tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 09-09-2017

  • Cập nhật : 09/09/2017

Hãng dược Mỹ làm giả cả… bệnh nhân ung thư để bán thuốc

Hãng dược phẩm Mỹ Insys Therapeutics vừa bị truy tố về tội lừa đảo hàng loạt các bên liên quan để có thể tăng doanh số bán một loại thuốc giảm đau của họ.

ba claire mccaskil, thuong nghi si dang dan chu cong bo cac phat hien dieu tra ve vu viec cua hang duoc insys truoc quoc hoi - anh: cnn

Bà Claire McCaskil, thượng nghị sĩ đảng Dân chủ công bố các phát hiện điều tra về vụ việc của hãng dược Insys trước Quốc hội - Ảnh: CNN

Cụ thể, theo nội dung cáo trạng công bố trên trang web của Bộ Tư pháp Mỹ, sau khi nhận được giấy phép cung cấp ra thị trường một loại thuốc giảm đau cực mạnh có tên là Subsys dành cho các bệnh nhân ung thư năm 2012, hãng dược Insys Therapeutics đã trù tính để có thật nhiều bệnh nhân thuộc loại này… dùng thuốc của họ.

Và để tăng doanh số bán, công ty này bị cáo buộc đã giở nhiều chiêu trò được gọi là "làm giả bệnh nhân ung thư", biến những người không bị ung thư cũng thành người bệnh ung thư để có thể sử dụng thuốc giảm đau của họ.

Để thực hiện điều đó, công ty Insys Therapeutics đã kết hợp nhiều thủ đoạn lừa đảo tinh vi khác nhau, như làm giả hồ sơ bệnh án, nói dối các công ty bảo hiểm và chi đậm hoa hồng cho các bác sĩ liên minh với họ để các bác sĩ này kê cho người bệnh thuốc của Insys Therapeutics.

Báo cáo về vụ việc do văn phòng thượng nghị sĩ McCaskill cung cấp ngày 6-9 bao gồm hàng loạt cáo buộc cho thấy hãng dược Insys Therapeutics đã không từ bất cứ thủ đoạn nào trong việc tạo một mạng lưới lừa đảo nhằm đưa được nhiều nhất thuốc giảm đau do họ sản xuất tới khách hàng.

Do đặc thù giá thuốc Sybsys rất đắt, hầu hết các hãng bảo hiểm sẽ không chi trả cho loại thuốc này trừ khi nó đã được chấp thuận trước. Quy định này là thủ tục quen thuộc với những người thường phải sử dụng những loại thuốc đắt tiền theo chế độ bảo hiểm ở Mỹ, gọi là "sự cho phép trước" (prior-authorization).

Vì thế, hãng dược Mỹ đã bố trí để chính những nhân viên của họ giả vờ là nhân viên làm việc tại các phòng mạch của bác sĩ. Những người này sẽ liên lạc với các công ty bảo hiểm để xác nhận rằng người bệnh đang điều trị ở chỗ họ cần phải dùng loại thuốc giảm đau của Insys Therapeutics.

Báo cáo của bà thượng nghị sĩ McCaskill cung cấp các tài liệu chứng minh rằng, kể từ năm 2014, khi một người cần phải được bác sĩ điều trị cho phép trước để sử dụng thuốc giảm đau Sybsys, chính một nhân viên của hãng dược Insys đã gọi điện tới cho một hãng bảo hiểm và các chi nhánh của hãng này để thuyết phục họ về việc đó.

Các hãng bảo hiểm đã tin rằng họ đang nói chuyện với một người thực sự làm việc cho bác sĩ của người bệnh. Và các nhân viên của Insys cũng cố tình tạo ra cách liên lạc để gây ấn tượng theo cách đó với họ. Theo đó người bệnh được chấp nhận dùng thuốc Sybsys và các hãng bảo hiểm sẽ phải duyệt chi loại thuốc này.(Tuoitre)
--------------------------

Các dự án metro của Thành phố Hồ Chí Minh: Vừa làm vừa lo

Tăng vốn, chậm giải ngân, thiếu tiền nhà thầu... tiếp tục là những vấn đề nổi cộm được Ban Quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ tại buổi thông tin về tiến độ thực hiện các dự án metro đang được triển khai trên địa bàn, diễn ra ngày 8/9.

Từ đội vốn...

Tuyến metro số 1 giai đoạn 1 (Bến Thành-Suối Tiên, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2020) dài 19,7km, tổng mức đầu tư sau điều chỉnh 2,49 tỷ USD (tương đương 47.325 tỷ đồng, chủ yếu vốn vay ODA của Nhật Bản).

Đề cập về nguyên nhân “đội vốn," ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (chủ đầu tư) cho biết dự án được nghiên cứu từ năm 2006 (vốn phê duyệt ban đầu là 17.000 tỷ đồng) do đơn vị tư vấn trong nước thiếu kinh nghiệm làm đường sắt đô thị nên chưa cập nhật được giá.

Đến năm 2008, dự án được Chính phủ đồng ý nghiên cứu cụ thể, với sự hỗ trợ của đơn vị tư vấn Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm nên đã được tính toán lại, đưa ra tổng mức đầu tư hơn 47.000 tỷ đồng.

Vốn đầu tư sau điều chỉnh này đã được ý kiến đồng thuận của các bộ, ngành liên quan. Cùng với đó, Ủy ban Nhân dân thành phố đã mời đơn vị thẩm định của Singapore đánh giá lại. Trên cơ sở đó, Ủy ban Nhân dân thành phố báo cáo và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong khi đó, tuyến metro số 2 giai đoạn 1 Bến Thành-Tham Lương (dài 11,042km) cũng trong tình trạng “đội vốn."

Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 cho biết tổng mức đầu tư ban đầu được duyệt là 1,374 tỷ USD, sau khi cập nhật ý kiến của các bộ, ngành đã được tăng lên tới 2,173 tỷ USD. Dự kiến trong tháng 9 này, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư (tổng mức đầu tư và thời gian thực hiện dự án).

Về công tác giải phóng mặt bằng, Ủy ban Nhân dân các quận nơi dự án metro số 2 đi qua (quận 1, 3, 10, Tân Bình, Tân Phú, quận 12) đã ban hành thông báo thu hồi đất, dự kiến phải đến tháng 6/2018 mới bắt đầu tiến hành ban giao mặt bằng. Như vậy, vẫn chưa thể “chốt” được thời điểm dự án tuyến metro số 2 có thể khởi công, hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Với tuyến metro số 5, giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền-Cầu Sài Gòn), hiện tại thành phố đã thu xếp được gần 1 tỷ euro cam kết tài trợ từ Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Tái thiết Đức và Ngân hàng Đầu tư châu Âu, vốn đối ứng từ ngân sách thành phố khoảng 400 triệu euro.

Thông tin về tiến độ tuyến metro số 1, ông Dương Hữu Hòa, Giám đốc Ban Quản lý dự án 1 cho biết cập nhật đến ngày 7/9, gói thầu CP1a - xây dựng đoạn ngầm từ nhà ga Bến Thành đến ga nhà hát thành phố đạt tổng thể 13,5% khối lượng; gói thầu CP1b - xây dựng đoạn ngầm từ ga nhà hát thành phố đến ga Ba Son đạt 51%; gói thầu CP2 - xây dựng đoạn trên cao và depot từ ga Ba Son đến depot Long Bình đạt 69,5%.

Trong khi đó, gói thầu CP3 - mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng đạt 18%; gói thầu CP4 - hệ thống thông tin cho Văn phòng Công ty Vận hành và bảo dưỡng, dự kiến sẽ triển khai thiết kế kỹ thuật vào đầu năm 2018.

... đến thiếu tiền

Không chỉ "đội vốn," các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh còn phải đối mặt với nhiều nhiều nỗi lo khác, trong đó có vấn đề thiếu tiền. Điều này đưa đến nghịch cảnh chủ đầu tư vừa phải lo làm vừa phải lo đi xin ứng tiền thanh toán cho nhà thầu.

Theo ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, từ tháng 9/2016, việc phân bổ vốn ODA cho tuyến metro số 1 tạm dừng. Nhiều lần Ban quản lý đã làm việc với nhiều cơ quan ban ngành Trung ương nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt khoát. Nhu cầu vốn ODA tuyến metro số 1 cho cả năm 2017 ở mức 5.400 tỷ đồng nhưng đến tháng 4/2017, Trung ương chỉ phân bổ khoảng 2.000 tỷ đồng.

"Do không có tiền trả cho công nhân dịp Tết 2017 nên Ban Quản lý đường sắt đô thị đã xin thành phố cho ứng 600 tỷ đồng. Vừa qua, Ủy ban Nhân dân thành phố tiếp tục cho ứng 500 tỷ đồng để Ban quản lý đường sắt đô thị thanh toán cho nhà thầu. Việc giải ngân vốn chậm đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án tuyến metro số 1. Ngay cả việc ứng vốn 500 tỷ đồng nói trên cũng không đủ nhu cầu vì mỗi tháng giá trị cần thanh toán cho nhà thầu khoảng 500-600 tỷ đồng. Vì thế, thành phố mong mỏi các bộ ngành quan tâm giải quyết vốn không chỉ cho tuyến metro số 1 mà còn cho cả thành phố để đầu tư hạ tầng đô thị, phát triển kinh tế xã hội, đảm bẩo các dự án được triển khai đúng tiến độ," ông Lê Nguyễn Minh Quang nói.

Cũng theo đại diện lãnh đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến từ tháng 10/2017, đơn vị thì công sẽ bắt đầu tiến hành lắp đường ray nhưng đang vướng thủ tục. Trước đây, đường ray là mặt hàng được miễn thuế nhưng mới đây, đã có thông tư liên quan yêu cầu xem xét lại vấn đề này. Vì thế, các thiết bị, vật tư để lắp đường ray đang bị ách lại ở cảng.

Ban Quản lý đường sắt đô thị đang phối hợp với các sở ngành liên quan tìm hướng tháo gỡ nhằm đưa hàng ra nhanh cho nhà thầu thi công lắp đặt (Vietnam+)
--------------------------

Thời điểm vàng để hạ lãi suất đã qua

Trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 8-2017 vừa diễn ra ngày 30-8-2017, Thủ tướng Chính phủ lại một lần nữa yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có giải pháp để hạ mặt bằng lãi suất cho vay thêm 0,5% trong những tháng còn lại của năm 2017 nhằm thúc đẩy tín dụng tăng trưởng khoảng 21-22% cho cả năm 2017. Đây được xem là giải pháp mang tính chất then chốt nhằm đạt được kế hoạch tăng trưởng GDP ở mức 6,7% trong năm 2017(1).

Tại sao Chính phủ lại tiếp tục gây sức ép lên NHNN vào thời điểm mà chỉ còn khoảng bốn tháng nữa là kết thúc năm tài chính 2017? Phải chăng động thái hạ các mức lãi suất điều hành trước đó chưa phát huy hiệu quả?

Chính sách tài khóa đang dần hết dư địa

Tính đến ngày 21-8-2017, tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng mới chỉ tăng 10,06% so với cuối năm 2016(2). Như vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 21-22% cho cả năm 2017, đòi hỏi ngành ngân hàng phải có các giải pháp quyết liệt hơn nữa nhằm tăng tốc độ giải ngân vốn cho nền kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2017. Nhận thấy nhiệm vụ trên không hề dễ dàng nên Chính phủ đã tiếp tục yêu cầu NHNN có giải pháp để hạ lãi suất cho vay thêm 0,5%. Tại sao Chính phủ lại muốn thúc đẩy tín dụng tăng trưởng ở mức cao như vậy?

Câu trả lời chính là dư địa của chính sách tài khóa, chính sách kích cung nhằm thúc đẩy nền kinh tế sản xuất thêm nhiều hàng hóa, dịch vụ hơn gần như không còn nhiều. Nguyên nhân chính là do sự chậm trễ trong việc giải ngân nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê thì đến ngày 15-8-2017, tổng chi cho đầu tư phát triển mới đạt 131.100 tỉ đồng, tương đương với mức hoàn thành 36,7% dự toán của cả năm 2017. Do vậy, để có thể thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh và đạt mục tiêu 6,7% thì Chính phủ có lẽ đang muốn tập trung nhiều hơn vào chính sách tiền tệ nhằm kích thích nhu cầu sử dụng hàng hóa và dịch vụ nhiều hơn, qua đó sẽ khuyến khích các doanh nghiệp gia tăng sản lượng sản xuất.

Thời điểm vàng để hạ lãi suất đã trôi qua

NHNN có thể hoặc hạ lãi suất mua vốn trên OMO từ mức 5%/năm xuống còn 4,75%/năm hoặc hạ trần lãi suất huy động từ 5,5% xuống còn 5,25% áp dụng cho các khoản tiền gửi có kỳ hạn dưới sáu tháng.

Nhiều người đặt câu hỏi rằng việc hạ các mức lãi suất điều hành của NHNN diễn ra ngày 10-7-2017 liệu có phát huy tác dụng? Câu trả lời có lẽ là gần như không, bởi thị trường đã chờ đợi việc NHNN sẽ tiếp tục hạ lãi suất trên thị trường mở (OMO) hoặc trần lãi suất huy động. Tuy nhiên, NHNN đã không có thêm bất kỳ sự thay đổi nào kể từ thời điểm đó đến nay, ngay cả khi thị trường đã có cả điều kiện cần và đủ. Đó là việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) theo năm chỉ còn 2,52% vào cuối tháng 7, hay trạng thái ngoại tệ của toàn hệ thống có thời điểm lên tới gần 2 tỉ đô la Mỹ và lãi suất liên ngân hàng chỉ còn khoảng 0,5-0,8%/năm đối với các khoản cho vay qua đêm...

Do đó, đến lúc này, coi như NHNN đã bỏ qua thời điểm vàng trước đó để giảm lãi suất. Bởi lẽ, chỉ số CPI trong tháng 8 đã bất ngờ tăng tới 0,92% so với tháng 7, kéo theo chỉ số CPI tăng từ mức 2,52% lên mức 3,35% so với cùng kỳ của năm 2016. Xu hướng tăng của lạm phát được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới do hàng loạt mặt hàng do Nhà nước quản lý như điện, dịch vụ y tế, giáo dục... sẽ phải điều chỉnh tăng giá. Hiện nay, mới chỉ có năm tỉnh điều chỉnh tăng giá học phí trong năm học 2017-2018, hay 17 tỉnh điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế đối với người không có bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, sự biến động khó lường của giá xăng, dầu thế giới đã khiến cho giá xăng, dầu trong nước tăng tới 8,9% chỉ riêng trong tháng 8 vừa qua. Ngoài ra, đang có xu hướng tăng giá của giá lương thực, thực phẩm cả ở trong nước và quốc tế. Giá thịt heo trong nước sau khi giảm xuống mức kỷ lục trong sáu tháng đầu năm đã bật tăng liên tiếp 3,19% trong tháng 7 và 5,72% trong tháng 8; giá rau xanh cũng lần lượt tăng tới 2,56% và 3,89% trong hai tháng 7 và 8 do những diễn biến bất lợi của thời tiết...

Liệu còn dư địa để hạ lãi suất?

Về mặt lý thuyết thì mức lạm phát bình quân cả năm tính tới hết tháng 8-2017 là 3,84%, thấp hơn so với mục tiêu 4% mà Quốc hội đã giao cho Chính phủ thực hiện và thấp hơn nhiều so với trần lãi suất 5,5%/năm áp dụng cho các khoản tiền gửi có kỳ hạn dưới sáu tháng. Do vậy, NHNN vẫn có thể thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất vào thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, như phân tích ở trên thì diễn biến của lạm phát trong thời gian tới lại rất khó lường. Trong khi đó, lạm phát mục tiêu lại là yếu tố hàng đầu quyết định đến chính sách điều hành lãi suất của NHNN. Do vậy, có thể phần nào khẳng định rằng dư địa để hạ lãi suất trong những tháng còn lại của năm 2017 là vẫn còn nhưng sẽ không còn nhiều. Theo dự đoán của người viết, nếu NHNN hạ lãi suất trong thời gian tới thì mức giảm có lẽ chỉ là 0,25%, bằng một nửa so với kỳ vọng của Chính phủ và cả nền kinh tế. Theo đó, NHNN có thể hoặc hạ lãi suất mua vốn trên OMO từ mức 5%/năm xuống còn 4,75%/năm hoặc hạ trần lãi suất huy động từ 5,5% xuống còn 5,25% áp dụng cho các khoản tiền gửi có kỳ hạn dưới sáu tháng. Tuy nhiên, giải pháp hạ lãi suất mua vốn trên OMO sẽ khả thi hơn so với hạ trần lãi suất huy động, bởi lẽ khi đó nó sẽ tạo ít áp lực hơn cho nhóm các ngân hàng nhỏ. Cần biết thực tế hiện nay các ngân hàng này vẫn đang phải huy động với mức lãi suất kịch trần 5,5%/năm. (TBKTSG)
---------------------

Trở về

Bài cùng chuyên mục