Nhà máy lớn nhất của Mazda tại Đông Nam Á đã hoàn thành 70% tiến độ; Nhu cầu mua nhà ở Úc của người Trung Quốc đang giảm nhiệt; Agribank dồn dập thoái vốn khỏi công ty con; Thêm một mặt hàng Việt bị Mỹ đánh thuế hơn 230%
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 20-11-2017
- Cập nhật : 20/11/2017
Áp dụng chữ ký số Cơ chế một cửa quốc gia ở cảng biển từ 1/1/2018
Ngày 10/11/2017, Tổng cục Hải quan đã ban hành Công văn 7392/TCHQ-CNTT năm 2017 về áp dụng chữ ký số cơ chế một cửa quốc gia tại cảng biển.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Việc áp dụng chữ ký số cơ chế một cửa quốc gia tại cảng biển nằm trong lộ trình và kế hoạch triển khai Cơ chế một cửa quốc gia tại cảng biển tại Quyết định số 2185/QĐ-TTG ngày 14/11/2016 về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016-2020.
Để đảm bảo tính pháp lý của hồ sơ khai báo và đơn giản hóa việc thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến tàu thuyền xuất cảnh, nhập cảnh và quá cảnh thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, từ 01/01/2018, Cổng thông tin một cửa quốc gia sẽ chính thức yêu cầu các hãng tàu, đại lý tàu và đại lý giao nhận sử dụng chữ ký số khi khai báo thông tin thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến tàu thuyền xuất cảnh, nhập cảnh và quá cảnh thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.
Tổng cục Hải quan đề nghị các hãng tàu, đại lý hãng tàu và đại lý giao nhận chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng để đáp ứng thực hiện các yêu cầu nêu trên gồm:
+ Đăng ký để được cấp chữ ký số từ các nhà cung cấp chữ ký số công cộng;
+ Cập nhật chữ ký số gắn với thông tin tài khoản dùng để khai báo trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Các nội dung chuẩn bị cần hoàn thành muộn nhất trước 15/12/2017.(TCTC)
------------------------
Đồng Việt Nam dưới góc nhìn của báo nước ngoài
Trong một đánh giá mới đây của hãng tin Bloomberg, Việt Nam đồng (VNĐ) được nhận định là đồng tiền thuộc nhóm ổn định nhất ở châu Á.
Việc điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ đã góp phần ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối, giá trị đồng tiền Việt Nam .
Hãng tin Bloomberg đưa ra nhận định này trong công bố mới đây dựa trên phân tích về biến động của đồng tiền Việt Nam trong những tháng liên tiếp gần đây.
Đến ngày 25/10/2017, tỷ giá trung tâm tăng 1,4%, tỷ giá liên ngân hàng giảm 0,19% so với cuối năm 2016.
Hãng tin Bloomberg đánh giá: Việt Nam đã trở thành một "con hổ châu Á" về kinh tế, một nền kinh tế được đánh giá cao ở châu Á.
Liên quan đến chính sách tiền tệ, "con hổ" này những năm qua được nuôi dưỡng bằng đòn bẩy tín dụng với tổng dư nợ thường xuyên ở mức cao, từ 110 - 120% GDP. 10 tháng đầu năm nay, những yếu tố đó đang có thay đổi.
Số liệu cập nhật mới nhất, tính đến ngày 31/10/2017, tín dụng đã tăng 13,66% so với cuối năm 2016, cao hơn so với cùng kỳ các năm gần đây. Khác biệt, tín dụng tăng mạnh ngay từ đầu, trải đều qua các tháng thay vì dồn toa vào cuối năm như trước đây.
Quan trọng hơn, hiệu quả tín dụng đối với tăng trưởng kinh tế đang có xu hướng cải thiện. Tính toán cho thấy, tốc độ tăng tín dụng cần thiết cho 1% tăng trưởng kinh tế đã giảm từ 3,84% quý 1 xuống 3,10% quý 2 và xuống còn 2,52% quý 3.
Các chuyên gia thì cho rằng, sự ổn định sẽ còn được duy trì đến hết năm nhờ những yếu tố tích cực của nền kinh tế.
Tại Diễn đàn Hà Nội do Nikkei Asean Review tổ chức với chủ đề: “Đánh giá triển vọng tăng trưởng và thiết kế chính sách cho giai đoạn tới” diễn ra ngày 15/11, các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư bày tỏ sự lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Theo ông Shosuke Mori, Giám đốc bộ phận ngân hàng quốc tế MSBC, trong 20 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn trên 5%, GDP trên đầu người liên tục tăng, cơ cấu ngành kinh tế có sự dịch chuyển mạnh mẽ, đẩy mạnh xuất khẩu và tham gia mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng toàn cầu… Bước phát triển này khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản.
Ông Shosuke Mori cho biết: “Có 6 lý do khiến các nhà đầu tư Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Đó là Việt Nam có dân số đông, người lao động chăm chỉ, vị thế địa chính trị thuận lợi, môi trường kinh doanh cởi mở, tương đồng văn hóa và đặc biệt là môi trường kinh tế và chính trị ổn định”. Những lợi thế này cùng với những nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh của Chính phủ, chắc chắn Việt Nam sẽ tiếp tục là địa điểm đầu tư hấp dẫn.
Theo Nikkei Asean Review, Việt Nam hiện nay là một trong những nước đang phát triển năng động và nhanh nhất ở châu Á. Những cải cách thị trường chứng khoán và việc tư nhân hóa doanh nghiệp Nhà nước gần đây sẽ là động lực chính giúp tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và là động lực thúc đẩy đầu tư, hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản.(Chinhphu)
---------------------------------
Hạt điều Lafooco thâm nhập thị trường nội địa, xây dựng vùng nguyên liệu riêng
Thách thức phát triển vùng nguyên liệu điều tại chỗ
Hiện nay, điều nhân của Việt Nam đang chiếm 60% thị phần điều trên thế giới, ngoại trừ Ấn Độ và Trung Đông thì điều của Việt Nam đang có mặt hầu khắp các quốc gia. Ngay trong “bảng vàng” xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản từ Việt Nam thì hạt điều cũng vươn lên đứng thứ 3 chỉ sau thủy sản và rau củ.
Chất lượng điều nhân xuất khẩu của Việt Nam được đánh giá số 1 thế giới, thị trường cũng ngày một rộng mở tuy nhiên nguồn cung điều đang trở thành vấn đề “đau đầu” của các nhà chế biến điều trong nước. Việt Nam đứng đầu về xuất khẩu điều nhân nhưng vùng nguyên liệu điều lớn nhất thế giới lại nằm ở Châu Phi (chiếm khoảng 70% nguyên liệu điều trên thế giới).
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Duy Tuân, CEO Lafooco - một trong những công ty xuất khẩu điều đầu tiên của Việt Nam, việc phát triển vùng nguyên liệu điều tại chỗ đang là yếu tố tiên quyết để các nhà chế biến điều có thể lớn mạnh hơn tại nội địa. Để xuất khẩu được 3 tỷ USD thì Việt Nam cũng đã phải nhập đến 2,5 tỷ USD điều nguyên liệu từ các quốc gia cách nửa vòng trái đất này.
“Châu Phi tuy có vùng nguyên liệu điều lớn hơn Việt Nam rất nhiều nhưng công nghệ chế biến hầu như rất thô sơ nên không thể trực tiếp xuất khẩu điều nhân. Điều từ Châu Phi nhập về Việt Nam phải qua hơn 10 công đoạn chế biến để có sản phẩm điều nhân đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Trước mắt, Châu Phi không phải là “đối thủ” trên thị trường xuất khẩu điều nhân của Việt Nam. Nhưng chính chi phí và rủi ro vận chuyển chính là yếu tố có thể làm giảm sức cạnh tranh về giá của điều nhân Việt Nam”, ông Tuân nói.
Lafooco nỗ lực đánh thức tiềm năng
Lafooco – doanh nghiệp đã xuất khẩu 80% sản phẩm của mình sang các thị trường lớn như Châu Âu, Bắc Mỹ, Canada... đang có xu hướng đầu tư sản xuất và mở rộng thị trường trong nước.
Tuy nhiên, theo thói quen ăn uống của người Việt thì các loại hạt chưa phải thực phẩm thường xuyên xuất hiện trong các bữa ăn. Đây cũng là lý do chính hạt điều và các loại sản phẩm từ điều chưa phổ biến tại thị trường nội địa. Ngoài việc nhập khẩu điều thô tử Châu Phi, hiện Lafooco đang đầu tư phát triển vùng nguyên liệu trong nước để sản xuất những sản phẩm điều 100% “made in Viet Nam”.
Thực hiện việc này, Tập đoàn PAN (công ty mẹ của Lafooco) đã có một chiến lược dài hơi để xây dựng vùng nguyên liệu điều chất lượng. Ông Nguyễn Khắc Hải, Tổng giám đốc tập đoàn PAN cho biết năng suất điều bình quân từ 1tấn/ ha đến 1,4 tấn/ ha. Nhưng ở Việt Nam, số lượng cây già cỗi (trên 20 năm) chiếm đến 30% nên cần thực hiện việc tái canh. Dùng giống chất lượng, có thể nâng năng suất lên khoảng 2,5 tấn/ ha và người dân sẽ có thu nhập gấp đôi.
Hiện nay PAN đang hướng đến mô hình liên kết với nông dân và các nhà khoa học, quản lý với hình thức PAN hỗ trợ giống, vốn, mô hình thí điểm và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm.
Sản phẩm của Lafooco không chỉ được người tiêu dùng biết đến ở các thị trường truyền thống mà thông qua các hội chợ thực phẩm quốc tế, hạt điều của Lafooco ngày một phổ biến hơn. Mới đây, tại các hội chợ Sial Shanghai, Hội chợ Triển lãm quốc tế công nghiệp Anuga (Cologne, Đức)..., hạt điều của Lafooco đã thâm nhập vào thị trường Hongkong và thị trường Đức sau khi các vị khách trực tiếp tham quan, thưởng thức và tìm hiểu quy trình chế biến của Lafooco.
Do đó, có thể thấy Lafooco đang nỗ lực vượt qua các thách thức lớn của ngành điều là nguyên liệu, chế biến và tiếp cận thị trường để chinh phục khách hàng. Đây cũng là một thị trường rất tiềm năng, với con số xuất khẩu năm 2017 dự kiến đạt 330.000 tấn, kim ngạch khoảng 3,3 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.(NDH)
------------------
Viettel Global: Quý III lỗ ròng hơn 53 tỷ đồng do thuế
Lũy kế 9 tháng đầu 2017, Viettel Global có lợi nhuận ròng hơn 273 tỷ đồng, không còn lỗ như cùng kỳ năm trước nhưng vẫn đang gánh khoản lỗ lũy kế 2.386 tỷ đồng.
Theo BCTC hợp nhất quý III/2017, Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế (Viettel Global) đạt doanh thu thuần 4.227 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2016. Đồng thời, giá vốn hàng bán giảm 13%, đẩy lợi nhuận gộp cũng tăng mạnh, gấp 3 lần cùng kỳ đạt hơn 1.239 tỷ đồng.
Hoạt động tài chính cũng có chuyển biến tích cực khi mang về doanh thu gần 401 tỷ đồng, gấp đôi quý III/2016. Bên cạnh đó, chi phí tài chính giảm 13% xuống chỉ còn hơn 680 tỷ đồng (nhờ khoản lỗ chênh lệch tỷ giá giảm mạnh từ 630 tỷ xuống chỉ còn hơn 484 tỷ đồng).
Trong khi đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý tăng tương ứng 39% và 49%, lần lượt dừng ở mức 435 tỷ và 600,3 tỷ đồng.
Sau khi trừ chi phí và tính thêm khoản lỗ gần 35,7 tỷ đồng từ hoạt động khác, Viettel Global có lãi trước thuế 20,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản nộp thuế lên tới gần 153 tỷ đồng, đã khiến Công ty ghi lỗ sau thuế 79 tỷ đồng. Mặc dù, lỗ ròng của cổ đông công ty mẹ hơn 53 tỷ đồng nhưng con số này cũng chuyển biến lớn của Viettel Global (quý III/2016 lỗ ròng công ty mẹ gần 626 tỷ đồng).
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Viettel Global đạt doanh thu thuần 12.956 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ 2016. Công ty có lãi ròng cổ đông công ty mẹ 124,8 tỷ đồng, vượt xa cùng kỳ 2016 khi lỗ ròng tới 2.283 tỷ đồng.
Tính đến 30/09/2017, Viettel Global có tổng tài sản 50.027 tỷ đồng, tăng 7% so với hồi đầu năm. Tài sản ngắn hạn chiếm 43% với 22.461 tỷ đồng, trong đó có 8.327 tỷ đồng tiền và tiền gửi, cùng hơn 6.464 tr đồng khoản phải phải thu và gần 5.860 tỷ đồng hàng tồn kho. Tài sản dài hạn có 27.565 tỷ đồng, chiếm 59% cơ cấu tài sản, chủ yếu tập trung ở tài sản cố định.
Mặt khác, Viettel Global có 21.083 tỷ đồng nợ vay tài chính, chiếm 67% nợ phải trả gồm 13.685 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 7.397 tỷ đồng nợ vay dài hạn. Viettel Global có vốn điều lệ 22.438 tỷ đồng và đang gánh khoản lỗ lũy kế 2.385,8 tỷ đồng.(NDH)