Đài Loan đầu tư hơn 600 triệu USD vào Việt Nam sau 4 tháng đầu năm
Nhu cầu vàng tại Ấn Độ bị tổn thương vì giá cao
Căn bệnh bí ẩn của lúa mì có thể gây ảnh hưởng thế nào tới Việt Nam?
Australia điều tra sản phẩm vôi sống nhập khẩu từ Việt Nam
Tài nguyên Masan: Làm bao nhiêu chỉ để trả lãi ngân hàng, vay nợ hơn 11.000 tỷ
Tin kinh tế đọc nhanh tối 04-05-2016
- Cập nhật : 04/05/2016
Lạm phát tăng trở lại
Số liệu cho thấy lạm phát tháng 4.2016 đã tăng cao nhất 5 năm, do tác động của việc tăng giá xăng, thép và phí dịch vụ y tế, giáo dục.
Có những quan ngại về giá hàng hóa tiêu dùng đang gia tăng. Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), tại buổi công bố báo cáo vĩ mô quý I/2016 vừa qua, cho rằng những biến động của nền kinh tế thế giới kết hợp với những yếu tố nội tại trong nước sẽ làm cho lạm phát trở thành một biến số khó lường trong thời gian còn lại của năm.
Theo ông Thành, nền kinh tế trong quý I chứng kiến mức suy giảm tăng trưởng đáng kể từ năm 2012 đến nay. Lần đầu tiên trong vòng 5 năm, tăng trưởng quý I thấp hơn so với cùng kỳ (5,46% so với 6,12%). CPI quý I/2016 đã tăng 1,25%, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước. Số liệu mới nhất cho thấy lạm phát tháng 4.2016 đã tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây, do tác động của việc tăng giá xăng, thép và tăng phí dịch vụ y tế, giáo dục.
Những yếu tố khiến lạm phát có nguy cơ tăng cao trở lại, tiếp đà tăng của quý I/2016, theo ông Thành, là giá năng lượng xuống đáy và sẽ tiếp tục ở đáy do bất đồng giữa các nước sản xuất dầu mỏ; giá lương thực có thể tăng vì hạn hán kéo dài ở Việt Nam; Trung Quốc đang tích cực thu mua gạo; giá các dịch vụ công cũng có thể sẽ điều chỉnh tăng.
Nền kinh tế vẫn khó khăn, lạm phát tăng sẽ tác động mạnh đến doanh nghiệp và người lao động. Hãy trở lại năm 2015, lạm phát trong đà giảm, biến động về giá đầu vào không lớn, thậm chí có xu hướng giảm, đặc biệt là liên quan đến chi phí xăng dầu, gắn với đó là giao thông. Đầu vào khá ổn định, nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Sang năm 2016, lạm phát chuyển sang xu thế tăng chắc chắn sẽ tác động tới doanh nghiệp ở tất cả mọi khía cạnh, kể cả đầu vào lẫn khả năng tiêu thụ.
Chuyện lạm phát quý I tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2015 được Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính) cho là do “năm ngoái quá thấp”. Năm 2015, lạm phát chỉ 0,63%, không chỉ thấp so với lạm phát năm 2011 (lên tới 18,58%), mà còn là mức thấp nhất trong 14 năm qua. Vì vậy, mức độ tăng trong giá dịch vụ, giá xăng dầu, thậm chí giá điện, có tác động nhưng chưa vượt ra khỏi tầm kiểm soát và vẫn nằm trong tính toán lạm phát khoảng 4-5% trong năm nay.
Dù vậy, việc lạm phát tăng lên đẩy giá dầu vào tăng, dẫn đến giá đầu ra tăng theo. Điều này gây khó khăn cho một số ngành, như ngành thép do ngành này vẫn chủ yếu cạnh tranh về giá.
Ông Lê Phan Đức, Phó Giám đốc Công ty Thép Bắc Hà, chuyên phân phối thép cho các dự án hạ tầng, cho biết giá đầu vào tăng buộc Bắc Hà phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cả năm nay. Việc tăng giá bán thép, tiếp cận thêm các dự án khác, tìm khách hàng mới, đòi nợ khách cũ có thể giúp Bắc Hà đảm bảo được lợi nhuận nhưng cũng dẫn đến nguy cơ sụt giảm doanh thu, thậm chí mất các hợp đồng. Bởi lẽ, từ khi nguồn vốn ODA khó khăn, đầu tư hạ tầng từ nguồn vốn ngân sách hạn chế, các dự án chủ yếu trông chờ vào nguồn vốn thương mại, nên các nhà thầu tính toán nhiều hơn đến yếu tố giá.
Xuất khẩu tôm hồi phục
Thị trường ngoại hối ổn định, giá tôm ở một số thị trường đang dần hồi phục đã hỗ trợ cho xuất khẩu tôm Việt Nam 3 tháng đầu năm.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sàn Việt Nam (VASEP) cho biết, sau khi sụt giảm liên tục trong năm 2015, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong quý I/2016 đã hồi phục đạt 1,45 tỷ USD, tăng gần 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, xuất khẩu hai mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra đều tăng. Xuất khẩu tôm đạt 619,2 triệu USD, tăng 8%. Xuất khẩu tôm trong từng tháng của quý I đều tăng trưởng dương so với các tháng cùng kỳ năm 2015.
VASEP cho biết, giá tôm thế giới có xu hướng nhích lên do thị trường tiền tệ bớt biến động, đồng thời, giá tôm nguyên liệu trong nước cũng đã cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, nhu cầu từ các thị trường chính tăng hơn nhờ cung-cầu tại các thị trường này ổn định hơn cùng với lượng tồn kho giảm.
Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam vẫn được hưởng lợi từ thuế chống bán phá giá giảm trong POR9. Nguồn cung nguyên liệu từ các nước sản xuất chính như Ấn Độ, Thái Lan, Ecuador giảm do dịch bệnh và thời tiết xấu cũng là lợi thế cho các nhà sản xuất và xuất khẩu tôm Việt Nam.
Lo ngại về tác động của Quyết định cuối cùng về chương trình thanh tra cá tra, cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ đã khiến cho giá cá tra xuất khẩu 3 tháng đầu năm tăng, do vậy giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng. Tuy nhiên, xuất khẩu 2 mặt hàng cá ngừ và mực, bạch tuộc tiếp tục tăng trưởng âm vì nguồn cung thiếu hụt.
Xuất khẩu mực, bạch tuộc và cá ngừ giảm 6,2% và 5,5%, trong khi xuất khẩu cá biển tăng mạnh 19,5% và các mặt hàng hải sản khác đều tăng.
Xuất khẩu sang các thị trường chính đều tăng, trong đó thị trường Mỹ, Trung Quốc và ASEAN tăng trưởng 2 con số (Mỹ tăng 15%, Trung Quốc tăng 31% và ASEAN tăng 18,8%). Xuất khẩu tôm, cá tra sang Mỹ tăng khiến tỷ trọng của thị trường này lớn hơn so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc và ASEAN trở thành những thị trường tiềm năng, trong khi EU và Nhật Bản và Hàn Quốc đang mất dần vị thế.
Đánh giá về tình hình năm 2016, VASEP cho rằng, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với những thách thức không nhỏ do nhiều yếu tố như giá giảm, biến động tiền tệ, các rào cản phi thuế quan, thuế chống bán phá giá, thiếu nguyên liệu…
Trong quý II/2016, xuất khẩu tôm sang Nga và Trung Quốc dự kiến tăng do được đánh giá là một trong những thị trường trọng điểm trong thời gian tới. Xuất khẩu sang Mỹ và EU dự kiến tăng do tồn kho giảm, cung - cầu và giá tôm đã ổn định trở lại. Dự báo, quý II/2016, giá trị xuất khẩu tôm đạt 788 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo xuất khẩu tôm cả năm 2016 sẽ đạt 3,3 tỷ USD, tăng 12% so với 2015.
Đà hồi phục của giá hàng hóa mới chỉ bắt đầu
Nhà đầu tư huyền thoại Mark Mobius đã nhận định như vậy, đồng thời, ông cũng đang mua vào nhiều hơn cổ phiếu hàng hóa tại Trung Quốc.
Theo nhà đầu tư tỷ phú này, đà hồi phục của thị trường hàng hóa nguyên liệu mới chỉ bắt đầu sau khi giá rơi xuống quá sâu và mức tăng vừa qua chưa thấm vào đâu.
Tập đoàn Templeton Emerging Markets Group sẽ mua thêm cổ phiếu nguyên liệu tại nền kinh tế lớn nhất châu Á, Mark Mobius, CEO của Tập đoàn - người đã đầu tư vào các thị trường mới nổi trong hơn 4 thập kỷ qua - cho biết.
Cổ phiếu của các nhà sản xuất hàng hóa của Trung Quốc dẫn đầu đà hồi phục của giá hàng hóa trong năm nay khi Trung Quốc tăng cường các biện pháp kích thích và các nhà đầu tư nước này đổ tiền vào thị trường kỳ hạn với đặt cược giá hàng hóa từ thép đến bông đều tăng. Chỉ số Hàng hóa Bloomberg trong tháng 4 tăng tháng thứ 2 liên tiếp và có nhiều ý kiến cho rằng thời kỳ tồi tệ nhất đã qua.
Mark Mobius cho biết "Chúng ta đều nhận thấy rằng giá hàng hóa và cổ phiếu hàng hóa đã giảm quá sâu, quá mức đánh giá thực tế. Giờ đây, chúng ta có thể dự đoán giá sẽ tăng trở lại".
Chỉ số Hàng hóa Bloomberg, theo dõi biến động giá của 22 mặt hàng nguyên liệu thô, trong tháng 4/2016 tăng 8,5%, nối dài đà hồi phục từ mức thấp nhất kể từ năm 1991. Chỉ số CSI 300 gồm cổ phiếu các công ty có vốn hóa lớn niêm yết trên cả 2 sàn Thượng Hải và Thâm Quyến đã tăng 27% từ mức đáy hồi tháng 1 lên đỉnh vào giữa tháng 4 trước khi giảm 4%.
Giới đầu tư Trung Quốc đang đổ tiền vào hàng hóa nguyên liệu trong bối cảnh có dấu hiệu cho thấy nhu cầu đang tăng lên sau khi các nhà hoạch định chính sách nước này ca ngợi đà tăng trưởng kinh tế và thị trường bất động sản hồi phục. Hơn nữa, sự bùng nổ giao dịch kỳ hạn hàng hóa đã buộc các sàn Thượng Hải, Đại Liên và Trịnh Châu phải tăng phí giao dịch.
Tỷ phú Mobius những tuần gần đây liên tục bày tỏ thái độ lạc quan. Hồi tháng 2, ông cho Bloomberg TV biết rằng Templeton Emerging Markets đang mua có chọn lọc cổ phiếu Trung Quốc do đồn đoán tài sản sẽ hồi phục vào cuối năm và tháng này, ông lại cho rằng giá dầu thô sẽ tăng trở lại mốc 60 USD/thùng.
Cũng theo ông Mobius, dù thị trường hàng hóa vẫn biến động, song về dài hạn đà tăng sẽ tiếp tục. "Đúng là đà tăng đang khá ổn định, nhưng phải luôn ghi nhớ sẽ có biến động".(NCĐT)
Doanh nghiệp Hàn Quốc “nối đuôi nhau” sang Việt Nam
Hãng thông tấn Yonhap cho hay, nhiều công ty Hàn Quốc đang chuyển dần trọng tâm sang thị trường Việt Nam.
Dịch chuyển trọng tâm sang Việt Nam
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đăng bài viết trong đó dẫn lời nhiều nhà quan sát thị trường cho rằng, một loạt công ty kinh doanh hàng tiêu dùng của Hàn Quốc đang gia tăng đầu tư và mở thêm nhiều chi nhánh tại Việt Nam, trong bối cảnh hoạt động làm ăn của họ ở Trung Quốc đã chạm giới hạn.
Yonhap nhận định, với dân số hơn 90 triệu người, trong đó có 60% ở độ tuổi dưới 30, Việt Nam là một thị trường hứa hẹn tăng trưởng mạnh mẽ.
Một báo cáo gần đây của Cơ quan xúc tiến đầu tư và thương mại của Hàn Quốc cho hay, Chính phủ Hàn Quốc đang mở rộng xuất khẩu hàng tiêu dùng sang Việt Nam để bù đắp cho hoạt thương mại của Hàn Quốc đang trì trệ, đồng thời coi Việt Nam là một cơ hội tốt đối với các công ty Hàn Quốc.
Tập đoàn CJ, hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ giải trí đến đồ ăn uống, đã có bước khởi đầu sớm và vào năm 1998 đã mở một văn phòng tại Việt Nam.
Năm 2012, Chủ tịch tập đoàn Lee Jay-hyun tuyên bố sẽ xây dựng “CJ thứ ba” tại Việt Nam sau Hàn Quốc và Trung Quốc. Hiện CJ đang tham gia bảy lĩnh vực kinh doanh và giữ vị trí hàng đầu trong ba lĩnh vực là làm bánh, mua sắm tại nhà và rạp chiếu phim.
Vào tháng 2/2016 vừa qua, CJ đã thâu tóm một nhãn hiệu kim chi nổi tiếng ở Việt Nam là Ông Kim’s. Một tháng sau đó, họ lại mua 4,08% cổ phần của tập đoàn chế biến thịt Vissan của Việt Nam và đang có kế hoạch mua thêm nữa.
Hiện CJ sản xuất khoảng 700.000 tấn thức ăn chăn nuôi mỗi năm, và theo nhiều quan chức của CJ, tập đoàn này đã bắt đầu để mắt tới ngành chăn nuôi của Việt Nam. Năm ngoái, CJ hợp tác với công ty Sumitomo của Nhật bản để bước chân vào thị trường Việt Nam.
CJ tiết lộ sẽ tiếp tục đầu tư tích cực vào nhiều ngành tại Việt Nam và mở rộng quy mô đầu tư để nâng cao vị thế trên thị trường Việt.
Bước chân của các “ông lớn”
Ngoài CJ, nhiều tập đoàn bán lẻ lớn của Hàn Quốc là Lotte và Shinsegae cũng đang củng cố chỗ đứng của họ tại Việt Nam. Tuần trước, Lotte Mart mở chi nhánh thứ 12 của mình tại quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau khi tiến vào thị trường Việt Nam năm 2008, Lotte đã có mức doanh số bán hàng lên tới 217 tỷ won (tương đương 190 triệu USD) vào năm ngoái.
Ngoài việc mua lại thương xá Diamond Plaza, tập đoàn này tiếp tục mở rộng sự hiện diện trên thị trường Việt Nam với việc mở Lotte Center Hanoi, trong đó có Lotte Mart, Lotte Department Store và Lotte Hotel.
Bên cạnh đó, Lotte cũng đang xây dựng một thành phố sinh thái thông minh bao gồm một khu mua sắm cùng với các khu nhà ở và văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tập đoàn Shinsegae cũng đang tiến vào Việt Nam với chuỗi bán lẻ giá rẻ E-Mart. Chi nhánh đầu tiên của Shinsegae đã được mở vào cuối năm ngoái tại quận Gò Vấp. Việt Nam là chuỗi bán hàng thứ 2 của Shinsegae tại thị trường nước ngoài, sau Trung Quốc. Các quan chức của E-Mart cho biết họ có kế hoạch xuất khẩu hàng hóa trực tiếp sang Việt Nam trong thời gian tới.
Leicester và sự mờ ám về tài chính
Leicester đang viết câu chuyện lãng mạn trong bóng đá, nhưng họ cũng đang dính đến vụ điều tra về hành vi gian lận tài chính thông qua một công ty ma.
Hồi đầu tháng tư, Ban tổ chức các giải hạng Nhất, hạng Nhì và hạng Ba Anh (Football League) bắt đầu tiến hành một cuộc điều tra với Leicester mùa 2013/14 – mùa họ giành vé lên Ngoại hạng Anh. Cuộc điều tra nhằm xác minh cáo buộc Leicester lách luật công bằng tài chính.
Cụ thể là, đầu tiên Leicester bán lại quyền quảng bá hình ảnh tại Anh và Đông Nam Á cho công ty Trestellar. Sau đó, gần như đồng thời với Leicester, Trestellar bán lại quyền tài trợ chính (tài trợ áo đấu và tên sân) cho hãng bán lẻ King Power, chủ sở hữu của CLB.
Vấn đề nảy sinh ở đây. King Power thực tế đã có quyền tài trợ áo đấu và tên sân từ lâu, ký thêm hợp đồng với Trestellar đồng nghĩa là họ có đến 2 quyền tài trợ!
Từ đó, xuất hiện nghi vấn Leicester đã “úm ba la”, ký hợp đồng “ma” để hợp pháp hóa nguồn tiền của giới chủ nhằm cắt lỗ, đáp ứng hạn mức của Luật Công bằng tài chính.
Sau khi hợp tác với Trestellar, với việc King Power vẫn giữ quyền tài trợ chính, nguồn thu từ tài trợ lập tức tăng lên 16 triệu bảng, tức là tăng 11 triệu so với mùa trước. Mùa ấy khoản lỗ của Leicester giảm đến 21 triệu bảng.
Các đội bóng khác dĩ nhiên không thể để yên. Họ đã đệ đơn lên Football League đòi điều tra. Lý do bởi trong khi các đội phải giảm mạnh lương để cắt lỗ thì Leicester sử dụng chiêu trò để tiếp tục ung dung chi mạnh tay vào lương thưởng, tạo doping tinh thần với cầu thủ và giành quyền thăng hạng Premier League mà không chịu án phạt nào.
Báo cáo tài chính của Leicester City trong mùa 2013/14 cho thấy họ đã chi 36 triệu bảng để trả lương cầu thủ, hơn 5 triệu bảng so với thu nhập của đội bóng này. Leicester giải thích rằng trong 36 triệu thì có đến 9,4 triệu bảng là khoản thưởng cho cầu thủ khi đội bóng thăng hạng.
Thêm một điều đáng ngờ nữa là Trestellar, từ đó đến nay, vẫn tồn tại như một “công ty ma”, không có trang web, không cả số điện thoại. Địa chỉ đăng ký kinh doanh cũng không có dấu hiệu nào về sự tồn tại của Trestellar.
Công ty này được vận hành bởi con trai và con gái của Sir Dave Richards, cựu chủ tịch Premier League. Cần biết rằng, nhà Richards có mối quan hệ gần gũi với ông chủ Vichai của Leicester.
Khi tờ Guardian đặt câu hỏi về vấn đề trang web và số điện thoại, ông Richards Jr – con trai của Sir Dave Richards, hiện điều hành một công ty in ấn, thiết kế và thương mại ở cùng địa chỉ trên, trả lời: “Tại sao lại cần nó? Chúng tôi rất bận và trong mạng lưới mà chúng tôi hoạt động, chúng tôi biết rõ những người mình muốn biết”.
Theo một số CLB lâu năm ở giải hạng Nhất, hợp đồng tài trợ áo đấu tại giải đấu này chỉ có giá trị vào khoảng 250 nghìn bảng đến 500 nghìn bảng, trong khi việc bán tên sân là rất khó. Kình địch Derby County nằm gần Leicester dù có sân nhà với sức chứa lớn hơn nhưng gần đây mới bán tên sân cho công ty nước giải khát thể thao iPro với số tiền 700.000 bảng/năm.
Đánh giá về Leicester, một CLB thi đấu tại Championship mùa giải 2013-14 (không muốn tiết lộ danh tính) cho biết: “Những gì Leicester được hưởng giống như liều doping tài chính do chủ sở hữu thực hiện, trong khi những CLB khác đều tuân thủ luật chơi”.
Trước rất nhiều yêu cầu minh bạch tài chính, Leicester vẫn kiên quyết im lặng. Người phát ngôn của CLB nói: “Football League yêu cầu làm rõ vấn đề tài chính của mùa 2013/14 và phía Leicester đã cung cấp giấy tờ liên quan. Đội bóng tin rằng đã tuân thủ đầy đủ các quy định của Football League về luật FFP trong mùa giải đó và sẽ không phải chịu trách nhiệm phát sinh từ vấn đề này”.
Chủ tịch Vichai Srivaddhanaprabha của Leicester sở hữu khối tài sản lên đến 2,9 tỷ USD. Theo tạp chí Forbes, chủ tịch Leicester City đang là người giàu thứ tư ở Thái Lan (tăng 5 bậc so với 2015), đồng thời xếp hạng 612 trên thế giới (tăng 98 bậc so với 2015).
Tháng 8 năm 2010, hãng King Power do ông Vichai đứng đầu đã ký hợp đồng tài trợ áo đấu 3 năm với Leicester City. Đến ngày 10/2/2011, ông Vichai chính thức trở thành chủ tịch đội bóng, bổ nhiệm con trai Aiyawatt làm phó chủ tịch.