TP HCM được hưởng hàng loạt cơ chế đặc biệt; Trung Quốc sẽ đánh thuế chống phá giá đường; Xuất khẩu than đá tăng gần 7 lần về sản lượng; Nhập khẩu ô tô nguyên chiếc giảm đột ngột về số lượng nhưng giá tăng cao
Tin kinh tế đọc nhanh 03-05-2017
- Cập nhật : 03/05/2017
Ông Nguyễn Thành Nam sẽ làm Tổng giám đốc Sabeco
Ông Nguyễn Thành Nam sẽ trở thành Tổng giám đốc Tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), sau sự đồng ý từ cấp có thẩm quyền.
Bộ Công Thương vừa có văn bản số 3555 gửi Bộ phận đại diện vốn Nhà nước tại Tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) về công tác nhân sự tại doanh nghiệp này.
Theo đó, cơ quan quản lý nhất trí với đề nghị của Bộ phận đại diện vốn Nhà nước tại Sabeco về bổ nhiệm ông Nguyễn Thành Nam - Uỷ viên Hội đồng quản trị, Phó tổng giám đốc Sabeco giữ chức Tổng giám đốc, đồng thời đề nghị Bộ phận đại diện vốn nhà nước tại Sabeco triển khai thực hiện ngay các thủ tục tiếp theo và tham gia biểu quyết để ông Nam giữ chức Tổng giám đốc Sabeco theo đúng quy định pháp luật, điều lệ Sabeco và báo cáo Bộ Công Thương kết quả thực hiện.Trước đó, hồi tháng 8 năm ngoái, Bộ Công Thương đã có văn bản đồng ý theo đề xuất về nhân sự tại Sabeco về việc tạm thời giao phụ trách ban điều hành cho ông Lê Hồng Xanh - Ủy viên Hội đồng quản trị, Phó tổng giám đốc Sabeco khi có nhân sự chính thức thay thế. Đây được xem là giải pháp tình huống tại thời điểm đó khi Sabeco chưa có nhân sự chính thức.
Sau khi ông Nguyễn Thành Nam chính thức là Tổng giám đốc Sabeco (dự kiến trong tháng 5/2017), ông Xanh vẫn sẽ tiếp tục là ủy viên Hội đồng quản trị, kiêm Phó tổng giám đốc cho đến khi ông nghỉ hưu vào ngày 1/7/2017, nhưng sẽ thôi phụ trách ban điều hành Sabeco.
Tuy nhiên, chia sẻ với VnExpress, ông Xanh lại cho rằng ông không hề có nguyện vọng xin nghỉ hưu trước thời hạn, cũng như không có bất kỳ sai phạm trong quản lý điều hành, song Đại hội cổ đông, Hội đồng quản trị Sabeco đã miễn nhiệm ông sớm 2 tháng so với quy định nghỉ hưu từ 1/7 tới.
“Tại sao một việc bổ nhiệm hệ trọng như vậy mà Đảng uỷ Sabeco tổ chức gửi phiếu lấy ý kiến trong thường vụ Đảng uỷ Tổng công ty về việc miễn nhiệm tôi và bổ nhiệm ông Nguyễn Thành Nam thay thế gấp rút thực hiện vào chiều 28/4, sát dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 và được gửi phiếu lấy ý kiến qua email. Như vậy có đúng quy trình, trình tự thời gian thủ tục không?”, ông Xanh đặt câu hỏi và đề nghị được làm rõ vấn đề này.
Thực tế, kể từ sau khi bà Phạm Thị Hồng Hạnh nhận quyết định nghỉ hưu và rời vị trí Tổng giám đốc Sabeco từ cuối 2015, vị trí Tổng giám đốc của Sabeco vẫn để trống.
Ông Nguyễn Thành Nam sinh 29/12/1970 được đào tạo Thạc sỹ Quản lý kinh tế và Nhà nước tại Đại học Libre de Bruxelles từ năm 2001-2003. Ông Nam có 25 năm công tác trong ngành bia và từng làm việc tại phân xưởng cơ khí tại công ty bia Sài Gòn. Tháng 3/2015 ông được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc Sabeco. Từ tháng 2/2016 đến nay ông Nam làm Phó tổng Giám đốc Sabeco, Giám đốc Nhà máy Bia Sài Gòn Củ Chi. Hồi đầu năm nay, Bộ Công Thương đã nhất trí cử ông Nguyễn Thành Nam đại diện phần vốn nhà nước tại Sabeco và giới thiệu tham gia vào Hội đồng quản trị. (Vnexpress)
----------------------
Xuất khẩu rau, quả ước đạt 1 tỷ USD
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu rau, quả 4 tháng đầu năm 2017 ước đạt 1 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2016.
Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau, quả Việt Nam, chiếm 82,9% tổng giá trị xuất khẩu hàng rau quả. Các thị trường có giá trị xuất khẩu hàng rau, quả tăng mạnh là Nga (88,7%), Nhật Bản (50,9%), Thái Lan (34%), Trung Quốc (33,3%), Malaysia (32,8%), Hàn Quốc (18,7%) và Hoa Kỳ (13,3%).
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu tháng 4/2017, giá dừa xiêm xanh tươi tại Bến Tre liên tục tăng cao. Hiện, dừa xiêm xanh được thương lái thu mua với giá từ 140.000 - 160.000 đồng/chục (12 trái). Đây là mức giá cao nhất của loại dừa này từ trước đến nay. Tuy giá tăng cao nhưng nhiều nhà vườn không có dừa để bán do ảnh hưởng thời tiết, sâu hại làm cho năng suất giảm 60-70%.
Cũng trong tháng 4/2017, giá chôm chôm liên tục leo thang. Hiện giá chôm chôm Java đóng thùng xuất khẩu tại các tỉnh như Bến Tre, Vĩnh Long... có giá 55.000 - 60.000 đồng/kg, tăng khoảng 20.000 đồng/kg so cùng kỳ năm trước. Các loại chôm chôm đường và chôm chôm Thái cũng đang có giá khá cao, khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg, tăng 10.000 - 15.000 đồng/kg so với 2 tháng trước. Mặc dù Trung Quốc là thị trường có sức tiêu thụ mạnh nhưng do nguồn cung quá ít, gần như không đủ đóng thùng xuất đi nên các thương lái tạm ngưng xuất khẩu.
Những ngày qua, giá dứa tại vùng chuyên canh của tỉnh Tiền Giang đã tăng trở lại sau một thời gian liên tục mất giá. Hiện thương lái thu mua dứa khoảng 4.500 đồng/kg, tùy chất lượng. Với mức giá này, nông dân lãi khoảng 500 đồng/kg.
Trong khi đó, giá rau củ tại Lâm Đồng có xu hướng giảm bởi nguồn cung tương đối dồi dào với sự ủng hộ của thời tiết. Các mặt hàng có giá giảm bao gồm bắp cải trắng, bắp cải tím, hành tây, khoai tây… với mức giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg so với tháng trước. Còn lại đa phần các mặt hàng đều duy trì ở mức ổn định.(Baotintuc)
------------------------
Ả Rập Xê Út kiểm soát 100% nhà máy lọc dầu lớn nhất Mỹ
Theo CNN, Saudi Aramco, tập đoàn dầu mỏ quốc doanh Ả Rập Xê Út, kiểm soát 100% nhà máy lọc dầu Port Arthur ở bang Texas từ ngày 1.5, hoàn tất thỏa thuận được công bố lần đầu hồi năm 2016.
Port Arthur được coi là viên ngọc quý của hệ thống nhà máy lọc dầu Mỹ. Cơ sở ở Gulf Coast có thể xử lý 600.000 thùng dầu/ngày và là nhà máy lọc dầu lớn nhất Bắc Mỹ.
Trước đây Aramco từng sở hữu 50% Port Arthur thông qua Motiva Enterprises, một liên doanh với hãng Royal Dutch Shell, song hai hãng dầu thô khổng lồ không có mối quan hệ làm ăn tốt đẹp. Đến tháng 3.2016, hai công ty đạt thỏa thuận tách tài sản. Hãng Shell cũng vừa xác nhận đã hoàn thành việc “chia tay” với Aramco.
Ngoài Port Arthur, Aramco còn đang mua lại toàn bộ quyền sở hữu của 24 nhà phân phối. Hãng năng lượng Trung Đông cũng có quyền độc quyền bán xăng và dầu diesel mang thương hiệu Shell ở bang Georgia, North Carolina, South Carolina, Virginia, Maryland, phía đông bang Texas và phần lớn bang Florida.
Thỏa thuận cho phép Aramco hưởng lợi từ một trong những khách hàng tốt nhất là nước Mỹ trước khi công ty chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Khi đã kiểm soát được nhà máy lọc dầu lớn nhất Mỹ, Aramco có thể bán nhiều dầu thô Ả Rập Xê Út đến Mỹ hơn để tinh chế, phân phối đến người tiêu dùng.
Ả Rập Xê Út hiện là nguồn cung ứng dầu thô lớn thứ nhì của Mỹ, chỉ sau Canada. Mỹ nhập khẩu 1,3 triệu thùng dầu thô từ nước này mỗi ngày trong tháng 2, tăng 32% so với năm ngoái, theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA).
Ả Rập Xê Út đang kỳ vọng Aramco hậu IPO đạt giá trị 2.000 tỉ USD. Quốc gia Trung đông hiện chật vật trong cảnh giá dầu thấp và ngân sách gặp khó. Điều này khiến việc IPO Aramco càng trở nên cấp bách hơn.
Ngay trước khi Ả Rập Xê Út mở rộng tầm ảnh hưởng tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy sự độc lập về mặt năng lượng của nước nhà bằng cách nới lỏng ngành năng lượng trong nước. Tháng 5.2016, ông Trump cho hay ông muốn Mỹ độc lập khỏi “các tập đoàn dầu thô và kẻ thù”. Sau khi ông Trump đắc cử, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út Khalid al-Falih cảnh báo rằng việc chặn dầu thô của nước này có thể dẫn đến chuyện không hay.
Dù có nhiều tuyên bố đối nghịch nhau, quan hệ Mỹ - Ả Rập Xê Út có vẻ được cải thiện dưới thời Tổng thống Trump. Hoàng thái tử Mohammed bin Salman từng gặp Tổng thống Mỹ hồi tháng 3 trong cuộc họp được cho là “bước ngoặc lịch sử” giữa hai nước.(Thanhnien)
----------------------------------------
Sức hút của ngành công nghiệp thời trang Hồi giáo 300 tỷ đôla
“Không được hở hang” là “câu thần chú” trong ngành công nghiệp thời trang Hồi giáo trị giá 300 tỷ đôla và được nhiều đơn vị ứng dụng một cách khéo léo để hốt bạc.
Đối với những người không theo Hồi giáo, các website kinh doanh thời trang chuyên biệt cho thế giới đạo Hồi có vẻ đơn điệu. Tuy nhiên, những thay đổi nhỏ đã diễn ra trong thời gian gần đây. KhaleejiAbaya.com, một nhà kinh doanh thời trang Hồi giáo trụ sở tại Teesside (Anh) còn có hẳn câu slogan “Dễ dàng đoan trang” cho thương hiệu của mình và bắt đầu quan tâm hơn đến độ phong phú của kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm.Dù tỏ ra khá thận trọng nhưng các nhà thiết kế thời trang Hồi giáo hàng đầu cũng đã góp mặt vào Tuần lễ thời trang London vừa qua. Đây là đại diện của trường phái thời trang khiêm tốn, kín đáo, phù hợp với quy định của các tôn giáo, trong đó có Hồi giáo, được gọi là “Modest Fashion”.
Vẫn là những bộ trang phục che kín da trên toàn bộ cơ thể nhưng các nhà thiết kế đã phần nào đột phá hơn về kiểu dáng, chi tiết và chất liệu. Ăn theo các bộ sưu tập này, các công ty mỹ phẩm cũng tranh thủ quảng cáo những mẫu nước hoa không cồn và son môi không chiết xuất từ mỡ động vật để phù hợp với tiêu chuẩn Halal của đạo Hồi. Tất nhiên, đối với một số giáo sĩ, những loại mỹ phẩm thế này, dù đạt chuẩn Halal những vẫn là điều khó chấp nhận.
Thời trang Hồi giáo đang là một ngành công nghiệp lớn. Trên toàn thế giới, người Hồi giáo chi khoảng 300 tỷ đôla để mua quần áo và giày dép, chỉ ít hơn Mỹ một chút. Tại các nước phương Tây, những người phụ nữ Hồi giáo, Do thái giáo hay Cơ đốc giáo theo trường phái che đậy da thịt thường chỉ quan tâm đến sự khiêm tốn và giản dị của trang phục. Tuy nhiên, điều đó đang có phần thay đổi. Nhiều thương hiệu đã nhận ra điều này.
Đầu năm nay, Debenhams – thương hiệu trung tâm thương mại ở Anh đã có khu dành riêng cho thời trang Hồi giáo. Tommy Hilfiger và Mango cũng vừa tung ra bộ sưu tập Ramadan cho khách hàng Trung Đông. Under Wraps - công ty người mẫu thời trang Hồi giáo đầu tiên tại Mỹ cũng được thành lập cách đây chưa lâu.
Hàng loạt thành phố trên thế giới, từ Basra cho đến Auckland đều đã có những chương trình biểu diễn thời trang Hồi giáo. Saudi Arabia, nhà nước bảo thủ nhất trong thế giới Hồi giáo theo đánh giá của The Economist, cũng đã bắt đầu cho phép phụ nữ được sử dụng thêm các mảng màu mới trên trang phục vốn chỉ màu đen trước đây. Nhờ thế, ngành thiết kế thời trang đã nở rộ.
Tất nhiên, có những bất đồng quan điểm về việc phát triển của ngành công nghiệp thời trang trong chính thế giới Hồi giáo. Vì thế, các nhà thiết kế và sản xuất hiện vẫn rất thận trọng để dung hòa giữa nhu cầu làm đẹp, làm mới bản thân của khách hàng và giới luật của đạo Hồi.(Vnexpress)