Chủ tịch Ủy ban chứng khoán chê nhận định của các công ty chứng khoán
Lo ngại về khả năng tiềm ẩn hình thành bong bóng bất động sản
Nếu các ngân hàng ngưng cho vay mua nhà, thị trường BĐS sẽ bị tác động rất lớn
Năm 2015, thị trường Tp.HCM chào bán tới 49.000 căn hộ
Hà Nội thành lập Cụm công nghiệp Đông Anh quy mô 18.5 ha
Tin kinh tế đọc nhanh 01-03-2016
- Cập nhật : 01/03/2016
Savills: Thị trường bán lẻ Tp.HCM sẽ tạo bước ngoặt lớn trong năm 2016
Tổng Giám đốc Savills Việt Nam, ông Neil MacGregor, đánh giá năm 2016 sẽ là năm bản lề tạo ra bước ngoặt lớn cho thị trường bán lẻ Tp.HCM.
“Mức tiêu dùng tại Việt Nam đang có tốc độ gia tăng khá nhanh so với các thị trường khác trong khu vực, điều này sẽ góp phần mang đến một mô hình bán lẻ bền vững hơn trong thời gian sắp tới,” ông chia sẻ.
Ông Neil MacGregor cho biết các nhà bán lẻ quốc tế đã sẵn sàng tham gia vào thị trường bán lẻ sôi động tại Việt Nam nhằm đón đầu một loạt các hiệp định tự do thương mại sẽ có hiệu lực trong thời gian tới, bên cạnh các triển vọng nới lỏng mức thuế và hạn ngạch, cũng như các thủ tục đang từng bước được đơn giản hóa.
Trong một báo cáo tổng kết về bán lẻ gần đây, Savills cho biết dân số trẻ và tầng lớp trung lưu đang ngày một gia tăng là hai yếu tố quan trọng góp phần cho sự tăng trưởng của thị trường bán lẻ. Cả hai phân khúc khách hàng này ngày càng có nhận thức tốt hơn về việc chi tiêu, cũng như mong muốn tìm đến những môi trường bán lẻ sang trọng, hiện đại và tiện nghi.
Xu hướng hiện nay có thể dễ dàng nhận thấy là sự gia tăng ngày càng nhiều các trung tâm thương mại hạng trung, đặc biệt tại các khu vực dân cư mới như Quận 2, Quận 7, Quận Gò Vấp….
Các nhà bán lẻ trong nước và quốc tế mong muốn tìm kiếm những trung tâm thương mại có chất lượng cao tại những vị trí đắc địa, nhưng trên thực tế những trung tâm này chưa có nhiều trên địa bàn thành phố.
Crescent Mall hiện là một trong những trung tâm mua sắm thành công nhất của Tp.HCM. Đi vào hoạt động từ cuối năm 2011, tới nay Crescent Mall luôn đảm bảo lượng khách đạt xấp xỉ 560.000 khách/tháng, góp phần đảm bảo doanh thu tuyệt vời cho các nhà bán lẻ và mang đến một trong những trải nghiệm mua sắm tốt nhất hiện nay tại Việt Nam.
Khoảng 70% dược liệu nhập khẩu từ Trung Quốc
Tại hội nghị phát triển về cây dược liệu, Bộ NN&PTNT cho biết, dù có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng nguồn dược liệu trong nước mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu chế biến, còn lại phải nhập từ Trung Quốc với số lượng trên 20.000 tấn mỗi năm.
Việt Nam hiện có khoảng 4.000 loại thực vật, nấm có công dụng làm thuốc, phổ biến như: Bình vôi, Đảng sâm, Hà thủ ô, Hoa hòe, Sa nhân, Actiso, Tam thất… Trong đó, tới 70% là thuốc tự nhiên, còn lại là cây gieo trồng và chăm sóc. Riêng nguồn thảo dược tự nhiên, cung cấp khoảng 20.000 tấn mỗi năm. Khối lượng dược liệu trên thực tế mới chỉ khai thác và đưa vào thương mại từ khoảng 200 loài có tính phổ biến hiện nay.
Tới đây, Bộ NN&PTNT sẽ chọn cây dược liệu chủ lực Quốc gia; các địa phương phải lựa chọn cây dược liệu phù hợp để trồng. Bộ NN&PTNT sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, xây dựng chuỗi liên kết giữa nông dân - doanh nghiệp.
Chứng khoán Trung Quốc giảm hơn 4% trước khi có số liệu PMI
Chứng khoán Trung Quốc mở cửa ngày 29/2 giảm mạnh trong khi các thị trường khác ở Châu Á diễn biến trái chiều khi nhà đầu tư đang chờ một loạt các báo cáo kinh tế sắp được công bố trong tuần này.
Chỉ số chủ chốt Shanghai Composite Index mở cửa giảm 4,07% xuống dưới ngưỡng 2.700 điểm, còn chỉ số Shenzhen Compositegiảm 5,7%.
Thị trường giảm mạnh khi giới đầu tư đang chờ chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc, dự kiến được công bố vào ngày mai (1/3). Theo một dự báo của hãng Barclays, chỉ số PMI ngành sản xuất và dịch vụ của Trung Quốc do chính phủ nước này công bố có thể giảm xuống mức 49,3 điểm trong tháng 2 từ mức 49,4 điểm của tháng 1, cho thấy hoạt động sản xuất vẫn tiếp tục suy giảm.
Chỉ số PMI của riêng ngành sản xuất do hãng Caixin công bố - tập trung vào các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ - dự kiến cũng sẽ giảm từ mức 48,4 điểm xuống 48 điểm trong tháng 2.
Theo các chuyên gia kinh tế của hãng Mizuho, chỉ số PMI của Trung Quốc vẫn là một yếu tố rủi ro chính cho thị trường nếu số liệu công bố thấp hơn dự đoán, và thị trường toàn cầu có thể chứng kiến một đợt bất ổn nữa.
Ngoài Trung Quốc, một số thị trường lớn khác cũng sẽ công bố số liệu vĩ mô trong tuần này, trong đó Nhật Bản sẽ công bố báo cáo sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ và việc làm, Hàn Quốc công bố báo cáo lạm phát, cán cân thanh toán, Australia sẽ công bố số liệu GDP.
Những thị trường này chỉ biến động nhẹ trong phiên sáng nay. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản hiện tăng 0,8%, chỉ số Kospi của Hàn Quốc đi ngang, chỉ số ASX 200 của Australia tăng 0,1%, chỉ số Hang Seng của Hàn Quốc giảm gần 1%.
Giá dầu giảm mạnh, PVD ký 7 hợp đồng cung cấp giàn khoan
Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí - PV Drilling (Mã: PVD - HoSE) công bố ký 7 hợp đồng cung cấp giàn khoan PV Drilling III và các dịch vụ giếng khoan cho chiến dịch khoan của Murphy Phương Nam Oil.
Theo các hợp đồng đã được ký kết giữa hai bên, giàn khoan PV Drilling III sẽ chính thức phục vụ cho chiến dịch khoan thăm dò tại block 11-2/11 Nam Côn Sơn, ngoài khơi Việt Nam cho Murphy Phương Nam Oil kể từ cuối tháng 3/2016.
PVD cho rằng, trong bối cảnh giá dầu thế giới sụt giảm mạnh dẫn đến các chiến dịch khoan đều bị rút ngắn hoặc cắt giảm triệt để thì việc có được hợp đồng cung cấp giàn cho Murphy Phương Nam Oil "thực sự là tin vui của Tổng Công ty, ghi nhận những nỗ lực và năng lực cung cấp dịch vụ của PV Drilling trong việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty trong giai đoạn ngày càng có nhiều giàn khoan đang chờ việc".
PV Drilling cho biết vẫn đang nỗ lực tìm kiếm cơ hội tại thị trường nước ngoài, tham gia đấu thầu tại các nước trong khu vực như Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Brunei, Indonesia để tìm kiếm thêm việc làm cho các giàn khoan của Tổng Công ty.
Năm 2016, PVD đặt mục tiêu doanh thu 7.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 640 tỷ đồng.
NHNN: Xử lý dứt điểm TCTD yếu kém, phấn đấu nợ xấu dưới 3%
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và bảo đảm hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2016.
Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện tốt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2016 nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.
Cụ thể, hệ thống ngân hàng thực hiện điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm pháp theo mục tiêu đề ra (dưới 5%), ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý (khoảng 6,7%), bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng và nền kinh tế, duy trì ổn định thị trường tiền tệ.
Định hướng tăng trưởng tín dụng 18-20%
Chỉ thị nêu rõ, năm 2016, định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16-18%, dư nợ tín dụng tăng khoảng 18-20%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình thực tế. Năm 2015, NHNN cũng định hướng tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16-18%. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng năm 2015 chỉ ở khoảng 13-15% và đã có các điều chỉnh sau đó.
Trong Chỉ thị 01, NHNN cũng yêu cầu các giải pháp về tiền tệ, hoạt động ngân hàng để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình tiếp cận nguồn vốn tín dụng thúc đẩy sản xuất - kinh doanh có hiệu quả, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, chất lượng tín dụng, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Xử lý dứt điểm TCTD yếu kém, phấn đấu nợ xấu dưới 3%
Cùng với đó, NHNN đề ra định hướng tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại toàn diện đối với các tổ chức tín dụng; tập trung xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém. NHNN yêu cầu tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp xử lý nợ xấu và nâng cao chất lượng tín dụng, phấn đấu duy trì bền vững tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 3% tổng dư nợ theo chuẩn mực phân loại nợ Việt Nam.
Tập trung nguồn lực và biện pháp để xử lý nợ xấu, kiềm chế nợ xấu gia tăng, đặc biệt là sử dụng dự phòng rủi ro, xử lý tài sản bảo đảm, bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng nhằm phấn đấu duy trì bền vững tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống dưới 3%.
Chỉ thị số 01/CT-NHNN có hiệu lực kể từ ngày 23/2/2016