Trung Quốc "chật vật" với dự án đường sắt tại Thái Lan
HSBC: Lãi suất chưa tăng đến giữa năm 2017
Đã xuất hiện dự án tỷ đô đầu tiên trong năm 2016
Tỉnh nào hút vốn đầu tư Đài Loan nhiều nhất?
Xuất khẩu da giày top đầu thế giới, nhưng người Việt đang ngày càng ít đi giày Việt
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 05-05-2016
- Cập nhật : 05/05/2016
Gây ô nhiễm, công ty ở Brazil đối mặt án phạt 43,5 tỉ USD
Các công tố viên liên bang Brazil vừa hoàn thành tập hồ sơ đòi công ty khai thác sắt Samarco cùng hai công ty mẹ là Vale và BHP Billiton phải bồi thường 43,5 tỉ USD vì gây ô nhiễm môi trường.
Sự việc xảy ra vào tháng 11-2015 khi công ty khai thác sắt nội địa Samarco làm sập một con đập khiến 19 người chết và gây ô nhiễm nghiêm trọng trên sông Gualaxo do Norte.
Hãng tin RT cho biết hồ sơ đòi bồi thường của Brazil được hoàn tất sau quá trình điều tra kéo dài 6 tháng. Các công tố viên yêu cầu Samarco và hai công ty mẹ phải trả trước 2,2 tỉ USD trong vòng 30 ngày sắp tới.
Theo văn phòng công tố, mức bồi thường được tính toán dựa trên việc hãng BP bồi thường 53,8 tỉ USD sau sự cố tràn dầu ở vịnh Mexico.
Hồ sơ đòi bồi thường cũng đặt lại vấn đề về thỏa thuận được ký kết trước đó giữa các công ty này với chính phủ bang và liên bang Brazil.
Cho tới thời điểm này, theo tuyên bố của công ty BHP, họ đang hợp tác giúp Samarco tái thiết lại cộng đồng và khôi phục điều kiện môi trường tự nhiên sau sự cố sập đập.
Công ty này cũng cho biết đã cùng với Samarco và Vale đồng ý trả số tiền 5,6 tỉ USD cho chính phủ Brazil theo một hợp đồng riêng.
Tuy nhiên, hợp đồng bồi thường 5,6 tỉ USD này không được các công tố viên liên bang thừa nhận vì cho rằng thiếu biện pháp để đảm bảo các công ty có thật sự trả cho chính phủ.
Johnson & Johnson lại thua kiện phấn rôm gây ung thư
Bà Gloria Ristesund, 62 tuổi, nói bà đã bị ung thư buồng trứng do dùng sản phẩm phấn rôm của Johnson & Johnson. Theo phán quyết của tòa, công ty phải bồi thường cho bà 55 triệu USD.
Đây là lần thứ hai Johnson & Johnson thua kiện phấn rôm gây ung thư. Ngày 3-5, công ty tuyên bố sẽ kháng án sau phán quyết của tòa.
Theo cáo trạng của tòa, bà Ristesund, ngụ bang South Dakota, Mỹ, được chẩn đoán mắc ung thư vào năm 2011, mà nguyên nhân theo bà là do sản phẩm phấn rôm của Johnson & Johnson mà bà dùng trong gần 40 năm. Hiện bệnh tình của bà đã thuyên giảm sau khi bà phẫu thuật cắt bỏ tử cung và các phẫu thuật có liên quan.
Trong đơn kiện, bà cáo buộc Johnson & Johnson "sai trái và cẩu thả trong việc nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, sản xuất, quảng bá, tiếp thị và bán sản phẩm phấn rôm".
Ristesund là một trong hơn 60 nguyên đơn đang theo đuổi vụ kiện chống lại Johnson & Johnson, nhà phân phối Imerys Talc America Inc và Hội đồng sản phẩm Chăm sóc cá nhân, cáo buộc họ đã không cảnh báo nguy cơ của phấn rôm khiến khách hàng Johnson & Johnson bị ung thư.
Phía Johnson & Johnson phủ nhận sản phẩm phấn rôm của mình có liên quan tới ung thư buồng trứng, và do đó họ không cần cảnh báo người tiêu dùng.
Luật sư của công ty cũng cho rằng bà Ristesund có một số yếu tố nguy cơ bị ung thư buồng trứng, gồm gia đình có tiền sử bị ung thư, bản thân bà bị lạc nội mạc tử cung và thực tế bà không có con. Luật sư cũng nói họ sẽ kháng án.
Trước đó vào tháng 2-2016, một tòa án ở St Louis, Missouri đã buộc Johnson & Johnson bồi thường 72 triệu USD cho gia đình bà Jackie Fox - bị bệnh ung thư buồng trứng được cho là có liên quan đến phấn rôm của công ty.
Hiệp hội Xăng dầu 'chê' cách tính thuế nhập khẩu
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam vừa có kiến nghị gửi Thủ tướng về những bất cập trong cách tính giá cơ sở bán lẻ xăng dầu. Việc này nảy sinh từ cuối tháng 3, sau khi cơ quan quản lý áp dụng cách tính thuế theo bình quân gia quyền thuế suất của các thị trường nhập khẩu, dựa theo lượng nhập thực tế từ các thị trường này. Giải pháp khi ấy được kỳ vọng sẽ "vá" phần nào lỗ hổng thuế phí, khiến người tiêu dùng phải trả "oan" hàng trăm tỷ đồng mỗi tháng số tiền thuế mà thực chất doanh nghiệp không phải nộp.
Tuy nhiên, theo phân tích của Hiệp hội Xăng dầu, cách làm nêu trên lại phát sinh nhiều bất cập. Với việc tham gia các hiệp định thương mại tự do, thuế nhập khẩu xăng từ ASEAN vào Việt Nam là 20%, từ Hàn Quốc là 10%; các mặt hàng dầu lần lượt là 0% và 5%... Trong khi đó, với cách tính nêu trên, thuế nhập khẩu đang áp dụng để tính giá cơ sở là 18,35% đối với xăng; 2,32% với dầu diesel và 0% đối với dầu hỏa và madút.
Do vậy, các doanh nghiệp cho rằng cách tính này luôn làm phát sinh chênh lệch giữa thuế nhập khẩu thực tế họ phải nộp với mức thuế bình quân. Bên cạnh đó, nó cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (đơn vị quản lý Nhà máy lọc dầu Dung Quất, đang chịu mức thuế chung cao hơn một số thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam) và tạo sự không minh bạch, cũng như thiếu cơ sở pháp lý trong điều hành giá bán...
“Cần xem xét giảm thuế nhập khẩu xuống còn 10% đối với xăng và 0% đối với các mặt hàng dầu trong biểu thuế nhập khẩu ưu đãi và là mức thuế để tính giá cơ sở", văn bản của Hiệp hội Xăng dầu nêu. Hiện mức thuế nhập khẩu thấp nhất theo các cam kết của Việt Nam với quốc tế là 10% đối với xăng và 0% đối với các mặt hàng dầu.
Tính toán ngân sách sẽ giảm thu ở khâu nhập khẩu nếu thực hiện đề xuất trên nên để ổn định nguồn thu từ xăng dầu, Hiệp hội cho rằng cần tăng thu nội địa, cụ thể là thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Riêng với mức thuế bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp kiến nghị tiếp tục áp dụng thu ở khâu bán ra, nghĩa là tính vào giá bán cho người tiêu dùng.
Cũng trong văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng, Hiệp hội Xăng dầu cũng tiếp tục "kêu khó" cho Lọc dầu Dung Quất. Theo đó, do tác động trực tiếp của việc thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu theo cam kết quốc tế và chính sách áp thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở như trên, Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Để tránh nguy cơ ứ đọng sản phẩm, giãn hoặc dừng sản xuất, Hiệp hội cho biết đã họp với Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn và các đầu mối nhập khẩu. Các doanh nghiệp đã cùng kiến nghị Thủ tướng cho phép tiếp tục điều chỉnh mức thuế nhập khẩu của lọc hóa dầu Dung Quất đối với xăng từ 20% xuống 10%; các loại dầu và xăng máy bay Jet A1 về 0%.
Ngoài ra, các đơn vị này cho rằng cần có chính sách điều tiết phù hợp (phần thuế để lại cho lọc hóa dầu Dung Quất) để sản phẩm cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu cùng loại.
Hồi cuối tháng 2/2016, Tập đoàn Dầu khí (PetroVietnam) cũng đã có văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, đề cập tới những khó khăn mà Lọc dầu Dung Quất đang gặp phải và có nguy cơ phải đóng cửa nếu chính sách thuế không thay đổi.
Cụ thể, các sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất chịu mức thuế nhập khẩu mặt hàng dầu diesel, madút là 10%, dầu hỏa là 13%, cao hơn thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt từ ASEAN. Trước tình hình đó, tháng 3/2016, Bộ Tài chính đã quyết định giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng dầu của Dung Quất về mức 7%. Đây là lần thứ 2 Bộ Tài chính ra tay “cứu” Dung Quất khi nhà máy này kêu ca về những khó khăn gặp phải, sau lần đầu "cảnh báo" về khả năng đóng cửa hồi tháng 4/2015.
Vôi sống của Việt Nam bị Úc kiện
Ủy ban chống bán phá giá Úc (ADC) vừa khởi xướng điều tra chống bán phá giá (AD) sản phẩm vôi sống (quicklime) nhập khẩu từ VN và hai quốc gia khác.
Ngày 4-5, Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương cho biết Ủy ban chống bán phá giá Úc (ADC) vừa khởi xướng điều tra chống bán phá giá (AD) sản phẩm vôi sống (quicklime) nhập khẩu từ VN và hai quốc gia khác.
Vôi sống được sử dụng trong các ngành công nghiệp luyện kim, xử lý nước thải, môi trường, gia cố nền đát, điều chỉnh độ PH, chất ăn da, hấp thụ khí axít…
Nguyên đơn khởi kiện là Công ty Cockburn Cement Limited, cáo buộc hàng hoá xuất khẩu sang Úc có giá thấp hơn giá trị thông thường, gây thiệt hại đáng kể cho ngành công nghiệp Úc thông qua việc kìm giá, ép giá, suy giảm lợi nhuận…
Theo số liệu trong đơn kiện, năm 2014-2015, tổng khối lượng vôi sống nhập khẩu từ Việt Nam khoảng 39.214 tấn, chiếm khoảng 33,9% thị phần nhập khẩu vào Úc.
Giai đoạn điều tra được xác định từ 1-1-2015 đến 31-12-2015, nhưng số liệu nhập khẩu được ADC xem xét từ 1-1-2012 để phân tích thiệt hại.
Theo VCA, biên độ phá giá sản phẩm vôi sống của VN bị nguyên đơn đưa ra ở mức rất cao, từ 64,4% - 86,1%, trong khi ADC chỉ đưa ra mức 18%, đứng thứ 2/ 3 nước bị điều tra.
Bốn tháng, người Việt chi 1 tỉ USD nhập linh kiện ô tô
Như vậy, so với tháng trước đó, nhập khẩu ô tô giảm 1.000 chiếc và giảm 26 triệu USD về giá trị.
Tính chung trong bốn tháng đầu năm nay, cả nước nhập khẩu khoảng 28.000 ô tô các loại với tổng giá trị 669 triệu USD. Con số này giảm hơn 20% về số lượng và giảm hơn 23% giá trị nhập khẩu so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, mặc dù nhập khẩu ô tô nguyên chiếc giảm nhưng trong bốn tháng đầu năm, nước ta phải chi hơn 1 tỉ USD nhập khẩu linh kiện và phụ tùng ô tô các loại. Như vậy, nếu tính chung bốn tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu ô tô và linh kiện đạt khoảng 1,7 tỉ USD, tương đương mức cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy dù ô tô nguyên chiếc nhập khẩu sụt giảm nhưng ô tô lắp ráp trong nước lại có chiều hướng tăng lên.