tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 05-05-2016

  • Cập nhật : 05/05/2016

Chính phủ Nhật “đau đầu” vì Yên tăng giá quá mạnh

Vì Yên tăng giá, lợi nhuận của 25 nhà xuất khẩu hàng đầu của Nhật (như Toyota, Komatsu, Sony...) có thể sụt giảm khoảng 1,14 ngàn tỉ Yên trong năm tài khóa hiện hành.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Đồng Yên liên tục tăng giá

Bất chấp nền kinh tế Nhật đang trong giai đoạn suy yếu và nước này đang áp dụng lãi suất âm, đồng Yên đã tăng giá trên 12% so với USD kể từ đầu năm đến nay. Các nhà đầu tư lựa chọn đồng Yen là "nơi trú ẩn” an toàn bởi họ ngày càng nghi ngờ vào khả năng điều hành chính sách tiền tệ của các NHTW cũng như lo ngại về tình hình bất ổn chính trị tại Anh và Mỹ.

Quyết định giữ nguyên tỉ lệ lãi suất của NHTW Nhật ( BOJ ) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ( Fed ) trong tuần qua cùng với thị trường Nhật đóng cửa nghỉ Tuần lễ Vàng tại đã châm ngòi cho đồng yên tăng giá mạnh so với USD.

Đồng Yên đă tăng giá trên 3% so với đồng USD vào ngày 28/4 sau khi BOJ đã "thách thức” và gây bất ngờ trên thị trường với quyết định trì hoãn việc đưa ra các chính sách khuyến khích tiền tệ mới như cắt giảm tỉ lệ lãi suất tham chiếu hay mở rộng chương trình mua tài sản hạn dài.

Sau khi tăng giá khoảng 5% so với USD vào tuần trước và là đợt tăng giá hàng tuần nhiều nhất kể từ năm 2008, vào ngày 3/5, đồng Yen tiếp tục lập lại mức cao 18 tháng: 106,14 Yên đổi 1 USD trên thị trường New York.

Đồng Yên cũng đã từng tăng giá và đạt mức cao này vào tháng 10/2014 khi thế giới bắt đầu chuẩn bị cho việc Fed chấm dứt chương trình nới lỏng tiền tệ và quay trở lại chính sách thắt chặt tiền tệ.

Nhưng người Nhật không vui

Tuy nhiên, xu hướng tăng giá này của đồng Yên không làm người Nhật vui mà ngược lại.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Taro Aso được các phương tiện thông tin đại chúng dẫn lời cho biết đồng Yên mạnh thực sự là một điều cực kỳ đáng lo ngại. Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda cũng cho hay xu hướng tăng giá gần đây của đồng Yên có thể gây thiệt hại đến nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới này. Những lời nhận xét này làm dấy lên tin đồn BOJ có thể can thiệp để ngăn chặn đồng Yên tăng giá hơn nữa.

Sự tăng giá của đồng Yen đã tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán Nhật và, triển vọng lợi nhuận của các nhà xuất khẩu cũng như các hoạt động kinh tế khác vốn hưởng lợi nếu đồng Yên suy yếu.

Theo nguồn tin Nikkei, sự tăng giá mạnh của đồng Yên đe dọa sẽ làm giảm lợi nhuận của 25 nhà xuất khẩu hàng đầu của Nhật, gồm Toyota, Komatsu, Sony...khoảng 1,14 ngàn tỉ Yên trong năm tài khóa hiện hành bởi giá sản phẩm của các công ty này ở nước ngoài trở nên đắt đỏ hơn.

Song có ý kiến cho rằng với việc Bộ Tài chính Mỹ đưa Nhật vào danh sách giám sát tiền tệ mới cùng với bốn nước khác có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, Tokyo sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc can thiệp vào các thị trường để ngăn chặn đồng Yên tăng giá.

Các công ty lớn của Nhật như Denso, Murata Manufacturing, Ricoh... dự đoán tỉ giá trung bình của đồng Yên trong năm tài khóa 2016 đạt trung bình khoảng 110 Yên đổi 1 USD. Mức tỉ giá này cao hơn nhiều so với mức tỉ giá trung bình 120 của năm tài khóa 2015. Đồng Yên nếu tăng giá nữa có thể gây ra nhiều vấn đề hơn nữa và phủ bóng đen lên các chính sách kích thích kinh tế Abenomics của Nhật vốn dựa vào đồng Yên suy yếu và giá chứng khoán cao.

Đồng Yên mạnh có thể làm giảm giá nhập khẩu và gây sức ép lạm phát đối với nền kinh tế Nhật. Năm ngoái, BOJ đã bốn lần nỗ lực để đạt được tỉ lệ lạm phát 2%.

Theo tờ Japan Today, Bộ trưởng Tài chính Nhật Aso khẳng định rằng Nhật có thể can thiệp vào các thị trường hối đoái khi cần thiết để ngăn chặn sự tăng giá mạnh "một chiều và mang tính chất đầu cơ” và các biện pháp này không vi phạm thỏa thuận của nhóm G20 về việc tránh phá giá tiền tệ.

Lần gần đây nhất Nhật can thiệp vào các thị trường tiền tệ là vào khoảng tháng 11/2011 nhằm ngăn chặn đồng Yên tăng giá so với USD để duy trì phục hồi kinh tế sau thảm họa động đất và sóng thần vào đầu năm 2011.

Các bộ trưởng tài chính và thống đốc các ngân hàng trung ương Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước thành viên Tổ chức các Nước Đông Nam Á (ASEAN) đang tụ hội tại Frankfurt, Đức để tham dự cuộc họp thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á. Các nhà đầu tư trên thị trường theo dõi sát sao bình luận của Bộ trưởng Tài chính Nhật Taro Aso và Thống đốc BOJ Haruhio Kuroda.


Nga hái ra tiền từ du lịch quân sự

Không chỉ có tăng T-90, súng AK, Nga còn biến tiêm kích MiG-29 thành phương tiện hái ra tiền nhờ phục vụ du khách.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Hiện nay, Công ty lữ hành Inbound của Nga đang cung cấp dịch vụ trải nghiệm tiêm kích MiG-29 và súng AK-47 dành cho du khách. Đây được xem là một trong những phương thức mới mẻ để thu hút du khách, trong đó tận dụng cơ sở hạ tầng quân sự hiện có của Moscow.

Anh Toshihiro Yokoi, công dân Nhật Bản, cùng bạn mình đã có dịp lên một chiếc MiG-29 với số tiền phải trả là 17.000 – 21.000 USD. Yokoi mô tả anh trải qua cảm giác rất thú vị khi được ngồi trong một chiếc chiến đấu cơ và thực hiện những cú bổ nhào mạo hiểm.

Sau chuyến bay, Yokoi dự kiến bay tiếp trên một chiếc IL-76 bốn động cơ tại TP Nizhniy Novgorod. Trong một số trường hợp, du khách được lái cả máy bay chiến đấu, bắn súng trường Kalashnikov và tham quan tàu ngầm hạt nhân ở Crimea.

 

Đối với những du khách không thích trò nhào lộn trên không, họ có thể trải nghiệm cảm giác ngồi xe tăng T-90 ở nhà máy sản xuất xe tăng lớn nhất nước Nga, Uralvagonzavod. Đài truyền hình quân đội Nga cho biết, tour đầu tiên của loại hình du lịch đặc biệt này dành cho các nhà báo và đại diện sứ quán các nước từ Âu sang Á, người tham dự phải trên 18 tuổi.

Những du khách được ngồi vào xe tăng T-90, loại xe tăng chủ lực của quân đội Nga, phóng bon bon qua các bãi thử xe tăng, các địa hình, có thể ngồi trong buồng lái hoặc lên tháp pháo quan sát xung quanh.

Ngoài ra, du khách còn được tham quan nhà máy chế tạo xe tăng ở Nizhny Tagil, nơi từng sản xuất dòng xe tăng lừng danh T-34 thời Thế chiến II, cùng bảo tàng tăng – thiết giáp. Cuối tour là bữa ăn với món xúp bột từ bếp ăn dã chiến của lính xe tăng. Giá tour trọn gói này là 180 euro (khoảng 203 USD)/người.

Không chỉ biến xe tăng chủ lực thành phương tiện du lịch, Công ty tư nhân CosmoKurs của Nga vừa nhận được giấy phép của công ty nhà nước Roscosmos về phát triển tổ hợp không gian tái sử dụng cho du khách vũ trụ.

CosmoKurs đã đặt nhiệm vụ kể từ năm 2020 sẽ thực hiện các chuyến bay vũ trụ lên độ cao 180-220km. Đây chính là độ cao con tàu vũ trụ của phi hành gia đầu tiên trên thế giới Yuri Gagarin bay lên. Theo thông tin CosmoKurs cung cấp, tổng thời gian của chuyến bay 15 phút, trong đó khoảng 5-6 phút các du khách sẽ được thử trạng thái không trọng lượng.

Tàu vũ trụ dự kiến sẽ được phóng từ bãi thử Kapustin Yar ở khu vực Astrakhan. Chính quyền địa phương cam kết sẽ hỗ trợ hết sức cho dự án không gian làm nhiều người đùa vui: trong tương lai, tấm danh thiếp của Astrakhan sẽ phải có diện tích lớn hơn để trên đó ngoài trứng cá muối và dưa hấu còn có chỗ cho hình ảnh tàu vũ trụ.

Tổ hợp không gian tái sử dụng quỹ đạo thấp CosmoKurs đang phát triển bao gồm tên lửa mang và tàu vũ trụ tái sử dụng quỹ đạo thấp. Tổ hợp chở được 6 du khách vũ trụ và một hướng dẫn viên. Giá vé sẽ khoảng 200.000-250.000USD/người. Mức giá này tương tự mức các đối thủ cạnh tranh nước ngoài của CosmoKurs đưa ra.

Theo Tổng giám đốc CosmoKurs Pavel Pushkin, mặc dù công ty chưa bắt đầu bán vé cho các chuyến đi vào không gian nhưng đến nay có 900 người đã đặt vé.

“Ở Nga, nhiều người đã cố gắng mua vé, nhưng chúng tôi chưa bán. Chúng tôi đang cố gắng giải quyết những vấn đề lập pháp, tài chính và kỹ thuật. Tuy nhiên, chúng tôi không trì hoãn thời hạn hoàn thành dự án. Trong năm 2020, chúng tôi sẽ thực hiện các chuyến bay đầu tiên” - ông Pushkin cho biết.

Theo kế hoạch, các du khách không gian tương lai phải có mặt tại sân bay trước khi xuất phát 4 ngày. Tại đó họ một lần nữa trải qua cuộc kiểm tra y tế, đi dự buổi hướng dẫn cuối cùng, chọn áo giáp cho mình, tập luyện trên máy ly tâm, dự lễ ban phước cho các phi hành gia và đi dự một cuộc họp báo.


ECB họp quyết việc "khai tử" đồng 500 euro

Đồng 500 euro đang đứng trước nguy cơ bị khai tử sau cuộc họp quan trọng diễn ra ngày 4/5 của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

nhung to tien menh gia 500 euro dang dung truoc nguy co bi khai tu.

Những tờ tiền mệnh giá 500 euro đang đứng trước nguy cơ bị khai tử.

Đây là đồng bạc có mệnh giá lớn nhất của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) và bị “điều tiếng” là được dùng nhiều trên thị trường “chợ đen”, trong hoạt động rửa tiền và tài trợ cho khủng bố. Tuy nhiên, việc hủy bỏ đồng tiền mệnh giá cao này có thể gây phản ứng mạnh mẽ từ những nước như Đức.

Tờ 500 euro là tiền giấy có giá trị cao nhất trong hệ thống đồng euro. Loại tiền này ra đời cùng với các tờ mệnh giá 5 euro, 10 euro, 50 euro, 100 euro, 200 euro từ năm 2002. 500 euro là một trong những tờ tiền có giá trị cao nhất trên thế giới. Chủ tịch ECB Mario Draghi cho biết ECB sẽ xem xét nghiêm túc việc khai tử tờ tiền mệnh giá lớn này vì nó đang được sử dụng trong các hoạt động phạm pháp. Ông cho rằng tờ 500 euro có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động rửa tiền vì việc vận chuyển dễ dàng và khó phát hiện.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin mới đây cũng cho rằng đồng 500 euro thường được sử dụng để cất giữ hơn là cho mục đích mua bán. Đồng 500 euro hiện chiếm khoảng 3% tổng số tờ tiền euro đang được lưu hành, song xét về giá trị thì lại chiếm tới 28% dù loại tiền này không được sử dụng thường xuyên trong các giao dịch. Lượng tờ tiền mệnh giá 500 euro lưu thông trong năm 2015 lên tới 306,8 tỷ euro và số lượng của loại mệnh giá này tăng tính từ thời điểm ra đời.

Trong lần xem xét gần nhất vào năm 2005, ECB vẫn quyết định giữ lại đồng tiền mệnh giá lớn này trong lưu hành.


Pháp ám chỉ khả năng tạm dừng đàm phán TTIP

Ngày 3/5, Quốc vụ khanh phụ trách thương mại của Pháp Matthias Fekl cảnh báo các cuộc đàm phán về Hiệp định Thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ nhằm tạo ra khu vực thương mại tự do gồm 850 triệu dân có thể buộc phải dừng lại do Washington không sẵn lòng nhượng bộ.

quoc vu khanh phu trach thuong mai cua phap matthias fekl trong mot cuoc hop bao o singapore ngay 8/4. anh: afp/ttxvn

Quốc vụ khanh phụ trách thương mại của Pháp Matthias Fekl trong một cuộc họp báo ở Singapore ngày 8/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Trả lời câu hỏi liệu cuộc đàm phán về TTIP, được khởi động từ năm 2013, có khả năng dừng lại hay không, ông Fekl nói: "Xét về thái độ của Mỹ hiện nay, khả năng này dường như là lựa chọn có thể xảy ra nhất". Phát biểu trên cho thấy sự hoài nghi sâu sắc ở châu Âu rằng TTIP sẽ làm suy yếu dần những quy định về sinh thái và sức khỏe liên quan lợi ích của doanh nghiệp lớn.

Washington và Brussels muốn hoàn tất TTIP trong năm nay trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama rời nhiệm sở, nhưng thỏa thuận này đang phải đối mặt với sự phản đối ngày càng tăng từ cả hai phía Đại Tây Dương. Tuy nhiên, trước đó, ngày 2/5, Mỹ và EU lên tiếng chỉ trích những diễn giải sai lệch sau khi có các tài liệu bị rò rỉ được cho là liên quan tới TTIP, đồng thời khẳng định hiệp ước này sẽ không hạ thấp các tiêu chuẩn về môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.

Trong bối cảnh Mỹ và Đức muốn đẩy nhanh tiến độ đàm phán, Pháp đã đưa ra cảnh báo nguội lạnh rằng sẽ không thỏa thuận bằng mọi giá. Một chủ đề gây tranh cãi lớn, được cả Pháp và EU đòi hỏi mạnh mẽ, là tiếp cận thị trường mua sắm công của Mỹ, cho đến nay rất khép kín so với của EU. Gần như chỉ có các doanh nghiệp Mỹ mới có khả năng dự thầu. Hiện nay, Mỹ dường như chưa sẵn sàng thay đổi trong vấn đề này.

“Con đường tơ lụa” Trung Quốc gặp khó ở Thái Lan

Thái Lan cho rằng phía sau lời đề nghị hỗ trợ về vốn và xây dựng của Trung Quốc là những sợi dây ràng buộc...
chien luoc “mot vanh dai, mot con duong”, hay con goi la “con duong to lua”, duoc xem la mot trong tam trong chinh sach kinh te cua chu tich trung quoc tap can binh.

Chiến lược “một vành đai, một con đường”, hay còn gọi là “con đường tơ lụa”, được xem là một trọng tâm trong chính sách kinh tế của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg, chiến lược này đang vấp phải một số trở ngại ở Thái Lan.

Được ông Tập Cận Bình đưa ra vào năm 2013, sáng kiến “con đường tơ lụa” nhằm tăng cường hoạt động thương mại và đầu tư, đặc biệt với các nước Trung Á và Đông Nam Á. 

Trên nhiều phương diện, ý tưởng này rất hợp lý. Các khu vực trên cần hàng nghìn tỷ USD vốn đầu tư để xây dựng đường xá, sân bay, và các cơ sở hạ tầng khác. Trong khi đó, Trung Quốc dư thừa năng lực sản xuất công nghiệp và sở hữu nguồn vốn dồi dào.

Tuy nhiên, việc đổ vỡ một thỏa thuận gần đây về việc Trung Quốc xây dựng và cung cấp vốn cho một dự án đường sắt ở Thái Lan được xem là một tín hiệu cho thấy kế hoạch của Bắc Kinh không hề “xuôi chèo mát mái”. 

Chính phủ Thái Lan cho rằng phía sau lời đề nghị hỗ trợ về vốn và xây dựng của Trung Quốc là những sợi dây ràng buộc mà Bangkok không thể dễ dàng chấp nhận. Với dự án này, giới chức Trung Quốc đã đòi Thái Lan cho các công ty Trung Quốc xây dựng các dự án bất động sản thương mại tại các nhà ga và dọc tuyến đường sắt nối từ Bangkok tới thành phố Nong Khai ở phía Đông Bắc Thái Lan, gần với Lào.

“Chúng tôi đã nói với phía Trung Quốc là chúng tôi sẽ không cấp đất cho những dự án như vậy. Thái Lan không giống như Lào”, Bộ trưởng Bộ Giao thông Thái Lan Arkhom Termpittayapaisith phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg.

Ông Arkhom cho biết, Trung Quốc đã tìm cách thâu tóm nhiều diện tích đất thương mại dọc theo tuyến đường sắt dự kiến và đòi hỏi phía Thái Lan tăng tài sản thế chấp để được Trung Quốc cấp vốn.

Vị Bộ trưởng Bộ Giao thông Thái Lan nhấn mạnh rằng “cánh cửa vẫn mở” để Trung Quốc rót vốn vào Thái Lan, chẳng hạn thông qua Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) - định chế do Trung Quốc khởi xướng và dẫn đầu. 

Tuy nhiên, đến nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy những cuộc thảo luận về vấn đề này đã hoặc đang diễn ra.

Theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã, vào hôm 29/4 vừa qua, ông Tập Cận Bình đã họp với các ủy viên trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về chiến lược “con đường tơ lụa”. Cuộc họp được xem là tín hiệu cho thấy Trung Quốc thừa nhận sự cần thiết phải có một số điều chỉnh đối với chiến lược này.

“Song song với việc quan tâm tới lợi ích của chính mình, chúng ta sẽ cân nhắc và quan tâm nhiều hơn tới lợi ích của các quốc gia khác”, Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập Cận Bình phát biểu tại cuộc họp. “Tôi hy vọng là người dân ở tất cả các nước dọc theo con đường tơ lụa sẽ thực sự cảm nhận được lợi ích mà sáng kiến này mang lại”.

Ông Tập cũng nói các công ty Trung Quốc tham gia sáng kiến “con đường tơ lụa” cần chú trọng uy tín bằng cách tuân thủ luật pháp, thay vì chỉ đề cao lợi nhuận kinh tế.

Theo đánh giá của ông Richard Jerram, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng Bank of Singapore Ltd, khó khăn mà Trung Quốc gặp phải khi thực thi các dự án thuộc “con đường tơ lụa” ở những nước như Thái Lan là một bằng chứng về “sự thiếu minh bạch nói chung về ý tưởng”. 

Ông Jerram nói rằng, không rõ “con đường tơ lụa” là một công cụ chính sách đối ngoại của Trung Quốc, trong đó đầu tư cần đi kèm với viện trợ, hay là một sáng kiến thuần thương mại không cần có bất kỳ khoản vốn nào từ nhà nước.

“Đúng là châu Á cần đầu tư cho cơ sở hạ tầng, nhưng vốn để rót vào những dự án có khả năng mang lại lợi nhuận là không hề thiếu”, ông Jerram nói.

Ông Arkhom, Bộ trưởng Bộ Giao thông Thái Lan cho rằng lợi nhuận từ các dự án đường sắt là một vấn đề phức tạp do thời gian thu hồi vốn kéo dài, có thể lên tới hàng thập kỷ. Đề phòng trường hợp dự án không thành công, nhà đầu tư có thể sẽ đòi được bảo lãnh dưới một dạng nào đó. Và đây chính là vấn đề đặt ra những mối lo về lợi ích quốc gia.

“Dự án này thuộc về người dân Thái Lan. Mà ở trong nước, chúng tôi có nhiều tiền”, ông Arkhom phát biểu.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 06-05-20161

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 06-05-2016

    Ả Rập Xê Út và Nga “quyết chiến” để giành thị phần dầu mỏ Trung Quốc
    Ngân hàng Trung ương Trung Quốc bơm 15 tỷ USD vào thị trường
    Cuba đẩy mạnh hạ tầng du lịch đón lượng khách "khủng"
    Tin tặc Nga "rao bán" 250 triệu tài khoản Yahoo, Google...
    IMF: Việt Nam có thể tăng trưởng 6% năm nay

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 06-05-20162

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 06-05-2016

    Anonymous mở chiến dịch tấn công ngân hàng trung ương toàn cầu
    Dawon Vina: Đầu tư 1 triệu USD, lỗ 1,68 triệu USD
    FECON liên tiếp trúng thầu nhiều dự án của Samsung, Vingroup, Coteccons
    NHNN sẽ xử nghiêm các ngân hàng lách trần lãi suất tiền gửi bằng USD
    Tháng 4, người Việt chi 182 triệu USD mua ô tô ngoại

  • Tin kinh tế đọc nhanh sáng 06-05-20163

    Tin kinh tế đọc nhanh sáng 06-05-2016

    Hoa Kỳ ngăn thép Trung Quốc
    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc muốn Samsung tiếp tục đầu tư mạnh vào Việt Nam
    Dự án lắp ráp xe Hyundai Tân Phú nguy cơ bị thu hồi
    Doanh nghiệp xăng dầu muốn giảm thuế nhập khẩu xăng xuống 10%
    Giá dầu Brent và dầu Mỹ diễn biến trái chiều sau số liệu dầu lưu kho

  • Tin kinh tế đọc nhanh 06-05-20164

    Tin kinh tế đọc nhanh 06-05-2016

    Đài Loan đầu tư hơn 600 triệu USD vào Việt Nam sau 4 tháng đầu năm
    Nhu cầu vàng tại Ấn Độ bị tổn thương vì giá cao
    Căn bệnh bí ẩn của lúa mì có thể gây ảnh hưởng thế nào tới Việt Nam?
    Australia điều tra sản phẩm vôi sống nhập khẩu từ Việt Nam
    Tài nguyên Masan: Làm bao nhiêu chỉ để trả lãi ngân hàng, vay nợ hơn 11.000 tỷ

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 05-05-20165

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 05-05-2016

    Tận dụng “khách sộp” ở UAE
    Lợi thế DN nội ở thị trường mới nổi
    Yêu cầu Công ty Mega giải trình việc thâu tóm Metro Cash&Carry
    Hyundai phát triển công nghệ vô lăng cảm ứng
    Nga sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 05-05-20166

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 05-05-2016

    Gây ô nhiễm, công ty ở Brazil đối mặt án phạt 43,5 tỉ USD
    Johnson & Johnson lại thua kiện phấn rôm gây ung thư
    Hiệp hội Xăng dầu 'chê' cách tính thuế nhập khẩu
    Vôi sống của Việt Nam bị Úc kiện
    Bốn tháng, người Việt chi 1 tỉ USD nhập linh kiện ô tô

  • Tin kinh tế đọc nhanh sáng 05-05-20167

    Tin kinh tế đọc nhanh sáng 05-05-2016

    Tồn kho bất động sản còn gần 41.500 tỷ đồng
    IMF: Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,3% trong 2016
    Chi mạnh cho quảng cáo, khuyến mãi, Vinacafe lần đầu tiên báo lỗ
    Yêu cầu doanh nghiệp Thái Lan giải trình vụ mua Metro
    Một loạt sản phẩm thịt từ Nga sắp tràn vào Việt Nam

  • Tin kinh tế đọc nhanh 05-05-20168

    Tin kinh tế đọc nhanh 05-05-2016

    Myanmar phấn đấu thu hút 140 tỷ USD vốn FDI
    Có thể thu hơn 4.600 tỷ đồng tiền thuế từ thương vụ chuyển nhượng Big C?
    Chỉ số PMI tháng 4 của Việt Nam lên 52,3 điểm, cao nhất trong 3 quý
    Sacombank hợp tác với tập đoàn lớn thứ 4 Nhật Bản
    HSBC: Lợi nhuận quý 1 giảm 18% nhưng vẫn duy trì cổ tức

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 04-05-20169

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 04-05-2016

    Lạm phát tăng trở lại
    Xuất khẩu tôm hồi phục
    Đà hồi phục của giá hàng hóa mới chỉ bắt đầu
    Doanh nghiệp Hàn Quốc “nối đuôi nhau” sang Việt Nam
    Leicester và sự mờ ám về tài chính

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 04-05-201610

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 04-05-2016

    Năm 2016 đặt mục tiêu XK hơn 2 tỉ đô la trái cây
    15 tấn chuối Việt Nam đầu tiên đã có mặt ở siêu thị Nhật Bản
    VASEP dự báo xuất khẩu hải sản năm 2016 tăng 13%
    Bắt 9,7 tấn nguyên liệu bào chế thuốc Bắc nhập lậu từ Trung Quốc
    Mitsubishi và Nissan khốn khổ vì bê bối gian dối nhiên liệu