Ngân sách trung ương có thể hụt thu 50.000 tỷ đồng vì giá dầu
Đà Nẵng sẽ cho phép chuyển nhượng các dự án “treo”
Mỹ cam kết không 'làm khó' cá tra Việt
Công ty chứng khoán nội lo thiệt khi thành doanh nghiệp ngoại
Doanh nghiệp Việt đơn độc ở nước ngoài
Tin kinh tế đọc nhanh 06-03-2016
- Cập nhật : 06/03/2016
Thương mại Hàn - Việt sẽ đạt 70 tỷ USD vào năm 2020
Ông Roh In Ho, Phó chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc cho biết như vậy tại buổi khai trương KVFTA tại TP.HCM ngày 4/3.
Trung tâm Hỗ trợ Hiệp định thương mại tự do Hàn Quốc – Việt Nam (KVFTA) do Chính phủ Hàn Quốc thành lập nhằm thúc đẩy thương mại song phương giữa hai nước.
Theo đó, phía Hàn Quốc cam kết tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp hai nước vận dụng hiệu quả hiệp định giao thương này.
KVFTA sẽ là một cầu nối cung cấp dịch vụ, tư vấn miễn phí thông tin liên quan về chính sách thuế quan, các chính sách ưu đãi, lộ trình giảm thuế và các sản phẩm hàng hóa…
Từ trung tâm KVFTA đặt tại TP.HCM, doanh nghiệp và doanh nhân hai nước có thể khai thác thông tin miễn phí các ưu đãi từ hiệp định thương mại này, nhất là hoạt động kinh doanh, đầu tư xuất nhập khẩu hàng hóa hai chiều.
Việt Nam đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Hàn Quốc, với kim ngạch 27,8 tỷ USD năm 2015. Hàn Quốc cũng là nhà đầu tư lớn tại Việt Nam với trên 5.000 dự án đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 45 tỷ USD. Trong đó có những thương hiệu lớn của Hàn Quốc như Samsung đang xây dựng và phát triển sản xuất hàng điện tử ở Bắc Ninh và TP.HCM.
Tăng cường kiểm tra xuất xứ sữa và phôi thép nhập khẩu
Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan vừa yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) đối với mặt hàng sữa và phôi thép nhập khẩu.
Theo Cục Điều tra chống buôn lậu, việc tăng cường kiểm soát 2 mặt hàng nêu trên nhằm thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, trong việc đánh giá tác động của việc thực hiện cam kết cắt giảm thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do (FTA), kịp thời ngăn chặn việc gian lận thương mại từ các quy định ưu đãi thuế…
Cục Điều tra chống buôn lậu đề nghị các cục hải quan tăng cường công tác kiểm tra C/O đối với mặt hàng sữa thành phẩm nhập khẩu từ Singapore, do mặt hàng này, trong khối ASEAN Việt Nam nhập khẩu gần như toàn bộ sữa từ Singapore với tỷ lệ khai C/O ưu đãi gần 100%.
Bên cạnh đó, Cục Điều tra chống buôn lậu cũng đề nghị các đơn vị tăng cường kiểm tra C/O và tiêu chuẩn kỹ thuật mặt hàng phôi thép từ Trung Quốc; trong đó, lưu ý kiểm tra đối với các doanh nghiệp khai báo mô tả hàng hóa không thống nhất dẫn đến những vướng mắc trong việc áp mã.
Trường hợp phát hiện vi phạm hoặc có phát sinh vướng mắc trong quá trình kiểm tra, giám sát, kiểm soát và xử lý hàng hóa nêu trên, các đơn vị hải quan cần kịp thời báo cáo về Tổng cục Hải quan để có biện pháp xử lý
Đại gia Thái Lan có thể rút khỏi thương vụ Big C Việt Nam
Central Group cho biết có thể rút lui khỏi cuộc đua thâu tóm Big C Việt Nam nếu thương vụ này trở nên quá phức tạp.
Trang DealStreetAsia mới đây đưa tin, tập đoàn bán lẻ Thái Lan Central Group có thể sẽ không tiếp tục tham gia vào cuộc đua thâu tóm Big C Việt Nam nếu thương vụ này trở nên quá phức tạp.
"Chúng tôi đang cân nhắc nhưng vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức. Có thông tin cho rằng nhiều công ty rất quan tâm đến thương vụ diễn ra vào ngày 10/3 sắp tới. Tuy nhiên, lý do duy nhất có thể sẽ khiến chúng tôi không muốn tiếp tục cuộc đua là vì tiến trình hoàn tất thương vụ tại Việt Nam phức tạp hơn vụ mua Big C Thái Lan rất nhiều", Tos Chirathivat, Giám đốc điều hành Central nói với giới truyền thông.
Giá trị tài sản của Big C Việt Nam ước tính khoảng 563,38 triệu USD, ông cho biết.
"Nếu quyết định cuối cùng là từ bỏ thương vụ này thì cũng chẳng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh vì chúng tôi đã đạt mức doanh thu lên tới 600 triệu USD tại Việt Nam. Nhưng nếu chúng tôi có thể giành phần thắng trong thương vụ này, Big C có thể giúp doanh thu tại Việt Nam của chúng tôi tăng gấp đôi", vị lãnh đạo này nói.
Trong khi đó, Tos khẳng định ông không có ý định bán 25% cổ phần tại Big C Thái Lan cho Berli Jucker, một công ty con của TCC Holding. Đây là đơn vị đã chi 3,1 tỷ euro để mua lại 58,6% cổ phần hệ thống bán lẻ này từ tay Casino Group vào tháng 2.
"Chúng tôi chưa bàn thảo gì nhiều. Nhưng chúng tôi chính là đơn vị sáng lập Big C tại Thái Lan 20 năm về trước, cho đến bây giờ giá trị tài sản của hệ thống bán lẻ này đã tăng lên 200 tỷ baht (5,65tỷ USD). Big C vẫn có tiềm năng kinh doanh tốt mặc dù tốc độ tăng trưởng không còn mạnh mẽ như trước đây", ông nói.
Tos cho biết, Central Group đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu 337 tỷ baht (9,5 tỷ USD) năm nay, tăng 18,9% so với kết quả năm 2015.
Tại Thái Lan, tập đoàn này sẽ tiếp tục đầu tư vào cửa hàng bách hóa, các dự án chung cư, khách sạn và một số cửa hàng đặc biệt khác.
Đối với hoạt động tại nước ngoài, Central sẽ mở rộng đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ và khách sạn tại 8 nước là Ý, Đức, Đan Mạch, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Oman, Ethiopia và Cuba. Ngoài ra, các thị trường châu Á cũng lọt vào tầm ngắm của tập đoàn này gồm Việt Nam, Lào, Malaysia, Singapore, Indonesia, Trung Quốc, Sri Lanka và Maldives.
Tập đoàn này nhắm doanh thu bán lẻ quốc tế đạt 51 tỷ baht năm nay, chiếm khoảng 40% tổng doanh thu Central Department Store Group. Mục tiêu đến năm 2020, con số này sẽ tăng lên 100 tỷ baht.
Doanh nghiệp dệt may quy mô 6.000 tỷ đồng sắp lên sàn UpCOM
28 triệu cổ phiếu VGG sẽ chính thức niêm yết sàn UpCOM từ ngày 10/3/2016 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 40.000 đồng/cổ phiếu.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo ngày giao dịch đầu tiên cổ phiếu VGG của Tổng CTCP May Việt Tiến.
Theo đó, 28 triệu cổ phiếu VGG sẽ chính thức niêm yết sàn UpCOM từ ngày 10/3/2016 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 40.000 đồng/cổ phiếu.
May Việt Tiến tiền thân là một xí nghiệp may tư nhân “Thái Bình Dương kỹ nghệ công ty” - tên giao dịch là Pacific Enterprise. Xí nghiệp này được 8 cổ đông góp vốn do ông Sâm Bào Tài làm Giám đốc. Tháng 5/1977, Bộ Công nghiệp công nhận đây là xí nghiệp quốc doanh và đổi tên thành Xí Nghiệp May Việt Tiến, sau đó là Công ty May Việt Tiến. Đến năm 2007, đơn vị này chính thức mang tên Tổng Công ty May Việt Tiến.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015, doanh thu thuần của May Việt Tiến đạt hơn 6.400 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp này đạt hơn 410 tỷ đồng, tăng 7,4%. Kết quả này đã vượt lần lượt 12% và 41% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2015 được Đại hội đồng cổ đông May Việt Tiến thông qua. Tổng Công ty dự kiến mức cổ tức tối thiểu chi trả trong năm 2015 là 20%.
Hãng sản xuất tơ nhện nhân tạo hàng đầu thế giới đầu tư vào Việt Nam
Kraig Labs sẽ thành lập công ty con tại Việt Nam và mở một trung tâm nghiên cứu lụa và sản xuất thí điểm loại hàng hóa này.
Kraig Biocraft Laboratories, một trong những nhà sản xuất tơ nhện nhân tạo hàng đầu thế giới, vừa thông báo đã ký kết thỏa thuận hợp tác với một cơ quan chính phủ Việt Nam để phát triển công nghệ và sản xuất lụa cao cấp tại Việt Nam.
"Theo các điều khoản của thỏa thuận này, Kraig Labs đã đồng ý thành lập một công ty con tại Việt Nam và mở một trung tâm nghiên cứu vật liệu lụa cao cấp, cũng như sản xuất thí điểm loại vật liệu này", thông cáo báo chí từ Kraig cho biết.
Kraig Labs đã tạo ra một phương pháp hiệu quả để có thể sản xuất tơ chất lượng cao thông qua công nghệ biến đổi gene. Nhờ đó, sản phẩm của Kraig có chất lượng cao và độ đàn hồi tốt, thậm chí có thể đạt chất lượng cao hơn cả tơ nhện tự nhiên. Loại sợi Dragon Silk của Kraig được đánh giá là có khả năng định hình lại cả ngành công nghiệp dệt may, trang tin về dệt may Fibre2fashion cho biết.
"Các thỏa thuận về nghiên cứu và sản xuất với Việt Nam cho phép Kraig đặt nền tảng cho việc sản xuất và phát triển hơn nữa các mặt hàng dệt may tiên tiến", Kraig cho biết.
Theo bà Kim Thompson, CEO của Kraig, thỏa thuận này là một bước tiến mới của Kraig sau hai năm tiến hành các vòng đàm phán với Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là một phần trong chiến lược mang công nghệ sản xuất tơ sợi tiên tiến vào thị trường vật liệu cao cấp có trị giá hàng tỷ USD, bà Kim nói thêm.
Hiện tại Kraig đang trong tiến trình hoàn thiện các thủ tục cần thiết để thành lập công ty con và kế hoạch hoạt động trong tương lai. Trong vài tháng tới, Kraig sẽ hoàn chỉnh giấy phép thành lập công ty con, thuê cơ sở sản xuất, tuyển dụng và đào tạo nhân sự địa phương và bắt đầu nhân giống chéo giữa giống tằm của Công ty với giống tằm thương mại của Việt Nam.