Ô tô Toyota bán chạy kỷ lục khi Mỹ - Trung đối đầu về thương mại; Nợ nước ngoài đang tăng vì tỷ giá; Nhiều doanh nghiệp báo lỗ trăm tỷ
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 13-12-2015
- Cập nhật : 13/12/2015
Cục Hải quan TP.HCM “bêu tên” 86 doanh nghiệp nợ thuế
Cục Hải quan TP.HCM vừa công bố danh sách 86 doanh nghiệp (DN) nợ đọng thuế, trong đó DN có số nợ lớn nhất là Công ty CP XNK và dịch vụ Cảng Sài Gòn (Q.4) với số nợ hơn 33,3 tỉ đồng.
Tiếp đến là Công ty TNHH thương mại Mai Khôi (Q.7) nợ hơn 22 tỉ đồng. Xếp thứ ba là Công ty TNHH MTV An An Gia (Q.1) nợ hơn 5,3 tỉ đồng. Có đến năm DN có số nợ thuế hơn 4 tỉ đồng và sáu DN có số nợ từ 2,1-3 tỉ đồng, 35 DN nợ từ vài trăm triệu đến 1,8 tỉ đồng. Còn lại là DN nợ vài triệu đến hơn 100 triệu đồng.
Theo Cục Hải quan TP.HCM, trong quá trình làm thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, nhiều DN không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho ngân sách. Khi cơ quan hải quan đôn đốc thu hồi nợ, DN cố tình chây ỳ hoặc khi đến địa phương thì DN đã ngừng hoạt động, bỏ địa chỉ đăng ký kinh doanh, gây khó khăn cho cơ quan trong công tác thu hồi nợ để nộp cho ngân sách.
Cùng với việc bêu tên DN, Cục Hải quan TP cũng đề nghị cơ quan công an giúp truy tìm DN trong trường hợp DN tự ý ngừng hoạt động, đi khỏi địa chỉ kinh doanh. Đồng thời Cục Hải quan cũng đề nghị Cục Thuế thu hồi hóa đơn của DN, Sở Kế hoạch - đầu tư không cấp phép giải thể DN và đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại phong tỏa tài khoản của các DN có tên trong danh sách nợ thuế này.
Trung Quốc nhập khẩu trở lại tôm sú sống của Việt Nam
Tổng cục Giám sát chất lượng kiểm nghiệm kiểm dịch quốc gia Trung Quốc (AQSIQ) cho biết đã chính thức khôi phục việc nhập khẩu tôm sú sống từ Việt Nam kể từ ngày 7/12.
Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cho biết, kể từ ngày 5/2/2015, Trung Quốc đã tạm ngừng nhập khẩu tôm sú sống của Việt Nam với lý do tiếp tục phát hiện virus gây bệnh trên tôm.
Trong suốt thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc thúc đẩy phía Trung Quốc khẩn trương gỡ bỏ lệnh cấm này.
Kết quả là đến ngày 7/12 vừa qua, Tổng cục Giám sát chất lượng kiểm nghiệm kiểm dịch quốc gia Trung Quốc (AQSIQ) đã chính thức khôi phục việc nhập khẩu tôm sú sống từ Việt Nam.
Theo đó, 4 doanh nghiệp của Việt Nam là Anh Nhan Trading Production Co.,Ltd (ANPRO)/79-002-DG; Branch of Anh Nhan Trading Production Co., Ltd - Hoang Anh Factory /TS 792; TUONG HUU Co., LTD / SG/003NL và Live Seafood Factory - HOANG HA International Logistics Joint Stock Company/ SG/001NL đã có thể tiếp tục xuất khẩu tôm sú sống sang Trung Quốc theo phương thức thương mại quốc tế.
Với kết quả đàm phán, Bộ Công thương thông báo cho các doanh nghiệp, hộ nuôi trồng trong nước có thể sớm khôi phục lại sản xuất kinh doanh, xuất khẩu trong dịp cuối năm. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng tôm xuất khẩu sang Trung Quốc, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp, hộ nuôi trồng tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt chẽ chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và vấn đề dịch bệnh trên tôm từ khâu nuôi trồng, vận chuyển đến chế biến.
Philippines có kế hoạch tăng nhập khẩu gạo trong năm 2016
Philippines đang có kế hoạch tăng nhập khẩu gạo trong năm 2016 bên cạnh mức nhập khẩu như mọi năm để chuẩn bị ứng phó những nguy cơ mà hiện tượng thời tiết El Nino có thể gây ra.
Ông Herminio Coloma Jr., Thư ký Văn phòng truyền thông của Tổng thống Philippines, cho biết vấn đề tăng lượng thóc gạo "đệm" dự phòng thông qua nhập khẩu là một trong những chỉ thị của Tổng thống Benigno Aquino trong buổi họp với Nội các bàn về các nỗ lực làm giảm thiểu những tác động tiêu cực của hiện tượng El Nino.
Theo Thư ký Cơ quan phát triển kinh tế quốc gia Philippines Arsenio Balisacan, Hội đồng Cơ quan Lương thực quốc gia (NFA Council) đã quyết định nhập khẩu thêm 300.000 đến 400.000 tấn gạo để bổ sung vào kho dự trữ và nguồn thóc gạo nội địa.
Dự kiến, các hoạt động nhập khẩu sẽ bắt đầu vào quý 2/2016 và với số lượng lớn hơn mức trung bình mọi năm.
Ông Coloma nhấn mạnh những ảnh hưởng của hiện tượng El Nino sẽ được cảm nhận rõ nhất vào các tháng Hai và tháng 3/2016, với dự kiến lượng mưa ở Philippines ước sẽ giảm đến 70% so với mọi năm.
Theo một số cơ quan nghiên cứu của nước này, kịch bản xấu nhất là những tác động của đợt El Nino này có thể tồi tệ hơn đợt El Nino mà Philippines đã trải qua vào năm 1997-1998.
Hơn 1.000 DN vận tải có nguy cơ tê liệt vì thông báo cấm đường
Các DN tỏ ra bức xúc khi cho rằng các cơ quan đã không tôn trọng hơn 1.000 DN kinh doanh vận tải trên địa bàn TP Hải Phòng.
Trước đó, ngày 5-12, các DNVT Hải Phòng nhận được Thông báo số 1005 (ngày 1-12 của Bộ GTVT) nêu kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường về kiểm điểm tình hình thi công, sửa chữa mặt đường quốc lộ (QL) 5. Theo đó, sau ngày thông xe đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đến ngày 25-2-2016 (thời điểm dự kiến sửa chữa xong QL5), tất cả xe tải trên 15 tấn từ cảng Đình Vũ đi theo đường cao tốc mới không đi vào QL5 cũ. Thông báo này đã ảnh hưởng tới hơn 1.000 DN kinh doanh vận tải, xăng dầu, kho bãi ở Hải Phòng; chặn con đường lưu thông huyết mạch vào cảng Hải Phòng để lưu thông hàng hóa là đường Nguyễn Văn Linh và đường Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Phần lớn kho, bãi của TP Hải Phòng nằm trên tuyến đường bị cấm là Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: ĐT
Theo các đơn vị, ngày 5-12, hầu hết các DNVT mới nhận được thông báo của Bộ GTVT, ngày 6-12 cấm đường. Các đơn vị không kịp trở tay. “Với mức phí như hiện nay, các DN đang phải trả phí 640.000 đồng/chuyến hàng đối với một xe đầu kéo. Trong khi đó, chạy đường cao tốc mức phí đó lên tới 1.680.000 đồng/chuyến, giá cước không thể thương thảo với khách hàng để tăng được. Rồi khi chúng tôi muốn trả hàng ở Hải Dương, Hưng Yên và các khu vực khác sẽ lại phải chạy ngược ra QL5 cũ, lại chịu phí đường bộ ở QL5 và thêm tiền dầu, nhân công. Chúng tôi không thể làm như vậy được” - ông Đặng Văn Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hải Phòng, cho hay.
Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hải Phòng Mai Xuân Phương phân tích: “Thời gian qua, khi thi công sửa chữa QL5, đoạn vào khu vực cảng Hải Phòng gây ùn tắc và mất an toàn giao thông nên chúng tôi tham mưu cho UBND TP Hải Phòng cấm đường để đảm bảo tính mạng người lưu thông trên đường. Việc phân luồng các xe trên 15 tấn đi đường cao tốc là hợp lý”.
Tuy nhiên, sau khi nghe các DN phản ánh, đại diện cho Cục Quản lý đường bộ 1, thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cũng cho rằng thông báo của Bộ GTVT cấm đường là bất hợp lý.
“Không nên cưỡng bức tất cả xe tải đi vào đường cao tốc. Đường cao tốc Hải Phòng - Hà Nội hiện tại đang là tuyến đường “xịn” nhất của Việt Nam nhưng thực tế, ngay cả chúng tôi cũng công nhận là các xe tải khó mà dám đi vào con đường này. Ngày 11-12, đoàn công tác của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về Hải Phòng làm việc cũng thấy cả tuyến đường hơn 100 km, đường đẹp, thoáng nhưng vì nhiều lý do, chỉ có một xe tải chạy trên con đường đó. Chúng ta chỉ có thể khuyến cáo các phương tiện vận tải hạn chế vào đoạn đường đang sửa chữa hoặc cấm các phương tiện di chuyển vào một số giờ nhất định để thi công. Cạnh đó, chúng ta phải tính đến phương án giảm phí đường bộ trên đường cao tốc” - một vị đại diện của Tổng cục Đường bộ Việt Nam nêu ý kiến.
Trước nhiều ý kiến, ông Mai Xuân Phương cam kết sẽ bàn bạc và tư vấn cho UBND TP Hải Phòng phương án giải quyết…
Bảo vệ quyền lợi các nhà đầu tư theo tiêu chuẩn quốc tế
Theo bà Yến, Việt Nam vừa kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN. Đây là thông điệp khẳng định Việt Nam sẵn sàng đón nhận các nhà đầu tư, quyền và lợi ích của các nhà đầu tư sẽ được bảo vệ theo tiêu chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên, việc khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng sẽ mang đến những thách thức và cơ hội cho các luật sư, đặc biệt là các luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài.
Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho biết: Hội nhập quốc tế sâu rộng, nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của xã hội Việt Nam ngày một tăng, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế quốc tế và đầu tư nước ngoài. “CLB Luật sư thương mại quốc tế sẽ là địa chỉ tin cậy của các cơ quan nhà nước, của Chính phủ, của doanh nghiệp và xã hội trong các vấn đề tranh chấp quốc tế” - ông Thịnh nói.
Đại hội đã bầu luật sư Trần Tuấn Phong làm chủ nhiệm câu lạc bộ. Câu lạc bộ có tên giao dịch quốc tế là “Vietnam Business Lawyers Club” (VBLC), hoạt động phi lợi nhuận.