Vì sao nhà đầu tư Hàn Quốc “ồ ạt” đến Việt Nam?
VEC tiếp tục hoàn chỉnh phương án cổ phần hóa
Vì sao nhiều tập đoàn đa quốc gia lại thoát án chuyển giá trốn thuế?
Sẽ yêu cầu Mỹ điều chỉnh nếu quy định về cá tra không đúng chuẩn
Xuất khẩu cua ghẹ sang các thị trường chính đều giảm
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 15-12-2015
- Cập nhật : 15/12/2015
Xử phạt 8 công ty dược phẩm sai phạm
Phòng công tác thanh tra, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, chỉ trong vòng hơn 10 ngày đầu tháng 12/2015, đơn vị này đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 8 công ty sản xuất kinh doanh dược phẩm và thực phẩm chức năng.
Tổng số tiền phạt hơn 176 triệu đồng, thu hồi hiệu lực 2 giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.
Trong đó, có 4 công ty bị xử phạt mức từ 24 triệu đồng đến 50 triệu đồng, bao gồm: CTCP Thương mại dược phẩm quốc tế Á Châu (Số nhà 28, tổ 19, P. Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội), vi phạm sản xuất và bán 4 lô sản phẩm thực phẩm chức năng Brain KBG, Cốm vi sinh Bioprobiotic New, Valsleepy và cốm bổ Canxi AC kisd không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng; mức phạt 24.275.000 đồng.
Công ty TNHH Thực phẩm chức năng Hoàng Hạ Vy (102, Vũ Trọng Phụng, P. Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội), vi phạm bán sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe bột sữa non Vplus Colostrum Milk Powder 450g có chất lượng không phù hợp với chỉ tiêu công bố ghi trên nhãn chính trong hồ sơ công bố sản phẩm, mức phạt 27,6 triệu đồng.
Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Sen (43 Nguyễn Đức Thuận, P. Thống Nhất, TP. Nam Định), vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng Tiêu ban Thủy New trên báo hình có nội dung không phù hợp với nội dung được Cục An toàn thực phẩm xác nhận, mức tiền phạt 25 triệu đồng.
Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kiều Việt (1331/15/220 Lê Đức Thọ, P.14, Q.Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh), vi phạm về quảng cáo 2 sản phẩm thực phẩm chức năng Superior Fat Burner và Super Growth Height, tái phạm nhiều lần, mức tiền phạt 50 triệu đồng.
Ngoài việc phạt tiền, Cục An toàn thực phẩm cũng tiến hành thu hồi hiệu lực giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phấm số 19810/2014/ATTP-XNCB ngày 19/9/2014 đối với sản phẩm thực phẩm chức năng Super Growth Height của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kiều Việt.
Thu hồi hiệu lực giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phấm số 16483/2014/ATTP-XNCB ngày 9/9/2014 đối với sản phẩm thực phẩm chức năng Thận Lực Phiến của CTCP Dược phẩm Khang Đạt.
Trước đó, Cục An toàn thực phẩm đã ra Quyết định số 508/QĐ-ATTP thu hồi hiệu lực giấy xác nhận nội dung quảng cáo của 2 sản phẩm thực phẩm chức năng Superior Fat Burner và Super Growth Height đã cấp cho Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kiều Việt.
Ngày 9/12 vừa qua, Cục An toàn thực phẩm đã ra thông báo tạm dừng lưu thông hàng hóa của 6 lô sản phẩm thực phẩm bổ sung của 2 công ty vi phạm về ghi nhãn hàng hóa.
55% doanh nghiệp e ngại khi thiếu... phong bì
Tình trạng phải chi trả chi phí không chính thức trong lĩnh vực thuế vẫn là quan ngại của nhiều Hiệp hội doanh nghiệp. 55% doanh nghiệp bị tâm lý e ngại nếu không chi, doanh nghiệp sẽ bị phân biệt đối xử.
Thông tin công bố tại hội thảo Công bố báo cáo kết quả chương trình phối hợp giám sát thuế – hải quan năm 2015 tổ chức cuối tuần qua.
Theo ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế, VCCI, đánh giá tình hình thực hiện các thủ tục hành chính về Thuế, báo cáo nêu rõ Thông tin chính sách pháp luật về thuế tương đối dễ tiếp cận. Qua quan sát thực tế và tổng hợp từ các tổ chức hội viên, thành viên, có 70% các hiệp hội doanh nghiệp và liên minh HTX cho biết các thông tin về thủ tục hành chính trong lĩnh vực Thuế là sẵn có, dễ tìm.
Tỉ lệ các đơn vị cho biết thông tin thủ tục hành chính thuế được cung cấp thống nhất hoặc cách bố trí cán bộ đón tiếp thuận tiện ở mức tương đối cao (khoảng 57%). 55% đánh giá biểu mẫu thủ tục hành chính dễ hiểu.Tuỵ nhiên, mới chỉ 44% đánh giá thông tin được cơ quan Thuếcung cấp nhanh chóng, kịp thời. 41% đơn vị cho biết thông tin về thủ tục hành chính thuế là đơn giản, dễ hiểu.
Tuy nhiên, nỗi sợ "bôi trơn", phong bì còn đè nặng các doanh nghiệp. Thanh kiểm tra thuế, hoàn thuế, miễn giảm thuế là ba nhóm thủ tục được các hiệp hội doanh nghiệp cho rằng còn nhiều phiền hà. Các phiền hà này có thể là thời gian giải quyết quá dài (68%) hoặc bị yêu cầu cung cấp thêm thông tin không cần thiết (54%).
Ông Đậu Anh Tuấn thông tin tiếp, báo cáo cho thấy tác phong phục vụ của cán bộ ngành thuế được đánh giá khá tích cực về thái độ giao tiếp lịch sự, đúng mực, tôn trọng doanh nghiệp, 28% đơn vị đánh giá tốt và rất tốt và 55% đánh giá khá. Tuy nhiên về thái độ tận tình, chu đáo của của công chức thuế vẫn còn 26% đánh giá là chưa tốt.
Tình trạng doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức trong lĩnh vực thuế vẫn là quan ngại của nhiều Hiệp hội và Liên minh HTX. Tâm lý e ngại nếu không chi, doanh nghiệp sẽ bị phân biệt đối xử (như kéo dài thời gian, yêu cầu bổ sung giấy tờ) vẫn phổ biến (55%).
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ, hiện nay có hơn 300 văn bản kiểm tra chuyên ngành. Chính điều này đã gây ra tình trạng “8 không” của các quy định pháp luật Việt Nam. Đó là không cụ thể, không rõ ràng, không nhất quán, không minh bạch, không hợp lý, không tiên lượng được, không hiệu quả và không hiệu lực. “Chính việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành làm giảm tốc độ, gây khó khăn cho việc thông quan” – ông Cung nói.
Hiện tại, các cơ quan Hải quan vẫn kiểm tra khoảng 35% số lô hàng xuất khẩu trong khi các nước khác chỉ kiểm tra 5,6% tổng lô hàng xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, việc kiếm tra này cũng liên quan tới hơn 10 Bộ. Dưới mỗi Bộ lại có hàng trăm đơn vị liên quan dẫn tới quá trình mất thời gian, phiền hà tốn kém cho doanh nghiệp.
Tín dụng tăng bao nhiêu thì hợp lý?
Theo một chuyên gia NH, tăng tín dụng bao nhiêu cũng chỉ là mục tiêu định hướng trong điều hành của NHNN đưa ra hàng năm. Tuy nhiên, định hướng mức nào NHNN chắc chắn phải dựa trên các chỉ số vĩ mô của Chính phủ, để vừa đảm bảo tăng trưởng vừa kiểm soát được lạm phát.
Tăng trưởng tín dụng (TTTD) là một trong những chỉ số quan trọng đối với hoạt động NH và nền kinh tế, nhất là khi mà thị trường tài chínhcủa Việt Nam còn chủ yếu dựa vào kênh NH.
Theo cách nhìn nhận của TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia NH, hiện nay có tới 75% nguồn vốn cung ứng cho DN là đến từ hệ thống NH, khu vực chứng khoán là 14%, còn lại là trái phiếu. Rõ ràng vai trò của nguồn vốn vẫn đang đè nặng lên hệ thống NH rất nhiều.
Nhớ lại cuộc “đại phẫu” NH diễn ra từ năm 2011, và nhất là chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ đã khiến tín dụng tăng chậm và đi theo chiều sâu, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế một cách thực chất hơn. Chẳng hạn như năm 2012, tín dụng tăng 8,91%; năm 2013 là 12,51%; năm 2014 là 14,16% và năm 2015 dự kiến khoảng 17%.
Cùng với đó GDP cũng hồi phục, năm 2014 đạt 5,98% và năm 2015 nhiều dự báo cho thấy có thể đạt trên 6,5%. Nền kinh tế của chúng ta dựa nhiều vào tín dụng, song không phải tín dụng tăng càng cao thì tăng trưởng kinh tế sẽ mạnh hơn. Nếu đẩy tín dụng ra không có chất lượng thì nền kinh tế sẽ phải trả giá.
Bàn về mức độ sử dụng hiệu quả vốn tín dụng trong thời gian qua, TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích qua so sánh tỷ lệ giữa TTTD với tốc độ tăng GDP hàng năm: những năm trước, trong khi tín dụng tăng 30% nhưng GDP cũng chỉ tăng trung bình 7%, có nghĩa là TTTD tăng gấp 3-4 lần GDP. Còn năm nay, theo dự báo GDP có thể tăng 6,5%, nhưng TTTD thực khoảng 17%, tức là chỉ gấp 2,5 lần GDP và đây là tỷ lệ có thể chấp nhận được.
Tín dụng năm 2015 có mức tăng trưởng tốt hơn nhưng các NH vẫn là tiếp tục thận trọng hơn trong xét duyệt tín dụng. Các NHTM chú trọng hơn đến các điều kiện như: xác định được dòng tiền tương lai của khách hàng; tài sản đảm bảo được định giá sát thị trường; đảm bảo tiền cho vay ra đúng địa chỉ, đúng mục đích…Với nhiều NH chất lượng tín dụng quan trọng hơn việc theo đuổi mục tiêu TTTD.
Điểm đáng lưu ý nữa được các chuyên gia đưa ra đó là tín dụng năm 2015 đã tăng đều hơn qua các quý, chứng tỏ sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đã tốt hơn và không dồn quá nhiều vào thời điểm cuối năm. Theo ông Hiếu, TTTD ở mức hợp lý nhưng chất lượng tín dụng được bảo đảm, điều đó tốt hơn nhiều so với việc tăng tín dụng quá nóng nhưng tương lai phải trả giá cho vấn đề phát sinh nợ xấu.
Vậy năm 2016 với việc Quốc hội thông qua mục tiêu GDP là 6,7% và lạm phát ở mức dưới 5% thì năm 2016 tín dụng tăng khoảng bao nhiêu thì hợp lý? Theo một chuyên gia NH, tăng tín dụng bao nhiêu cũng chỉ là mục tiêu định hướng trong điều hành của NHNN đưa ra hàng năm. Tuy nhiên, định hướng mức nào NHNN chắc chắn phải dựa trên các chỉ số vĩ mô của Chính phủ, để vừa đảm bảo tăng trưởng vừa kiểm soát được lạm phát.
“Bởi mục tiêu của Chính phủ trong năm 2016 và những năm tới vẫn đặt ổn định vĩ mô lên hàng đầu nên chắc chắn NHNN cũng phải thận trọng.” – một chuyên gia bình luận và cho rằng, nếu như tăng trưởng tín dụng năm 2015 (đến nay vẫn chưa có con số cụ thể) khoảng 17%, mà GDP tăng 6,5%, thì năm 2016 nếu GDP khoảng 6,7% thì tín dụng có thể cao hơn năm 2015.
Ông Phạm Hồng Hải – Tổng giám đốc HSBC cho rằng, năm 2015 TTTD khoảng 16 -18% thì năm tới NHNN cũng có thể để “room” mức đó. Vì nếu để tín dụng ở mức quá cao, phát triển quá nóng, dòng vốn sẽ vào bất động sản và tác động tới lạm phát. Thông điệp của NHNN gần đây cũng rất rõ là kiểm soát TTTD không để nó tăng quá nóng.
Ông Hải phân tích thêm, theo tỷ lệ hiện nay, cứ 3 đồng tín dụng thì có được 1% GDP. Nếu chúng ta đẩy TTTD lên quá 20% hoặc cao hơn dễ dẫn đến tâm lý mọi người muốn phát triển nóng, tiền dư thừa rủng rỉnh lại đầu tư ngoài ngành. “Theo tôi, với mức TTTD khoảng 18% cũng là cao với nền kinh tế hiện nay” – ông Hải bày tỏ.
Jack Ma chi 266 triệu USD thâu tóm tờ báo hàng đầu Hồng Kông
Trong thông báo được phát đi tuần trước, Alibaba khẳng định các quyết định liên quan đến biên tập sẽ được đưa ra “trong phòng tin tức của tòa soạn báo chứ không phải trong phòng họp của ban điều hành Alibaba”.
Alibaba - “gã khổng lồ” thương mại điện tử của Trung Quốc được dẫn dắt bởi tỷ phú Jack Ma – đã đồng ý mua lại tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (South China Morning Post) của Hồng Kông cùng các tài sản truyền thông khác trực thuộc tờ báo này với giá 2,06 tỷ đôla Hồng Kông (tương đương 266 triệu USD).
Theo thông báo được SCMP đưa ra sáng nay (14/12), các tài sản liên quan đến vụ mua bán này gồm tờ báo đã có lịch sử hơn 100 năm South China Morning Post, hoạt động kinh doanh quảng cáo ngoài trời, các tài sản kỹ thuật số và các tạp chí.
Trong thông báo được phát đi tuần trước, Alibaba khẳng định các quyết định liên quan đến biên tập sẽ được đưa ra “trong phòng tin tức của tòa soạn báo chứ không phải trong phòng họp của ban điều hành Alibaba”.
Mấy năm gần đây, SCMP cũng đã phải chịu chung số phận với các tờ báo in khác khi gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút quảng cáo vì vấp phải sự cạnh tranh gay gắt của các tờ báo điện tử. Quyền kiểm soát tờ báo tiếng Anh hàng đầu Hồng Kông vẫn được giữ nguyên kể từ năm 1993 đến nay, khi ông trùm truyền thông Rupert Murdoch bán hầu hết cổ phần cho tỷ phú người Malaysia Robert Kuok.
Sơ lược lịch sử tờ báo South China Morning Post
1903: Vào giữa thời nhà Thanh, Tse Tsan-tai và Alfred Cunningham thành lập tờ báo Nam Thanh buổi sáng (Nan Qing Zao Bao - South Qing Morning Post) ở Hồng Kông (vốn vẫn đang là thuộc địa của Anh). Tờ báo đầu tiên được xuất bản ngày 6/11/1903. Đến năm 1913, báo đổi tên thành South China Morning Post.
Trong những năm 1940: trong thời kỳ Nhật chiếm đóng Hồng Kông, SCMP được yêu cầu viết về những vấn đề ít gây tranh cãi hơn, dưới tên gọi Hong Kong News. Ngay sau khi Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, SCMP lấy lại văn phòng và tiếp tục xuất bản.
1971: SCMP Group niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông.
1986: Ông trùm truyền thông người Australia Rupert Murdoch thâu tóm 35% cổ phần của tập đoàn SCMP Group. 1 năm sau đó công ty được tư nhân hóa và niêm yết lại vào năm 1990.
1993: Tỷ phú người Malaysia Robert Kuok (tập đoàn Kerry) mua cổ phần của Murdoch với giá 349 triệu USD.
1996: Phiên bản điện tử với tên miền scmp.com ra mắt.
Cuối những năm 1990: SCMP trở thành tờ báo có lợi nhuận cao nhất thế giới. Lợi nhuận đạt đỉnh vào năm 1997, ở mức 805 triệu đôla Hồng Kông.
2013: Cổ phiếu của SCMP Group bị ngừng giao dịch sau khi tỷ lệ cổ phiếu mà công chúng có thể tiếp cận được xuống dưới mức quy định.
Tháng 11/2015: Bloomberg đưa tin Alibaba của Jack Ma đang có ý định thâu tóm SCMP.
Tháng 12/2015: SCMP thông báo bán tờ báo và các tài sản truyền thông cho Alibaba với giá 2,06 tỷ đôla Hồng Kông (tương đương 266 triệu USD).
Hàng nghìn nhân viên ngân hàng sẽ mất việc năm 2016
Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng lớn tại Châu Âu và Mỹ đã cắt giảm gần 100.000 việc làm và có khả năng hàng nghìn nhân viên ngân hàngtại BNP Paribas và Barclays sẽ còn mất việc vào năm 2016.
Rõ ràng, làn sóng cắt giảm nhân viên của ngành ngân hàng từ năm 2007 vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.
Tờ Financial Times cho biết hơn 10% tổng số nhân viên của 11 ngân hàng lớn tại Châu Âu và Mỹ đã bị cắt giảm từ đầu năm 2015 đến nay. Gần đây, ngân hàng Rabobank của Hà Lan đã sa thải 9.000 nhân viên, trước đó, Morgan Stanley cũng tuyên bố cắt giảm 1.200 việc làm.
Một nguồn tin của Fianancial Times cho biết Barcalays và BNP Paribas sẽ công bố việc cắt giảm nhân viên cùng với chiến lược hạ 10-20% chi phí hoạt động trong thời gian tới.
Tại Barclays, nhiều khả năng kế hoạch cắt giảm nhân lực sẽ được công bố vào ngày 1/3/2016 khi CEO Jes Staley báo cáo kết quả kinh doanh hàng năm. Trong đó, Barclays nhiều khả năng sẽ thu hẹp hoạt động của mảng ngân hàng đầu tư với khoảng 20.000 nhân viên đang làm việc.
Trước đó, Giám đốc Yann Gérardin của Paribas có thể sẽ công bố kế hoạch cắt giảm vào tháng 2/2016. Ngân hàng này đã tuyên bố đang xem xét sa thải hơn 1.000 nhân viên tại thị trường Bỉ.
Rõ ràng, ngành ngân hàng hiện đã nhận ra họ có quá nhiều nhân viên trong khi doanh thu lại không hoàn toàn lạc quan. Nguyên nhân chính của tình trạng này là ảnh hưởng hậu khủng hoảng 2008 vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt, lãi suất tại Châu Âu và Mỹ đang rất thấp, khiến hoạt động giao dịch và gửi tiền của khách hàng không cao.
Những lãnh đạo mới của Deutsche Bank, Credit Suisse và Barclays đang cố gắng có những thay đổi nhằm đem đến nhiều lợi nhuận hơn cho công ty trước yêu cầu của các nhà đầu tư và cắt giảm chi phí là một trong những thay đổi đó.
Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng năm 2016 sẽ là một năm không thực sự tốt với nghề ngân hàng. Do những quy định mới nhằm đối phó tình trạng khủng hoảng như năm 2008, các ngân hàng hiện phải gia tăng vốn chủ sở hữu khi cho vay.
Điều này đồng nghĩa họ phải đạt lợi nhuận lớn hơn để giữ tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt mức yêu cầu của các cổ đông.
Chuyên gia phân tích Jon Peace của Nomura nhận định xu thế cắt giảm việc làm của ngành ngân hàng sẽ chưa dừng lại nếu ROE không thỏa mãn được những cổ đông.
Ngoài ra, những tiến bộ về công nghệ kỹ thuật cũng ảnh hưởng đến công việc ngành ngân hàng. Các ngân hàng bán lẻ sẽ có xu hướng giảm số chi nhánh và tăng cường các dịch vụ trực tuyến. Trong khi đó, những ngân hàng đầu tư cũng giảm số văn phòng để sử dụng các công nghệ trực tuyến.
Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia phân tích Mike Mayo của CLSA cho rằng dù các ngân hàng Mỹ sa thải nhân viên ít hơn so với Châu Âu nhưng công việc ngành ngân hàng vẫn đối mặt với nhiều rủi ro.
Những tiến bộ không ngừng của công nghệ khiến máy móc dần thay thế cho con người trên thị trường tài chính Mỹ. Hơn nữa, ngành ngân hàng Mỹ cũng đang chịu áp lực lớn với thập kỷ có tăng trưởng doanh số thấp nhất kể từ cuộc Đại suy thoái năm 1929.
Trong 5 năm đầu tiên sau cuộc khủng hoảng 2008, các ngân hàng và công ty bảo hiểm Mỹ đã cắt giảm gần 400.000 việc làm. Khoảng 30 ngân hàng lớn nhất của Châu Âu cũng đã sa thải hơn 80.000 nhân viên trong khoảng 2008-2014.