tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 09-04-2017

  • Cập nhật : 09/04/2017

Tỉ giá trung tâm lên mức cao nhất từ đầu năm đến nay

Giá USD ngày 7-4 được các NH thương mại niêm yết phổ biến mua vào 22.710 đồng/USD, bán ra 22.720 đồng/USD, giảm thêm 30 đồng/USD so với phiên trước. Trong khi đó, tỉ giá trung tâm tiếp tục được NH Nhà nước nâng lên mức 22.311 đồng/USD, tăng khá mạnh so với phiên trước và hiện ở mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay.

gia usd dang dung o muc cao anh: tan thanh

Giá USD đang đứng ở mức cao Ảnh: TẤN THẠNH

Theo NH Nhà nước, tỉ giá trung tâm đã được điều chỉnh linh hoạt thời gian qua cũng như điều tiết VNĐ hợp lý nhằm hỗ trợ ổn định tỉ giá. Đồng thời, cơ quan này cũng duy trì thanh khoản và lãi suất VNĐ trên thị trường liên NH ở mức hợp lý nhằm hỗ trợ ổn định tỉ giá, không gây sức ép đến lãi suất trên thị trường.

Cuối ngày 7-4, giá vàng SJC được các doanh nghiệp tại TP HCM niêm yết mua vào 36,4 triệu đồng/lượng, bán ra 36,6 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 50.000 đồng/lượng so với phiên trước. Giá vàng trong nước tăng do ảnh hưởng của giá thế giới nhưng mức tăng không nhiều. Trong khi đó, giá vàng thế giới đã có phiên nhảy vọt lên mức 1.264 USD/ounce, tăng hơn chục USD/ounce so với phiên trước và có thời điểm xấp xỉ 1.270 USD/ounce.

Gần đây, giới đầu tư đã chuyển sang nắm giữ các tài sản an toàn, trong đó có vàng, khi Mỹ mở cuộc tấn công bằng tên lửa vào Syria. Dù vậy, giới phân tích cho rằng giá vàng vẫn chịu tác động chính từ sự biến động của đồng USD và chính sách kinh tế của Mỹ. Khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã rút xuống dưới 2 triệu đồng/lượng nhưng lực mua vàng ở thị trường trong nước vẫn khá thấp.(NLĐ)
-----------------------------

Đẩy mạnh nội địa hóa ô tô

Ngày 7-4, trong chuyến công tác tại tỉnh Ninh Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham quan dây chuyền sản xuất ở nhà máy ô tô của Tập đoàn Hyundai Thành Công.

Sau khi biểu dương doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam, Thủ tướng cho rằng nếu không có sự quyết tâm của một số địa phương trong thời gian qua thì chiến lược này có nguy cơ thất bại. Vừa qua, Quảng Nam, Ninh Bình, Vĩnh Phúc và một số địa phương khác đã tập trung phát triển sản xuất ô tô. Đến nay, một số địa phương đã có kết quả đáng khích lệ.

thu tuong nguyen xuan phuc tham quan day chuyen san xuat tai nha may o to cua tap doan hyundai thanh cong anh: quang hieu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan dây chuyền sản xuất tại nhà máy ô tô của Tập đoàn Hyundai Thành Công Ảnh: QUANG HIẾU

Thủ tướng hoan nghênh tỉnh Ninh Bình, Tập đoàn Hyundai Thành Công đã đầu tư 500 triệu USD xây dựng dự án Tổ hợp sản xuất ô tô tại KCN Gián Khẩu (tỉnh Ninh Bình). Thủ tướng đánh giá cao tập đoàn này nộp ngân sách hơn 7.000 tỉ đồng trong năm 2016 cũng như hướng đi trong việc hợp tác, liên kết với đối tác nước ngoài (Tập đoàn Hyundai - Hàn Quốc).

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra mặt tồn tại của doanh nghiệp như chủ yếu còn lắp ráp, thị phần ít, chưa có dòng sản phẩm nổi trội. Đến năm 2018, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ một số thị trường sẽ về mức 0%. Do đó, nếu không nỗ lực thì sẽ vấp phải vấn đề không hiệu quả.

Một chiếc ô tô có hơn 800 chi tiết nên việc nội địa hóa 100% là khó nhưng Thủ tướng mong muốn tập đoàn cố gắng sản xuất phụ tùng quan trọng nhất, kể cả động cơ. Cùng với thị trường trong nước, cần hướng tới xuất khẩu. (NLĐ)
-----------------------------------

Bỏ áp trần giá sữa, điều hành giá theo quy luật thị trường

Chính phủ vừa có văn bản thông báo thống nhất với đề nghị của Bộ Công Thương về việc kết thúc áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi từ ngày 1/4/2017.

Đồng thời, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương và các bộ, cơ quan liên quan thực hiện quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của Luật giá và các văn bản pháp luật có liên quan; đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc kiểm soát giá, chống đầu cơ, độc quyền.

gia sua se duoc quan ly theo co che thi truong.

Giá sữa sẽ được quản lý theo cơ chế thị trường.

Trong bối cảnh thị trường sữa cuối năm 2013, đầu năm 2014 liên tục biến động, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa liên tục điều chỉnh tăng giá sữa, Bộ Tài chính đã thực hiện bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi thông qua việc áp giá trần. Biện pháp này được thực hiện từ ngày 1-6-2014 và có hiệu lực đến ngày 1-6-2015, sau đó được gia hạn đến ngày 31-12-2016 và tiếp tục gia hạn đến hết tháng 3/2017.

Việc áp dụng giá trần mặt hàng sữa trẻ em đã phần nào giúp thị trường sữa tại Việt Nam bình ổn hơn, tuy nhiên đó lại không phải là biện pháp căn cơ để quản lý trong nền kinh tế thị trường. Theo các chuyên gia, áp giá trần cho sản phẩm sữa bột trẻ em không thể kéo dài lâu vì Việt Nam đã ký một loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA), không thể dùng các biện pháp hành chính để áp đặt thị trường.

Theo Luật Giá, sữa không thuộc danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá, bởi không phải sản phẩm độc quyền. Thực tế, đại diện các hãng sữa ngoại cũng như các phòng thương mại nước ngoài cũng đã đề nghị Việt Nam bỏ việc áp trần để tạo sự cạnh tranh bình đẳng. 

"Để áp giá trần đối với sữa trẻ em, cần phải chứng minh có những doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường, hoặc mặt hàng này có biến động bất thường, tăng giá quá cao so với đầu vào. Nhưng thực tế các cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được một doanh nghiệp sữa trẻ em nào chiếm thị phần 30%, hay 2 doanh nghiệp có tổng thị phần 50%, 3 doanh nghiệp tổng thị phần 65%, 4 doanh nghiệp có tổng thị phần 75%. Đồng thời, cũng chưa chứng minh được sự tăng giá bất thường của giá sữa trẻ em bởi mỗi lần tăng giá chỉ khoảng 7-9%, trong giới hạn cho phép", chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích.

Thực tế qua gần 3 năm áp dụng, biện pháp này bộc lộ nhiều hạn chế. Dỡ bỏ trần giá sữa là cần thiết, phù hợp với thể chế và tư duy quản lý giá trong nền kinh tế thị trường.

Theo các chuyên gia, sau khi bỏ trần giá sữa, Nhà nước cần khuyến khích cạnh tranh và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Nhà nước chỉ điều tiết trong bối cảnh nếu doanh nghiệp độc quyền, vi phạm Luật Cạnh tranh hoặc khi có yếu tố bất thường, ảnh hưởng đời sống. Nhiệm vụ quan trọng nhất của cơ quan quản lý giá là theo dõi diễn biến yếu tố đầu vào, yếu tố hình thành giá theo cơ chế hậu kiểm, điều hành giá theo quy luật của thị trường.(BTT)
---------------------------------------------------

Novaland rút lui, ông Đặng Văn Thành sẽ quay trở lại sau "đại phẫu" Sacombank?

Những tin đồn về một nhóm các cổ đông, trong đó có Novaland và cựu Chủ tịch Sacombank Đặng Văn Thành muốn được tham gia tái cơ cấu Sacombank đã khiến giá cổ phiếu STB tăng lên đỉnh 1 năm là 12.400 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Novaland đã chính thức xác nhận việc rút khỏi kế hoạch tham gia tái cấu trúc Sacombank sau khi tập đoàn bất động sản này có tờ trình gửi đến Ngân hàng Nhà nước xuất mua 20% cổ phần của Sacombank.

Trước đó, Novaland đã trình NHNN kế hoạch mua 20% số lượng cổ phiếu lưu hành của Sacombank vào ngày 16/12/2016, tương đương 360,72 triệu cổ phiếu, với tổng giá trị là 6 nghìn tỷ đồng. Con số này tương đương mức giá 16.633 đồng/cổ phiếu, cao hơn đáng kể so với mức giá hiện tại.

Việc rút lui của Novaland không dập tắt toàn bộ tin đồn M&A xung quanh cổ phiếu STB. Trên thực tế đã có một loạt tin đồn M&A liên quan đến Sacombank trong thời gian qua. Đáng chú ý nhất là thông tin về khả năng ông Đặng Văn Thành cùng với Evercore và Red Sun Limited đã thể hiện sự quan tâm đối với Sacombank.

ong dang van thanh duoc cho la dang tren duong tro lai sacombank.

Ông Đặng Văn Thành được cho là đang trên đường trở lại Sacombank.

Nếu điều này xảy ra, chắc chắn sẽ có lợi cho Sacombank bởi NHNN vẫn đang tìm kiếm một giải pháp cho tương lai dài hạn cho ngân hàng này.

Sacombank vẫn đang nợ các nhà đầu tư báo cáo tài chính đã kiểm toán các năm 2015, 2016 và tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên 2017, cho dù ngày tổ chức đại hội được ấn định là 28/4/2017. Không chỉ những thông tin về kết quả kinh doanh, lý do chính khiến tài liệu này được mong chờ là có thể sẽ có thông tin chi tiết về đề án tái cơ cấu ngân hàng đã được Chính phủ phê duyệt.

Lưu ý là ngày 10/4 được ấn định là thời hạn chót để Sacombank nộp danh sách ứng viên vào HĐQT. Như vậy thời hạn nộp danh sách ứng viên vào HĐQT của Sacombank muộn hơn bình thường vì thông thường danh sách này phải nộp lên NHNN ít nhất 1 tháng trước ngày họp đại hội đồng cổ đông thường niên. Hiện HĐQT của Sacombank có 7 thành viên kể từ khi ông Trầm Bê và con trai từ nhiệm.(Infonet)

Trở về

Bài cùng chuyên mục