Thị trường chứng khoán Việt lại hoảng loạn
Sắc đỏ phủ đầy sàn khi vừa mở cửa phiên giao dịch sáng nay - Ảnh chụp màn hình
Sau phiên tăng điểm kỷ lục hôm qua, thị trường chứng khoán sáng nay 26.1 lại rơi vào phiên hoảng loạn, với độ rung lắc mạnh.
Sắc đỏ phủ đầy sàn khi vừa mở cửa phiên giao dịch, lệnh bán bị đẩy mạnh, các cổ phiếu lớn đồng loạt giảm giá. Cổ phiếu giảm giá không tập trung ở nhóm ngành nào mà lan trên diện rộng đã khiến chỉ số VN-Index có thời điểm mất đến gần 11 điểm.
Hầu hết cổ phiếu trụ cột đều giảm giá, có thể kể ra như VNM mất 3.000 đồng, xuống 115.000 đồng/CP; SSI giảm 400 đồng còn 20.500 đồng/CP; VCB giảm 1.200 đồng xuống 40.500 đồng/CP…
Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng trong tình trạng giảm tương tự trong đó PVS giảm 500 đồng xuống còn 14.000 đồng/CP; GAS giảm 900 đồng còn 33.300 đồng/CP; DPM giảm 300 đồng xuống 27.900 đồng/CP…
Lý do của sự hoảng loạn này là do bị ảnh hưởng từ chứng khoán thế giới. Trong phiên giao dịch đêm qua 25.1, chứng khoán Mỹ giảm mạnh do bị ảnh hưởng bởi giá dầu giảm 6% xuống dưới 30 USD/thùng trước thông tin công ty dầu mỏ Aramco của Ả Rập Xê Út chưa có kế hoạch giảm đầu tư làm thị trường tăng lo ngại về khả năng thừa cung toàn cầu.
Tuy nhiên, đến khoảng 9 giờ 30, các nhà đầu tư trong nước dần lấy lại bình tĩnh. Lực mua xuất hiện nên nhiều cổ phiếu "xanh" trở lại. Tính đến 10 giờ 30, VN-Index từng bước lấy lại từng nấc 4 điểm, 8 điểm, rồi hồi phục ở mức 542,59 điểm, tăng 0,24 điểm với 121 mã giảm giá, 60 mã tăng giá và 59 mã đứng giá. Nhưng nhà đầu tư chưa kịp vui bởi chỉ 10 phút sau thị trường đã giảm ngược 2,52 điểm, kéo VN-Index xuống còn 539,83 điểm. Chốt phiên sáng nay, VN-Index giảm 2,2 điểm so với phiên giao dịch kỷ lục hôm qua.
Đại diện Công ty chứng khoán HSC nhận định, về ngắn hạn, thị trường thế giới và thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng của giá dầu. Cổ phiếu bán khống khiến thị trường giảm hơn 10% trong thời gian qua hiện đang được mua lại. Chứng khoán Việt Nam có lẽ ổn định trở lại tương đối nhưng những khó khăn vẫn còn ở phía trước, giao dịch trên thị trường sẽ trầm lắng hơn khi Tết âm lịch đang đến gần.
Cháy hàng chống rét
Thị trường đồ chống rét tại Hà Nội sôi động hẳn lên trong hai ngày trở lại đây, khi nền nhiệt độ xuống dưới 10 độ C.
Quạt, túi sưởi cháy hàng
Anh Nguyễn Văn Tuấn, chủ cửa hàng quạt điện, quạt sưởi trên phố Nguyễn Lương Bằng thuộc quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, doanh số bán hàng trong khoảng 3 - 4 ngày nay tăng mạnh. Mỗi ngày, anh Tuấn bán được gần chục chiếc quạt sưởi, máy sưởi, tăng gấp 2 - 3 lần so với cuối tuần trước.
“Đến chiều 24.1, cửa hàng đã gần như "cháy" quạt sưởi. Loại được mua nhiều là quạt chạy bằng sợi đốt halogen, giá khoảng 500.000 đồng một chiếc. Riêng máy sưởi dầu loại 12 thanh đã "cháy" hàng từ ngày 23.1. Khách muốn mua phải chờ hàng nhập về thêm”, anh Tuấn cho biết.
Trên mạng xã hội và các diễn đàn mua bán, nhiều mặt hàng hàng chống rét cũng được chào bán, đặc biệt trong 2 ngày 23 và 24.1. Quạt sưởi mini có giá bán dưới 200.000 đồng một sản phẩm được giới học sinh, sinh viên ưa chuộng. Anh Quang, bán hàng này trên mạng xã hội cho biết, hai ngày gần đây, khi Hà Nội rét đậm, khách hỏi mua rất nhiều.
Theo người bán, quạt mini có xuất xứ Trung Quốc, có dây cắm trực tiếp vào nguồn điện 220V nên làm ấm rất nhanh. “Chủ yếu khách mua là học sinh, sinh viên vì quạt chỉ nặng chưa đến 500 gam, rất nhỏ gọn, tiện mang trong túi đi học. Từ chiều 24.1, hàng đã hết, tôi phải gọi điện trên kho nhờ đặt thêm”, anh Quang cho biết.
Các loại túi sưởi ấm có hình ngộ nghĩnh cũng là mặt hàng bán chạy trong những ngày này. Ngoài các mẫu thông thường như năm trước, thị trường túi sưởi năm nay xuất hiện mẫu mới hình xe hơi, người nhện, gấu bông... với kích thước tương đối lớn. Giá bán dao động 150.000 - 180.000 đồng một chiếc. Thương, nhân viên bán hàng của một shop túi sưởi tại Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết, chỉ trong ngày 24.1, tính cả khách hàng ở nội thành và các tỉnh khác, chị bán được 50 chiếc. Túi sưởi hàng nội địa giá rẻ hơn, từ 70.000 - 120.000 đồng, được bán nhiều ở các hiệu thuốc.
Chị Trần Thị Hảo, nhân viên một quầy thuốc trên phố Giải Phóng quận Hoàng Mai, Hà Nội cho hay, đến chiều 23.1, chị đã phải nhập thêm một đợt hàng mới gần 50 chiếc túi sưởi để bán, nhưng vẫn thiếu hàng.
“Khách mua rất nhiều, chủ yếu là người nhà bệnh nhân. Nhiều người mua một lúc 2 - 3 cái để chống rét”, chị nói. Hiện tại, nguồn hàng chị Hảo hay nhập về cũng đã giới hạn số đơn hàng, nên trong ngày 24.1, chị chỉ nhập được hơn 20 chiếc.
Chăn bông, chăn điện đua khuyến mại để hút khách
Các điểm bán chăn đệm cũng là nơi thu hút khách trong khoảng 2 ngày trở lại đây. Tại dãy cửa hàng chăn ga trên phố Nguyễn Lương Bằng, Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội, buổi tối là thời gian sôi động nhất. Người mua, bán tấp nập. Các cửa hàng tung ra chương trình giảm giá, khuyến mại để câu kéo khách mua.
Một nhân viên bán hàng tại cửa hàng trên phố nguyễn Lương Bằng cho biết, lượng hàng tiêu thụ tăng mạnh so với những ngày trước. Đắt hàng nhất là ruột chăn bông siêu nhẹ, giá dao động 350.000 - 600.000 đồng/chiếc. “Sản phẩm này năm ngoái đã có, nhưng năm nay nhiều mẫu mã đa dạng hơn nên khách hàng khá chuộng”, chị chia sẻ. Chỉ trong hai ngày rét đậm, chị bán được 15 chiếc các loại. Các cửa hàng bên cạnh, theo quan sát của Thanh Niên, cũng khá đông khách, đặc biệt vào khoảng 20 giờ trở ra.
Chị Hương, bán chăn đệm tại phố Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, các công ty đệm đang chiết khấu khá lớn cho đại lý do đây là thời điểm bán hàng chạy nhất trong năm. Tại cửa hàng của chị, đệm được chiết khấu 20 - 30% so với giá niêm yết, chủ yếu bán buôn cho các đại lý ngoại thành và tỉnh lẻ. Trong hai ngày rét đậm, lượng hàng tiêu thụ bằng cả tháng cộng dồn.
Năm nay, loại chăn điện, đệm điện được quảng cáo là xuất xứ Hàn Quốc cũng được thị trường chuộng mua. Nhân viên bán hàng một cửa hàng chăn điện trên phố Hồ Đắc Di ở quận Đống Đa, Hà Nội thông tin, loại này vẫn giữ giá 800.000 - 900.000 đồng một chiếc, không tăng so với năm ngoái. Khách mua chủ yếu là gia đình có người già.
“Chăn điện này khá an toàn, chứ không như nhiều người đồn đoán là giật chết người. Năm ngoái, thị trường trầm lắng vì các tin đồn như vậy nhưng sang năm nay, đặc biệt trong 2 ngày rét đậm, lượng tiêu thụ đã khá hơn”, chị này cho biết. Trong ngày 24.1, chị bán được 3 chiếc chăn, sau thời gian dài chỉ có khách hỏi mua chăn lông thông thường.
Vàng nóng lên sau đợt bán tháo 15.000 tỉ USD của chứng khoán thế giới
Vàng nóng lên sau đợt bán tháo 15.000 tỉ USD của chứng khoán thế giới
Đợt lao dốc 15.000 tỉ USD tính từ tháng 5.2015 của thị trường chứng khoán toàn cầu đang khiến vàng dần trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn.
Các quỹ đầu tư tăng gấp đôi mức nắm giữ vàng của họ trong tuần trước, chỉ ba tuần sau khi từng bi quan nhất từ trước đến nay. Lượng vàng được các nhà đầu tư nắm giữ thông qua các sản phẩm trao đổi giao dịch đang gia tăng với tốc độ nhanh nhất trong một năm.
Vàng trở lại là một nơi trú ẩn an toàn cho tài sản sau thời gian bị bỏ qua trong năm ngoái, khi cuộc tấn công khủng bố Paris xảy ra hồi tháng 11 và cuộc đàm phán cứu trợ Hy Lạp diễn ra trong tháng 7. Hôm 20.1, giá vàng thế giới là 1.109,2 USD/ounce, theo Channel NewsAsia.
“Nhà đầu tư đã và đang trở nên “bội thực” về các rủi ro, cho dù đó là địa chính trị hay kinh tế vĩ mô. Thứ đã không còn được ưa thích nay có thể quay trở lại. Không khí hoàn toàn bình tĩnh và yên lành, theo tôi nghĩ, là đang bắt đầu biến mất. Vàng đứng xa rủi ro thương mại, và tôi cho rằng mọi người đang rất, rất cẩn trọng tại các vị trí rủi ro mà họ đang có ở một số thị trường khác”, George Milling-Stanley, chuyên gia về đầu tư vàng ở hãng tư vấn State Street Global Advisors, người giám sát 2.400 tỉ USD, cho hay.
Bloomberg cho hay giới đầu tư đã đổ 926 triệu USD vào các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) được hỗ trợ bởi kim loại quý từ đầu năm đến nay. Đó là tốc độ gia tăng trong một tháng lớn nhất một năm. Lượng vàng mà các quỹ đầu tư ETP (quỹ giao dịch trao đổi sản phẩm tài chính) nắm giữ lên đến gần 1.500 tấn trong tuần trước, đây là mức cao nhất kể từ tháng 11.2015.
Giá vàng giảm 10% trong năm ngoái khi nhà đầu tư chờ đợi đợt tăng lãi suất lần đầu tiên trong một thập niên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Lãi suất cao hơn kiềm chế độ hấp dẫn của vàng vì nó không phải là một kênh đầu tư có trả lãi suất.
Trung Quốc hưởng lợi 460 tỉ USD nhờ giá hàng hóa rẻ
Trung Quốc hưởng lợi 460 tỉ USD nhờ giá hàng hóa rẻ
Nỗi đau giá cả hàng hóa rẻ đã và đang lan khắp nhiều nước từ Brazil đến Nam Phi. Ngược lại, Trung Quốc, nước thường được cho là nguyên nhân khiến nhu cầu hàng hóa sụt giảm, hiện hưởng lợi lớn nhất.
“Trung Quốc là người chiến thắng lớn giữa lúc giá cả hàng hóa lao dốc. Một phần lớn của tình thế thuận lợi trên được chuyển sang cho người dân trong nước”, chuyên gia về khu vực châu Á Kenneth Courtis thuộc ngân hàng Goldman Sachs, nhận định.
Bloomberg cho hay theo ước tính của chuyên gia Kenneth Courtis, khoản tiết kiệm hằng năm mà Trung Quốc có được nhờ giá hàng hóa rẻ vào khoảng 460 tỉ USD. 320 tỉ USD trong số này là nhờ giá dầu thô thấp và phần còn lại là từ các loại năng lượng khác, kim loại, than và hàng nông sản.
Lợi ích của tình hình giá hàng hóa thế giới đang thể hiện rõ trong nền kinh tế Trung Quốc, đẩy giá cả đi xuống hoặc bình ổn giá cả của mọi thứ từ xăng dầu, nhiên liệu sưởi ấm đến chi phí vật liệu tại các nhà máy. Điều này cũng thúc đẩy những nỗ lực tái cấu trúc mô hình tăng trưởng của nước này sang hướng phụ thuộc nhiều hơn vào tiêu dùng và dịch vụ.
“Điều đó thể hiện trong lạm phát giá tiêu dùng thấp và nhiều món hàng mà các hộ gia đình có thể mua được. Các công ty sản xuất có thể còn có lợi nhuận đi lên chậm hơn nếu không có chuyện giá hàng hóa thấp”, cựu chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) kiêm nhà kinh tế chuyên về châu Á Louis Kuijs thuộc Oxford Economics tại Hồng Kông, cho hay.
Trung Quốc tiết kiệm được 188 tỉ USD trong chi phí nhập khẩu vào năm ngoái khi tính đến 10 loại hàng hóa nhập khẩu khác nhau, từ đậu nành đến khí đốt tự nhiên. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết trong tháng này: “Tình hình này cắt giảm đáng kể chi phí các công ty trong nước và cải thiện hiệu suất”.
Bằng cách giúp lạm phát ổn định, giá cả hàng hóa sụt giảm cũng tạo cho giới hoạch định chính sách Đại lục thêm nhiều khả năng để nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng vốn đang ở mức thấp nhất trong vòng 25 năm qua. Hóa đơn nhập khẩu nhỏ hơn cũng giúp thặng dư thương mại leo đến 594,5 tỉ USD năm 2015, giảm thiểu luồng vốn thoái đã và đang gây áp lực lên nhân dân tệ.
Trung Quốc tận dụng giá cả thấp để nhập khẩu lượng dầu thô kỷ lục trong năm ngoái khi giá cả lao dốc làm tăng nhu cầu từ các nhà máy lọc dầu và thúc đẩy dự trữ. Quốc gia Đông Á cũng nhập khẩu kỷ lục quặng sắt, đậu tương và quặng đồng
Chỉ có Mỹ mới cứu được thị trường dầu thô thế giới?
Chỉ có Mỹ mới cứu được thị trường dầu thô thế giới?
Giá dầu đã phục hồi một chút trong ba ngày giao dịch gần đây nhất, nhưng vẫn còn thấp hơn 70% so với thời điểm tháng 6.2014. Trong lúc này, Mỹ là nước duy nhất có thể thay đổi tình hình.
Trong ba ngày từ 20 đến 22.1, giá dầu phục hồi gần 25%. Song tính từ mức của hồi tháng 6.2014, giá dầu vẫn giảm khoảng 70%. Đã có sự hồi phục, nhưng triển vọng dài hạn cho giá dầu vẫn không tránh khỏi nhiều áp lực. Mỹ là nước duy nhất có thể thay đổi bối cảnh hiện tại.
Chuyên gia Ed Morse thuộc Citigroup cho hay: “Mỹ có thể giải cứu bằng cách đảo ngược sự mất cân đối cung - cầu đã dẫn đến chuyện giá cả lao dốc. Giá dầu thấp hơn là cần thiết để điều chỉnh nguồn cung, nhưng các nước thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và nhà sản xuất ngoài Mỹ đã im lặng trong thời gian qua. Một trong những dự báo ảm đạm là điều này sẽ còn tiếp tục và đem lại gánh nặng đối với sản lượng dầu thô Mỹ trong việc cân bằng thị trường trong ngắn hạn”.
Dù đã tăng trong vài ngày qua, mức giá khoảng 30 USD/thùng dầu thô hiện tại vẫn thấp hơn đáng kể so với mức giá dầu mà giới đầu tư dự báo vài năm trước đây. “Trừ phi sản lượng giảm đột ngột trong 3 - 6 tháng tới, rất khó để nhìn thấy chiều đi lên của giá dầu”, ông Morse viết thêm trong một ghi chú gửi đến các nhà đầu tư, đồng thời cắt giảm dự báo giá cho dầu Brent.
13 nước thuộc OPEC đã từ bỏ chính sách hạn chế sản lượng đã từng điều chỉnh giá dầu vào năm 2014, để mặc giá cả lao dốc nhằm siết chặt thị phần của các đối thủ cạnh tranh.
Chuyên gia Morse cho hay: “Gánh nặng cân bằng thị trường dầu mỏ lớn nhất đặt lên Mỹ. Tính đến nay, trong cuộc chiến dầu thô của ba phe: OPEC, nhà sản xuất dầu đá phiến và các nhà sản xuất khác, chỉ có dầu đá phiến là nao núng. Điều này khẳng định vai trò của họ như một nhà sản xuất có thể hành động nhanh chóng nhằm cắt giảm hoạt động khoan dầu, gia tăng giá cả”.
Chuyện các nhà sản xuất dầu đá phiến phải hành dộng để cắt giảm sản lượng là cần thiết, chứ không hẳn là sự lựa chọn. Morgan Downey, CEO hãng Money.net kiêm tác giả sách Dầu 101, cho hay trên trang Business Insider rằng Ả Rập Xê Út đã thêm 500 tỉ USD dự trữ tiền mặt khi giá bắt đầu giảm, và biết rằng nhà sản xuất dầu đá phiến dễ tổn thương nhất vì họ có nợ cao.
Hôm 21.1, báo cáo mới nhất từ hãng dịch vụ dầu mỏ Schlumberger đưa ra nhiều thông tin cho thấy các khách hàng lớn nhất của hãng đang kẹt tiền mặt chi tiêu. Công ty sa thải thêm 10.000 người trong quý này, nâng tổng số nhân viên mất việc lên 30.000 người.
Morgan Downey cho biết: “Các nhà sản xuất với chi phí cao đang bị xóa sổ từ từ, chắc chắn. Điều này sẽ khiến giá dầu phục hồi trở lại trong một năm hay một năm rưỡi tới”.
(
Tinkinhte
tổng hợp)