tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 06-05-2016

  • Cập nhật : 06/05/2016

Ả Rập Xê Út và Nga “quyết chiến” để giành thị phần dầu mỏ Trung Quốc

Kể từ khi giá dầu bắt đầu chiều hướng suy thoái vào giữa năm 2014, Nga và Ả Rập Xê Út đang âm thầm cạnh tranh không khoan nhượng để giành thị phần tại Trung Quốc. Và, "cuộc chiến” này ngày càng leo thang.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Mặc dù Ả Rập Xê Út có lịch sử là nước cung cấp dầu mỏ lớn nhất của Trung Quốc , đã vài lần Nga vượt mặt vương quốc dầu mỏ này nhờ dựa vào các "nhà máy lọc dầu ấm trà" (teapot refineries - tên lóng của các nhà máy sơ chế dầu thô chứ không phải các sản phẩm cao cấp hơn). Điều này đã buộc Ả Rập Xê Út phải làm gì đó mới mẻ, ví dụ như nhắm vào các nhà máy lọc dầu ấm trà để giành lại thị phần đã mất.

Tại Trung Quốc, các nhà máy lọc dầu ấm trà nổi tiếng vì khả năng linh hoạt trong chế biến hơn các tập đoàn dầu khí quốc doanh. Năm 2015, các nhà máy này đã giành được hạn ngạch nhập khẩu dầu thô, hầu hết số dầu trong đó sẽ được xuất khẩu dưới dạng các sản phẩm dầu.

Nga dường như đã khám phá ra thị trường Trung Quốc tiềm năng một hay hai năm về trước. Nga mau lẹ tiến vào thị trường Trung Quốc và gần đây trở thành nhà cung cấp hàng đầu cho các nhà máy lọc dầu ấm trà của Trung Quốc. Ngoài ra, Nga đang khẩn trương xây những đường ống dẫn dầu mới đến Trung Quốc. Nước xuất khẩu dầu nhất nhì thế giới này cũng có các hợp đồng ký kết với các công ty dầu khí quốc doanh của Trung Quốc.

Ả Rập Xê Út, nước sản xuất và xuất khẩu dầu lớn trong Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), ngày càng lo ngại rằng Nga sẽ thống lĩnh thị trường Trung Quốc. Người Xê Út chủ động chào mời các nhà máy lọc dầu ấm trà Trung Quốc các hợp đồng dầu giao ngay. Điều này là khá bất thường với Ả Rập Xê Út vì nước này thiên về kinh doanh dầu trên các thị trường kỳ hạn với giá cố định. Theo một số nguồn tin, Ả Rập Xê Út đẩy mạnh xuất khẩu dầu thô sang Trung Quốc với mức giá thấp hơn giá thị trường và chấp nhận chịu lỗ chỉ hòng để công ty dầu khí quốc gia Ả Rập Xê Út - Aramco - tiếp tục giành được sự ân sủng của Trung Quốc.

Theo hãng tin Reuters, Aramco gần đây đã bán 730.000 thùng dầu thô cho Shandong Chambroard Petrochemicals, một trong khoảng 20 nhà máy lọc dầu độc lập tại Trung Quốc. Điều thú vị về thương vụ này là có thể nhìn thấy đây là hợp đồng bán dầu giao ngay đầu tiên của Aramco cho một nhà máy lọc dầu độc lập. Aramco thường bán dầu thô thông qua các hợp đồng một năm hay dài hạn hơn theo giá bán chính thức thay vì giá bán trên thị trường giao ngay. Song có lẽ vì Nga đang làm Aramco bồn chồn lo sợ nên công ty này xuất dầu thô theo giá thị trường giao ngay và thậm chí với mức giá thấp hơn so với giá dầu thô chuẩn trên thị trường Dubai. Tàu chở 730.000 thùng dầu được lấy từ kho dự trữ của Aramco tại Okinawa (Nhật Bản) sẽ được chuyên chở đến Trung Quốc theo mức giá thấp hơn giá thị trường.

Tuy nhiên, cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng đối với các nhà máy lọc dầu ấm trà của Trung Quốc. Năm ngoái các nhà máy này đã phải chịu những yêu cầu thắt chặt tín dụng của các ngân hàng địa phương vì các ngân hàng này lo ngại về lợi nhuận giảm. Đầu năm họ vừa tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề này: 16 nhà máy nhất trí liên kết để nâng cao sức mua.

Hiệp hội Mua Dầu khí Trung Quốc đại diện cho các nhà máy lọc dầu độc lập được thành lập vào đầu tháng 3/2016 với tham vọng sẽ đảm đương toàn bộ dây chuyền nhập khẩu, chế biến và xuất khẩu. Theo công ty môi giới tàu Gibson, các nhà máy lọc dầu ấm trà có thể chiếm 20% tổng khối lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc trong năm nay.

Trong tháng 3/2016, Trung Quốc đã nhập tổng cộng 32,61 triệu tấn dầu thô, tăng trên 1/5 so với tháng 3/2015. Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong quý I/2016 đạt 91,1 triệu tấn, tăng 13,4 so với cùng kỳ năm trước. Các nhà máy lọc dầu ấm trà là động lực chính thúc đẩy mức tăng trưởng này, và do vậy thật là dễ hiểu lý do tại sao các nhà máy này thu hút được nhiều sự chú ý của hai nước xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới.

Dù có sự hiện diện của liên minh mới này, các nhà máy lọc dầu ấm trà Trung Quốc vẫn trong tình trạng tồi tệ hơn các công ty quốc doanh trong việc tiệm cận vốn vay tín dụng. Giá dầu nếu tăng sẽ càng làm trầm trọng tình hình của các nhà máy này. Dĩ nhiên, cả Nga và Ả Rập Xê Út có thể quyết định bán với giá chiết khấu. Song các nước này có thể đưa ra mức giá chiết khấu nào có tính khả thi?

Rút cục, đây có thể là một cuộc chiến về lòng kiên nhẫn và sức bền về tài chính.

Hiển nhiên, Ả Rập Xê Út "trên cơ" Nga về mặt tài chính song Nga nổi tiếng về tính kiên trì, nhẫn nại và quen thuộc với tình trạng thắt lưng buộc bụng khi cần thiết, điều mà Ả Rập Xê Út không có. Có lẽ sẽ là khôn ngoan hơn nếu cả hai cùng thư giãn và tìm kiếm các thị trường nhập khẩu dầu khác như Ấn Độ trước khi Iran, một đối thủ đáng gờm khác, có thể xâm nhập vào thị trường tiềm năng này đầu tiên.


Ngân hàng Trung ương Trung Quốc bơm 15 tỷ USD vào thị trường

Trung Quốc ấn định tỷ giá tham chiếu của đồng nhân dân tệ ở mức 6,5128 nhân dân tệ đổi 1 USD, tương ứng mức giảm giá 0,28%.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Ngày 5/5, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) ấn định tỷ giá tham chiếu của đồngnhân dân tệ ở mức 6,5128 nhân dân tệ đổi 1 USD, tương ứng mức giảm giá 0,28% so với phiên trước.

Ngày 3/5, PBoC đã bơm 100 tỷ nhân dân tệ (15,5 tỷ USD) vào thị trường tài chính thông qua thỏa thuận bán và mua lại cổ phiếu (repo) trong đầu tư ngắn hạn. Theo đó, ngân hàng trung ương mua cổ phiếu của các ngân hàng thông qua thoả thuận bán lại chúng trong tương lai.

Trước đó, trong 3 ngày liên tiếp từ 27-29/4, PBoC cũng lần lượt bơm 120 tỷ nhân dân tệ, 110 tỷ nhân dân tệ và 30 tỷ nhân dân tệ vào hệ thống tài chính của nước này.(Bizlive)


Cuba đẩy mạnh hạ tầng du lịch đón lượng khách "khủng"

Bộ trưởng Du lịch Cuba Manuel Marrero ngày 4-5 cho biết đảo quốc đang chạy đua trong việc xây dựng khách sạn và mở rộng sân bay Havana để đáp ứng trước trước lượng du khách tăng gần gấp đôi trong năm nay.

du khach den cuba tang trong nam nay - anh: reuters

Du khách đến Cuba tăng trong năm nay - Ảnh: Reuters

Reuters đưa tin du lịch được nối lại kể từ khi Cuba và Mỹ tuyên bố nối lại mối quan hệ ngoại giao vốn bị đóng băng thời chiến tranh lạnh hồi tháng 12-2014.

Đảo quốc này đã tiếp đón du khách với mức kỷ lục, hơn 3,5 triệu lượt khách năm 2015.

Dòng thác du khách đang chạm đến những giới hạn của Cuba, buộc các khách sạn phải tăng giá. Đồng thời cũng đặt ra những câu hỏi về việc Cuba sẽ đón nhận thêm khách du lịch như thế nào khi các chuyến bay thương mại Mỹ đến Havana được nối lại vào cuối năm nay.

"Việc gia tăng nhu cầu đã khiến xảy ra một số trục trặc với việc xác nhận đặt phòng và khó chịu khi bị trễ chuyến bay, hầu hết tại Havana" - bộ trưởng Marrero thông tin.

Tuy nhiên ông Marrero nói đánh giá tổng thể cho thấy khách du lịch vẫn rất hài lòng với Cuba, bằng chứng hơn nửa số du khách đến nước này hồi năm ngoái đã quay trở lại đây trong năm nay.

Cho đến thời điểm này trong năm, lượng du khách đến Cuba đã tăng 13,5% lên 1,5 triệu người, bao gồm 94.000 du khách Mỹ và hơn 115.000 người Mỹ gốc Cuba.

Bộ trưởng Marrero cho biết cơ sở hạ tầng du lịch của nước này chủ yếu tại Havana, nơi lượng khách chiếm đến 37% trong năm nay. 

Du khách châu Âu cũng tăng 60% trong tháng 4 với số chuyến bay đến Cuba tăng hơn gấp đôi trong tuần rồi, từ 11 chuyến lên đến 28 chuyến.

Ba khách sạn đang được xây dựng trong khi nhiều cái khác đang thành hình trên bản vẽ. Ngoài ra chính quyền Cuba cũng đã lên kế hoạch mở rộng sân bay Havana nhưng ông Marrero không công bố thông tin chi tiết.


Tin tặc Nga "rao bán" 250 triệu tài khoản Yahoo, Google...

Đây được cho là một trong những vụ đánh cắp thông tin lớn nhất được phát hiện kể từ sau cuộc tấn công mạng các ngân hàng và các nhà bán lẻ Mỹ hai năm trước.

hang tram trieu tai khoan nguoi dung email da bi danh cap va dang duoc mua ban trong the gioi ngam toi pham cua nga - anh: getty

Hàng trăm triệu tài khoản người dùng email đã bị đánh cắp và đang được mua bán trong thế giới ngầm tội phạm của Nga - Ảnh: Getty

Theo Alex Holden - giám đốc an ninh thông tin của công ty bảo mật Hold Security - công ty ông đã tình cờ tiếp cận một hacker người Nga - kẻ tuyên bố sẵn sàng mua bán hơn 1 tỉ địa chỉ bị hack, bao gồm địa chỉ và mật khẩu email, địa chỉ và mật khẩu đăng nhập các trang web... 

Sau khi sàng lọc, họ phát hiện trong danh sách địa chỉ bị rao bán có 57 triệu tài khoản Mail.ru (dịch vụ email phổ biến nhất của Nga), 40 triệu tài khoản Yahoo, 33 triệu tài khoản Hotmail và 24 triệu tài khoản Gmail.

Ngoài ra còn có hàng ngàn địa chỉ email từ các máy chủ email của Đức và Trung Quốc.

Đây là một trong những vụ đánh cắp thông tin lớn nhất được phát hiện kể từ sau cuộc tấn công mạng các ngân hàng và các nhà bán lẻ Mỹ hai năm trước.

Trả lời Mashable, một phát ngôn viên của Google nói họ không thể bình luận về vụ việc nhưng tuyên bố sẽ giải quyết các vụ đánh cắp thông tin càng nhanh càng tốt. Trong khi đó đại diện của Mail.ru và Yahoo không đưa ra bình luận.

Riêng phát ngôn viên của Microsoft tuyên bố trên Internet có nhiều nơi thông tin dễ bị rò rỉ và bị đánh cắp, và công ty luôn có hành động để bảo vệ khách hàng khi phát hiện tài khoản họ bị xâm nhập.


IMF: Việt Nam có thể tăng trưởng 6% năm nay

Nhu cầu bên ngoài yếu, hạn hán nghiêm trọng và xâm nhập mặn ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp sẽ kéo tụt tăng trưởng của Việt Nam năm nay.

Trong bản nhận định vừa công bố, ông Jonathan Dunn - Trưởng Đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam - Lào, và ông John Nelmes - Trưởng đoàn Công tác IMF tại Việt Nam dự báo tăng trưởng GDP giảm xuống 6% năm nay, từ 6,75% năm ngoái.

Nguyên nhân là nhu cầu bên ngoài yếu, hạn hán nghiêm trọng và xâm nhập mặn ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp. Sang năm 2017, tốc độ tăng trưởng dự kiến​​ lên 6,25%, một phần do đầu tư tăng sau ký kết nhiều hiệp định thương mại.IMF cho rằng Việt Nam có thể áp dụng nhiều biện pháp để tận dụng tối đa tiềm năng và đối phó với các cú sốc từ bên ngoài. Theo đó, Việt Nam nên củng cố ngân sách theo hướng hỗ trợ tăng trưởng, tập trung mở rộng diện nộp thuế, duy trì đầu tư cho giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, linh hoạt cơ chế tỷ giá, củng cố các công cụ chính sách tiền tệ, đẩy mạnh cải cách ngành ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước sẽ củng cố nền tảng cho phát triển trong trung hạn.

kinh te viet nam nam nay chiu anh huong nhieu tu cac yeu to ben ngoai. anh:anh quan

Kinh tế Việt Nam năm nay chịu ảnh hưởng nhiều từ các yếu tố bên ngoài. Ảnh:Anh Quân

Nhận xét chung về khu vực châu Á, IMF cho rằng các nền kinh tế tại đây đang phải chèo lái trong vùng biển động, phải đối mặt với môi trường toàn cầu bất ổn và nhiều thách thức. Nguyên nhân là kinh tế toàn cầu phục hồi không đồng đều và yếu hơn so với dự kiến. Thêm vào đó, hoạt động thương mại cũng chậm chạp và môi trường tài chính biến động thường xuyên.

Trung Quốc cũng đang chật vật với quá trình cải cách mô hình tăng trưởng. Việc này đã tạo ra nhiều thách thức cho cả nước này và toàn cầu trong trung hạn. Nhiều nền kinh tế Châu Á còn đang phải đối mặt với những rủi ro liên quan đến thiên tai, bất ổn địa chính trị và chính trị trong nước.

Dù vậy, châu Á vẫn là động lực chính của kinh tế toàn cầu, khi đóng góp hai phần ba tốc độ tăng trưởng cho cả thế giới. Khu vực này cũng có vùng đệm khá an toàn, với thặng dư tài khoản vãng lai, dự trữ quốc tế cao và nhiều khả năng hưởng lợi từ hội nhập kinh tế.

Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất của IMF, hoạt động kinh tế trong khu vực đã giảm nhẹ nửa cuối năm 2015 và dự kiến ​​kéo dài trong tương lai gần. GDP châu Á được dự báo tăng 5,3% trong cả hai năm 2016 và 2017, thấp hơn 0,1% so với năm 2015.

Tốc độ tăng trưởng tại các nền kinh tế cũng khác nhau. Ở Trung Quốc, GDP dự kiến tăng 6,5% năm nay và 6,2% năm tới. Con số này tại Ấn Độ là 7,5% cho cả 2 năm. Trong khi đó, Nhật Bản có thể tăng trưởng 0,5% năm nay và -0,1% năm tới.

Các rủi ro hiện tại với châu Á là tăng trưởng toàn cầu chậm hơn dự kiến, tài chính bị thắt chặt đột ngột, phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Tuy nhiên, IMF cho rằng theo thời gian, tái cấu trúc sẽ giúp Trung Quốc tăng trưởng mạnh và bền vững hơn. Khi đó, châu Á có thể sẽ hưởng lợi.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục

  • Tin kinh tế đọc nhanh 08-05-20161

    Tin kinh tế đọc nhanh 08-05-2016

    Kinh tế Eurozone tăng trưởng trở lại, lợi hại hơn Mỹ
    Doanh nghiệp ngày càng teo tóp vì rào cản
    Him Lam khởi công dự án 5.000 tỷ đồng tại Hải Phòng
    Quan niệm sai về công nghiệp hỗ trợ?
    Woojin đầu tư 247 triệu USD xây nhà máy điện gió ở Trà Vinh

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 07-05-20162

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 07-05-2016

    Quốc Cường Gia Lai cũng nhận trái đắng từ 'vàng trắng'
    LG Display khởi công dự án 1,5 tỷ USD tại Hải Phòng
    Nhật Bản cấp mới hơn 204 triệu USD vốn ODA cho Việt Nam
    Liệu kiều hối sẽ là mảnh đất màu mỡ cho ngân hàng?
    Big C đòi chiết khấu cao, doanh nghiệp rút hàng

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 07-05-20163

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 07-05-2016

    Vàng phục hồi mạnh sau số liệu việc làm thất vọng tại Mỹ
    Giá bán USD ngân hàng tiếp tục duy trì trong khoảng 22.320-22.325 đồng/USD
    Chấn chỉnh việc thực hiện quy định về lãi suất huy động
    Thêm 119 nhà đầu tư ngoại được cấp mã số giao dịch chứng khoán
    Vì sao nhiều ngân hàng không muốn lên sàn?

  • Tin kinh tế đọc nhanh sáng 07-05-20164

    Tin kinh tế đọc nhanh sáng 07-05-2016

    Các công ty Mỹ hết đường trốn thuế
    Vinamilk vươn tới doanh thu 2 tỷ USD trong năm 2016
    Mục tiêu đến năm 2020, cả nước có khoảng một triệu doanh nghiệp hoạt động
    NHNN ra "tối hậu thư" chấn chỉnh hiện tượng lách trần lãi suất
    Các ngân hàng giảm mạnh vay mượn ngoại tệ

  • Tin kinh tế đọc nhanh 07-05-20165

    Tin kinh tế đọc nhanh 07-05-2016

    Cơ hội xuất khẩu phân bón vào thị trường ASEAN
    Triển khai dự án Lọc hóa dầu Long Sơn 4,5 tỷ USD trong quý IV/2016
    Giữa tháng 6 sẽ có kết luận thanh tra các doanh nghiệp đa cấp
    Đề xuất cho nhập khẩu phôi thép theo hạn ngạch
    Trì hoãn thông quan lô hàng cá tra vào Hoa Kỳ do sử dụng mã số cũ

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 06-05-20166

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 06-05-2016

    Trung Quốc "chật vật" với dự án đường sắt tại Thái Lan
    HSBC: Lãi suất chưa tăng đến giữa năm 2017
    Đã xuất hiện dự án tỷ đô đầu tiên trong năm 2016
    Tỉnh nào hút vốn đầu tư Đài Loan nhiều nhất?
    Xuất khẩu da giày top đầu thế giới, nhưng người Việt đang ngày càng ít đi giày Việt

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 06-05-20167

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 06-05-2016

    Anonymous mở chiến dịch tấn công ngân hàng trung ương toàn cầu
    Dawon Vina: Đầu tư 1 triệu USD, lỗ 1,68 triệu USD
    FECON liên tiếp trúng thầu nhiều dự án của Samsung, Vingroup, Coteccons
    NHNN sẽ xử nghiêm các ngân hàng lách trần lãi suất tiền gửi bằng USD
    Tháng 4, người Việt chi 182 triệu USD mua ô tô ngoại

  • Tin kinh tế đọc nhanh sáng 06-05-20168

    Tin kinh tế đọc nhanh sáng 06-05-2016

    Hoa Kỳ ngăn thép Trung Quốc
    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc muốn Samsung tiếp tục đầu tư mạnh vào Việt Nam
    Dự án lắp ráp xe Hyundai Tân Phú nguy cơ bị thu hồi
    Doanh nghiệp xăng dầu muốn giảm thuế nhập khẩu xăng xuống 10%
    Giá dầu Brent và dầu Mỹ diễn biến trái chiều sau số liệu dầu lưu kho

  • Tin kinh tế đọc nhanh 06-05-20169

    Tin kinh tế đọc nhanh 06-05-2016

    Đài Loan đầu tư hơn 600 triệu USD vào Việt Nam sau 4 tháng đầu năm
    Nhu cầu vàng tại Ấn Độ bị tổn thương vì giá cao
    Căn bệnh bí ẩn của lúa mì có thể gây ảnh hưởng thế nào tới Việt Nam?
    Australia điều tra sản phẩm vôi sống nhập khẩu từ Việt Nam
    Tài nguyên Masan: Làm bao nhiêu chỉ để trả lãi ngân hàng, vay nợ hơn 11.000 tỷ

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 05-05-201610

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 05-05-2016

    Tận dụng “khách sộp” ở UAE
    Lợi thế DN nội ở thị trường mới nổi
    Yêu cầu Công ty Mega giải trình việc thâu tóm Metro Cash&Carry
    Hyundai phát triển công nghệ vô lăng cảm ứng
    Nga sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ