty cổ phần Alibaba Tây Bắc TP.HCM và Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba về dự án Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi.

Cụ thể, hai công ty này đã công bố bán nền nhà, thu tiền trước của khách hàng "kiểu kinh doanh đa cấp" tại nhiều dự án đất nền chưa có đầy đủ thủ tục pháp lý, chưa đủ điều kiện để được huy động vốn khi bán nền nhà hình thành trong tương lai theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch khu đô thị. 

Các dự án công ty này rao bán chưa đủ điều kiện nằm trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Long An và gần đây là tại TP.HCM, trong đó có dự án Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi.

Không những vậy, 2 công ty này còn có những dấu hiệu nghi vấn về việc tăng vốn điều lệ "ảo".

"Điều này đã có tác động xấu, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản và có thể gây hậu quả nghiêm trọng, làm thiệt hại đến quyền lợi của nhà đầu tư thứ cấp và khách hàng", công văn của HoREA nêu.

Ban Quản lý Khu đô thị Tây Bắc cũng cùng lúc có công văn gửi UBND TP.HCM vấn việc Công ty Địa ốc Alibaba mở bán dự án trái phép trong Khu đô thị. 

Theo công văn này, Ban Quản lý Khu đô thị Tây Bắc cho rằng dự án do Địa ốc Alibaba đề xuất chưa được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

"Trong thời gian qua, việc doanh nghiệp này tự xưng là chủ đầu tư, công bố bán nền nhà, thu tiền đặt chỗ trước của khách hàng tại dự án Khu đô thị Tây Bắc là trái với quy định của pháp luật hiện hành,", công văn khẳng định.

Sở Xây dựng TP.HCM cũng bắt đầu vào cuộc để can thiệp về hành vi sai trái này của Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba.

Mới đây, sau những ồn ào trên, công ty Alibaba đã gửi văn bản xin lỗi khách hàng. 

Trong thư xin lỗi, ông Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba, tự xưng là "CEO Cùi Bắp", đã gửi lời xin lỗi tới khách hàng, đối tác và toàn thể nhân viên công ty về những việc ồn ào tại dự án Tây Bắc Củ Chi.

Ông Luyện thừa nhận rằng thời gian qua Công ty Alibaba đã đưa ra đặt chỗ dự án Tây Bắc Củ Chi với giá 5,5 triệu đồng mỗi mét vuông với mong muốn khách hàng "bình ổn thị trường", tránh mua phải những sản phẩm giá cao hơn.(Tuoitre)
-----------------------------------------

Ông Đoàn Nguyên Đức nói gì về việc mời ông Lý Xuân Hải về HAGL?

chu tich tap doan hoang anh gia lai khang dinh: “day la thong tin hoan toan khong chinh xac."nguon anh: vtc news

Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai khẳng định: “Đây là thông tin hoàn toàn không chính xác."Nguồn ảnh: VTC News

Vừa qua, một số trang tin dẫn nguồn tin riêng cho biết: “Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG), ông Đoàn Nguyên Đức, đã gửi lời mời ông Lý Xuân Hải, cựu CEO của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu – ACB về làm Phó Chủ tịch phụ trách tài chính của HAGL. Tuy nhiên, ông Hải vẫn chưa đưa ra câu trả lời”.

Và hôm qua, HAG đã đăng cải chính thông tin không chính xác về nhân sự cấp cao của HAG trên website của Tập đoàn. Thay mặt Tập đoàn HAGL, Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức khẳng định: “Đây là thông tin hoàn toàn không chính xác. Trong thời gian qua, tôi và anh Hải có gặp gỡ, trao đổi thân tình chứ không hề có việc tôi mời anh Hải về làm Phó Chủ tịch Tập đoàn HAGL".

Trước đây, khi còn làm CEO của ACB, ông Lý Xuân Hải từng 2 lần được bầu là Nhà lãnh đạo ngân hàng xuất sắc nhất năm 2007 và 2010.

Hiện tại, ông Hải đang là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần tơ lụa Bảo Lộc – Bảo Lộc Silk. Ông là cổ đông sáng lập và nắm giữ 27% cổ phần tại Bảo  Lộc Silk.(NCĐT)
-------------------------------

Dân vây trụ sở quỹ tín dụng, đòi trả hơn 50 tỉ đồng

Công an xác định có hơn 80 người phản ánh Quỹ tín dụng nhân dân Thái Bình, phường Tân Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai nợ họ hơn 50 tỉ đồng.

 

nguoi dan tu tap truoc cua quy tin dung nhan dan thai binh de doi lai tien da gui - anh: b.a.

Người dân tụ tập trước cửa Quỹ tín dụng nhân dân Thái Bình để đòi lại tiền đã gửi - Ảnh: B.A.

 

Ngày 20-11, nhiều người dân đã kéo tới tụ tập trước trụ sở Quỹ tín dụng nhân dân Thái Bình (KP.2, phường Tân Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai) để đòi tiền, sau khi giám đốc cơ quan này vắng mặt và không thể liên lạc được.

Tại hiện trường, người dân tụ tập trước trụ sở quỹ, cầm các băngrôn với nội dung "Trả tiền tôi" và liên tục lên tiếng đòi tiền. Sự việc khiến nhiều người đi đường hiếu kỳ đứng lại xem, giao thông trên quốc lộ 1 đoạn qua đây bị ách tắc.

Nhận được tin báo, lực lượng công an đã đến hiện trường giữ trật tự, đồng mời mời những người liên quan về trụ sở UBND P.Tân Hòa để làm việc. Bước đầu, công an xác định có hơn 80 người dân phản ánh Quỹ tín dụng Thái Bình nợ tiền với tổng số tiền hơn 50 tỉ đồng.

Bà Dung (ngụ ấp Phú Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) cho biết gia đình bà gửi hơn 700 triệu đồng vào Quỹ tin dụng Thái Bình để lấy lãi. Ban đầu bà nhận được tiền lãi đúng hẹn và đầy đủ. Nhưng từ đầu năm 2017 đến nay, quỹ nhiều lần né tránh, không thanh toán tiền cho bà.

Tương tự, ông Hoàng Văn Lục (69 tuổi, ngụ KP.1, P.Tân Hòa) cho biết năm 2016, gia đình ông gửi tiền vào Quỹ tín dụng Thái Bình gần 8 tỉ đồng (gồm cả tiền của người thân) với lãi suất 8%/năm. 

Từ cuối năm 2016, khi đến hạn rút lãi, ông đã đi lại nhiều lần nhưng không lấy được tiền lãi, thậm chí không lấy được tiền gốc dù đã quá kỳ hạn.

"Chúng tôi không lấy được tiền, cộng với gánh nặng gia đình khó khăn vì thiếu thốn, nợ nần chồng chất lâm cảnh khốn cùng", ông Lục bức xúc.

Ông cũng cho biết đã làm đơn gửi cơ quan chức năng tố cáo Quỹ tín dụng Thái Bình, kèm theo danh sách, chữ ký của những người gửi tiền nhưng không lấy được tiền, đến nay vẫn chưa được trả lời thỏa đáng. 

Ông Lục đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh Đồng Nai nhanh chóng vào cuộc.

luc luong cong an co mat tai hien truong de giu gin trat tu - anh: b.a.

Lực lượng công an có mặt tại hiện trường để giữ gìn trật tự - Ảnh: B.A.

 

Tại buổi làm việc, ông Trần Quốc Tuấn - giám đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai - cho biết đã nắm được vụ việc. 

Theo ông Tuấn, Quỹ tín dụng Thái Bình hoạt động theo mô hình hợp tác xã, do ông Vũ Công Liêm làm giám đốc. Quỹ này chịu sự kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai và chịu sự quản lý hành chính của chính quyền địa phương.

Bước đầu, cơ quan chức năng xác định Quỹ tín dụng Thái Bình mất khả năng chi trả số tiền trên 50 tỉ đồng, là tiền huy động từ hơn 80 người dân. Trong khi đó, ông Vũ Công Liêm đang vắng mặt và không thể liên lạc.

Cũng theo ông Trần Quốc Tuấn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai đang tiến hành kiểm toán đặc biệt để xác minh cụ thể số tiền mà quỹ này đã huy động được, sử dụng ra sao để có biện pháp xử lý phù hợp.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai đã có văn bản gửi cơ quan công an vào cuộc xác minh, xử lý.(Tuoitre)
----------------------

Hà Nội đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng xây 2 hầm chui và 1 cầu vượt

Hà Nội sẽ bổ sung 3 dự án vào danh mục công trình trọng điểm 2016 - 2020 gồm: cầu vượt nút giao giữa đường Hoàng Quốc Việt - đường Nguyễn Văn Huyên và hoàn thiện đường Nguyễn Văn Huyên theo quy hoạch (vành đai 2,5); cùng với 2 hầm chui.

Ngày 19/11, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã thông tin về việc điều chỉnh, bổ sung danh mục một số công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2016-2020.

Cụ thể, Hà Nội sẽ bổ sung 3 dự án và điều chỉnh thông tin đối với một số dự án nhằm tạo điều kiện tốt nhất để thúc đẩy, phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô.

Ba dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng gồm: Dự án xây dựng cầu vượt nút giao giữa đường Hoàng Quốc Việt - đường Nguyễn Văn Huyên và hoàn thiện đường Nguyễn Văn Huyên theo quy hoạch (vành đai 2,5) theo chỉ đạo của Thành ủy tại Thông báo số 767-TB/TU ngày 19/6/2017. Dự án sử dụng vốn ngân sách Thành phố, tổng mức đầu tư dự kiến 503 tỷ đồng.

Tiếp đến là Dự án xây dựng hầm chui tại nút giao giữa đường vành đai 2,5 với đường Giải Phóng (Quốc lộ 1A cũ), quận Hoàng Mai. Dự án sử dụng vốn ngân sách Thành phố, tổng mức đầu tư dự kiến 672 tỷ đồng.

Dự án thứ ba là xây dựng Hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 theo hình thức hợp đồng BT với tổng mức đầu tư dự kiến 550 tỷ đồng. Dự án do Công ty cổ phần Tasco đề xuất.

Thành phố Hà Nội cũng sẽ điều chỉnh thông tin một số dự án như: Điều chỉnh từ “Ngân sách thành phố, ODA” thành “Ngân sách Thành phố và BT” đối với 4 tuyến đường sắt đô thị và hiện đang nghiên cứu cơ chế thực hiện.

Riêng 2 dự án: Tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình và tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến 3, đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai vẫn giữ nguyên hình thức đầu tư “Ngân sách thành phố, ODA”.

Bên cạnh đó, 3 dự án: Cầu Thượng Cát (bao gồm đường hai đầu cầu); Vành đai 4: Từ quốc lộ 32 đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và Cầu Đuống 2 - đường nối đến địa phận tỉnh Bắc Ninh) sẽ được điều chỉnh từ hình thức đầu tư “BOT” thành "BOT hoặc BT”.

Đối với dự án Trung tâm phức hợp y học Bệnh viện Tim Hà Nội tại quận Tây Hồ, Thành phố sẽ điều chỉnh từ hình thức đầu tư “PPP đặc thù” thành “Xã hội hóa theo Nghị quyết 93 của Chính phủ”.

Như vậy, danh mục công trình trọng điểm của Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 sau điều chỉnh, bổ sung gồm 55 dự án (gồm 27 dự án ngân sách và ODA; 26 dự án đầu tư theo hình thức PPP và 2 dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa). (NDH)
---------------------------

Trở về

Bài cùng chuyên mục