tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 20-11-2017

  • Cập nhật : 20/11/2017

Đồng tiền Việt Nam ổn định nhất châu Á

Trong một đánh giá mới đây của hãng tin Bloomberg về mức độ ổn định tiền tệ của một số đồng tiền thuộc khu vực châu Á, tiền đồng (VND) được nhận định là đồng tiền thuộc nhóm ổn định nhất ở châu Á. Đánh giá này được đưa ra dựa trên những con số so sánh thuyết phục.

dong tien viet nam on dinh nhat chau a

Đồng tiền Việt Nam ổn định nhất châu Á

Bên cạnh nỗ lực giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng được các chuyên gia và tổ chức quốc tế đánh giá cao, qua đó tăng niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước với VND và môi trường đầu tư.

Theo báo cáo của NHNN, những tháng qua, tính thanh khoản trên thị trường tiền tệ tốt, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) mua ròng ngoại tệ từ khách hàng; Các nhu cầu hợp lý, hợp pháp của tổ chức, cá nhân về ngoại tệ đều đáp ứng đầy đủ, kịp thời; NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Đến ngày 25/10/2017, tỷ giá trung tâm tăng 1,4%, tỷ giá liên ngân hàng giảm 0,19% so với cuối năm 2016.

Thị trường ngoại tệ trong nước cũng có bước phát triển đáng kể. Bên cạnh việc thực hiện giao dịch truyền thống là mua/bán ngoại tệ giao ngay, NHNN triển khai giao dịch kỳ hạn với các TCTD để bổ sung công cụ cho các thành viên trên thị trường.

NHNN thực hiện mua ngoại tệ kỳ hạn, trên cơ sở cân nhắc diễn biến lãi suất, tỷ giá, sẽ hỗ trợ các TCTD chủ động hơn trong việc cân đối dòng tiền và có thêm lựa chọn trong việc bán ngoại tệ cho NHNN, từ đó khuyến khích TCTD bán ngoại tệ cho NHNN để tăng dự trữ ngoại hối.

Từ những kết quả điều hành và diễn biến của thị trường tiền tệ Việt Nam, mới đây, trong một đánh giá mới đây của hãng tin Bloomberg về mức độ ổn định tiền tệ của một số đồng tiền thuộc khu vực châu Á, VND được nhận định là đồng tiền thuộc nhóm ổn định nhất ở châu Á, đánh giá này được đưa ra dựa trên những con số so sánh thuyết phục.

Trên thị trường quốc tế, mặc dù USD có diễn biến tăng giá sau cuộc họp của Fed từ 20/9 đến nay, tuy nhiên nếu so với cuối năm 2016 thì tính đến ngày 6/10, USD thế giới đã giảm giá trên 8%; VND đang giảm giá với hầu hết đồng tiền các đối tác thương mại chính (-4,04% so với CNY, -3,52% so JPY, -10,18% so EUR, -5,13% so KRW, -5,83% so TWD, -5,49% so SGD và -6,52% so THB), do vậy, việc NHNN giảm tỷ giá mua là phù hợp với diễn biến trên thị trường quốc tế, đồng thời mức giảm được cân nhắc phù hợp với mặt bằng chung thị trưởng để vẫn đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.

Tổng quát lại có thể khẳng định, nhờ nỗ lực quản lý, linh hoạt trong điều hành nhưng kiên định trong mục tiêu duy trì ổn định thị trường tiền tệ của NHNN, lạm phát đã được kiểm soát theo mục tiêu do Quốc hội đề ra, vị thế VND theo đó được nâng cao, tỷ giá ổn định; tất cả các yếu tố đó là nền tảng cơ bản để ổn định mặt bằng lãi suất huy động VND để từng bước giảm lãi suất cho vay.(TCTC)
-------------------------------

Thủ tướng bổ nhiệm ông Trần Quý Kiên giữ chức Thứ trưởng Bộ TN&MT

Thủ tướng Chính phủ đã bổ nhiệm có thời hạn ông Trần Quý Kiên, giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tại Quyết định số 1846/QĐ-TTg ngày 18/11/2017, Thủ tướng Chính phủ đã bổ nhiệm có thời hạn ông Trần Quý Kiên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trước đó, thực hiện chủ trương kiện toàn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 39 và quy định của Nghị định 36 về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TN&MT, Bộ đã sáp nhập Vụ Kế hoạch và Vụ Tài chính thành Vụ Kế hoạch - Tài chính để thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng quản lý về kế hoạch, tài chính trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

Nhằm kiện toàn về nhân sự của Vụ Kế hoạch – Tài chính, tại Quyết định số 936 ngày 28/4/2017, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã điều động và bổ nhiệm ông Trần Quý Kiên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch giữ chức Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính.

Tháng 4/2017, ông Trần Quý Kiên đã được Bộ trưởng Bộ TN&MT bổ nhiệm giữ chức Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính.

Như vậy, hiện nay lãnh đạo Bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường gồm Bộ trưởng Trần Hồng Hà và các Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển, Nguyễn Linh Ngọc, Nguyễn Thị Phương Hoa , Võ Tuấn Nhân. (CafeF)
----------------------

Chưa có hiện tượng đầu cơ trên thị trường bất động sản Việt Nam

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) - tại phiên thảo luận cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên lần thứ nhất ngày 15/11 vừa qua.

thi truong bat dong san viet nam hien rat doi dao nguon cung. nguon: internet

Thị trường bất động sản Việt Nam hiện rất dồi dào nguồn cung. Nguồn: internet

Theo Chủ tịch Nguyễn Trần Nam, hiện nay thị trường bất động sản Việt Nam có vấn đề đầu cơ. Bởi theo ông Nam, đầu cơ chỉ là khi hàng hoá không đủ, khan hiếm, không có để bán mà có một nhóm đối tượng găm hàng, đẩy giá lên để bán thì mới gọi là đầu cơ.

Còn thị trường bất động sản Việt Nam hiện rất dồi dào nguồn cung, hàng hóa nhiều, không hề thiếu thì chưa thể nói là có hiện tượng đầu cơ trên thị trường. Theo thống kê, Hà Nội có khoảng 5.000 căn hộ mới được đưa ra thị trường và đang có khoảng 20.000 căn chào bán. Tính cả thị trường Hà Nội và TP.HCM thì con số này sẽ khoảng từ 45.000 - 50.000 căn đang được bán trên thị trường. Trong khi sức tiêu thụ 1 năm chỉ khoảng 30.000 căn ở cả hai thành phố lớn nhất cả nước. Vì thế sẽ vẫn còn đủ hàng hóa để bán. 

“Trong thị trường chứng khoán, người ta mua sáng bán chiều hay là “lướt sóng” thì mình lại gọi đó là nhà đầu tư. Nhưng trong bất động sản, khi có hàng hóa người ta mua, đợi giá lên rồi bán lại thì lại bị gọi là đầu cơ. Điều này không đúng. Hoạt động đó trên thị trường bất động sản là đầu tư”, ông Nam nêu vấn đề. 

Cũng theo ông Nguyễn Trần Nam, ở Việt Nam hiện nay đang sử dụng một số từ ngữ để gọi các chủ thể trên thị trường bất động sản khác xa so với thế giới.

Nếu ở nước ngoài, các doanh nghiệp đầu tư xây dựng dự án được gọi là “nhà phát triển dự án”, thì ở Việt Nam nhóm này lại được gọi là nhà đầu tư.

Trong khi những người mua nhà rồi đợi giá lên để bán hoặc cho thuê, ở nước ngoài được gọi là “nhà đầu tư”, thì ở Việt Nam nhóm chủ thể này lại được gọi là “nhà đầu cơ”. Những người mua để ở mới gọi là khách hàng.

Ông Nam nhấn mạnh: “Những người mua đi bán lại, là bộ phận lưu thông hàng hóa như đại lý, tổng đại lý, các nhà phân phối giữ vai trò rất quan trọng, là bộ phận không thể thiếu của thị trường lại bị gọi là đầu cơ.

Nhà phát triển mong là làm ra sản phẩm là có người mua. Còn mua để ở hay cho thuê, hay bán lại là chuyện hợp pháp và là một cơ chế của thị trường. Tôi cho rằng phải xem xét lại khái niệm về đầu cơ bất động sản”.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng đánh giá, hiện tượng mua đi bán lại là đầu tư, giống như đầu tư cổ phiếu. Càng giao dịch nhiều, càng sôi động, thị trường càng có sinh khí, có sức sống, đem lại lợi ích cho xã hội, cho người dân.

Đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Trần Nam về việc phải phân định rõ khái niệm đầu cơ hay đầu tư, ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành Kinh tế, Ngân hàng Nhà nước - cho rằng, dù là đầu cơ hay đầu tư thì quan trọng nhất vẫn là nguồn vốn.

Theo ông Hùng, nếu một chủ thể có tiền thì lựa chọn bất động sản hay chứng khoán là quyền quyết định của họ. Nhưng kinh doanh thì phải chấp hành quy định của pháp luật, dù là vay ngân hàng thì cũng phải đảm bảo được quy định thì ngân hàng mới cho vay. 

"Khi có đủ khả năng tài chính thì họ có thể chuyển nhượng, mua bán, đó là quyền của các nhà đầu tư và tôi cho rằng đầu tư vào bất động sản cũng giống như đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh khác. Nếu như dùng từ đầu cơ thì tôi cho rằng chưa ổn lắm. Đó là đầu tư, và đầu tư có lựa chọn hay không là do nhà đầu tư quyết định. Họ phải tự chịu trách nhiệm với kết quả kinh doanh lỗ lãi, cũng như chấp hành quy định của pháp luật", ông Hùng khẳng định.(Reatimes)
----------------------

Lộ diện thêm nhiều thương vụ M&A lớn trên thị trường địa ốc

Theo Savills Việt Nam, trong quý 3/2017, các chủ đầu tư nước ngoài tiếp tục bày tỏ sự quan tâm đến các dự án phức hợp quy mô lớn bao gồm khu dân cư tại các thành phố lớn.

Mới đây nhất, Tập đoàn bất động sản CapitaLand (Singapore) thông báo đã mua lại dự án căn hộ có tổng giá trị đầu tư 177 triệu USD tại Quận 4, TP.HCM. Chi phí CapitalLand bỏ ra để mua lại là 38 triệu USD. Việc mua lại đã nâng số lượng dự án nhà ở của CapitaLand tại Việt Nam lên con số 11 và là dự án thứ 9 tại TP.HCM.

Dự án này rộng 1,45 ha, gần sông Sài Gòn, được thiết kế thành hai tòa tháp 24 tầng cùng với các đơn vị bán lẻ bên dưới, nằm cách khu trung tâm quận 1 khoảng 5 phút lái xe. Trước kia đây là khu phố cảng và đã được chuyển đổi thành khu dân cư với nhiều sự lựa chọn ăn uống và lối sống phong phú.

Qua tìm hiểu được biết, ngày 10/11 CapitaLand đã hoàn tất mua lại 100% cổ phần của Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh bất động sản Việt Hưng Phú để nhận quyền sở hữu và phát triển dự án nói trên.

Trong tháng 9/2017, quỹ đầu tư bất động sản VinaLand Limited được quản lý bởi VinaCapital, đã bán cổ phần tại VinaSquare, một khu dự án phức hợp rộng 3,1 ha nằm tại vị trí đắc địa quận 5 TP.HCM.

Cổ phần này được VinaLand Limited mua từ hơn 10 năm trước và bán lại cho Công ty bất động sản Trí Đức Real Estate với giá 41,2 triệu USD. Ngoài ra, dự án Mỹ Gia 182 ha, dự án khu đô thị lớn nhất tại Nha Trang, miền Trung Việt Nam, cũng đổi chủ từ VinaLand sang một nhà phát triển trong nước với giá 11 triệu USD.

Trước đó, trong tháng 8, Công ty Anpha Holdings, một công ty phát triển bất động sản Việt Nam đã mua lại cổ phần 99,98% của Novaland tại Nova Galaxy, một công ty con của Novaland. Dự án Galaxy 9, nằm tại quận 4, TP.HCM với hơn 500 căn hộ, là một phần của vụ chuyển nhượng công ty con này.

Tại Hà Nội , Công ty đầu tư Growing Sun Investment mua lại dự án phức hợp cao cấp Diamond Rice Flower Complex rộng 4,2 ha từ Tập đoàn Kinh Bắc City Group, một công ty niêm yết danh tiếng. Tương tự, Tập đoàn FLC Group đã thắng thầu quyền sử dụng đất lô đất DM1 rộng 6,4 ha nằm tại quận Nam Từ Liêm với giá 38 triệu USD để xây biệt thự, nhà liền kề và căn hộ.

Theo đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu của công ty CBRE Việt Nam, thị trường Việt Nam nhìn chung, thị trường BĐS nói riêng, sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư ra nước ngoài từ các quốc gia APEC trong những năm tới đây.

Ông Anshuman Magazine, Chủ tịch CBRE Đông Nam Á cho biết đối với những quốc gia phát triển như Nhật, Hàn Quốc, Singapore, khả năng sinh lợi từ phát triển dự án sẽ không được hấp dẫn như tại các thị trường mới nổi. Nhà đầu tư từ những thị trường này sẽ muốn đa dạng hóa danh mục đầu tư của họ tại các thị trường mới nổi như Việt Nam.

Song song đó, Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh thuộc hàng cao nhất khu vực trong nhiều năm gần đây, với những yếu tố kinh tế vĩ mô đã được cải thiện. Ngoài ra, thị trường nội địa với quy mô dân số đáng kể so với các quốc gia khác, dân số trẻ và năng động, tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng, tốc độ đô thị hóa chóng mặt, sẽ là động lực lớn cho nhu cầu không chỉ đối với thị trường nhà ở, mà cả thị trường bán lẻ, văn phòng, v.v...

“Các nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên quan tâm về tính minh bạch của thị trường, về các yếu tố pháp lý. Chính phủ Việt Nam gần đây đã có nhiều bộ luật mới giúp cải thiện đáng kể vấn đề này, ví dụ như Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS năm 2015. 

Tuy nhiên, để thị trường này thật sự trở thành một hấp lực cho các thương vụ M&A, vẫn còn nhiều việc cần phải làm, đặc biệt là ở các sản phẩm bất động sản mới, để tăng tính minh bạch. Tính cam đoan của hợp đồng, sự bảo vệ của luật pháp đối với các điều khoản trong hợp đồng cũng là một yếu tố quan trọng", ông Vikram Kohli, Giám đốc điều hành bộ phận Kinh doanh & Chiến lược, CBRE Đông Nam Á cho biết.(NSKT)

Trở về

Bài cùng chuyên mục