tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 03-05-2017

  • Cập nhật : 03/05/2017

Doanh thu bán lẻ hàng hóa 4 tháng đạt hơn 955.000 tỉ đồng

Kết thúc tháng 4, ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước đạt 317.500 tỉ đồng, tăng 1,7% so với tháng trước.

doanh thu ban le hang hoa 4 thang dat hon 955.000 ti dong

Doanh thu bán lẻ hàng hóa 4 tháng đạt hơn 955.000 tỉ đồng

Đây là con số do Tổng cục Thống kê công bố. Tính chung 4 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1,26 triệu tỉ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 955.800 tỉ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó bao gồm nhóm ngành hàng lương thực, thực phẩm dẫn đầu khi tăng 10,5% và kế tiếp là hàng may mặc tăng 8,6%, phương tiện đi lại tăng 8,3%... Bên cạnh đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 4 tháng đầu năm ước đạt 153.400 tỉ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 10.300 tỉ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước.(Thanhnien)
----------------------------------

Áp thuế Trung Quốc, thị trường gỗ 30 tỉ USD rộng cửa với Việt Nam

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong quý 1/2017, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam đạt 1,78 tỉ USD, tăng 17,1% so cùng kỳ năm ngoái. Với giá trị này, gỗ và sản phẩm gỗ đang dẫn đầu về giá trị xuất khẩu trong các nhóm hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam.

Trong khi năm 2016, xuất khẩu gỗ tăng trưởng khá thấp, chỉ đạt xấp xỉ 7 tỉ USD. Nhưng từ đầu năm 2017 đến nay, xuất khẩu mặt hàng này đã lấy lại đà tăng trưởng khá tốt của những năm trước đây và đang hướng tới mục tiêu 7,5 tỉ USD.

Điều đáng nói nhất là mức tăng trưởng 17,1% không chỉ cao hơn hẳn so với 1,1% của cả năm ngoái mà còn tương đương với mức tăng trưởng cao của ngành gỗ trong một số năm trước đây. Đây là mức tăng trưởng cần thiết để giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sớm đạt tới ngưỡng 10 tỉ USD - mục tiêu các cơ quan liên quan và cả ngành gỗ đặt ra vào năm 2020.

Trên thực tế, giới chuyên gia nhận định rằng năm 2017 sẽ đem lại một số cơ hội mới cho ngành gỗ Việt Nam. Trước hết là việc sản phẩm gỗ từ Trung Quốc bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá. Hiện nay, Trung Quốc đang chiếm tới khoảng 37% thị phần đồ gỗ nhập khẩu ở Mỹ và là đối thủ lớn của Việt Nam ở thị trường quan trọng này (thị trường đồ gỗ Mỹ trị giá khoảng 30 tỉ USD/năm).

Do đó, việc đồ gỗ Trung Quốc bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá sẽ khiến cho các đơn hàng từ Mỹ dịch chuyển sang các nước xuất khẩu gỗ ở khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam, mà Việt Nam lại đang là nước xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất ở ASEAN. Do đó, cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam tận dụng đơn hàng từ Trung Quốc chuyển sang là rất lớn, nhất là đồ gỗ nội thất.

Bên cạnh đó, hàng loạt hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết với các nước và khu vực trong thời gian qua cũng đang tạo cơ hội lớn về thị trường cho ngành gỗ. Điển hình như việc xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hàn Quốc đang có sự tiến triển rất tốt kể từ sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực.

3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hàn Quốc đạt 143,84 triệu USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2016, dù kim ngạch xuất khẩu gỗ cả nước chỉ tăng nhẹ 1,1% so năm 2015, nhưng giá trị đồ gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu sang Hàn Quốc vẫn tăng trưởng tốt ở mức 15,3%.

Theo đánh giá của Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, quan hệ thương mại mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ giữa Việt Nam với Hàn Quốc sẽ tiếp tục phát triển nhanh trong những năm tới nhờ sự kết nối trên nhiều mặt từ chính trị, ngoại giao đến đầu tư, thương mại giữa 2 quốc gia nói riêng và hội nhập thị trường nói chung. Nếu loại bỏ được nguồn gỗ nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, các loại gỗ có độ rủi ro cao trong các sản phẩm xuất khẩu, ngành gỗ Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội mở rộng, phát triển thị trường ở Hàn Quốc.

Nhu cầu của thị trường thế giới về một số mặt hàng gỗ có giá trị cao cũng là một yếu tố quan trọng cho việc gia tăng giá trị xuất khẩu gỗ. Ví dụ, mặt hàng đồ nội thất được đánh giá sẽ có sự tăng mạnh về nhu cầu trên toàn thế giới trong năm 2017. Nắm bắt được cơ hội này, nhiều doanh nghiệp gỗ Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư về công nghệ hiện đại theo hướng tự động hóa, đồng thời mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng các đơn hàng.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, để đẩy mạnh xuất khẩu gỗ trong năm 2017, hai giải pháp lớn cần được đề ra. Thứ nhất là chọn ưu tiên phát triển mặt hàng ván nhân tạo vì mặt hàng này hoàn toàn sử dụng gỗ rừng trồng trong nước. Nhiều doanh nghiệp gỗ Việt Nam cũng đủ điều kiện, công nghệ để sản xuất sản phẩm này.

Thứ hai là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu theo hướng tập trung nhiều hơn vào các thị trường đang có nhiều tiềm năng như: Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Đông…(Motthegioi)
------------------------------------------------

Hồ tiêu rớt giá hơn 50%

Bộ NN-PTNT cho biết dù vụ thu hoạch hồ tiêu sắp kết thúc nhưng thị trường vẫn ảm đạm, giá thấp. 

Tại các vùng trồng tiêu chính như: Gia Lai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đắk Lắk, Đồng Nai, giá tiêu đã xuống dưới mức 100.000 đồng/kg, dao động từ 95.000 - 97.000 đồng/kg.

Mức giá này chỉ bằng một nửa so với lúc giá cao đỉnh điểm vài ba năm trước. Trong khi đó, khối lượng xuất khẩu tiêu 4 tháng đầu năm ước đạt 75.000 tấn tương đương giá trị 456 triệu USD, tăng 9% về khối lượng nhưng giảm gần 18% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Giá tiêu xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm đạt 6.328 USD/tấn, giảm 24,5% so với cùng kỳ năm 2016. Để thoát khỏi khó khăn do giá giảm, ngành hồ tiêu phải chuyển hướng từ số lượng sang chất lượng cao, sản xuất hồ tiêu sạch theo các tiêu chuẩn của thế giới.(TN)
----------------------------

Doanh nghiệp trong nước nhập siêu gần 8,5 tỷ USD sau 4 tháng

Báo cáo tình hình xuất nhập khẩu tháng 4 vừa công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy nhập siêu tiếp tục tăng thêm 800 triệu USD, nâng mức nhập siêu cả nước 4 tháng lên tới 2,74 tỷ USD.

Cụ thể, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 4 ước tính đạt 16,7 tỷ USD, giảm 3,2% so với tháng trước và tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kim ngạch một số mặt hàng tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác tăng 42,5%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 34,3%; điện thoại và linh kiện tăng 17,4%.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu tháng 4 đạt 17,5 tỷ USD, giảm 4,6% so với tháng trước nhưng tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2016.

Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 61,3 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 17,3 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 44 tỷ USD.

Một số mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cao như hàng dệt may, máy tính điện tử, giày dép, thuỷ sản, gỗ, rau quả, dầu thô... Tuy nhiên, các nông sản như sắn, hạt tiêu, gạo vẫn sụt giảm mạnh...

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 4 tháng đầu năm, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 11,9 tỷ USD; tiếp đến là EU đạt 11,3 tỷ USD; Trung Quốc đạt 8,6 tỷ USD; ASEAN đạt 6,7 tỷ USD; Nhật Bản đạt 5,2 tỷ USD; Hàn Quốc đạt 4,4 tỷ USD.

Về nhập khẩu, 4 tháng đầu năm 2017, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 64,1 tỷ USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 25,8 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 38,3 tỷ USD.

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng phục vụ sản xuất tăng cao so với cùng kỳ như máy móc phụ tùng, điện thoại và linh kiện, sắt thép, chất dẻo, hoá chất, thức ăn gia súc, kim loại và xăng dầu...

Về thị trường nhập khẩu 4 tháng đầu năm, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 17,6 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2016. Tiếp đến là Hàn Quốc đạt 13,7 tỷ USD, tăng 45,3%; ASEAN đạt 8,9 tỷ USD, tăng 20,4%...

Tổng cục Thống kê cho biết, tình hình nhập siêu đã bắt đầu cao trở lại ngay những tháng đầu năm. Tháng 3 nhập siêu lên tới 1,1 tỷ USD, tháng 4 nhập siêu cả nước tiếp tục gia tăng 800 triệu USD.

Tính chung 4 tháng đầu năm nay, nhập siêu cả nước lên tới 2,74 tỷ USD, bằng 4,5% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.

Đáng chú ý, trong cơ cấu nhập siêu cả nước, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu lên tới 8,49 tỷ USD trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài lại xuất siêu 5,75 tỷ USD.(Vneconomy)

cac mat hang xuat khau tang truong cao 4 thang dau nam - don vi: ty usd

Các mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng cao 4 tháng đầu năm - Đơn vị: Tỷ USD

cac mat hang nhap khau co toc do tang truong cao 4 thang dau nam nay - don vi: ty usd

Các mặt hàng nhập khẩu có tốc độ tăng trưởng cao 4 tháng đầu năm nay - Đơn vị: Tỷ USD

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục