Bất động sản Việt: Nhà đầu tư ngoại thèm muốn cơ hội phát triển khu nghỉ dưỡng lớn; Quy định về điều kiện sản xuất phân bón gây khó cho doanh nghiệp; Cuối năm "bung hàng" thoái vốn nhà nước; Bia Sài Gòn sang Singapore và Anh tìm cơ hội bán cổ phiếu
Tin kinh tế đọc nhanh 20-11-2017
- Cập nhật : 20/11/2017
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để “không một ai bị bỏ lại phía sau”
Hội thảo “Kinh tế Việt Nam: Động lực tăng trưởng và giải pháp thúc đẩy” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức ngày 15/11/2017 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã gợi mở nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy động lực tăng trưởng cho nền kinh tế trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội thảo. Nguồn: VGP/Nhật Bắc
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc phát triển kinh tế nhanh, bền vững là chủ trương của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và là yêu cầu tất yếu để rút ngắn khoảng cách với các nước khác trên thế giới.
Phó Thủ tướng cho rằng, tăng trưởng nhanh và bền vững là sự tăng trưởng dựa trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, đem lại tăng trưởng bao trùm, toàn diện vì con người, vì các tầng lớp nhân dân, bảo đảm được mục tiêu “không một ai bị bỏ lại phía sau”.
Kinh tế Việt Nam đã đi hết gần nửa chặng đường của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020, các chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định rằng, trong năm 2017, nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn gặp nhiều thách thức khi quá trình tái cơ cấu nền kinh tế diễn ra chậm, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước còn chưa đi vào thực chất; cùng với đó, những khó khăn tới từ các tác động của diễn biến chính trị, kinh tế thế giới, biến đổi khí hậu... đã tác động không nhỏ đến sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Bởi vậy, Phó Thủ tướng cho rằng, để phát triển nhanh và bền vững thì Việt Nam phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và tìm ra động lực tăng trưởng chủ đạo. "Nhiều người nói là nông nghiệp, kinh tế số, dịch vụ du lịch... Nhưng nếu chúng ta chọn nhiều mũi nhọn quá thì cuối cùng không có gì nhọn cả", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng trăn trở về tình trạng tồn tại sự đối lập trong phát triển giữa khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực trong nước. Phó Thủ tướng cho rằng, cần có giải pháp nhằm kết nối hai khu vực này lại với nhau, tạo sự phát triển đồng đều giữa hai khu vực cũng như nền kinh tế.
Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, để tháo bỏ nút thắt và tạo động lực mới thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, cần tháo bỏ các vướng mắc, đẩy nhanh giải vốn đầu tư nhà nước ngay từ đầu năm, tăng hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước và tư nhân trong nước.
Đặc biệt, cần tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Theo đó, cần nỗ lực cắt bớt ít nhất 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh, loại bỏ ít nhất 1/2 số hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành xuất, nhập khẩu; Tiếp tục nỗ lực giảm chi phí cho doanh nghiệp...(TCTC)
-------------------------
Ấn Độ tăng thuế nhập khẩu dầu ăn lên mức cao nhất trong một thập kỷ
Theo một sắc lệnh mới đây, Chính phủ Ấn Độ đã tăng thuế nhập khẩu dầu thực vật lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ, giữa lúc chính phủ đang cố gắng hỗ trợ người nông dân trong nước.
Cụ thể, Chính phủ Ấn Độ ngày 17/11 vừa qua đã ra thông báo tăng thuế nhập khẩu dầu cọ thô lên 30%, trong khi thuế áp lên dầu cọ tinh chế đã tăng lên 40% từ mức 25%.
Thuế nhập khẩu dầu đậu tương thô cũng tăng từ 17,5% lên 30%, còn đối với dầu đậu tương tinh chế là từ 20% lên 35%.
Chính phủ cũng tăng thuế nhập khẩu áp lên hạt đậu tương, dầu hạt cải canola và dầu hướng dương.
Việc tăng thuế trên sẽ làm tăng giá bán của dầu thực vật và hỗ trợ ngành nghiền hạt ép dầu tại thị trường trong nước của Ấn Độ, giúp nước này hạn chế hoạt động nhập khẩu dầu ăn trong năm tài chính 2017/2018
Ngành nghiền hạt lấy dầu của Ấn Độ đang phải cạnh tranh khốc liệt với dầu nhập khẩu giá rẻ từ Indonesia, Malaysia, Brazil và Argentina, làm giảm nhu cầu về hạt cải dầu và hạt đậu nành trồng tại nước này kể cả khi giá hạt có dầu giảm mạnh.
Theo ông B.V Mehta, Giám đốc điều hành của Hiệp hội các nhà chiết xuất chất dung môi Ấn Độ (SEA) có trụ sở tại Mumbai, việc Chính phủ Ấn Độ tăng thuế nhập khẩu lần thứ hai trong vòng chưa đầy ba tháng sẽ đẩy giá dầu ăn lên cao và hỗ trợ giá các loại hạt có dầu trong nước như đậu tương và cải dầu.
Hiện 70% lượng dầu ăn tiêu thụ tại Ấn độ đến từ nhập khẩu, tăng từ mức 44% hồi tài khóa 2001-2002 đến nay.
Tuy nhiên theo ông Sandeep Bajoria, Tổng giám đốc tập đoàn nhập khẩu dầu thực vật Sunvin, ngay cả khi tăng thuế, Ấn Độ vẫn sẽ phải nhập khẩu khoảng 15,5 triệu tấn dầu ăn trong tài khóa 2017/2018, dù thấp hơn so với ước tính ban đầu là 15,9 triệu tấn nhưng vẫn cao hơn so với con số 15 triệu tấn dầu nhập khẩu hồi năm ngoái(Vietnam+)
--------------------------
Nâng “chất” dòng vốn ngoại
Tình hình thực tế cũng như dự báo của các tổ chức quốc tế là vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục gia tăng. Vấn đề hiện nay, theo các chuyên gia là cần thay đổi định hướng thu hút nguồn vốn này sao cho hiệu quả hơn.
Vốn cam kết tăng cao
Gặp gỡ các nhà đầu tư Nhật Bản mới đây, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Trúc cho biết trong 10 tháng đầu năm nay, tổng vốn đầu tư nước ngoài mà tỉnh này nhận được cam kết là 2,171 tỉ đô la Mỹ, vượt 55% kế hoạch cả năm, tăng 131% so cùng kỳ năm ngoái. Cùng thời gian trên, TPHCM dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, với tổng số vốn cam kết hơn 5 tỉ đô la Mỹ...
Còn theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), từ đầu năm đến ngày 20-10-2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 28,24 tỉ đô la Mỹ, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đây, khi báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính năm nay sẽ có khoảng 28 tỉ đô la Mỹ vốn nước ngoài đăng ký đầu tư vào Việt Nam. Với đà tăng trưởng hiện nay, giới chuyên gia cho rằng đến cuối năm sẽ vượt mốc 30 tỉ đô la Mỹ.
Cần nâng “chất” nguồn vốn
Việt Nam cần vốn nhưng quan trọng hơn, theo giới chuyên gia, là cần công nghệ cao, hiện đại để tái cơ cấu nền kinh tế phát triển bền vững, tăng năng lực cạnh tranh, nâng cao giá trị sản phẩm và tham gia sâu vào chuỗi cung ứngtoàn cầu.
Việt Nam cần vốn nhưng quan trọng hơn, theo giới chuyên gia, là cần công nghệ cao, hiện đại để tái cơ cấu nền kinh tế.
Gần 30 năm sau khi Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực, việc kết nối kinh doanh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn còn mờ nhạt, hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và năng suất lao động từ các đối tác nước ngoài đến các doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế.
Báo cáo tăng cường năng lực cạnh tranh và liên kết của doanh nghiệp nhỏ và vừa của Ngân hàng Thế giới (WB) gần đây nhận định: (Việc) Việt Nam gia nhập các chuỗi giá trị toàn cầu thông qua các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã mang lại lợi ích đáng kể về tăng trưởng và việc làm do xuất khẩu. Tuy nhiên, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn không kết nối được với khu vực tư nhân trong nước.
Bởi lẽ, trong quá trình định hình như một trung tâm sản xuất và xuất khẩu, Việt Nam chỉ chuyên về công đoạn lắp ráp cuối cùng, đòi hỏi nhiều lao động. Nhiều mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao của Việt Nam lại có hàm lượng nhập khẩu cao và giá trị gia tăng trong nước rất thấp, do đó đóng góp ròng vào nền kinh tế không cao.
Điều này, cũng phản ánh sự thâm nhập hạn chế của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước vào các chuỗi giá trị toàn cầu thông qua việc trở thành nhà cung cấp cho các doanh nghiệp FDI sản xuất hàng xuất khẩu. Các liên kết cung ứng hiện nay thường có xu hướng gắn với sản phẩm có giá trị gia tăng thấp, như các vật tư đơn giản và bao bì.
Theo ông Charles Kunanka, chuyên gia trưởng về khu vực tư nhân của WB, dư địa trong nước dành cho các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam đang bị thu hẹp và hầu hết những chức năng đem lại giá trị gia tăng cao (như đổi mới sáng tạo, thiết kế, sản xuất phụ tùng, cấu kiện lõi) đều được thực hiện ở ngoài Việt Nam.
Theo đánh giá của ông Kunaka, Việt Nam bị kẹt ở “bẫy giá trị gia tăng thấp”, do không phát triển được các chức năng có giá trị cao hoặc cần năng lực đổi mới sáng tạo. Điều này nếu tiếp tục sẽ dẫn đến nhiều rủi ro khi các đối thủ cạnh tranh có chi phí thấp hơn sẽ thu hút đầu tư nước ngoài ra khỏi Việt Nam.
Do đó, theo giới chuyên gia, trong bối cảnh dịch chuyển dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của thế giới và trong khu vực, Việt Nam cần đổi mới tư duy để khai thác hiệu quả nguồn vốn này. Xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang diễn ra với tốc độ nhanh càng đòi hỏi Việt Nam phải có sự chọn lọc hơn trong thu hút nguồn vốn nước ngoài.
Theo các chuyên gia, những lợi thế về lao động chi phí thấp, lực lượng đông đã không còn là lợi thế cho Việt Nam khi vận động thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Việt Nam cần tập trung vào những dự án công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng như công nghệ thông tin, điện tử, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI)...
Cùng với việc tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn, điều quan trọng không kém, Chính phủ và đặc biệt là chính quyền các địa phương, phải biết lựa chọn đối tác, dự án phù hợp với định hướng phát triển bền vững của địa phương mình và cho đất nước.
Về vấn đề này, theo GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), cần điều chỉnh chính sách ưu đãi đối với dự án đầu tư theo hướng gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội ở từng vùng, từng địa phương; nâng cao trình độ của các cơ quan quản lý.
Theo ông, đối với các thành phố đã phát triển thì cần tập trung phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn; kiên quyết không chọn dự án thâm dụng lao động, gây ô nhiễm môi trường... Đối với các địa phương, vùng kinh tế còn kém phát triển thì có thể lựa chọn dự án thâm dụng lao động như dệt nhuộm, may, da giày nhưng phải bảo đảm đầu tư bảo vệ môi trường.
Một số chuyên gia cho rằng cần đặt vấn đề trách nhiệm nhà đầu tư khi đạt lợi nhuận. Đó là đóng góp lợi nhuận để đào tạo, lan tỏa công nghệ sang doanh nghiệp Việt, người lao động trong nước; hoặc có tác động lan tỏa, liên kết, giúp các doanh nghiệp Việt có thể tham gia nhiều hơn, hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo chuyên gia của WB, Việt Nam cần phải có một gói sáng kiến cải cách toàn diện như thu hẹp chênh lệch về hạ tầng giao thông; phát triển các thị trường dịch vụ cạnh tranh; hợp lý hóa các thủ tục biên giới để nâng cao minh bạch và khả năng tiên liệu; thúc đẩy quan hệ với các nước phát triển để đảm bảo nhu cầu mạnh mẽ và đầu tư về công nghệ...
Nếu đạt được vị thế cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam có thể thu hút thêm đầu tư nước ngoài quy mô lớn, qua đó tạo thêm việc làm và tạo thêm cơ hội cho các nhà cung ứng trong nước.(TBKTSG)
-----------------------------
Khó đánh thuế hàng trên một triệu đồng bán trên mạng
Nếu áp thuế với món hàng trên một triệu đồng, người bán không thiếu cách "né" còn chuyên gia thì lo, chi phí quản lý còn lớn hơn số tiền thu về.
Trước đề xuất thu thuế theo tỷ lệ với người bán hàng hóa giá trị trên một triệu đồng, nhiều cá nhân kinh doanh online bày tỏ sự hoài nghi về tính khả thi.
Anh Trương Mạnh Dương (chủ một shop online về đồ công nghệ trên Facebook) cho rằng, hầu hết các chủ shop có thể lách bằng cách không niêm yết giá bán hàng hóa. "Thay vào đó, người bán và người mua inbox (nhắn tin riêng) cho nhau về giá cả, cơ quan quản lý sẽ khó thực hiện".
Chị Thu An - một người chuyên bán giày dép hàng hiệu online cho biết, đã được cơ quan thuế TP HCM mời lên làm việc và cũng đã thực hiện một số thủ tục kê khai thuế. Tuy nhiên, chị cho rằng với đề xuất trên, chị sẽ phải tính cách để "né thuế" bằng nhiều cách như lách để giảm giá tiền trên sản phẩm hoặc giảm doanh số hàng hoá theo phương thức giao dịch tiền mặt, chuyển tiền cho người thân…
Một chuyên gia thương mại điện tử khuyến cáo, cơ quan thuế nên cân nhắc kỹ trước khi tính toán thu. "Lĩnh vực thương mại điện tử cần được tính toán chính xác về quy mô để xác định xem đã đủ phát triển lớn đến mức đánh thuế chưa", vị này nói. Giả sử đánh giá rằng đã đến lúc thu thuế thì câu chuyện tiếp theo, theo vị chuyên gia này, là tính khả thi. "Một trong những mục tiêu lớn là phải thu được theo nghĩa chi phí vận hành việc thu thuế phải nhỏ hơn đáng kể so với con số thu được", ông nói.
Liên quan đến vấn đề này, tại buổi trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội ngày 17/11, Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông - Trương Minh Tuấn cho hay, Google có chính sách chia sẻ tiền quảng cáo cho người đăng trên Youtube, một số người dân coi đây là "việc nhẹ nhàng, nhưng có thu nhập".
"Nguồn thu từ quảng cáo qua các mạng này rất lớn, hơn 100 triệu USD một năm nhưng không đóng một đồng thuế nào", ông nói.
Bộ Thông tin Truyền thông đang yêu cầu các nhà sản xuất nội dung trong nước cân nhắc nghiêm túc việc đưa sản phẩm độc quyền lên nền tảng xuyên biên giới, vì qua đó vô tình góp phần giúp các mạng xã hội toàn cầu lấy đi cơ hội phát triển của nhà mạng Việt Nam.
Cùng với đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng phối hợp để kiểm soát việc mua bán, quảng cáo trên nền tảng xuyên biên giới; kiểm soát kinh doanh và nộp thuế với Facebook, Google.
Trước đó, trao đổi với VnExpress, ông Viên Viết Hùng - Phó cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết, người bán hàng có trách nhiệm kê khai đúng theo luật, còn trách nhiệm của cơ quan thuế là phát hiện nếu họ gian lận và xử lý. Thừa nhận không dễ để rà soát doanh thu và tính thuế nhưng ông Hùng cho rằng sẽ sử dụng công nghệ cao và tiến tới là cùng sự hỗ trợ, vào cuộc của các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Thông tin & Truyền thông cùng các nhà mạng.
Cục thuế TP HCM cũng nhìn nhận, hiện cơ chế chính sách thu thuế đối với các hoạt động này chưa hoàn chỉnh nên hình thức thu thuế vẫn chủ yếu là tổ chức, cá nhân tự khai, tự tính và tự nộp nên gây bất bình đẳng trong chính sách thuế. Thông thường, ở các quốc gia trên thế giới, mọi giao dịch đều được thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng, do đó, việc kiểm soát thu nhập cũng như đánh thuế dễ dàng hơn. Trong khi ở Việt Nam tỷ lệ này chưa cao bởi giao dịch bằng tiền mặt vẫn khá phổ biến.
Về khả năng cơ quan thuế có thu được của người kinh doanh trên Facebook, lãnh đạo Cục thuế TP HCM nhìn nhận, mục tiêu của chương trình này là nhằm thực hiện nguyên tắc công bằng, tức có kinh doanh thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế, còn thu được bao nhiêu sẽ tùy tình hình kinh doanh thực tế.
Theo nhiều chuyên gia, việc thu thuế người bán hàng trên Facebook sẽ không đơn giản. Mỗi tổ chức, cá nhân hiện có thể sở hữu nhiều tài khoản khác nhau trên mạng xã hội để kinh doanh. Việc mua bán lại chủ yếu được giao dịch bằng tiền mặt nên khó giám sát. Đó là chưa kể việc phân biệt các cửa hàng dùng Facebook vào mục đích gì, để tư vấn, tiếp thị hay để bán sản phẩm, dịch vụ. Ngoài ra, một số người kinh doanh trên Facebook như một việc làm thời vụ hoặc kiếm thêm thu nhập thì cần quản lý thuế ra sao.
Trao đổi với VnExpress, một đại diện của Tổng cục Thuế cho rằng, dư luận nên có cách hiểu đúng về đề xuất thu thuế với thương mại điện tử hiện nay.
Theo vị này, thực tế không phải tất cả những người đang kinh doanh trên Facebook, Goolge đều chưa nằm trong diện quản lý và thu thuế của cơ quan nhà nước.
"Thực tế nhiều người chỉ dùng Facebook để quảng cáo, xem đó như một hình thức bán hàng mới. Họ vẫn có kho hàng, địa điểm kinh doanh bên ngoài và đã nằm trong diện kê khai thuế với ngân sách rồi", vị này cho biết.
Bổ sung thêm, bà Tạ Thị Phương Lan - Phó Vụ trưởng Quản lý Thuế Thu nhập cá nhân (Tổng cục Thuế) cũng khẳng định ngành thuế không có ý định tận thu với tất cả những người hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử. "Đây mới là dự thảo Luật được Bộ Tài chính đưa ra để lấy ý kiến nhưng tôi khẳng định cơ quan thuế không đặt vấn đề tận thu với các bạn sinh viên. Không phải tất cả những người kinh doanh trên Facebook đều thuộc diện phải nộp thuế theo những đề xuất này", bà Lan cho hay.
Vị này cũng cho biết, sau khi Cục thuế TP HCM, Hà Nội thông tin đến một số cá nhân để họ hiểu nghĩa vụ nộp thuế là như nào, đã có hàng nghìn cá nhân kinh doanh phản hồi.(Vnexpress)