Philippines kế hoạch nhập khẩu 250.000 tấn gạo trong quý 3
Thị trường que hàn: Hàng nội đáp ứng tới 80%
Nhu cầu sụt giảm, ngành than gặp khó
Sôi động thị trường lúa nếp
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 24-04-2016
- Cập nhật : 24/04/2016
Volkswagen mất 18 tỉ USD sau bê bối phần mềm khí thải
Bê bối phần mềm gian lận trong kiểm định khí thải của nhà sản xuất ô tô Đức Volkswagen đã khiến doanh nghiệp này thiệt hại khoảng 16 tỉ euro (18 tỉ USD) để giải quyết khủng hoảng.
Volkswagen mất tới 18 tỉ USD để giải quyết khủng hoảng liên quan phần mềm gian lận trong kiểm định khí thải ô tô - Ảnh: Businessinsider
Đó là chưa kể “dư chấn” của bê bối sẽ còn buộc các lãnh đạo cao cấp của Volkswagen bị cắt giảm lương, thưởng tới 39% trong vài năm nữa, theo CNN.
Ngày 22-4, tập đoàn Volkswagen công bố kết quả kinh doanh năm 2015 với mức lỗ ròng 5,5 tỉ USD (6,2 tỉ USD). Đồng thời cho biết hãng phải dành riêng ngân sách 16,2 tỉ euro (18,2 tỉ USD) để giải quyết hậu quả scandal phần mềm gian lận trong kiểm định khí thải.
Đó là khoản tiền nhiều gấp đôi so với dự tính ban đầu của hãng xe Đức. Trước đó họ ước phải chi khoảng 6,7 tỉ euro để giải quyết khủng hoảng.
Vào giai đoạn đỉnh điểm của bê bối phần mềm gian lận, Volkswagen bị giảm 2% doanh số bán xe năm 2015. Tập đoàn này kỳ vọng doanh số bán năm nay sẽ duy trì được ở mức như năm ngoái.
Volkswagen cũng cho biết họ sẽ không công bố những kết quả điều tra về bê bối phần mềm gian lận vào cuối tháng này như ban đầu thông báo. Lý do việc đưa ra những kết quả tạm thời sẽ gây ra những nguy cơ không cần thiết cho tập đoàn.
Trong một thông báo khác, Volkswagen nói hãng sẽ cắt giảm mức lương, thưởng với các lãnh đạo tập đoàn trong nhiều năm, mức giảm tới 39%.
Microsoft và Google thỏa thuận "chung sống hòa bình"
Hai tập đoàn công nghệ hàng đầu của thung lũng Silicon đã đạt được thỏa thuận chấm dứt kiện tụng nhau ra tòa trên phạm vi toàn thế giới.
Theo The Verge, cùng với thỏa thuận trên, hai bên cũng nhất trí sẽ giải quyết mọi tranh chấp, xung đột bằng cách cùng nhau bàn bạc để đi tới giải pháp chung.
Trong thông báo gửi tới trang Recode, cả Google và Microsoft cho biết, thay vì việc mất thời gian, tiền bạc cho những tranh tụng trước tòa, hai bên sẽ dành tâm huyết và nguồn lực cho việc nghiên cứu, sáng chế các sản phẩm tốt nhất.
Thông báo của Google nêu rõ: “Hai công ty chúng tôi vẫn sẽ cạnh tranh rất quyết liệt, nhưng chúng tôi muốn tập trung sự cạnh tranh đó vào chất lượng sản phẩm chứ không phải vấn đề pháp lý”.
Người đại diện cho Microsoft cũng có những quan điểm tương đồng khi tuyên bố: “Microsoft đồng ý từ bỏ những khiếu nại liên tục chống lại Google, điều này cho thấy những ưu tiên pháp lý thay đổi của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục cạnh tranh quyết liệt với nhau về việc kinh doanh và chiếm lĩnh khách hàng”.
Đây là lần thứ hai trong một năm qua Microsoft và Google tuyên bố đồng thuận trong việc chấm dứt những khiếu nại pháp lý chống lại nhau. Hai bên cũng đã chấm dứt cuộc chiến pháp lý liên quan tới bản quyền hệ điều hành Android vào tháng 9 năm ngoái.
Hơn 30% nữ giới làm chủ doanh nghiệp thành lập mới
Trong hơn 171.000 doanh nghiệp được thành lập mới trong giai đoạn 2011-2015, có khoảng 53.000 doanh nghiệp do nữ làm đại diện pháp luật.
Đó là một trong những kết quả thống kê công tác bình đẳng giới được nêu ra tại hội nghị sơ kết năm năm thực hiện chiến lược, chương trình quốc gia về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ tại TP.HCM giai đoạn 2011-2015, diễn ra sáng 22-4.
Theo đó, trong hơn 171.000 doanh nghiệp được thành lập mới trong giai đoạn 2011-2015, có khoảng 53.000 doanh nghiệp do nữ làm đại diện pháp luật.
Tuy nhiên tỉ lệ nữ giới tham gia cấp ủy Đảng chỉ đạt hơn 20% ở cấp quận, huyện và đạt gần 22% ở cấp TP mặc dù được đánh giá có chuyển biến tích cực.
Một trong những kết quả đáng lưu ý khác là công tác hạn chế tình trạng nạo phá thai cũng có kết quả tích cực khi tỉ lệ nạo phá thai đã giảm rõ rệt, hiện ở mức 45,3/100 trẻ sinh ra còn sống (cứ 100 trẻ em sinh ra còn sống thì có 45,3 ca phá thai) so với mức 52,36/100 năm 2013.
Tại hội nghị, bà Võ Thị Dung - ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, trưởng Ban tổ chức Thành ủy TP.HCM - nhận định: công tác bình đẳng giới còn nhiều hạn chế, đặc biệt là công tác tăng cường nhận thức của hệ thống chính trị.
Ngoài ra theo bà Dung, không chỉ quan tâm đến bình đẳng giữa nam và nữ mà còn cần phải lưu ý đến việc cân bằng chăm lo phúc lợi giữa nữ giới nội thành và ngoại thành.
Không tăng thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp
Một trong những giải pháp đảm bảo chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế là không nên tăng bất kỳ loại thuế, phí nào.
Hôm 22-4, tại hội thảo công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý 1 của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức, ông Nguyễn Đình Cung - viện trưởng CIEM - cho rằng một trong những giải pháp đảm bảo chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế là không nên tăng bất kỳ loại thuế, phí nào.
Theo ông Cung, nếu Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2016 và những năm tới, điều quan trọng là tăng trưởng như thế nào, tức là phải chú trọng đến chất lượng chứ không nên đặt nặng về tốc độ.
Thực tế, cách thức tăng trưởng của VN chưa thay đổi gì so với 5-10 năm trước, tăng trưởng thấp mà tăng sản lượng khai thác dầu thô như đã làm một vài năm nay không mang lại ý nghĩa gì với nền kinh tế nói chung.
Từ năm 2014 đến nay, số DN phá sản, giải thể, ngừng hoạt động tăng cao, trong đó riêng quý 1-2016 có tới hơn 22.000 DN tạm ngừng sản xuất kinh doanh. Do đó theo ông Cung, để tăng trưởng thực chất, cần phải tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo cho DN phải phát triển ổn định và bền vững.
Những giải pháp trước mắt và lâu dài là cần phải xử lý dứt điểm nợ xấu để giảm lãi suất cho vay; Chính phủ không điều chỉnh bất cứ loại thuế, phí nào, nhất là không tăng phí giao thông BOT.
Cùng chia sẻ quan điểm, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, đề nghị Chính phủ cần tập trung vào giảm chi phí cho DN, bởi việc giảm thời gian nộp thuế cũng không giúp được DN bao nhiêu khi thuế, phí vẫn tăng thêm. Theo dự báo được CIEM đưa ra tại hội thảo, tăng trưởng GDP quý 2-2016 dự kiến đạt 6,17% và lạm phát 0,73%.
Tận dụng vốn Nhật để đổi mới mô hình tăng trưởng
Chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản và VN tại hội nghị “Xúc tiến đầu tư và du lịch VN - Nhật Bản”, diễn ra tại TP.HCM ngày 22-4.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng các doanh nghiệp Nhật đã lựa chọn TP.HCM như một điểm đến ưu tiên trong làn sóng đầu tư ra bên ngoài đối với các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, dược phẩm và du lịch...
Theo ông Phong, đây là một trong những nguồn lực quan trọng giúp TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, đồng thời khẳng định TP.HCM luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Nhật Bản đến đầu tư, kinh doanh lâu dài và có hiệu quả.
Cũng tại hội nghị, ông Masuda Chikahiro, phó trưởng đại diện JICA VN, cho rằng tỉ lệ nội địa hóa của VN chỉ khoảng 30%, khá thấp so với các nước khác dẫn đến chi phí sản xuất còn cao, cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp Việt còn hạn chế.
Dù khẳng định xu hướng đầu tư của Nhật Bản vào VN thời gian tới sẽ còn tiếp tục tăng nhanh, nhưng ông Masuda Chikahiro cho rằng việc tiếp tục cải cách, tạo môi trường đầu tư VN thông thoáng hơn là rất quan trọng.