Áp lực trên thị trường bán lẻ; Cán bộ hải quan TP HCM bị bắt vì hơn 200 container 'biến mất'; Vingroup và Siemens ký hợp tác về công nghệ; Vì sao cổ phần hóa chưa hút đại gia nước ngoài?
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 09-09-2017
- Cập nhật : 09/09/2017
Campuchia, Thái Lan đặt mục tiêu 20 tỉ USD
Hai nước láng giềng Đông Nam Á đã thống nhất mở thêm bốn chốt kiểm soát biên giới và thúc đẩy thương mại song phương.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-Cha gặp người đồng cấp Campuchia Hun Sen tại Phnom Penh ngày 7-9 - Ảnh: chính phủ Thái Lan
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha đang thăm Phnom Penh dự kiến sẽ cùng người đồng cấp Campuchia Hun Sen tham gia lễ khánh thành chốt kiểm soát giữa tỉnh Sa Keo (Thái Lan) và tỉnh Banteay Meanchey (Campuchia).
Đây được đánh giá là cửa ngõ thương mại giữa hai nước. Ba chốt còn lại cũng được công bố.
Việc mở thêm các tuyến kết nối xuyên biên giới là chiến lược nhằm tăng cường thương mại và liên lạc giữa hai nước, theo báo Bangkok Post.
Ngoài việc mở thêm bốn chốt kiểm soát biên giới, hai nước cũng dự kiến khôi phục tuyến tàu giữa Aranyaprathet (Sa Keo) và Phnom Penh.
"Các tuyến kết nối là chìa khóa của sự phát triển và thịnh vượng của hai quốc gia" - chính quyền Thái Lan tuyên bố.
Hai quốc gia từng xung đột kịch liệt tại biên giới năm 2008 quanh ngôi đền Preah Vihear, hy vọng sẽ tăng thương mại song phương lên 20 tỉ USD vào năm 2020.
Thủ tướng Hun Sen cho biết hai bên còn trao đổi về đấu tranh, phòng chống tội phạm ma túy và buôn bán người, trong đó phía Thái Lan đồng ý hỗ trợ Campuchia xây dựng một trung tâm cai nghiện ma túy ở tỉnh Preah Sihanouk.
Liên quan đến vấn đề người lao động Campuchia tại Thái Lan, hai bên đều bày tỏ bức xúc về vấn đề người Campuchia lao động bất hợp pháp tại Thái Lan và thảo luận phương hướng giải quyết vấn đề này trong thời gian tới. (Tuoitre)
------------------------
Kiểm toán Nhà nước chỉ ra loạt sai phạm tại chương trình dùng vốn vay WB
Kiểm toán Nhà nước vừa có kết luận kiểm toán về Chương trình phát triển đô thị quốc gia cho khu vực miền núi phía Bắc năm 2016, sử dụng vốn vay của Ngân hàng thế giới (WB).
Cụ thể, chương trình sử dụng nguồn vốn vay WB và vốn đối ứng của Trung ương với vốn đầu tư ban đầu là 206 tỷ đồng. Nguồn vốn được cấp trong năm là 581 tỷ đồng, nguồn vốn sử dụng trong năm lên tới 787 tỷ đồng.
Chương trình báo cáo giá trị đầu tư lên tới 721 tỷ đồng trong khi giá trị sau kiểm toán chỉ là 707 tỷ đồng, giảm 16 tỷ đồng so với con số báo cáo. Nguyên nhân là do sai khối lượng 2,75 tỷ đồng, sai đơn giá 6,5 tỷ đồng, sai định mức 908 triệu đồng đồng, sai khác 6,2 tỷ đồng.
Kiểm toán Nhà nước cho biết, trong quá trình thực hiện đầu tư các công trình, tỉnh Hòa Bình chưa đảm bảo tiến độ theo kế hoạch giai đoạn 1 của Chương trình nên phải điều chỉnh 5/7 gói thầu xây lắp thuộc giai đoạn 1 chưa hoàn thành trong năm 2016 gia hạn sang năm 2017, nguyên nhân do vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng.
Tỉnh yên Bái điều chỉnh giảm vốn kế hoạch của Chương trình năm 2016 với số tiền là 23 tỷ đồng để tăng vốn kế hoạch cho dự án giảm nghèo giai đoạn 2 của tỉnh Yên Bái.
Công tác giải ngân giao kế hoạch vốn năm 2016 cho các tỉnh chưa giải ngân theo kết quả thực hiện của Chương trình, tổng số kế hoạch vốn giao năm 2016 là 442,6 tỷ đồng.
"Một số tình chưa được bố trí đảm bảo đủ số vốn để giải ngân thanh toán cho khối lượng đã thực hiện của Chương trình như tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Bắc Kạn, tỉnh Hòa Bình, tỉnh Cao Bằng… Đây cũng là một yếu tố làm phát sinh nợ đầu tư xây dựng đối với một số hạng mục thuộc Chương trình. Tổng số nợ xây dựng cơ bản đến thời gian 31/12/2016 tại 7 tỉnh là 249,5 tỷ đồng”, văn bản nêu.
Tại một số tỉnh thực hiện thanh toán một số nội dung chi chưa đúng theo quy định theo Sổ tay hướng dẫn của Chương trình gồm chi phí thẩm định dự án, thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công hạng mục công trình với giá trị đã thanh toán 554 triệu đồng.
Năm 2016, ban quản lý dự án thuộc Bộ Xây dựng chưa thực hiện giải ngân thanh toán từ nguồn kinh phí nước ngoài, dẫn đến còn dư dự toán 8,5 tỷ đồng tại Kho bạc. Nguyên nhân chưa sử dụng số tiền là 8,5 tỷ đồng là do Bộ Xây dựng không thực hiện theo cơ chế chuyển vốn của Chương trình về các tài khoản của đơn vị mở tại kho bạc theo quy định của Bộ Tài chính.
"Trong năm 2016, các sở tài chính tại 7 tỉnh và Bộ Xây dựng đã thực hiện hạch toán ghi thu ngân sách địa phương, ghi chỉ cho Chương trình 650,1 tỷ đồng (gồm năm 2015 267,8 tỷ đồng, năm 2016 là 382 tỷ đồng) theo thông báo của Bộ Tài chính. Các địa phương chưa thực hiện hạch toán ghi ngân sách địa phương. Do đến thời điểm kiểm toán (tháng 4/2017) các sở tài chính chưa nhận được thông báo của Bộ Tài chính và các chứng từ của Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại nên chưa có cơ cở để hạch toán. Chưa thực hiện quyết toán nguồn kinh phí của Chương trình đô thị miền núi phía Bắc”, văn bản cho hay.
Kiểm toán Nhà nước còn cho biết có nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác chấp hành chế độ quản lý đầu tư xây dựng công trình như công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế và dự toán; Khối lượng giữa bản vẽ thiết kế với khối lượng dự toán còn chưa phù hợp tại một số công việc xây dựng, một số hạng mục công trình; Công tác thẩm kiểm tra, thẩm định khối lượng dự toán của một số hạng mục công trình còn hạn chế chưa phát hiện, loại trừ được những sai sót về khối lượng thừa giữa dự toán và bản vẽ thiết kế kỹ thuật thi công.
Chủ đầu tư là UBND thành phố Thái Nguyên tổ chức triển khai thi công gói thầu XL 05B thuộc Công trình xây dựng hạ tầng khu tái định cư Việt Bắc - phần hạ tầng số 2 theo thiết kế dự toán, tuy nhiên đến thời điểm kiểm toán, hồ sơ dự toán điều chỉnh của công trình vẫn còn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Về công tác lựa chọn nhà thầu, Kiểm toán Nhà nước nêu rõ tổ tư vấn đánh giá hồ sơ dự tuyển công trình không yêu cầu làm rõ hồ sơ dự tuyển. Đồng thời, ban hành các quyết định chỉ định thầu khi chưa có kế hoạch thầu được duyệt.
Công tác thương thảo, ký kết với hợp đồng tại một số gói thầu chưa phù hợp so với kế hoạch lựa chọn nhà thầu, chưa phù hợp so với quy dẫn đến khi chế độ tiền lương nhân công xây dựng thay đổi theo quy định của Bộ Xây dựng thì không đủ cơ sở giảm giá trị đơn giá nhân công. Tuy nhiên, chủ đầu tư và các nhà thầu đã có biên bản thỏa thuận điều chỉnh để giảm giá trị quyết toán công trình tương ứng với giảm đơn giá nhân công xây dựng như đã nêu ở trên, đến thời điểm kết thúc kiểm toán chủ đầu tự đã ký kết phụ lục hợp đồng với các nhà thầu (tỉnh Cao Bằng) với giá trị điều chỉnh là 5,4 tỷ đồng.
Các Ban Quản lý dự án trong quá trình nghiệm thu, thanh toán vẫn có sai sót qua kết quả kiểm toán phải giảm từ 16,4 tỷ đồng.
Tại một số tỉnh (Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hòa Bình, Yên Bái, Điện Biên) đến thời điểm kiểm toán chưa lập và trình thẩm định, phê duyệt báo cáo quyết toán công trình hoàn thành theo quy định.
Tại một số gói thầu, chủ đầu tư chưa rà soát kỹ khối lượng mời thầu dẫn tới khối lượng trong hợp đồng lớn hơn khối lượng mời thầu dẫn tới khối lượng trong hợp đồng lớn hơn khối lượng theo bản thiết kế, làm tăng chi phí đầu tư 248 triệu đồng. Công tác đền bù giải phóng mặt bằng tại một số địa phương còn có tồn tại vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện mốt số gói thầu, hạng mục của Chương trình.
Do đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị thu hồi 529 triệu đồng nộp ngân sách nhà nước, giảm thanh toán 8,86 tỷ đồng, xử lý khác 7,1 tỷ đồng. Đồng thời, đề nghị các tỉnh thành thuộc Chương trình sớm khắc phục các sai phạm đã chỉ rõ phía trên.(Vneconomy)
------------------------
Thị trường cho thuê tài chính vẫn còn quá "nhỏ bé" với dư nợ hơn 8.700 tỷ đồng
Tại Nhật Bản, có tới 96,7% doanh nghiệp sử dụng thuê tài chính. Trong khi cho thuê tài chính tại Việt Nam thì mới là một thị trường nhỏ bé, với dư nợ chỉ ở mức 8.700 tỷ đồng, chiếm 0,16% tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã BID-HoSE) phối hợp cùng đối tác là Ngân hàng Tín thác Sumitomo Mitsui (SuMi TRUST) tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề “Thuê tài chính – kênh huy động vốn trung dài hạn; kinh nghiệm Nhật Bản và triển vọng phát triển tại Việt Nam”.
Thuê tài chính là một kênh huy động vốn phổ biến trên thế giới. Tổng doanh số thuê tài chính toàn cầu hàng năm lên tới 1.000 tỷ USD. Tại Mỹ, 80% các doanh nghiệp từ doanh nghiệp nhỏ cho tới các doanh nghiệp lớn trong danh sách Fortune 500 đều thuê một phần máy móc thiết bị trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Riêng tại Nhật Bản, doanh số cho thuê tài chính mỗi năm khoảng 50 tỷ USD.
Trong khi đó tại Việt Nam, nơi mà hệ thống ngân hàng và các dịch vụ tài chính đã tương đối phát triển, thì cho thuê tài chính vẫn là một thị trường nhỏ bé, với dư nợ chỉ ở mức 8.700 tỷ đồng, chiếm 0,16% tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã thể hiện sự “ngạc nhiên” với vị thế của cho thuê tài chính tại Việt Nam, bởi họ đã sử dụng dịch vụ này như một “thói quen” tại thị trường các nước phát triển.
Tại buổi Tọa đàm, phân tích tình hình kinh tế và thị trường tài chính Việt Nam trong giai đoạn tới, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục đà tăng trưởng ổn định với mức tăng trưởng GDP >6,5% giai đoạn 2017-2020; tạo nhu cầu lớn về máy móc, thiết bị và phương tiện vận tải đường bộ phục vụ đầu tư phát triển.
Theo Ts. Cấn Văn Lực, thuê tài chính sẽ là một giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp vượt qua các rào cản tiếp cận vốn (nhất là nguồn vốn trung - dài hạn, trong bối cảnh định hướng hạn chế sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của hệ thống ngân hàng, và đặc thù thiếu tài sản đảm bảo cho việc cấp tín dụng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp đang tăng trưởng nhanh. Vai trò của cho thuê tài chính cũng như tiềm năng của thị trường này cũng được các diễn giả nhìn nhận, phân tích.
Chuyên gia của Sumitomo Mitsui Trust Panasonic Finance (công ty cho thuê tài chính thuộc tập đoàn SuMi TRUST) cho biết tại Nhật Bản, có tới 96,7% doanh nghiệp sử dụng thuê tài chính. Theo phân tích, thuê tài chính giữ một vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế Nhật Bản cũng như sự phát triển của các doanh nghiệp.(TBKTSG)
---------------------------
Giá bitcoin tăng 7 lần kể từ khi Warren Bufett khuyến nghị tránh xa tiền ảo
Năm 2014, trả lời phỏng vấn tờ CNBC, Warrent Buffett từng khuyên các nhà đầu tư nên "tránh xa đầu tư tiền ảo vì cơ bản đó là nó rất ảo - giống hệt cái tên của nó". Ông cho biết thêm "Đây đơn thuần chỉ là một phương thức chuyển tiền dễ dàng. Thậm chí bạn có thể che dấu thông tin cá nhân để thực hiện các giao dịch chuyển tiền. Một tấm séc cũng có thể dùng để chuyển tiền, nhưng bản thân nó có giá trị thực sự hay không hay nó chỉ là một công cụ để chuyển tiền? Tôi hy vọng rằng bitcoin có thể thực hiện tốt hơn nhiệm vụ này. Thế nhưng theo quan điểm của tôi, ý tưởng cho rằng giá trị thực chất của bitcoin vô cùng to lớn chỉ là một câu chuyện đùa".
Thế nhưng, những người ủng hộ tiền ảo chỉ ra rằng giá của đồng bitcoin tăng gấp 7 lần kể từ khi ông Buffet đưa ra nhận định không mấy tích cực về đồng tiền này. Ngoài ra, kể từ đầu năm nay, giá trị của bitcoin còn tăng 380%, theo dữ liệu từ sàn CoinDesk.
Vị "tiên tri xứ Omaha" cũng phải thừa nhận rằng ông không thể dự đoán khi nào bong bóng bitcoin đạt đỉnh và chỉ nói rằng cơn sốt tiền ảo rồi cũng sẽ kết thúc một ngày nào đó. Ông đặc biệt cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn trong đồng tiền "không mất nhiều công sức mà vẫn kiếm được" thông qua việc đầu cơ trong giai đoạn bong bóng dot-com.
"Ranh giới giữa đầu cơ và đầu tư vốn chưa rõ ràng nay càng trở nên mờ nhạt hơn khi hầu hết những người tham gia thị trường đều đang ăn mừng vì những khoản lời khổng lồ mà họ nhận được trong thời gian gần đây. Nhưng mỗi quả bong bóng lại có những cái kim đang chờ trực. Và khi ranh giới đó mất đi, làn sóng các nhà đầu tư mới sẽ học được 2 điều. Điều đầu tiên, nhiều người phố Wall sẵn sàng bán cho bất kỳ thứ gì mà nhà đầu tư cần mua. Điều thứ 2, việc đầu cơ tưởng chừng như rất dễ dàng nhưng nó lại ẩn chứa nhiều rủi ro và nguy hiểm".
Cùng quan điểm với Warren Buffett, hồi tháng 7, tỷ phú Howard Marks cũng khuyên khách hàng của mình rằng nên tránh xa đồng tiền ảo.
"Tôi cho rằng tiền ảo chẳng khác gì một xu hướng nhất thời, thiếu cơ sở và chỉ dựa vào việc mọi người sẵn sàng gán giá trị cho nó", ông Marks nhận định.
Không có cách nào để xác định chắc chắn khi nào tiền ảo đạt đỉnh ngay cả nếu cơn sốt tài sản này giống như những bong bóng tài sản khác trong quá khứ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Warren Buffett hiếm khi sai về dài hạn nên nhà đầu tư nên cận trọng trước cảnh báo của ông về bitcoin.(NDH)