Hoa Kỳ ngăn thép Trung Quốc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc muốn Samsung tiếp tục đầu tư mạnh vào Việt Nam
Dự án lắp ráp xe Hyundai Tân Phú nguy cơ bị thu hồi
Doanh nghiệp xăng dầu muốn giảm thuế nhập khẩu xăng xuống 10%
Giá dầu Brent và dầu Mỹ diễn biến trái chiều sau số liệu dầu lưu kho
Tin kinh tế đọc nhanh 05-05-2016
- Cập nhật : 05/05/2016
Myanmar phấn đấu thu hút 140 tỷ USD vốn FDI
Theo kế hoạch mới, Myanmar đặt trọng tâm vào việc thu hút FDI và phát triển ngành xuất khẩu cũng như thị trường nội địa. Trong giai đoạn 2017-2020, chiến lược của Myanmar là tập trung vào phát triển công nghiệp, tận dụng các lợi thế của Cộng đồng Kinh tế ASEAN và thu hút FDI.
Kế hoạch mới của Myanmar về phát triển kinh tế quốc gia được đề ra trên cơ sở đón đầu việc Mỹ sẽ tái lập Hệ thống ưu đãi phổ cập dành cho Myanmar trong năm 2016. Hồi năm 2013, Liên minh châu Âu (EU) đã tái lập Hệ thống ưu đãi phổ cập dành cho Myanmar, dẫn tới việc nhiều công ty nước ngoài đầu tư xây dựng các nhà máy tại đây.
Bên cạnh đầu tư, thương mại quốc tế của Myanmar cũng có bước phát triển mạnh. Theo Bộ Thương mại Myanmar, trong 9 tháng đầu của tài khóa 2015-2016, kim ngạch thương mại của nước này với EU đã vượt 500 triệu USD.
Có thể thu hơn 4.600 tỷ đồng tiền thuế từ thương vụ chuyển nhượng Big C?
Như đã đưa tin, Tập đoàn Casino (Pháp) đơn vị sở hữu thương hiệu Big C tại Việt Nam đã đạt được thỏa thuận cuối cùng về việc bán Big C Việt Nam cho Central Group - một tập đoàn đến từ Thái Lan với giá trị thương vụ lên đến 920 triệu EUR, xấp xỉ 1,04 tỷ USD (khoảng 23.300 tỷ đồng).
Do Big C Việt Nam được Casino Group thành lập tại Hồng Kông còn đối tác nhận chuyển nhượng là tập đoàn Central Group (Thái Lan) nên nhiều câu hỏi được đặt ra quanh vấn đề thu thuế chuyển nhượng với thương vụ này.
Trao đổi trên VTV, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, mặc dù trụ sở chính của hai đơn vị này đều nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng hệ thống Big C có phát sinh thu nhập từ Việt Nam, do vậy phải chịu thuế.
"Các thương vụ này đều phải kê khai nộp thuế theo quy định của luật thuế thu nhập doanh nghiệp mà cụ thể là Thông tư 78 năm 2014: Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, các dự án đều phải kê khai nộp thuế với thuế suất 22%; từ ngày 1/1/2016 là 20%" - ông Nguyễn Đầu, Phó Chánh thanh tra Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết.
Ngoài ra, Thông tư 203 của Bộ Tài chính về tránh đánh thuế 2 lần quy định doanh nghiệp có trụ sở tại nước ngoài không phải đóng thuế hoặc thấp hơn 10% thì doanh nghiệp đó phải chịu thuế tại nơi phát sinh thu nhập. Do đó, Big C Việt Nam phải chịu thuế chuyển nhượng tại Việt Nam do Hồng Kông nơi đóng trụ sở chính của doanh nghiệp này không thu thuế.
Như vậy, với mức thuế suất trên, tiền thuế thu được từ thương vụ chuyển nhượng Big C có thể lên tới hơn 4.600 tỷ đồng.
Casino Group đã có hơn 18 năm để phát triển hệ thống và thương hiệu Big C tại Việt Nam với 10 cửa hàng tiện lợi và 33 siêu thị. Doanh thu trong năm 2015 chưa bao gồm thuế đạt 586 triệu EUR (khoảng 665 triệu USD).
Được biết, trước đó, cơ quan thuế cũng đã thu được 1.900 tỷ đồng thuế chuyển nhượng hệ thống siêu thị METRO Cash & Carry giữa Tập đoàn METRO và Tập đoàn TCC của Thái Lan.
Chỉ số PMI tháng 4 của Việt Nam lên 52,3 điểm, cao nhất trong 3 quý
Kết quả khảo sát của Markit do hãng Nikkei công bố cho thấy Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 4 tăng mạnh từ 50,7 điểm lên 52,3 điểm – mức cao nhất kể từ tháng 7/2015.
Đây là tháng thứ năm liên tiếp chỉ số PMI đứng trên ngưỡng 50 điểm, cho thấy các điều kiện kinh doanh của ngành chế biến chế tạo tiếp tục tăng trưởng.
Theo Nikkei, động lực chính của lần cải thiện điều kiện hoạt động này là số lượng đơn đặt hàng mới tăng với tốc độ mạnh nhất kể từ tháng 7/2015 khi các thành viên nhóm khảo sát cho biết nhu cầu khách hàng đã tăng. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tiếp tục tăng trong tháng 4.
Số lượng đơn hàng mới tăng góp phần làm tăng sản lượng sản xuất trong tháng thứ năm liên tiếp, với tốc độ tăng nhanh nhất trong vòng 9 tháng.
Số lượng nhân công đã tăng lên để đáp ứng số lượng đơn đặt hàng mới cao hơn, theo đó giúp việc làm tăng trở lại sau khi giảm nhẹ trong tháng trước và ghi nhận mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 5/2015.
Việc làm tăng giúp các nhà sản xuất Việt Nam giải quyết lượng công việc chưa thực hiện và hoàn thành các dự án, nhờ đó lượng công việc tồn đọng đã giảm lần đầu tiên kể từ đầu năm 2016.
Chi phí đầu vào của các nhà sản xuất đã tăng đáng kể trong tháng 4 với tốc độ tăng nhanh nhất kể từ tháng 8/2014.
Các thành viên nhóm khảo sát cho biết chi phí nguyên vật liệu, trong đó có thép, đã tăng lên. Thống kê cho thấy lĩnh vực hàng hoá đầu tư cơ bản có giá cả đầu vào tăng mạnh hơn nhiều so với lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng và hàng hóa trung gian.
Khi giá đầu vào tăng, các công ty đã tăng giá đầu ra tương ứng, khiến giá cả đầu ra tăng lần đầu tiên trong vòng một năm rưỡi.
Hoạt động mua hàng cũng tăng trong tháng 4, ghi nhận tháng tăng thứ năm liên tiếp. Các công ty cho biết hoạt động mua hàng hóa đầu vào tăng là để đáp ứng yêu cầu sản xuất tăng lên.
Tồn kho hàng mua và tồn kho hàng thành phẩm đều tiếp tục giảm, dù mức giảm thấp hơn so với tháng trước. Tồn kho hàng hóa trước và sau sản xuất đã giảm suốt từ đầu năm 2016 đến nay.
Cuối cùng, thời gian giao hàng của nhà cung cấp hầu như không thay đổi sau khi đã cải thiện nhẹ trong tháng 3.
Đánh giá về kết quả khảo sát, ông Andrew Harker, chuyên gia của Markit – hãng thu thập kết quả khảo sát – cho rằng: "Thời kỳ phát triển yếu kém gần đây của lĩnh vực sản xuất Việt Nam có vẻ như đã kết thúc”.
Theo ông, số liệu PMI mới nhất cho thấy sức khỏe của lĩnh vực sản xuất Việt Nam đã có sự cải thiện mạnh nhất kể từ tháng 7/2015, với điểm đặc biệt là số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh.
"Thời kỳ áp lực lạm phát yếu gần đây dường như cũng đã kết thúc, với giá cả đầu vào trong tháng 4 đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong thời gian 20 tháng," ông nhận định.
Khảo sát của Markit cho thấy tình hình sản xuất tại một số cường quốc lớn có sự trái chiều. Theo chiều tiêu cực, chỉ số PMI ngành sản xuất tại Trung Quốc giảm từ 49,7 điểm xuống 49,4 điểm trong tháng 4, tại Nhật Bản giảm từ 49,1 điểm xuống 48,2 điểm, tại Ấn Độ giảm từ 52,4 điểm xuống 50,5 điểm, tại Mỹ giảm từ 51,5 điểm xuống 50,8 điểm. Theo chiều tích cực, chỉ số PMI ngành sản xuất tại khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) tăng từ 51,6 điểm lên 51,7 điểm, tại Indonesia tăng từ 50,6 điểm lên 50,9 điểm.
Khảo sát chung của Markit với JP Morgan và Viện Quản lý Cung ứng (ISM) của Mỹ cho thấy chỉ số PMI ngành sản xuất toàn cầu tăng nhẹ từ mức 50 điểm lên 50,1 điểm trong tháng 4.
Trong các cấu phần của chỉ số PMI toàn cầu, sản lượng và đơn hàng mới tăng trưởng chậm lại trong tháng 4, đơn hàng xuất khẩu và việc làm lại suy giảm với tốc độ nhanh hơn, trong khi giá cả đầu vào và đầu ra đều tăng trưởng trở lại sau khi suy giảm trong tháng trước đó. (NDH)
Sacombank hợp tác với tập đoàn lớn thứ 4 Nhật Bản
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và 3 ngân hàng Resona Bank Ltd., Saitama Resona Bank Ltd. và The Kinki Osaka Bank Ltd. (trực thuộc Resona Holdings – Nhật Bản) ký kết biên bản ghi nhớ về việc hợp tác nhằm phát triển hệ khách hàng của các bên trong thời gian sắp tới.
Theo biên bản ghi nhớ, Sacombank và 3 ngân hàng Resona, Saitama Resona và The Kinki Osaka sẽ hợp tác cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho khách hàng tại Nhật Bản, Việt Nam và các quốc gia Sacombank hoạt động; hợp tác cho vay đối ứng trên cơ sở lợi ích song phương, hợp tác chuyển tiền, thanh toán quốc tế; cung cấp các dịch vụ tài chính cho khách hàng Nhật Bản tại Việt Nam. Ngoài ra, 3 ngân hàng Nhật sẽ hỗ trợ, giới thiệu sản phẩm dịch vụ của Sacombank đến khách hàng và các công ty liên kết của Resona Holdings và ngược lại.
Ông Phan Huy Khang, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Sacombank (bên trái hàng dưới) và ôngKazuhiro Higashi – Chủ tịch Resona Holdings kiêm TGĐ Resona Bank Ltd (bên phải hàng dưới)
Resona Holdings hiện là Tập đoàn tài chính lớn thứ 4 tại Nhật Bản với tổng tài sản hợp nhất xấp xỉ đạt 46.000 tỷ Yên, tập trung chủ yếu vào thị trường bán lẻ tại Nhật Bản (Tokyo, Osaka, Kanagawa và Saitama). Tính đến 31/3/2015, Resona Holdings có 1.443 điểm giao dịch tại Nhật, Thái Lan, Trung Quốc, Hồng Kong, Việt Nam và Singapore.
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Phan Huy Khang – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Sacombank – chia sẻ: “Hiện nay, toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hoá thương mại đang là xu thế nổi bật của kinh tế thế giới đương đại và Sacombank cũng không nằm ngoài xu thế đó. Vì vậy, Sacombank đã tiến hành đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế bằng việc ký kết hợp tác với nhiều tổ chức lớn uy tín trên thế giới và các ngân hàng thuộc Resona Holdings nằm trong nhóm đó. Với những điểm chung về tầm nhìn và chiến lược kinh doanh Ngân hàng bán lẻ, cùng với thế mạnh tiềm năng của các bên, tôi tin rằng quá trình hợp này sẽ diễn ra hết sức thành công.”
Ông Kazuhiro Higashi – Chủ tịch Resona Holdings kiêm TGĐ Resona Bank Ltd. – chia sẻ thêm: “Việt Nam là quốc gia được ưa thích nhất đối với các doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh và số khách hàng cần được tư vấn về đầu tư tại Việt Nam của chúng tôi đều tăng lên hàng năm. Trong thời gian tới, chúng tôi hy vọng văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh của chúng tôi sẽ hợp tác, liên kết mạnh mẽ với Sacombank, cung cấp những dịch vụ với chất lượng cao tới quý khách hàng.”
HSBC: Lợi nhuận quý 1 giảm 18% nhưng vẫn duy trì cổ tức
Trong khi đó, doanh thu đã điều chỉnh của ngân hàng có tài sản lớn nhất châu Âu giảm 4% xuống 13.9 tỷ USD do các điều kiện thị trường khó khăn.
Bất chấp môi trường hoạt động khó khăn, kết quả kinh doanh của HSBC là khá “khả quan”, Giám đốc điều hành Stuart Gulliver cho biết trong thông cáo báo chí được công bố kèm với thông báo lợi nhuận.
Với kết quả như trên, EPS của HSBC ở mức 20 xu/cp, thấp hơn so mức 26 xu/cp trong cùng kỳ năm ngoái. Được biết, ngân hàng này duy trì cổ tức quý 1 ở mức 10 xu/cp.
Ông Gulliver cho biết các bất ổn của thị trường đã dẫn đến sự biến động cực kỳ mạnh trong tháng 1 và tháng 2, và điều này đã tác động tiêu cực đến doanh thu trên các thị trường cũng như hoạt động quản lý tài sản.
Tuy nhiên, ông cho biết mô hình đa dạng hóa đã góp phần làm giảm tác động nói trên khi chỉ ra kết quả tiếp tục khả quan của bộ phận ngân hàng thương mại và thị phần ngày càng cao trên các thị trường nợ, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) tại Trung Quốc và cho vay hợp vốn.
Và cũng chính các yếu tố này đã giúp hoạt động kinh doanh tại châu Á đang tăng tốc bất chấp môi trường hoạt động đầy khó khăn.
Đầu năm nay, nhà cho vay này đã cho biết sẽ đóng băng lương và tuyển dụng trên toàn cầu trong năm 2016 nhằm cắt giảm chi phí vào cuối năm 2017. Nhà phân tích ngân hàng độc lập Frances Coppola dự báo HSBC có thể tiếp tục cắt giảm nhiều việc làm hơn nữa khi lợi nhuận giảm.
HSBC được thành lập từ năm 1993 và có trụ sở tại Anh nhưng phần lớn lợi nhuận của ngân hàng này đều đến từ nước ngoài, trong đó châu Á chiếm tỷ lệ lớn nhất.
Cổ phiếu của HSBC được niêm yết tại London, Paris, New York và Hồng Kông. Cổ phiếu của HSBC tại Hồng Kông giảm 1.4% trước khi kết quả kinh doanh hàng quý được công bố nhưng sau đó đã phục hồi phần nào và rút ngắn đà giảm còn 0.3%./