Tết xong, thị trường bán lẻ VN sẽ về tay người Thái?
Hãy tưởng tượng, một Việt Nam không có hội nhập!
EU vạch kế hoạch thoát khỏi nguồn cung khí đốt của Nga
Chứng khoán HongKong rớt thảm sau kỳ nghỉ lễ
Sự khác biệt giữa tỷ phú và người thường
Tin kinh tế đọc nhanh tối 02-03-2016
- Cập nhật : 02/03/2016
Thủ tướng Malaysia lại dính bê bối 'nhận hối lộ hàng tỷ USD'
Theo Wall Street Journal hôm nay, ngày 1/3, hơn 1 tỷ USD được chuyển vào tài khoản ngân hàng của Thủ tướng Malaysia Najib Razak khiến ông một lần nữa lại dính vào nghi án tham nhũng.
Tờ báo danh tiếng này đăng tải thông tin trên chỉ vài giờ sau khi cựu Thủ tướng Malaysia, ông Mahathir Mohamad rời khỏi đảng cầm quyền vì không muốn “dính líu đến đảng ủng hộ tham nhũng”.
Hồi giữa năm 2015, hơn 680 triệu USD được chuyển vào ngân hàng của Thủ tướng từ công ty nhà nước 1 Malaysia Development Berhad (1MDB).
Sau khi điều tra, Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia cho biết, số tiền trên không phải của công ty 1MDB mà là món quà của hoàng gia Ả-rập Xê-út. Do đó, hồi tháng 1 vừa qua, ông Najib được xóa bỏ mọi cáo buộc liên quan đến tham nhũng, nhận hối lộ. Ông cũng đã trả lại phần lớn số tiền này.
Tuy nhiên, hôm nay, 1/3, lại có thông tin cho biết 1,4 tỷ USD được chuyển vào tài khoản của Thủ tướng Najib từ năm 2011 đến năm 2013, con số lớn hơn nhiều so với khoản 680 triệu nói trên.
Hiện văn phòng Thủ tướng chưa có bình luận gì về cáo buộc này.
Trước đó, các cáo buộc tham nhũng khiến hàng vạn người dân khắp Malaysia biểu tình phản đối ông Najib vì nghi ngờ ông biển thủ công quỹ. Hồi tháng 10/2015, cựu Thủ tướng Mahathir Mohamed yêu cầu ông Najib từ chức vì cáo buộc chiếm dụng vốn nhà nước.
Moody's xếp hạng tín nhiệm Sacombank ở mức B3, triển vọng ổn định
Moody's dự đoán lợi nhuận của Sacombank vẫn thấp trong năm nay do phải tăng dự phòng để đối phó với các tài sản có vấn đề.
Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s vừa công bố đánh giá mới về tình hình của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) thời kỳ hậu nhận sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam (SouthernBank).
Theo đó, xếp hạng nhà phát hành và xếp hạng tiền gửi dài hạn của ngân hàng Sacombank được xếp ở mức B3. Xếp hạng tín dụng cơ sở (BCA) và BCA đã điều chỉnh (Adjusted BCA) được xếp ở mức “caa1”, đánh giá rủi ro đối tác (CR) được xếp ở mức B2 (cr).
Triển vọng cho Sacombank ở mức ổn định.
Theo Moody's, mức xếp hạng của Sacombank phản ánh kết quả soát xét của hãng đối với báo cáo tài chính hợp nhất của ngân hàng năm 2015.
Moody's cho rằng, thương vụ sáp nhập gây bất lợi cho các chỉ số tài chính chủ chốt của Sacombank, các rủi ro phản ánh qua xếp hạng B3 và BCA ở mức caa1. Qua việc sáp nhập, các tài sản có vấn đề của Sacombank sẽ tăng lên, song tỷ lệ này vẫn được xếp ngang bằng với các ngân hàng khác mà hãng đang xếp hạng.
Kết thúc năm 2015, Sacombank lãi trước thuế 1.289 tỷ đồng, giảm 55% so với năm 2014 nhưng vẫn vượt 30% so với chỉ tiêu đề ra cho cả năm (chỉ tiêu điều chỉnh sau khi nhận sáp nhập Southern Bank ở mức 1.002 tỷ trước thuế và sau thuế 782 tỷ đồng).
Moody's dự đoán lợi nhuận của Sacombank sẽ vẫn thấp trong năm 2016 vì cần bổ sung dự phòng để đối phó với các tài sản có vấn đề
Vụ lừa chiếm hơn 422 tỉ đồng: Rúng động 2 lời khai của Ngô Thanh Long tại tòa
Sáng 29.2, TAND TPHCM tiếp tục xét xử vụ án hình sự “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, với số tiền bị chiếm đoạt lên đến hơn 422 tỉ đồng tiếp tục diễn ra phần tranh tụng.
Tuy nhiên, sau khi hội ý, HĐXX đã tuyên án với những vấn đề gây rúng động khán phòng phiên tòa. Chủ tọa phiên tòa đã tuyên, trả hồ sơ về điều tra lại vụ án từ đầu.
Cụ thể Tòa tuyên, trả hồ sơ cho VKSND tối cao để VKSND tối cao trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra Bộ Công an, làm rõ lời khai tại tòa của bị cáo Ngô Thanh Long. Đó là lời khai của Long về đối tượng Nguyễn Hải An (chủ đầu tư dự án chung cư cao cấp), mà theo Long khai tại tòa, thì An mới là chủ mưu “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hàng trăm tỉ đồng xảy ra tại TPHCM, mà Long và An dùng các căn hộ cao cấp “ảo” thế chấp vay ngân hàng trong vụ án này. Trước đây, Long và An bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, nhưng riêng An đã bỏ trốn.
Đặc biệt là tòa sơ thẩm TAND TPHCM đã yêu cầu làm rõ về lời khai của bị cáo Ngô Thanh Long khai tại tòa, là bị cáo Long đã chi cho cán bộ điều tra tên Q, 71.000USD để chạy án?
Như Báo Lao Động đã đưa tin, vụ trọng án về kinh tế này có 5 bị cáo hầu tòa, gồm: Ngô Thanh Long, Lê Hiền Nhân bị truy tố xét xử về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Nhóm bị cáo nguyên là các cán bộ ngân hàng: Lê Duy Khương, Nguyễn Nam Huân và Mã Quốc Phát cùng bị truy tố xét xử về tội “vi phạm quy định về cho vay…”.
Ngô Thanh Long (SN 1978, ngụ 135/16 đường Nguyễn Cửu Vân, phường 17, quận Bình Thạnh, TPHCM), thành lập 3 công ty: Long Quân, Mê Kông và Mê Kông 79. Bằng các Cty này, Long điều hành hoạt động kinh doanh chủ yếu bằng nguồn vốn vay của các ngân hàng thương mại và vay vốn cá nhân. Tổng cộng, Ngô Thanh Long dùng hành vi gian dối, lừa đảo 4 ngân hàng với số tiền chiếm đoạt lên đến hơn 422 tỉ đồng.
Theo cáo trạng của VKSND tối cao, ủy quyền cho VKSND TPHCM thực hành quyền công tố tại phiên tòa sơ thẩm, trong quá trình điều hành các Cty, kinh doanh điện thoại, thẻ cào, Long thường xuyên chỉ đạo cấp dưới bán hàng với giá dưới vốn bỏ ra mua, nhằm thu được tiền ngay để Long mang tiền đầu tư vào bất động sản, sắm xe ôtô, mua cổ phiếu, đầu tư mở rộng mạng lưới chi nhánh khắp nơi, mở cửa hàng buôn bán, trả lãi vay cho các cá nhân và Long mang tiền này tiêu xài vung vãi cá nhân.
Năm 2007, với kiểu làm “kỳ quái” của Long, dẫn đến Cty thua lỗ và mất khả năng chi trả tiền vay. Long chỉ đạo Lê Hiền Nhân (Kế toán Trưởng Cty Long Quân) dùng chiêu chỉnh sửa sổ sách theo dõi hàng hóa tồn kho, theo dõi nợ phải thu và số liệu báo cáo tài chính với kết quả “ma”, là từ con số thua lỗ của công ty Long Quân hơn 18 tỉ đồng biến thành lãi hơn 2 tỉ đồng.
Từ gian dối này, Ngân hàng TMCP ngoại thương Vietcombank Chi nhánh Cần Thơ (VCB Cần Thơ) không phát hiện mà vẫn cấp hạn mức tín dụng 120 tỉ đồng cho Cty Long Quân. Từ đó, Long đã lừa đảo chiếm đoạt thông qua khoản vay chiếm đoạt của VCB Cần Thơ hơn 72 tỉ đồng. Cũng dùng chiêu cũ, Ngô Thanh Long tiếp tục vay tín chấp và lừa đảo chiếm đoạt của Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (BIDV Cần Thơ) hơn 39 tỉ đồng.
Đặc biệt nghiêm trọng là Long lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng của ngân hàng ở TPHCM bằng những hành vi gian dối… thế chấp các căn hộ “ảo”, mà Long đã khai tại tòa là chính An mới là chủ mưu trong những phi vụ lừa hàng trăm tỉ đồng này.
Apple thắng kiện Chính phủ Mỹ
Apple đang trong một cuộc đấu pháp lý mang tính lịch sử với Bộ Tư pháp Mỹ xung quanh vấn đề mã hóa và bảo mật...
Chính phủ Mỹ không thể buộc hãng công nghệ Apple phải mở khóa chiếc điện thoại iPhone liên quan đến một vụ buôn lậu ma túy ở New York - một quan tòa ở Brooklyn ra phán quyết ngày 29/2.
Theo hãng tin Reuters, phán quyết này giúp “quả táo” củng cố vững chắc những lập luận của mình trong cuộc đấu pháp lý mang tính lịch sử với Bộ Tư pháp Mỹ xung quanh vấn đề mã hóa và bảo mật.
Chính phủ Mỹ đòi Apple phải mở khóa chiếc iPhone nói trên trong một vụ án ma túy ở Brooklyn, New York hồi tháng 10 năm ngoái. Mới đây, Washington yêu cầu Apple có các biện pháp đặc biệt để cơ quan chức năng có thể truy cập vào một chiếc iPhone được sử dụng bởi một trong những tay súng thực hiện vụ thảm sát ở thành phố San Bernardino, bang California.
Tuy nhiên, quan tòa James Orenstein ở Brooklyn ra phán quyết rằng ông không có thẩm quyền pháp lý để ra lệnh Apple phá bảo vệ an ninh của chiếc iPhone bị tịch thu trong cuộc điều tra ma túy ở Brooklyn.
Phán quyết này ủng hộ những lập luận mà Apple đã đưa ra trong vụ San Bernadino. Một phát ngôn viên của Apple nói phán quyết của quan tòa Orenstein là sự báo trước khả quan cho Apple trong vụ San Bernadino.
Thời gian gần đây, vụ Chính phủ Mỹ đòi Apple mở khóa chiếc iPhone trong vụ thảm sát đã làm dấy lên một cuộc tranh luận gay gắt ở nước này về sự cân bằng giữa một bên là chống tội phạm và một bên là bảo vệ quyền riêng tư trong kỷ nguyên kỹ thuật số.
Theo phát ngôn viên trên, những yêu cầu mà Chính phủ Mỹ đưa ra cho Apple trong vụ San Bernardino, bao gồm Apple phải điều chỉnh hệ điều hành của mình, thậm chí còn phức tạp hơn nhiều trong vụ Brooklyn.
Tài liệu của tòa cho biết, khi kháng lệnh của Chính phủ Mỹ về mở khóa chiếc điện thoại iPhone, Apple lập luận rằng làm vậy “có thể đe dọa niềm tin giữa Apple và khách hàng của hãng, cũng như ảnh hưởng xấu tới thương hiệu Apple”.
Hàng loạt tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ như Amazon.com, Alphabet, Facebook, Microsoft, và Twitter đều đã lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ đối với Apple.
Trung Quốc sẽ thành lập “siêu cơ quan” để quản lý hệ thống tài chính
Kế hoạch được thảo luận nhiều nhất là sát nhập các cơ quan quản lý ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm thành một trong khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sẽ được trao nhiều quyền lực hơn đối với nền kinh tế.
Chính phủ Trung Quốc dự kiến thành lập một “siêu cơ quan” ngay trong năm nay nhằm ổn định thị trường và duy trì niềm tin của nhà đầu tư sau những hỗn loạn gần đây trên thị trường chứng khoán.
Kế hoạch được thảo luận nhiều nhất là sát nhập các cơ quan quản lý ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm thành một trong khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sẽ được trao nhiều quyền lực hơn đối với nền kinh tế. Viễn cảnh tạo ra một tổ chức duy nhất giám sát hệ thống tài chính mà hiện nay bị chia ra làm ba đã làm các cơ quan trong ngành lo lắng và tìm cách trụ lại sau kế hoạch này.
Hệ thống phân tán
Trong năm qua, chính phủ Trung Quốc đã tìm cách áp dụng một hệ thống tài chính mở hơn do nước này đang phải vật lộn với sự giảm tốc của nền kinh tế. Các cú sốc như đợt bán tháo chứng khoán trị giá 5 nghìn tỷ USD vào giữa năm trước, các scandal trong ngành tài chính, và việc hủy bỏ cơ chế ngắt mạch thị trường chứng khoán vào tháng 1 năm nay đã làm tăng áp lực lên các cơ quan quản lý tài chính của Trung Quốc. Trong khi đó, đồng nhân dân tệ vẫn đang trong kéo dài đà mất giá kể từ tháng 12 năm ngoái.
Cơ chế phân tán của Trung Quốc đã dẫn đến việc nhiều cơ quan khác nhau lại cùng quản lý một lĩnh vực kinh doanh. Tài chính Internet là một ví dụ điển hình. Các quy định ban hành trong tháng 7 năm ngoái cho thấy PBOC sẽ giám sát thanh toán trực tuyến trong khi Ủy ban Ngân hàng Trung Quốc (CBRC) điều hành hoạt động cho vay, quỹ tín thác và tài chính tiêu dùng trên Internet. Cơ quan quản lý chứng khoán thì lại có trách nhiệm quản lý hoạt động mua bán chứng khoán trực tuyến.
Theo Wu Xiaoling, cựu phó thống đốc PBOC, sự cạnh tranh giữa các cơ quan này cũng dẫn đến việc quản lý yếu kém và tư duy địa phương chủ nghĩa. Ông là người ủng hộ cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn đề ổn định hệ thống tài chính.
Các kế hoạch khác
Chính phủ Trung Quốc đang cân nhắc các lựa chọn khác. Có thể là tạo ra một siêu cơ quan quản lý cả Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc (CSRC), CBRC và Ủy ban Bảo hiểm Trung Quốc (CIRC). Lựa chọn thứ ba là hợp nhất cả ba ủy ban này với PBOC. Các kế hoạch mới có thể được đệ trình ngay trong năm nay mặc dù quy trình triển khai có thể mất một vài năm.
Quốc vụ Viện, tức chính phủ Trung Quốc do thủ tướng Lý Khắc Cường đứng đầu sẽ chịu trách nhiệm giám sát việc thành lập cơ quan mới. Các kế hoạch sẽ được đệ trình khi Quốc hội Trung Quốc khai mạc phiên họp thường niên kéo dài hai tuần vào 5/3 tới.
Đại phẫu
Frank Song, giáo sư tài chính ở Đại học Hồng Kông, cho biết sự sát nhập các cơ quan quản lý sẽ là một cuộc “đại phẫu” cho hệ thống tài chính. Ông cho rằng nếu không có một kế hoạch được suy tính kỹ lưỡng, sự thay đổi triệt để này có thể khơi mào cho một cuộc khủng hoảng thậm chí còn lớn hơn và làm tổn hại đến nền kinh tế.
Trong khi các cơ quan thuộc hệ thống tài chính đang tìm cách chống lại kể hoạch cải tổ trên, các quan chức của POBC đã kêu gọi trao cho ngân hàng này nhiều quyền lực hơn
Trong một bài báo trên tạp chí Caixin vào 23/2, Bu Yongxiang, nghiên cứu viên của PBOC cho rằng cơ quan này nên chịu trách nhiệm hoạch định chính sách tiền tệ và giám sát hệ thống tài chính. Hệ thống quản lý tài chính phân tán của Trung Quốc là nguyên nhân sâu xa gây ra sự hỗn loạn gần đây của thị trường.
Cựu thống đốc của PBOC cũng đồng ý với quan điểm trên. Bà đã đứng đầu một nghiên cứu cho thấy cơ chế quản lý manh mún hiện nay là nguyên nhân làm tăng hoạt động cho vay không chính thức ở các công ty tín thác, thị trường trực tuyến và chợ đen. Các hoạt động trên đã thổi phồng bong bóng thị trường chứng khoán và kích hoạt các đợt bán tháo sau đó.
Zhang Yuanzhong, một luật sư chuyên về kiện tụng trong lĩnh vực chứng khoán cho biết ông ủng hội ý tưởng hợp nhất cơ chế quản lý tài chính. Nhưng ông cảnh báo cơ quan hợp nhất này có thể có quá nhiều quyền lực và chi phối các nhân tố thị trường.