TP.HCM: Nhiều cơ hội thu hút đầu tư Nhật Bản
Hàng Việt hỗn loạn vì thiếu "nhạc trưởng"
U&I Logistics phát triển hệ thống kho ngoại quan lớn nhất Việt Nam
Thu hồi giấy phép mở văn phòng đại diện 2 ngân hàng Ấn Độ
Hơn 30 cán bộ hải quan tiếp tay chiếm đoạt tiền hoàn thuế
Tin kinh tế đọc nhanh 25-01-2016
- Cập nhật : 25/01/2016
Thu ngân sách từ dầu thô sẽ giảm xuống dưới 1% GDP
Thu ngân sách từ dầu thô giảm từ mức bình quân 5,2% GDP giai đoạn 2006-2010 xuống còn dưới 1% hiện nay...
Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nêu tại tham luận về tái cơ cấu ngân sách Nhà nước tại Đại hội Đảng 12.
Ngân sách tiếp tục khó khăn
Thời gian qua, tốc độ thu ngân sách tăng đến 11% nhưng có chậm so với 5 năm trước (20%), theo ông Tuấn có nguyên nhân do tỷ trọng thu từ dầu thô và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm mạnh.
Thu ngân sách từ dầu thô do giảm mạnh do sản lượng và giá không tăng, thậm chí giảm, còn thu từ xuất nhập khẩu giảm là do phải liên tục cắt giảm thuế để hội nhập.
Con số cụ thể được nêu tại tham luận là, giai đoạn 2006-2010, thu từ dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 11,1% GDP, giai đoạn 2011-2015 giảm còn khoảng 7% GDP, năm 2015 còn 5,3% GDP và dự toán 2016 là 4,3% GDP.
Trong đó, thu dầu thô giảm từ mức bình quân 5,2% GDP giai đoạn 2006-2010 xuống còn dưới 1% hiện nay (dự toán 2016 là 0,9% GDP). Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm từ mức bình quân 5,9% GDP giai đoạn 2006-2010 xuống còn 3,4% năm 2016.
Với giai đoạn 2016 - 2020, ông Tuấn nói, cân đối ngân sách nhà nước tiếp tục khó khăn, khả năng thu tăng không lớn, trong khi áp lực chi ngày càng tăng. Để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, cần thiết phải tái cơ cấu ngân sách.
Cụ thể, phấn đấu tỷ lệ huy động vào ngân sách trên GDP bình quân khoảng 20-21% GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 19-20% GDP; tỷ trọng thu nội địa đến năm 2020 đạt trên 80% tổng thu ngân sách nhà nước.
Ông Tuấn cũng cho biết, trong giai đoạn tới, dự kiến sẽ điều chỉnh chính sách thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, xuất nhập khẩu... theo hướng khuyến khích doanh nghiệp, người dân tích tụ để đầu tư cho phát triển, bảo hộ hợp lý sản xuất - kinh doanh trong nước và phù hợp với cam kết quốc tế; tăng cường quản lý và điều tiết hợp lý đối với tài nguyên, khoáng sản, đất đai.
Đồng thời, phấn đấu đến hết năm 2018 cơ bản hoàn thành quá trình sắp xếp, tái cơ cấu và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực này, tăng mức đóng góp cho ngân sách. Sử dụng một phần nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp cho đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục...
Giảm 10% chi thường xuyên
Về tái cơ cấu chi ngân sách, Thứ trưởng Tuấn nêu mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng chi thường xuyên giảm khoảng 10% so với dự toán năm 2015. Qua đó góp phần tăng chi đầu tư phát triển từ mức 17% dự toán chi ngân sách năm 2015 lên trên 20%, đảm bảo các nghĩa vụ chi trả nợ đến hạn.
Để giảm chi thường xuyên, từng cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% biên chế; chỉ tuyển dụng mới không quá 50% số biên chế đã thực hiện tinh giản và không quá 50% số biên chế nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định, ông Tuấn diễn giải.
Liên quan đến bội chi và nợ công, ông Tuấn cho biết sẽ giảm dần bội chi, tỷ lệ bội chi so với GDP giai đoạn 2016-2020 theo quy định của Luật Ngân sách hiện hành bình quân khoảng 4,9% GDP. Tính theo quy định của Luật ngân sách nhà nước (năm 2015) thì bình quân khoảng 4% GDP.
Việc cơ cấu lại ngân sách còn nhằm bảo đảm dư nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn quy định. Đến năm 2020, nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.
Ông Tuấn nêu rõ, để giải quyết một cách căn bản các vấn đề nợ Chính phủ cần có các giải pháp tổng thể, tiếp tục điều chỉnh cơ cấu ngân sách nhà nước theo hướng tăng thu, tiết kiệm chi, giảm bội chi.
Đồng thời cần tái cơ cấu nợ công theo hướng tăng tỷ trọng vay trung hạn và dài hạn với lãi suất phù hợp, rà soát để tái cơ cấu danh mục nợ nhằm kéo dài kỳ hạn nợ, giảm nghĩa vụ trả nợ lãi… kiểm soát chặt chẽ các khoản bảo lãnh Chính phủ, các khoản nợ của chính quyền địa phương, nợ xây dựng.
Bên cạnh đó là thống nhất công tác quản lý nợ nước ngoài, các khoản vay của Chính phủ vào một đầu mối nhằm theo dõi, quản lý và đánh giá hiệu quả sử dụng vốn đúng quy định.
Đâu là lý do khiến các Tập đoàn Hàn Quốc đổ bộ ngày càng mạnh mẽ vào Việt Nam?
Nhập khẩu từ Hàn Quốc tăng 27,4%, đạt 27,7 tỷ USD. Điều này phản ánh xu hướng dịch chuyển hoạt động sản xuất của các tập đoàn Hàn Quốc sang Việt Nam.
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội), mặc dù Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào lớn nhất của Việt Nam song các doanh nghiệp đang dần chuyển hướng nhập khẩu từ Hàn Quốc.
Kim ngạch xuất nhập khẩu đã tăng nhẹ trong Qúy IV/2015 khi xuất khẩu tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu tăng 2,6%. Theo đó, cán cân thương mại đã thặng dư nhẹ với 0,5 tỷ USD. Tính đến cuối năm 2015, cán cân thương mại ước tính thâm hụt khoảng 3,2 tỷ USD, tương đương 1,65% GDP.
Chuyển hướng nhập khẩu từ Hàn Quốc
“Lưu ý là cán cân thương mại của Việt Nam phụ thuộc khá lớn vào giải ngân vốn FDI cho nhập khẩu trang thiết bị sản xuất nên thường có biến động mạnh giữa các quý” – VEPR nhận định.
Như vậy, kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt 162,4 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2014. Trong đó, xuất khẩu chủ yếu vẫn nằm ở nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Xuất khẩu khu vực trong nước suy giảm 3,5%. Kim ngạch nhập khẩu tăng 12% đạt mức 165,6 tỷ USD.
Trung Quốc vẫn là thị trường đầu vào lớn nhất với 28,8% tổng kim ngạch. Tuy nhiên, năm 2015 tiếp tục chứng kiến xu hướng dịch chuyển nguồn hàng nhập khẩu của nước ta sang Hàn Quốc khi các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu sản phẩm từ nước này.
Theo đó, nhập khẩu từ Hàn Quốc tăng 27,4%, đạt 27,7 tỷ USD. VEPR cho rằng, điều này phản ánh xu hướng dịch chuyển hoạt động sản xuất của các tập đoàn Hàn Quốc sang Việt Nam.
Làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây và đặc biệt là năm 2015. Chiếm đến gần 30% trong tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong năm 2015, đầu tư của Hàn Quốc được xem là “hiện tượng”.
"Sóng" chuyển dịch sẽ mạnh hơn?
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm qua Hàn Quốc đã dẫn đầu về vốn FDI vào Việt Nam với 702 dự án cấp mới và 260 dự án tăng vốn, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 6,72 tỷ USD Mỹ. Kết quả tích cực này có được, là nhờ có những Tập đoàn lớn của Hàn Quốc rót vốn vào Việt Nam.
Đáng chú ý là Tập đoàn Samsung đã cam kết tiếp tục rót thêm 600 triệu USD vào dự án nghiên cứu phát triển và sản xuất các sản phẩm, thiết bị điện tử gia dụng tại khu công nghệ cao TPHCM, nâng vốn của dự án lên gần 2 tỷ USD. Kéo theo đó, hàng loạt các nhà cung cấp linh phụ kiên phụ trợ cũng đổ vốn vào Việt Nam để làm nhà cung ứng cho Samsung.
Dự án 1,5 tỷ USD của Tập đoàn LG được cấp phép ở Hải Phòng trước đây cũng đã tạo nên làn gió thu hút hàng chục nhà cung cấp khác từ Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam. Đây là lý do khiến cho việc nhập khẩu từ Hàn Quốc các nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị để xây dựng các nhà máy tăng cao.
Ngoài ra là lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ giải trí, cũng thu hút các doanh nghiệp lớn của Hàn QUốc. Điển hình là Tập đoàn Shinsegae đưa vào hoạt động đại siêu thị Emart đầu tiên với tổng vốn đầu tư khoảng 60 triệu USD. Các chuỗi rạp chiếu phim CGV, Lotte liên tục mở rộng kinh doanh và gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho rằng việc các nhà đầu tư Hàn Quốc nổi lên là tín hiệu tích cực để nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư vào Việt Nam. Bởi Hàn Quốc là nước có công nghệ hiện đại, nên sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao được chất lượng sản phẩm và nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu.
Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi các hiệp định thương mại tự do đang được đàm phán và ký kết chuẩn bị đi vào thực thi. Với việc nhập khẩu nguyên phụ liệu nhiều hơn từ Hàn Quốc, doanh nghiệp Việt Nam sẽ đáp ứng được vấn đề về nguyên tắc xuất xứ vốn lâu nay phụ thuộc vào Trung Quốc để có thể tận hưởng được các ưu đãi cắt giảm thuế quan.
Xúc tiến thương mại sẽ hỗ trợ tối đa DN mở rộng thị trường
Trong mức tăng trưởng 8,1% của kim ngạch xuất khẩu cả nước năm 2015, không thể không tính đến sự đóng góp của công tác xúc tiến thương mại. Dù còn khó khăn về kinh phí, nhưng công tác này vẫn sẽ hỗ trợ tối đa DN.
Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã có cuộc trao đổi với phóng viên về định hướng xúc tiến thương mại (XTTM) trong năm 2016.
Năm 2015 vừa qua, cùng với mức tăng trưởng 8,1% của kim ngạch xuất khẩu cả nước, ông đánh giá thế nào về vai trò của hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt là chương trình XTTM quốc gia năm 2015?
Ông Bùi Huy Sơn: Năm 2015 với sự hỗ trợ của chương trình XTTM quốc gia, sự hiện diện của sản phẩm xuất khẩu Việt Nam tại các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… ngày càng mở rộng.
Đồng thời, chương trình đã hỗ trợ DN tiếp tục quay trở lại thị trường Liên bang Nga, Đông Âu, tăng cường hoạt động tại các thị trường ngách như Mỹ Latin, Trung Đông, châu Phi, Lào, Myanmar… giúp các DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.
Nhiều chương trình XTTM tại khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo đã được tổ chức, đóng góp tích cực và hiệu quả trong việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, góp phần thúc đẩy thương mại, tạo lập kênh phân phối cung cấp sản phẩm thiết yếu, nâng cao đời sống cho người dân.
Cụ thể, chương trình đã hỗ trợ 8.850 lượt DN với 213.300 giao dịch và ký kết được một số hợp đồng kinh tế có tổng trị giá trên 858 triệu USD và khoảng 637,8 tỉ đồng; thu hút trên 3 triệu lượt khách tham quan và mua sắm tại các hội chợ XTTM.
Nhiều đơn vị, ngành hàng phản ánh chưa nhận được sự hỗ trợ từ công tác XTTM, nếu có cũng không đáng kể. Có thực tế này không, thưa ông?
Ông Bùi Huy Sơn: Nhiệm vụ của Cục XTTM cũng như các cơ quan XTTM trong cả nước là hỗ trợ cho khoảng 600.000 DN phát triển kinh doanh mở rộng thị trường. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chúng tôi đã gặp không ít khó khăn.
Mặc dù đã được Chính phủ quan tâm nhưng nguồn kinh phí cho hoạt động này thấp hơn rất nhiều so với yêu cầu của các đơn vị. Năm 2015, Bộ Công Thương tiếp nhận 389 đề án XTTM với tổng kinh phí đề nghị được ngân sách Nhà nước hỗ trợ là 240 tỉ đồng. Tuy nhiên, ngân sách chỉ bố trí được 100 tỉ đồng cho hoạt động này.
Năm 2016, Bộ Công Thương tiếp nhận 496 đề án (tăng 27% so với năm ngoái) với mức kinh phí đề xuất là 296,4 tỉ đồng, tuy nhiên chỉ được bố trí 90 tỉ đồng, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu.
Không chỉ có về kinh phí, một khó khăn nữa mà chúng tôi gặp phải là năng lực cạnh tranh của chính các DN khi tham gia các hoạt động XTTM còn hạn chế. Đồng thời, một số đơn vị chủ trì còn thụ động, phụ thuộc nhiều vào đơn vị cung cấp dịch vụ dẫn tới việc lựa chọn DN, hàng hóa tham gia hoạt động chưa đáp ứng được yêu cầu.
Vì những lý do đó, tôi cho rằng chúng ta không thể nghĩ đến việc tất cả các DN đều được hưởng hỗ trợ từ chương trình mà chỉ đáp ứng được phần nào.
Xin ông cho biết những công việc trong năm 2016 mà Cục XTTM hướng tới?
Ông Bùi Huy Sơn: Năm nay, định hướng của chương trình XTTM quốc gia nói riêng cũng như các chương trình XTTM nói chung là hỗ trợ cho DN Việt Nam tiếp tục khẳng định vị trí tại các thị trường nước ngoài; khai thác hiệu quả những cam kết mở cửa thị trường và các thỏa thuận thương mại tự do trong thời gian tới. Các thị trường trọng tâm mà chúng ta đã kí kết thỏa thuận như Liên minh châu Âu, các nước trongTPP, thị trường ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản… sẽ được ưu tiên hơn.
Chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ cho DN thuộc các nhóm ngành hàng có thế mạnh và những nhóm ngành hàng đang đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu như: công nghiệp hỗ trợ, phát triển phần mềm, công nghiệp cơ khí…
Xin cảm ơn ông!
Năm 2015, Việt Nam chi gần 50 tỷ USD mua hàng Trung Quốc
Đây là con số vừa được Tổng cục Hải quan đưa ra trong báo cáo "Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 12 và năm 2015" mới công bố.
Cụ thể, Tổng cục Hải quan cho biết, trong năm 2015, Việt Nam có trao đổi hàng hóa với hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong số các thị trường trên, số thị trường đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD của xuất khẩu là 29 thị trường với tổng kim ngạch là 147,36 tỷ USD, chiếm gần 90,9% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của cả nước.
Số thị trường đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD của nhập khẩu là 19 thị trường với tổng trị giá là 150,42 tỷ USD, chiếm 90,8% tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước.
Trong năm 2015, Trung Quốc tiếp tục là thị trường dẫn đầu về cung cấp hàng hóa cho Việt Nam với trị giá nhập khẩu hàng hóa từ thị trường này đạt 49,52 tỷ USD tăng 13.9% so với năm 2014.
Các mặt hàng chính nhập khẩu từ Trung Quốc trong năm 2015 bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 9,03 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2014; điện thoại các loại và linh kiện: 6,9 tỷ USD, tăng 8,7%; vải các loại: 5,22 tỷ USD, tăng 12,1%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: 5,21 tỷ USD, tăng 13,9%...
Năm 2015 hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ Hàn Quốc vào Việt Nam là 27,63 tỷ USD, tăng 27% so với năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng 5,1% của năm 2014.
Các mặt hàng chính nhập khẩu từ thị trường này bao gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện: 6,7 tỷ USD, tăng 33,5% so với năm 2014; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng: 5,11 tỷ USD, tăng 62,6%; điện thoại các loại và linh kiện: 3,02 tỷ USD, tăng 76%; sản phẩm từ chất dẻo: 1,07 tỷ USD, tăng 33,7%; sản phẩm từ sắt thép: 1,03 tỷ USD, tăng 28,8%...
Tiếp theo là các thị trường Nhật Bản với trị giá đạt 14,37 tỷ USD, tăng 11,15% so với năm 2014, Đài Loan với trị giá gần 11 tỷ USD giảm nhẹ 0,78%, Thái Lan với trị giá là 8,28 tỷ USD tăng 16,79%,…
Ở chiều ngược lại, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với 33,48 tỷ USD tăng 16,9% so với năm 2014, và là thị trường mà Việt Nam đạt thặng dư thương mại lớn nhất với 25,68 tỷ USD.
Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu sang Hoa Kỳ là hàng dệt may với trị giá gần 11 tỷ USD tăng 11,72% và chiếm 32,72% trị giá hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này, tiếp theo là giày dép các loại với trị giá trên 4 tỷ USD tăng 22,49%, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,83 tỷ USD tăng 33,68% so với năm 2014,…
Xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc lần lượt là 16,6 tỷ, tăng 11,2% và 8,93 tỷ, tăng 25,03% so với năm 2014. Bên cạnh đó xuất khẩu sang Nhật Bản giảm 3,8%, tương đương giảm 556 triệu USD so với năm 2014.
Kim ngạch, tốc độ tăng/giảm kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam theo châu lục, thị trường/khối thị trường năm 2015. Nguồn: Tổng cục Hải quan
Du lịch “mơ” thu về 370.000 tỉ đồng
Năm 2016, du lịch Việt Nam phấn đấu đón 8,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 60 triệu lượt khách du lịch nội địa.
Tuy đặt ra mục tiêu tổng thu từ khách du lịch đạt 370.000 tỉ đồng nhưng ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, thừa nhận năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam vẫn chưa cải thiện nhiều so với các quốc gia trong khu vực.
Nhiều hạn chế
Theo ông Tuấn, nguyên nhân chậm cải thiện năng lực cạnh tranh chủ yếu do nguồn lực phát triển của đất nước còn hạn chế, nhận thức xã hội về vai trò của du lịch chưa đầy đủ, liên kết giữa các bộ ngành, địa phương thiếu chặt chẽ, chưa tạo nên sức mạnh tổng hợp.
Người đứng đầu ngành du lịch cho rằng công tác quản lý điểm đến, bảo đảm an ninh và an toàn tại một số địa bàn trọng điểm chậm được cải thiện, tình hình vẫn diễn biến phức tạp. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa được đầu tư tương xứng, nguồn lực còn hạn chế, bị phân tán.
Bên cạnh đó, hoạt động quảng bá, xúc tiến còn thực hiện theo kế hoạch ngắn hạn, dàn trải, phối hợp công - tư chưa tốt. Công tác xây dựng đề án, quy hoạch định hướng, đề xuất chính sách phát triển mới chưa đáp ứng kịp yêu cầu của thực tiễn, chưa có tư duy đột phá chiến lược.
Còn theo nhận định của những chuyên gia trong ngành, sản phẩm du lịch chưa tạo ra đột phá mang tính sáng tạo và giá trị gia tăng cao. Liên kết, hợp tác phát triển du lịch còn yếu và tự phát. Tiềm năng, lợi thế so sánh để phát triển du lịch của nhiều địa phương chưa được khai thác hiệu quả. Tại một số địa phương, doanh nghiệp có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, hạ giá, trốn thuế.
Quảng bá thua xa Campuchia!
Để thu được 370.000 tỉ đồng, theo ông Tuấn, ngành du lịch có rất nhiều việc phải làm. Trong năm nay, Tổng cục Du lịch sẽ mở rộng thêm diện miễn thị thực cho khách quốc tế. Theo đó, thị thực sẽ không miễn theo quốc tịch mà khách mua tour trọn gói vào Việt Nam sẽ không cần visa. Những công ty du lịch lữ hành tổ chức tốt các tour trọn gói có thể đưa khách quốc tế vào Việt Nam với thủ tục đơn giản hơn. “Ngành du lịch kỳ vọng cú hích này sẽ thu hút khách nhiều hơn” - ông Tuấn nói.
Hiện nay, thị trường khách trọng điểm của Việt Nam là Tây Âu, Nga, Đông Bắc Á, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc chiếm 50% khách du lịch đến Việt Nam; các nước ASEAN (16%). Tuy nhiên, theo Tổng cục Du lịch, sắp tới sẽ đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm khách du lịch mới ở Bắc Mỹ, Ấn Độ… Bên cạnh đó, sẽ tăng cường liên kết quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước.
Ông Tuấn thừa nhận quảng bá, xúc tiến du lịch của Việt Nam thua xa Campuchia. Vì vậy, năm nay, công tác này đòi hỏi phải có những đổi mới mạnh mẽ để nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp và hiệu quả. “Tổng cục Du lịch đã chủ động rất nhiều so với các năm trước, như sớm công bố chương trình quảng bá, xúc tiến năm 2016 để các địa phương, doanh nghiệp phối hợp, cùng tham gia” - ông Tuấn nói.
Theo đó, sẽ có những thay đổi đáng kể trong “phân vai”: các bộ ngành quảng bá hình ảnh chung về đất nước, con người Việt Nam, thương hiệu du lịch; các địa phương quảng bá điểm đến; doanh nghiệp xúc tiến bán sản phẩm. Tài chính quảng bá không chỉ từ ngân sách mà khai thác từ các công ty lữ hành, hãng hàng không, đối tác trong và ngoài nước…