Cảnh báo về việc lừa đảo yêu cầu chuyển tiền qua ngân hàng
Thị trường vàng miếng sẽ còn bị thao túng đến bao giờ?
Kinh tế Nga suy giảm mạnh nhất 6 năm
Giá hàng hóa cơ bản lao dốc, Trung Quốc hưởng lợi lớn nhất
Giới đầu tư quốc tế đua nhau mua vàng
Tin kinh tế đọc nhanh tối 24-01-2016
- Cập nhật : 24/01/2016
Doanh nghiệp nhỏ và vừa chật vật trước hội nhập
Nghiên cứu gần đây của VCCI cho thấy, nhiều DN Việt đang dùng các thiết bị máy móc lạc hậu từ 2 - 3 thế hệ so với các nước xung quanh. Ảnh: Như Ý.
Theo các chuyên gia, con đường đến với thành công trong quá trình hội nhập của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam còn nhiều chông gai do đang hoạt động trong một sân chơi khá tù túng về mặt phát triển bền vững cũng như kết nối với các doanh nghiệp lớn để phát triển.
Lợi thế sẽ không còn
Phát biểu tại Diễn đàn “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương -TPP và Hiệp định thương mại Tự do Việt Nam - EU - EVFTA: Cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 22/1, TS Võ Trí Thành cho rằng, Việt Nam đang ở thời điểm quyết định để chuyển đổi mô hình phát triển bằng cách thiết lập những nền tảng vững chắc để có thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Để làm được điều này, chúng ta cần có một động cơ mới để cải cách. Nhưng điểm khó nhất chính là những cải cách trong nước phải tương thích với những cam kết trong các FTA mà Việt Nam tham gia.
Theo ông Thành, sau 30 năm đổi mới và mở cửa, đến nay, Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức như: Khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và đầu tư công không hiệu quả; chi phí kinh doanh còn rất cao, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ngày càng mở rộng; Khối DN nhỏ và vừa ngày càng teo tóp. “Tôi cho rằng khoảng 5-7 năm nữa, khi một số nước ASEAN khác như Thái Lan, Indonesia…cũng gia nhập TPP và EU nối lại đàm phán FTA với ASEAN và nếu FTA giữa EU với ASEAN được ký kết thì lợi thế hiện nay của VN với các nước ASEAN chưa gia nhập TPP hay chưa ký FTA với EU sẽ không còn nữa”, TS Võ Trí Thành băn khoăn.
Nhiều điều đáng lo
Dẫn hàng loạt những con số về xếp hạng môi trường kinh doanh được các tổ chức quốc tế công bố mới đây cho thấy khối doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đang trong tình trạng đuối sức khi tham gia sân chơi toàn cầu, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, sức khỏe của DN Việt Nam rất đáng lo ngại khi xếp ở vị trí chót bảng về hầu hết các đầu mục được đánh giá trong 12 nước tham gia TPP. Như về phát triển hoạt động doanh nghiệp, DN Việt Nam cũng còn ở khoảng cách rất xa so với nước đứng phía trên là Peru, chưa kể so với các nước khác. Ngoài ra, các chi phí về thuế, về thủ tục hải quan cao khiến DN trong nước bị bào mòn sức cạnh tranh khi xuất khẩu ra các nước.
“Chúng ta có các cụm công nghiệp theo địa lý, đất đai nhưng không có cụm công nghiệp theo lĩnh vực hoạt động, ngành nghề hỗ trợ nhau. Ngoài ra, các DN Việt thời gian qua chủ yếu làm việc với nhau trên khía cạnh bán hàng trong khi hỗ trợ nhau tham gia phát triển sản phẩm thì lại không có. Chính phủ cần xây dựng chương trình “quốc gia khởi nghiệp” để thúc đẩy tinh thần đầu tư kinh doanh của người dân”.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
Điểm đáng báo động khác, theo bà Lan, chính là việc những năm gần đây, số lượng DN có tăng lên nhưng quy mô lại ngày càng nhỏ đi. Tính 10 năm, từ 2002 đến 2012, quy mô về lao động của DN Việt Nam chỉ còn một nửa. Bên cạnh đó, dù quy mô về vốn có tăng lên, nhưng nếu tính yếu tố lạm phát, trượt giá, quy mô về vốn thật sự của các DN chỉ còn một nửa. “Quá trình phát triển đáng nhẽ DN Việt phải đi từ siêu nhỏ lên nhỏ, rồi thành DN vừa rồi đến DN lớn. Nhưng DN của chúng ta đang dừng mãi ở quy mô siêu nhỏ trong suốt 10 năm qua. Dù số liệu cho thấy số DN thành lập mới có tăng nhưng số phải ngừng hoạt động cũng không kém. Đây là những DN đã hoạt động nhiều năm nhưng phải dừng cuộc chơi do không chịu được sức ép cạnh tranh trong khi số DN mới thành lập chưa biết khả năng tồn tại thế nào”, bà Lan phân tích.
Phân tích hàng loạt số liệu khác, vị chuyên gia này cũng cho thấy, một điều đáng báo động, năng suất lao động của khối DN nhà nước và tư nhân của Việt Nam đang bị tụt hậu khá xa ngay cả với các DN nước láng giềng là Trung Quốc. Cùng đó, trình độ công nghệ mà các DN vừa và nhỏ của Việt Nam sử dụng đang lạc hậu từ 2-3 thế hệ so với các nước xung quanh. Ngay tỷ lệ các DN siêu nhỏ trên cả nước dùng các thiết bị điện để sản xuất, tính đến năm 2013, chỉ đạt 29%. Đây là tỷ lệ quá thấp. Bên cạnh đó, trình độ lao động không có tay nghề, không được đào tạo chính quy lên tới 87%.
Cũng theo bà Lan, để phát triển, cần có những chính sách đặc thù để nâng cao sức cạnh tranh của khối DN tư nhân và các DN nhỏ và vừa. Những quỹ, chương trình hỗ trợ DN khởi nghiệp tầm vóc rất nhỏ, rất ít DN tiếp cận được. Có bất cập nữa là ngành này thì mở nhưng ngành khác lại khép, khiến sự hỗ trợ phát triển đồng bộ theo chuỗi không phát huy được hiệu lực. “Chúng ta chỉ có 21% số doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong khi ở Thái Lan tỷ lệ là trên 30% và ở Malaysia là 46%. Điều này khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam ít có khả năng được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa của khối DN FDI thông qua chuyển giao công nghệ, chuyển giao kiến thức và nâng cao năng suất”, bà Lan nói.
Dư nợ tín dụng bất động sản tăng mạnh
Dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản tính đến 30/11/2015 đạt 374.783 tỷ đồng (tương đương hơn 16,6 tỉ USD), tăng 19,91% so với thời điểm 31/12/2014 và tăng 2,8% so với thời điểm 31/10/2015.
Con số này vừa được Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) báo cáo lên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng.
Theo báo cáo, Dư nợ cho vay xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất là 13.606 tỷ đồng, giảm 5,67% so với 31/12/2014 và tăng 1,60% so với 31/10/2015;
Dự nợ cho vay xây dựng khu đô thị là 70.112 tỷ đồng, tăng 10,76% so với 31/12/2014 và tăng 3,92% so với 31/10/2015;
Dư nợ cho vay xây dựng văn phòng (cao ốc) cho thuê là 32.357 tỷ đồng, tăng 3,34% so với 31/12/2014 và tăng 6,43% so với 31/10/2015;
Dư nợ cho vay xây dựng, sửa chữa mua nhà để ở kết hợp với cho thuê là 126.968 tỷ đồng, tăng 41,03% so với 31/12/2014 và tăng 4,94% so với 31/10/2015;
Dư nợ cho vay xây dựng, sửa chữa, xây nhà để bán, cho thuê là 33.340 tỷ đồng, tăng 13,48% so với 31/12/2014 và giảm 3,91% so với 31/10/2015;
Dư nợ cho vay mua quyền sử dụng đất là 26.310 tỷ đồng, tăng 36,25% so với 31/12/2014 và tăng 5,39% so với 31/10/2015;
Dư nợ cho vay để đầu tư kinh doanh bất động sản khác là 72.090 tỷ đồng, tăng 11,28% so với 31/12/2014 và giảm 0,82% so với 31/10/2015.
Năm 2016: Phát hành 220.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ
Dự kiến quý 1/2016, Kho bạc Nhà nước sẽ phát hành 76.000 tỷ đồng, trong đó 45% là các trái phiếu có kỳ hạn từ 5 năm trở lên, trái phiếu không trả lãi định kỳ (zero coupon bond) sẽ được phát hành 1 phiên mỗi quý.
Theo thông tin từ Sở GDCK Hà Nội (HNX), ngày 21/1/2016, Sở GDCK Hà Nội đã phối hợp với Kho bạc Nhà nước (KBNN) tổ chức Hội nghị Thành viên thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) đầu năm 2016. Đây là hội nghị được tổ chức thường niên nhằm đánh giá hoạt động của thị trường TPCP trong năm 2015 và đưa ra định hướng phát triển thị trường trong năm mới 2016.
Theo đó, thị trường TPCP năm 2015 đã đạt được bước phát triển khá ấn tượng cả về huy động vốn cho Ngân sách Nhà nước (NSNN) và giao dịch thứ cấp. Hoạt động huy động vốn cho NSNN đã cơ bản hoàn thành, kỳ hạn bình quân trái phiếu huy động tăng lên 02 năm so với năm 2014, mặt bằng chung lãi suất huy động giảm từ 6,54% năm 2014 xuống 6,23% năm 2015, cơ cấu nhà đầu tư có cải thiện khi các quỹ bảo hiểm, đầu tư tham gia tích cực hơn vào thị trường, thanh khoản thị trường tăng nhẹ với giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 3.656 tỷ đồng/phiên.
Bước sang năm 2016, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đặt ra 4 nhiệm vụ cho thị trường trái phiếu gồm: tiếp tục huy động vốn hiệu quả cho NSNN, hỗ trợ đắc lực cho Chính phủ trong việc cơ cấu lại nợ trong nước bằng việc tiếp tục phát hành trái phiếu có kỳ hạn dài, trong đó kỳ hạn 3 năm chiếm 30%, các kỳ hạn từ 5 năm trở lên chiếm 70%, tăng cường tính thanh khoản của thị trường bằng cách thu hút nhà đầu tư nước ngoài, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, kỳ hạn phát hành, chuẩn bị đưa thị trường phái sinh vào hoạt động.
Đại diện Vụ Tài chính Ngân hàng - Bộ Tài chính đã đưa ra các giải pháp phát triển thị trường năm 2016 theo 3 điểm chính: Hoàn thiện cơ chế chính sách, phối hợp với Ngân hàng nhà nước và điều hành thị trường. Theo đó, về cơ chế chính sách: ban hành Thông tư nhằm hoàn thiện kỹ thuật phát hành, chế độ công bố thông tin báo cáo đảm bảo việc phát hành tín phiếu thuận tiện và phù hợp với cơ chế thị trường; ban hành Thông tư hướng dẫn về mua lại TPCP; nghiên cứu cơ chế cho vay TPCP; nghiên cứu triển khai sửa đổi , bổ sung cơ chế chính sách về phát hành TPDN.
Bộ Tài chính cũng tích cực phối hợp với Ngân hàng nhà nước trong việc điều hànhchính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, triển khai Đề án chuyển chức năng thanh toán tiền TPCP sang Ngân hàng Nhà nước để giảm thiểu rủi ro hệ thống thanh toán TPCP. Về các giải pháp điều hành thị trường: giảm số mã trái phiếu và tăng quy mô niêm yết của một mã trái phiếu; xây dựng cơ sở dữ liệu phát hành TPDN để củng cố việc công bố thông tin trên thị trường TPDN.
Đối với vấn đề huy động vốn cho NSNN, Kho bạc Nhà nước cho biết năm 2016 kế hoạch phát hành 220.000 tỷ đồng TPCP, dự kiến quý 1/2016, KBNN sẽ phát hành 76.000 tỷ đồng, trong đó 45% là các trái phiếu có kỳ hạn từ 5 năm trở lên, trái phiếu không trả lãi định kỳ (zero coupon bond) sẽ được phát hành 1 phiên/1 quý.
Venezuela tuyên bố sẵn sàng thay đổi hệ thống tỷ giá hối đoái
Ngày 22/1, Phó Tổng thống Venezuela Luis Salas cho biết chính phủ nước này sẵn sàng xem xét lại hệ thống tỷ giá hối đoái hiện nay để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế.
Trả lời phỏng vấn nhật báo Noticias, ông Salas cho hay Venezuela sẵn sàng xem xét lại vấn đề nói trên nhưng mọi quyết định cần phải đem lại lợi ích cho đa phần người dân và tạo điều kiện cho phát triển kinh tế.
Đây là lần đầu tiên Chính phủ Venezuela đề cập tới khả năng thay đổi hệ thống ba tỷ giá hối đoái chính thức và một tỷ giá trên thị trường chợ đen, vốn dẫn tới nhiều bất cập cho nền kinh tế.
Từ tháng 2/2015, Venezuela áp dụng đồng thời ba tỷ giá chính thức, trong đó có Cencoex (6,3 bolivar đổi 1 USD, dành cho việc nhập khẩu các nhu yếu phẩm của doanh nghiệp nhà nước), SICAD (hiện là 13 bolivar=1 USD) và SIMADI (200 bolivar=1 USD) nhằm “cạnh tranh” với thị trường ngoại tệ chợ đen.
Tỷ giá hối đoái trên thị trường chợ đen ngày càng cao và hiện là 878 bolivar đổi 1 USD.
Cùng ngày 22/1, nguyên Chủ tịch Quốc hội Venezuela Diosdado Cabello, nhân vật quyền lực thứ hai trong phe cầm quyền, cho biết hiện giá dầu xuất khẩu của nước này xuống tới 22 USD/thùng và giá này không đủ bù cho chi phí sản xuất. Ông cảnh báo kinh tế Venezuela - quốc gia thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và là nước xuất khẩu dầu thứ 5 thế giới - sẽ suy sụp với giá này.
Vượt qua Apple, Alphabet trở thành công ty giá trị nhất thế giới
Giá trị doanh nghiệp của Alphabet đã chạm ngưỡng 420 tỷ USD, vượt qua Apple là 393 tỷ USD.
Theo báo cáo mới nhất từ Financial Times, Apple đã chính thức đánh mất ngôi vị công ty giá trị nhất thế giới vào tay Alphabet, sau nhiều năm nắm giữ vị trí này. Cụ thể, giá trị doanh nghiệp mới đây của Alphabet đã chạm ngưỡng 420 tỷ USD, vượt qua Apple là 393 tỷ USD.
Cần phải nhấn mạnh, trước khi Alphabet trở thành công ty có giá trị doanh nghiệp lớn nhất thế giới, Apple đã nắm giữ vị trí này trong khoảng 15 năm liên tiếp. Còn ở khía cạnh giá trị vốn hóa, Apple hiện vẫn đang là công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới với khoảng 535 tỷ USD.
Trong đó, lý do chủ yếu khiến Apple mất đi ngôi vị cao quý là bởi, Cupertino đang phụ thuộc quá nhiều vào iPhone. Khi nhu cầu smartphone trên thế giới đang giảm, phong độ của Apple cũng bị giảm theo. Do đó, các nhà đầu tư đang mất dần kỳ vọng vào Apple, có xu hướng thoái vốn.
Ngoài ra, một lý do khác khiến Apple mất đi ngôi vị bấy lâu, là do hãng đang nắm giữ quá nhiều tiền mặt. Một công ty càng nắm nhiều tiền mặt trong tay, giá trị doanh nghiệp càng bị giảm trừ. Theo một số chuyên gia, Apple đang có dấu hiệu đi xuống tương tự những Nokia, BlackBerry trước đây.
Tính cho tới thời điểm gần nhất, giá cổ phiếu của Apple đã rơi xuống mức 96,30 USD. Như vậy, cổ phiếu của hãng đã sụt giảm tới 18% chỉ trong vòng hơn một tháng, sau khi Apple chính thức ra mắt phụ kiện Smart Battery Case giá 99 USD dành cho iPhone.
Không chỉ có chiếc vỏ case kiêm pin sạc cho iPhone, mà hầu hết các thiết kế gần đây của Apple đều gặp phải chỉ trích dữ dội từ phía người dùng. Họ cho rằng, thay vì tập trung, chăm chút cho từng góc cạnh của sản phẩm, Apple đang dần đánh mất đi bản sắc của mình trên thị trường công nghệ.
Về phía Alphabet, được biết tới như công ty mẹ của Google, đã có quý kinh doanh đầu tiên khá thuận lợi, tình hình kinh doanh của gã khổng lồ tìm kiếm vẫn tiếp tục duy trì sự tăng trưởng một cách ổn định. Với doanh thu tiếp tục vượt qua kỳ vọng của các nhà phân tích trước đây.
Cụ thể, Q3/2015, Alphabet đã thu về 18,7 tỷ USD với 7,35 USD lãi trên mỗi một cổ phiếu, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự tăng trưởng mạnh mẽ, cùng với khoản tiền mặt 72,8 tỷ USD mà Alphabet nắm giữ đã cho phép công ty này đủ tự tin để mua lại 5,1 tỷ USD cổ phiếu của mình.
Điều này góp phần đẩy lượng giao dịch của cổ phiếu Alphabet lên mức kỷ lục và giúp cho giá cổ phiếu công ty tiếp tục tăng lên tới 12%, có lúc giá cổ phiếu đã chạm đỉnh 756 USD. Trong đó, mảng kinh doanh tìm kiếm và quảng cáo vẫn là cốt lõi của công ty mới, chiếm tới gần 90% tổng doanh thu.
Đóng góp một phần không nhỏ trong thành công của Alphablet phải kể tới Giám đốc tài chính Ruth Porat. Với chính sách chi tiêu hợp lý, tăng thu, giảm chi, bà đã giúp công ty thu về nhiều lợi nhuận hơn, lợi nhuận ròng của Alphablet tăng tới 45%. Và có kết quả là ngôi vị số 1 của Alphabet ngày hôm nay.