Việt Nam được WB đánh giá xếp thứ 11 trong số các nước nhận kiều hối nhiều nhất, dự kiến năm nay khoảng 12,5 tỷ USD.
Tại hội thảo về bất động sản diễn ra ngày 12/12, chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực dẫn số liệu từ World Bank (WB) cho thấy, năm 2015 Việt Nam vẫn nằm trong top 15 nước nhận (chuyển tiền) kiểu hối.
Đứng đầu danh sách là Ấn Độ với dự kiến nhận được hơn 72 tỷ USD, tiếp đến là Trung Quốc với 63,9 tỷ USD. Hai nước này cũng bỏ xa top đứng sau tới hơn 30 tỷ USD.
Cụ thể đứng thứ ba là Philippines với dự kiến 29,7 tỷ USD kiều hối nhận được trong năm nay. Các nước khác như Mexico, Pháp, Nigieria, Ai Cập và Pakistan dự kiến nhận trên 20 tỷ USD.
Việt Nam được WB đánh giá xếp thứ 11 trong số các nước nhận kiều hối nhiều nhất, dự kiến năm nay khoảng 12,5 tỷ USD.
Năm 2014, số liệu thống kê trong nước cho thấy Việt Nam đã nhận khoảng 12 tỷ USD kiều hối và dự báo năm nay sẽ đạt 13-14 tỷ USD.
Việt Nam được WB đánh giá xếp thứ 11 trong số các nước nhận kiều hối nhiều nhất, dự kiến năm nay khoảng 12,5 tỷ USD
Đề nghị truy tố 13 bị can trong đường dây buôn lậu than
Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) vừa kết thúc điều tra vụ án buôn lậu than quy mô lớn tại tỉnh Quảng Ninh, đồng thời, chuyển hồ sơ đề nghị Viện KSND tối cao truy tố 13 bị can về 3 nhóm tội danh.
Trong đó, các bị can Lương Ngọc Tâm - thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư phát triển 324 (Công ty 324); Trịnh Văn Tuấn - nhân viên Công ty 324; Bùi Đình Lanh - Giám đốc Công ty TNHH vận tải Hoàng An và Trung Đình Quang - lao động tự do bị đề nghị truy tố về tội buôn lậu. Trong 8 bị can bị đề nghị truy tố về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có Trần Văn Nho - Giám đốc Công ty TNHH Phú An cùng một số thuyền viên. Riêng bị can Lương Ngọc Phượng - thành viên Hội đồng quản trị Công ty 324 bị đề nghị truy tố về tội trốn thuế.
Theo kết luận điều tra, đêm 27.7.2014, Cục Cảnh sát đường thủy - Bộ Công an bắt quả tang tàu Quang Phúc 08 chở hơn 3.834 tấn than không có chứng từ trên đường sang Trung Quốc, cũng không làm thủ tục khi rời cảng với cảng vụ. Qua điều tra xác định, số than này xuất phát từ kho của Công ty 324 và do Lương Ngọc Tâm cầm đầu, tổ chức. Công ty 324 có trụ sở tại TP.Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh được thành lập từ năm 2004 với ngành nghề chính là kinh doanh khai thác, thu gom than các loại. Từ năm 2014, Lương Ngọc Tâm tiến hành thu mua trái phép hơn hàng nghìn mét khối than cám không rõ nguồn gốc của các hộ dân khu vực TP.Cẩm Phả và TP.Hạ Long (Quảng Ninh). Số than này tập kết tại kho 2 cảng Công ty 324 rồi tìm người mua và vận chuyển sang Trung Quốc bằng đường biển. Qua điều tra mở rộng, xác định tàu Quang Phúc 08 còn chở 26 chuyến hàng sang cảng Kỳ Xá (Trung Quốc). Những lần vận chuyển như vậy đều không làm thủ tục xuất cảnh, xuất khẩu than tại cảng vụ, hải quan và bộ đội biên phòng. Để tránh bị phát hiện, trước khi tiến vào cảng Kỳ Xá, các thuyền viên đã treo cờ Trung Quốc, thay biển tên tàu Quang Phúc 08 thành Song Diem 44 hoặc Minh Quang 68...
Theo Cơ quan An ninh điều tra, đây là vụ buôn lậu nghiêm trọng, diễn ra trong một thời gian dài, có dấu hiệu các bị can đã tổ chức trót lọt 26 chuyến tàu trước khi bị bắt quả tang. Tuy nhiên do không xác định được giá trị hàng buôn lậu và chủ hàng các chuyến trước nên chỉ đủ cơ sở để kết luận hành vi vi phạm của các bị can trong vụ bắt quả tang vụ buôn lậu 3.834 tấn than trị giá 4,45 tỉ đồng,
Quá trình điều tra còn làm rõ, bị can Lương Ngọc Phương trong quá trình quản lý điều hành Công ty 324 đã không báo cáo thuế khoản tiền hơn 11 tỉ đồng từ việc cho thuê dịch vụ tại cảng, phạm tội trốn thuế với số tiền hơn 1,1 tỉ đồng.
Việt Nam tự sản xuất chất phụ gia phân đạm
Ngày 12.12, Tổng công ty phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo) khánh thành xưởng sản xuất UFC85.
Đây là chất phụ gia trong sản xuất phân đạm (u rê), giúp chống kết khối và tăng độ cứng cho hạt u rê.
Xưởng sản xuất (trong khuôn viên của Nhà máy đạm Phú Mỹ) có công suất 15.000 tấn UFC85/năm, tổng mức đầu tư gần 500 tỉ đồng, sử dụng công nghệ ô xy hóa methanol xúc tác ô xít kim loại (công nghệ phổ biến hiện nay) của nhà cung cấp bản quyền Haldor Topsoe (Đan Mạch); nhà thầu xây dựng là Công ty TNHH Toyo VN (Tập đoàn Toyo của Thái Lan).
Trước đây, chất phụ gia này phải nhập khẩu hoàn toàn.
Hội chợ hàng Việt bán hàng dỏm
Trong hai ngày 11 và 12, khách đến hội chợ có thể dễ dàng nhận thấy các sản phẩm hàng Việt quá thiếu thốn, còn hàng nhái, hàng Trung Quốc bày bán rất công khai.
Phát biểu tại lễ khai mạc Hội chợ hàng Việt - Đà Nẵng 2015, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa khẳng định hội chợ là hoạt động để quảng bá, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng hàng VN trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu đi vào chiều sâu. Thế nhưng, thực tế trong hơn 400 gian hàng tại hội chợ, hàng Trung Quốc, hàng nhái chiếm đa số.
Hội chợ diễn ra từ 11 - 16.12, do Cục Xúc tiến thương mại, Sở Công thương chủ trì, UBND TP.Đà Nẵng chỉ đạo và Công ty quản lý hội chợ, triển lãm và các chợ Đà Nẵng là đơn vị thực hiện. Trong hai ngày 11 và 12, khách đến hội chợ có thể dễ dàng nhận thấy các sản phẩm hàng Việt quá thiếu thốn, còn hàng nhái, hàng Trung Quốc bày bán rất công khai. Trong hội chợ có đến vài chục gian hàng giày, dép chất thành đống, hoặc xếp trên kệ, dán mác “made in China”. Dù vậy, khi nhiều khách hàng và cả PV Thanh Niên hỏi hàng sản xuất tại đâu, chủ gian hàng vẫn vô tư nói: “Hội chợ hàng Việt thì chỉ có hàng Việt chứ hỏi chi?”.
Thêm nữa, rất nhiều đôi giày giá chỉ hơn 100.000 đồng vẫn vô tư bày bán với thương hiệu nổi tiếng. Khoảng 9 giờ 40 ngày 12.12, PV chứng kiến cảnh đội quản lý thị trường tại hội chợ đi kiểm tra, hỏi các chủ gian hàng có hàng Trung Quốc không. Khi PV trong vai người mua, cố tình đưa cho một cán bộ trong đoàn chiếc giày bày bán có ghi “made in China” và hỏi có phải giày Trung Quốc không thì ông này không trả lời, mà quay qua nhắc chủ cửa hàng tháo những chiếc giày nhái các thương hiệu nổi tiếng xuống “cất vào thùng đi, rồi khi khác bán!”.
Không chỉ giày dép, mà hầu hết các mặt hàng đều có sản phẩm nhái, hàng Trung Quốc, từ quần tây, quần jeans, áo sơ mi, giỏ xách, dây nịt, mắt kính, áo gió... “Chỉ mắt thường thôi cũng thấy là hàng Trung Quốc, không phải hàng VN. Cớ gì các cán bộ quản lý thị trường hoặc ban tổ chức không nhận thấy điều này. Hội chợ hàng Việt mà toàn đồ nước khác sản xuất, lấy gì để tôn vinh; người tiêu dùng sao còn tin tưởng?”, chị Nguyễn Hoàng Thu Thủy (trú Q.Hải Châu, Đà Nẵng) chán nản chia sẻ. Những doanh nghiệp Việt có mặt tại hội chợ thì ngao ngán, vì ảnh hưởng rất lớn đến việc họ muốn quảng bá cho hàng Việt thực sự.
Trả lời PV Thanh Niên, ông Lữ Bằng, Phó giám đốc thường trực Sở Công thương Đà Nẵng, Trưởng ban Tổ chức hội chợ, cho rằng: “Có lẽ là do các doanh nghiệp nóng ruột, muốn tăng doanh thu tại hội chợ nên trộn hàng vào để bán. Tôi đã chỉ đạo cho anh em tại hội chợ thu giữ tất cả các mặt hàng nhái, hàng không phải do doanh nghiệp VN sản xuất, không cho tiếp tục bán ở hội chợ, làm ảnh hưởng đến uy tín của hội chợ”.
Ban hành hệ số K cho khu công nghiệp
Ngày 12.12, UBND TP.HCM ban hành Quyết định hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) theo vị trí để xác định giá đất tính tiền thuê đất trong khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TP.
Quyết định này sẽ áp dụng cho các trường hợp sau: thửa đất, khu đất có giá trị dưới 30 tỉ đồng (tính theo giá đất trong bảng giá đất của TP); xác định đơn giá thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm khi điều chỉnh lại đơn giá thuê đất cho chu kỳ ổn định tiếp theo.
Trong đó, đối với đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ thì hệ số K theo vị trí là 0,35 lần so với giá đất ở tại vị trí mặt tiền đường của khu công nghiệp, khu chế xuất được quy định trong bảng giá các loại đất của TP.
Đối với đất thương mại, dịch vụ thì hệ số K theo vị trí là 0,45 lần so với giá đất ở tại vị trí mặt tiền đường của khu công nghiệp, khu chế xuất được quy định trong bảng giá các loại đất của TP
Khi áp dụng hệ số K để tính giá đất trong khu công nghiệp, khu chế xuất thì đối với các quận: giá đất không được thấp hơn 900.000 đồng/m2 đối với đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ và 1,2 triệu đồng/m2 đối với đất thương mại, dịch vụ.
Đối với các huyện: giá đất không được thấp hơn 72.000 đồng/m2 đối với đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ và 96.000 đồng/m2 đối với đất thương mại, dịch vụ.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 19.12.2015.
(
Tinkinhte
tổng hợp)