tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 18-11-2017

  • Cập nhật : 18/11/2017

Singapore ngưng quan hệ thương mại với Triều Tiên

Thực hiện nghị quyết của Liên Hiệp Quốc trừng phạt chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên, Singapore đã tạm ngưng quan hệ thương mại với nước này từ ngày 8-11. 

singapore ngung quan he thuong mai voi trieu tien

Singapore ngưng quan hệ thương mại với Triều Tiên

Thông tin trên được trang Channel News Asia tiết lộ vào ngày 16-11 sau khi thu thập được một bản thông cáo của hải quan Singapore. Quyết định được đưa ra hai tháng sau khi Mỹ thông báo danh sách trừng phạt các công ty và cá nhân bị cho là có liên quan đến chương trình hạt nhân Triều Tiên, trong đó có hai pháp nhân tại Singapore.

Bản thông cáo trên có đoạn: “Singapore sẽ nghiêm cấm mọi hoạt động trao đổi hàng hóa thương mại đi hoặc đến từ CHDCND Triều Tiên”. Văn bản này chính thức có hiệu lực từ ngày 8-11. Những hành vi tái phạm lệnh cấm sẽ bị phạt tối đa 200.000 đôla Singapore (hoặc bốn lần giá trị hàng hóa), hoặc bị phạt tối đa ba năm tù, thậm chí có thể chịu cả hai hình phạt. Singapore là đối tác thương mại lớn thứ bảy của Triều Tiên.

Nước có quan hệ thương mại lớn thứ năm với Triều Tiên chính là Philippines. Chính phủ Manila hồi tháng 9 đã tuyên bố ngưng trao đổi thương mại song phương, theo Channel News Asia.(PLO)
-------------------------

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cải cách thuế lớn nhất trong 30 năm

Hạ viện Mỹ ngày 16-11 vừa thông qua dự luật chính sách thuế với các điều khoản cải tổ lớn nhất kể từ những năm 1980.

 

cac nghi si dan chu bay to quan diem ve du luat thue tai quoc hoi my o washington ngay 2-11 - anh: reuters

Các nghị sĩ Dân chủ bày tỏ quan điểm về dự luật thuế tại Quốc hội Mỹ ở Washington ngày 2-11 - Ảnh: REUTERS

 

Theo hãng tin Reuters, sau khi được Hạ viện phê chuẩn, dự luật thuế được chuyển lên Thượng viện. Cơ quan lập pháp này cũng đã có một kế hoạch riêng về thuế và từng vấp phải phản ứng của một số thành viên đảng Cộng hòa.

Dù hứa hẹn sẽ tiếp tục diễn ra những thảo luận gay gắt về dự luật thuế, nhưng theo Reuters, Thượng viện Mỹ sẽ chưa có động thái quyết định nào cho tới sau kỳ nghỉ lễ Tạ ơn tuần tới.

Với mong muốn có thể giành được thắng lợi trong một dự luật lớn đầu tiên kể từ khi lên cầm quyền tháng 1 năm nay, tổng thống Donald Trump đã tới Đồi Capitol trước cuộc bỏ phiếu để thúc giục Hạ viện phê chuẩn dự luật thuế, dự luật mà các nghị sĩ đảng Dân chủ cáo buộc đã "thiên vị" quá nhiều với giới nhà giàu.

Sau khi kết quả bỏ phiếu dự luật thuế công bố với tỉ lệ phiếu thuận/chống là 227/205, bà Sarah Sanders, phát ngôn viên Nhà Trắng nói: "Một bộ luật thuế đơn giản, công bằng và cạnh tranh sẽ là động lực rất lớn cho nền kinh tế chúng ta, và điều đó nằm trong khả năng chúng ta. Bây giờ là lúc để thực hiện điều đó".

Quốc hội Mỹ đã không có động thái cải tổ đáng kể, chi tiết với luật thuế của Mỹ kể từ thời ông Ronald Reagan của đảng Cộng hòa làm tổng thống.

Tuy nhiên lộ trình tiếp theo của dự luật thuế tại Thượng viện, nơi đảng Cộng hòa nắm thế đa số hẹp, được giới chuyên gia nhận định sẽ không đơn giản.

Phe ủng hộ dự luật sẽ phải thuyết phục phe phản đối trong bối cảnh tồn tại nhiều khúc mắc về tình trạng thâm hụt ngân sách liên bang, chăm sóc sức khỏe và phân bổ nguồn thu từ thuế.

Trong trường hợp các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ nhất trí phản đối, nhóm nghị sĩ Cộng hòa có thể không đạt đủ số phiếu để thông qua dự luật này.(Tuoitre)
---------------------------

Nghị viện châu Âu thông qua nghị quyết trừng phạt Ba Lan

Việc chính phủ Ba Lan nhất quyết áp dụng các cải cách tư pháp khiến cộng đồng trong nước và quốc tế không hài lòng, và nghị quyết trừng phạt Ba Lan được áp dụng, nước này sẽ bị tước quyền bỏ phiếu tại Hội đồng EU.

nghi vien chau au thong qua nghi quyet trung phat ba lan

Nghị viện châu Âu thông qua nghị quyết trừng phạt Ba Lan

Hôm 15/11, Nghị viện châu Âu đã thông qua nghị quyết nhằm đưa ra cơ chế áp đặt lệnh trừng phạt đối với Ba Lan.

Việc áp dụng Điều 7 của Hiệp ước về Liên minh châu Âu có thể tước quyền bỏ phiếu tại Hội đồng EU của Ba Lan. Điều này sẽ xảy ra trong trường hợp Hội đồng EU nhận thấy sự tồn tại của một "mối đe dọa rõ ràng" đối với các giá trị của châu Âu.

Có tất cả 438 đại biểu đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết, và 152 người phản đối. Các nghị sĩ tỏ ra không hài lòng về việc Warsaw vượt qua các chuẩn mực về dân chủ và pháp quyền.

Trước đó, Tổng thống Ba Lan đã phủ quyết các đạo luật được Quốc hội thông qua về Hội đồng Tư pháp Quốc gia và Tòa án Tối cao. Vào ngày 25/9, nhà lãnh đạo Ba La đã đưa ra các dự thảo luật thay thế cho các đạo luật trên của Quốc hội.

Ủy ban châu Âu chỉ trích các tài liệu này. Brussels cho rằng chúng sẽ dẫn đến việc chấm dứt sớm quyền hạn thẩm phán của Tòa án Tối cao, cũng như dẫn tới việc ngành tư pháp sẽ phải tuân theo sự điều hành.

Ngoài ra, EU cũng phản đối hai đạo luật do Tổng thống Ba Lan ký kết: một là về công việc của tòa sơ thẩm và một là về Thẩm phán Quốc gia. Theo quan điểm của Ủy ban Châu Âu, các đạo luật này sẽ làm suy yếu nghiêm trọng sự độc lập về công lý ở Ba Lan.

EU đã gửi một số thư cảnh cáo chính thức tới Ba Lan và đe dọa sẽ nộp đơn lên Tòa án EU nếu Warsaw không hành động trong vòng một tháng. Hiện tại, Brussels đang xem xét các phản ứng của chính quyền Ba Lan.

Các chương trình cải cách tư pháp ở Ba Lan không chỉ tạo ra mâu thuẫn giữa Ba Lan với Liên minh châu Âu, mà còn gây tranh cãi, bất bình trong nước. Nhiều cuộc biểu tình liên tiếp đã diễn ra tại thủ đô Warsaw và một số thành phố của Ba Lan nhằm phản đối các dự luật cải cách hệ thống tư pháp do chính phủ đưa ra.

Đồng minh thân cận của Ba Lan tại NATO là Hoa Kỳ cũng lên tiếng bày tỏ sự quan ngại đến tình hình tại nước này. Bộ ngoại giao Mỹ kêu gọi các bên đảm bảo cải cách tư pháp không vi phạm Hiến pháp quốc gia và các nghĩa vụ pháp lý quốc tế, cũng như tôn trọng các nguyên tắc độc lập của ngành tư pháp và sự tách bạch về quyền lực.(Infonet)
--------------------------

Chiến tranh Iran – Saudi Arabia sẽ đẩy giá dầu 'phi mã' 500%

Một cuộc xung đột vũ trang giữa Iran và Saudi Arabia sẽ tác động lớn lên thị trường dầu và nền kinh tế thế giới. Nếu chuyện này xảy ra, giá dầu sẽ tăng 500%.

Giá dầu sẽ leo thang nếu xảy ra chiến tranh Saudi Arabia - Iran. Ảnh: AP

Kênh RT Nga đã hỏi ý kiến giới chuyên gia về việc một cuộc chiến giữa hai cường quốc Trung Đông sẽ tác động thế nào đối với giá dầu thô. 

“Giá năng lượng sẽ phụ thuộc nhiều vào tính khốc liệt của xung đột. Theo đó, chúng ta có thể trông đợi giá dầu tăng lên 150 – 200 USD/thùng trong ngày đầu tiền nổ ra chiến tranh… Nếu Saudi Arabia và Iran tấn công vào các nhà máy dầu của nhau, giá dầu thô có thể leo thang đến 300 USD”, nhà phân tích Mikhail Mashchenko tại mạng xã hội eToro dành cho giới đầu tư nói với RT. 

Hay như ông Ivan Karyakin, nhà phân tích đầu tư tại Global FX, nhấn mạnh khu vực có khả năng xảy ra xung đột này chiếm 1/3 lượng dầu trên toàn thế giới. Saudi Arabia, Iraq, Iran, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Kuwait, Oman và Qatar tổng cộng sản xuất khoảng 28 triệu thùng dầu/ngày, xấp xỉ 30% sản lượng khai thác toàn cầu. Vì lẽ đó, theo ông, giá dầu sẽ ngay tức khắc nhảy lên mốc 150 – 180 USD/thùng. 

Ông Karyakin cho biết: “Tiếp đến mọi thứ sẽ phụ thuộc vào tính lâu dài của cuộc xung đột. Thị trường thế giới sẽ sống sót qua hai hoặc ba ngày của chiến tranh. Nếu xung đột kéo dài một tuần thì giá cả sẽ tăng lên 200 USD hoặc hơn, và điều này sẽ gây ra các hậu quả dài hạn như dự trữ sụt giảm”. 

Lực lượng an ninh Saudi Arabia. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, nhà phân tích này nhận định một cuộc chiến giữa Riyadh và Tehran sẽ không xảy ra và nó không nằm trong lợi ích của Nga và Trung Quốc. “Nga là một đối tác của nhiều nước đang xung đột ở Trung Đông. Nước nhập khẩu dầu lớn nhất - Trung Quốc – nguy cơ gánh rủi ro nặng nhất trong bối cảnh giá dầu tăng cao, sẽ sử dụng tất cả tầm ảnh hưởng của nước này lên Iran và Mỹ để ngăn chặn một cuộc xung đột”, ông giải thích.

Theo Ivan Kapustiansky, chuyên gia tại Forex Optimum, một cuộc chiến ở Trung Đông sẽ gây bất lợi đối với các nhà nhập khẩu dầu. “Trong hoàn cảnh chiến tranh, các thị trường có thể đánh mất 20% nguồn cung thế giới. Trước hết, tất nhiên, các nhà nhập khẩu lớn nhất sẽ bị ảnh hưởng. Họ bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản cũng như khu vực Eurozone, thực tế là các đầu tàu chính của nền kinh tế thế giới”, ông nói. 

Cả Saudi Arabia và Iran đều hiểu rõ dầu thô quan trọng thế nào đối với nền kinh tế và sẽ cố gắng duy trì hoạt động sản xuất, ngay cả khi nổ ra xung đột. Giá dầu và các loại hydrocarbon khác phi mã sẽ đe dọa đến sự ổn định của toàn bộ nền kinh tế thế giới cũng như dẫn đến lạm phát. 

Theo ông Mashchenko, chiến tranh là điều bất lợi đối với cả Saudi Arabia lẫn Iran. “Saudi Arabia, dù họ cảm thấy tự tin hơn các hàng xóm phía đông, bị thâm hụt ngân sách tương đương 10% tổng sản lượng quốc nội (GDP). Còn Iran thì mới bắt đầu tăng cường xuất khẩu dầu sau khi được dỡ bỏ cấm vận”, ông nói với RT.

Đa số các chuyên gia cho rằng một vụ xung đột giữa Saudi Arabia và Iran sẽ bị giới hạn thành một cuộc chiến ủy nhiệm như điều đang diễn ra tại Yemen và Syria. Tình thế này có thể so sánh với các cuộc chiến tranh ủy nhiệm thời Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô cũ. (Baotintuc)

Trở về

Bài cùng chuyên mục