Doanh nghiệp Nhật đuối sức, hàng "made in Japan" đang mất dần thế thượng phong
Quảng trị: 4.000m2 đất vàng bỏ hoang giữa trung tâm thành phố
Sau Hòa Phát, đến lượt VNSteel gửi đơn “kêu cứu” Thủ tướng
Khi thương hiệu số 1 Việt Nam rơi vào tay tỷ phú Thái
Vingroup chi 1.200 tỷ để trở thành cổ đông chiến lược của Gỗ Trường Thành
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 01-03-2016
- Cập nhật : 01/03/2016
Campuchia vượt Việt Nam xuất khẩu dệt may vào EU
Theo Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), trong năm 2015, Campuchia đã vượt Việt Nam để vươn lên vị trí thứ 5 trong nhóm các thị trường xuất khẩu dệt may nhiều nhất vào EU.
Trong tổng số hơn 90 tỉ USD hàng dệt may các nước châu Âu (EU) nhập khẩu năm ngoái, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 6, sau Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Campuchia. Cụ thể, trong năm ngoái, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào EU đạt 3,11 tỉ USD, tăng 5,01% so với cùng kỳ và chiếm tỉ trọng 3,45% trong tổng kim ngạch hàng dệt may các nước xuất vào EU.
Trong khi đó, dù đơn giá xuất khẩu vào EU của Campuchia có giảm so với năm trước và thấp hơn khá nhiều so với Việt Nam nhưng với mức tăng trưởng xuất khẩu tới 9,95% và tổng kim ngạch hơn 3,27 tỉ USD. Campuchia đã vượt Việt Nam về thị phần xuất khẩu vào thị trường này (thị phần của Campuchia là 3,64%).
Hiện Trung Quốc là nước xuất khẩu dệt may nhiều nhất vào EU với kim ngạch 33,26 tỉ USD nhưng lại giảm 11,71% so với năm 2014.
Hiện EU là một trong những thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam, sau Mỹ. Với hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và EU vừa chính thức kết thúc đàm phán vào tháng 12-2015, dự kiến sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này, nhất là các lĩnh vực chủ lực như dệt may, da giày, đồ gỗ… khi phần lớn thuế nhập khẩu sẽ giảm về 0%.
Sốt căn hộ mini cho thuê giá rẻ
Giá thuê chỉ 1,4 -1,9 triệu đồng/căn hộ mini, chi phí đặt cọc chỉ một tháng như mướn nhà trọ khiến dòng sản phẩm này đang hấp dẫn nhiều người ở TP HCM
Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Lê Thành, cho biết dù phải đến tháng 7-2016, 175 căn hộ mini trong chung cư thứ 2 của công ty mới hoàn thành nhưng số căn khách hàng đăng ký thuê đã hơn 400. Vì thế, song song với việc hoàn tất 125 căn hộ mini cho thuê trong chung cư đầu tiên trên đường An Dương Vương (quận Bình Tân, TP HCM) từ cuối năm 2015, Công ty Lê Thành đã gấp rút xây thêm 175 căn nữa cũng ở khu vực này.
Theo ông Lê Hữu Nghĩa, diện tích mỗi căn khoảng 20 m2, thiết kế gọn đẹp, tiện nghi với giá thuê chỉ 1,5 triệu đồng/tháng, dành cho những người có nhu cầu về nhà ở nhưng chưa có khả năng tiếp cận căn hộ thuê dài hạn 49 năm của Công ty Lê Thành.
Mô hình căn hộ mini giá thuê thấp được đông đảo khách hàng đón nhận và nhu cầu vẫn còn rất lớn. Vì vậy, trong năm 2016, Công ty Lê Thành sẽ xây dựng thêm 2.000 căn hộ mini nữa để cho thuê. “Đây là bước đột phá của chúng tôi trong việc tạo ra giải pháp an cư cho người thu nhập thấp và trung bình thấp” - ông Nghĩa cho biết.
Công ty Lê Thành được nhiều người biết đến do đã tiên phong đưa ra thị trường căn hộ cho thuê dài hạn 49 năm với giá 360-410 triệu đồng/căn. Cụ thể, khi ký hợp đồng, khách hàng chỉ đưa trước 36 triệu đồng, sau đó trả góp 6-7 triệu đồng/tháng. Sau khi hết thời gian trả góp (4-5 năm), khách hàng được an cư trong 49 năm - hết tuổi thọ sử dụng công trình.
Năm 2016, Công ty Lê Thành sẽ triển khai xây dựng các block tiếp theo của dự án Lê Thành Tân Tạo theo mô hình cho thuê 49 năm với gần 2.000 căn hộ. Dự kiến, trung bình mỗi năm, công ty sẽ cho thuê 600 căn.
Công ty Lê Thành là doanh nghiệp đầu tiên ở TP HCM tung ra thị trường 2 dòng sản phẩm nêu trên.
Trung Quốc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc
Chiều nay, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) thông báo hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) cho các nhà băng nước này. Theo đó, từ 1/3, tỷ lệ này sẽ được giảm thêm 0,5%, xuống còn 17%.
Đây là lần giảm RRR thứ 5 từ tháng 2/2015. Lần gần nhất là vào tháng 10 năm ngoái, với mức giảm 0,25%.
Động thái này nhằm kiềm chế đà tăng trưởng chậm hiện tại, trong bối cảnh chứng khoán lao dốc và nội tệ suy yếu. Sáng nay, chỉ số Shanghai Composite có lúc xuống thấp nhất từ cuối năm 2014. Còn năm ngoái, GDP nước này chỉ tăng 6,9% - chậm nhất 25 năm, do nhu cầu nội địa và quốc tế yếu, sản xuất dư thừa và đầu tư ảm đạm.
Trong cuộc họp cuối tuần trước của nhóm lãnh đạo tài chính 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20), Thống đốc PBOC - Zhou Xiaochuan cũng khẳng định sẽ áp dụng thêm nhiều biện pháp hỗ trợ nếu cần thiết. Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc - Lou Jiwei cũng cho biết Trung Quốc sẽ tăng cải tổ kinh tế.
Gần đây, PBOC rất nỗ lực khôi phục lại niềm tin vào đồng NDT nước này, sau khi chứng kiến dòng vốn rút ra với tốc độ kỷ lục. Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ giúp các nhà băng cho vay nhiều hơn và bù đắp lại lượng vốn thất thoát. Trong thông báo trên webiste, PBOC cũng cho biết họ hạ RRR để hướng đến sự tăng trưởng tín dụng ổn định và hợp lý, tạo môi trường tài chính và tiền tệ phù hợp để cải tổ trên phương diện nguồn cung của nền kinh tế.
Trung Quốc đối phó tình trạng dư thừa công suất
Thị trường chứng khoán Trung Quốc ngày 29-2 lao dốc đáng ngại với chỉ số Shanghai Composite chạm đáy kể từ tháng 11-2014.
Theo Bloomberg, chỉ số chứng khoán quan trọng này đã giảm 25% từ đầu năm đến giờ, “thành tích” tồi tệ nhất trong số 93 chỉ số chứng khoán thế giới. Nỗi lo ngày càng tăng về sự tháo chạy của dòng vốn và nền kinh tế giảm tốc cũng đổ thêm “lửa” vào thị trường chứng khoán. Trong khi đó, đồng nhân dân tệ đang tiến về chuỗi giảm giá trị dài nhất trong năm nay.
Bloomberg cho hay nhiều nhà đầu tư tỏ ra bi quan khi chứng kiến Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng 20 nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) khép lại tại TP Thượng Hải - Trung Quốc vào cuối tuần rồi mà không đưa ra các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cụ thể. “Giới đầu tư cảm thấy thất vọng vì thiếu tin tức khả quan từ Hội nghị G20 trong khi nhân dân tệ bắt đầu suy yếu lần nữa” - chuyên gia về kinh tế Trung Quốc Vương Tư Vi, thuộc Công ty Reorient Financial Markets tại Hồng Kông, nhận định.
Ông Vương cho biết thêm đang có dấu hiệu nguồn vốn chuyển dần từ chứng khoán sang bất động sản. “Triển vọng kinh tế mù mờ khiến một số người bán cổ phiếu để mua nhà. Thế nhưng, một số cổ phiếu vẫn còn bị định giá quá cao” - ông Vương cho biết.
Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và công ty công nghệ liên tục dẫn đầu các đợt lao dốc trên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Trong nỗ lực đối phó tình trạng dư thừa công suất đang đe dọa tăng trưởng kinh tế trong nước và tác động xấu kinh tế toàn cầu, Bộ trưởng Bộ Lao động và An sinh xã hội Trung Quốc Doãn Vệ Dân hôm 29-2 cho biết nước này dự kiến cắt giảm 1,8 triệu công nhân trong lĩnh vực than và thép, tương đương 15% lực lượng lao động của 2 ngành. Theo ông Doãn, 1,3 triệu công nhân ngành than có thể mất việc, cộng thêm 500.000 công nhân ngành thép. Tuy nhiên, vẫn chưa có khung thời gian cụ thể cho việc cắt giảm.
Trước mắt, bộ trưởng Doãn khẳng định việc cắt giảm công suất sẽ dẫn đến nhiều đợt sa thải trong năm 2016. Trung Quốc đặt mục tiêu giảm sản lượng thép thô xuống 100-150 triệu tấn trong 5 năm tới, còn sản lượng than giảm 500 triệu tấn trong 3-5 năm. Ngoài ra, những dự án mới trong 2 lĩnh vực này sẽ không được cấp phép.
HSG xuất 20.000 tấn tôn thành phẩm sang Mỹ
Ngày 29-2, tại cảng SSIT (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đã xuất khẩu 20.000 tấn tôn 100% thành phẩm sang Mỹ, trị giá khoảng 10 triệu USD.
Đây là lô hàng tôn thành phẩm lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam xuất sang Mỹ. Việc HSG xuất tôn thành phẩm sang Mỹ đánh dấu sự nỗ lực của một doanh nghiệp tư nhân trong việc đón đầu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương sắp có hiệu lực.
HSG luôn chú trọng đầu tư công nghệ hiện đại để tạo ra sản phẩm tôn đạt tiêu chuẩn của nhiều nước, như ASTM (Mỹ), BS EN (châu Âu), JIS (Nhật), SNI (Indonesia), MS (Malaysia).
Kết thúc quý I (niên độ 2015-2016), sản lượng tiêu thụ thành phẩm của HSG đạt trên 271.539 tấn (25% kế hoạch). Trong đó, xuất khẩu 107.870 tấn (27,39% kế hoạch), doanh thu 3.913 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 187 tỉ đồng (28,3% kế hoạch).