Giá vàng tăng hơn 25% nửa đầu năm nhờ Brexit
TP. Hồ Chí Minh: Buôn lậu và gian lận thương mại tăng gần 70%
Trung Quốc đang thắng Mỹ trong 'chiến tranh kinh tế'
Brexit chưa phải là cơn bão thật sự
Tỉ phú George Soros: ‘Brexit châm ngòi khủng hoảng tài chính’
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 01-07-2016
- Cập nhật : 01/07/2016
Ngành thủy sản tăng trưởng âm trong nửa đầu năm
Thiên tai, ô nhiễm biển cộng với khó khăn về thị trường khiến ngành thủy sản đối mặt với khó khăn lớn nhất từ trước tới nay. Tại miền Trung, sản lượng khai thác sụt 70.000 tấn.
Ngày 29/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông (NN&PTNT) tổ chức hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2016. Bà Nguyễn Thị Hồng (Vụ trưởng vụ Kế hoạch, Bộ NN&PTNT) cho biết, GDP nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng qua giảm 0,18%. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước đạt hơn 397.000 tỷ đồng, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về lĩnh vực thủy sản, Bộ NN&PTNT cho rằng, nguyên nhân sản lượng khai thác, nuôi trồng sụt giảm là tác động bởi thời tiết,biển đổi khí hậu. Đặc biệt, tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, tình trạng ô nhiễm biển, ô nhiễm nguồn nước khiến cho thủy sản lâm vào tình cảnh khó khăn.
Ô nhiễm nước biển khiến cá chết hàng loạt bất thường tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế vào tháng 4, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân. Trong 6 tháng qua, sản lượng khai thác thủy sản ở 4 tỉnh miền Trung sụt giảm mạnh so với cùng kỳ.
Cụ thể, Hà Tĩnh giảm 16.000 tấn (6%), Quảng Bình giảm gần 24.000 tấn (8,7%), Quảng Trị giảm 16.000 tấn (14,3%), Thừa Thiên - Huế giảm hơn 13.000 tấn (giảm 30%).
Đối với nuôi trồng thủy sản, riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã có 81.000 ha nuôi tôm nước lợ bị ảnh hưởng. Người dân hạn chế thả giống nên sản xuất giống tôm nước lợ gặp khó khăn. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ thủy sản cũng gặp bất lợi do một số thị trường lớn giảm nhu cầu nhập khẩu. Một số nước đưa ra các yêu cầu kỹ thuật cao hơn trước đây, các cảnh báo về chất lượng đối với các lô hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận, 6 tháng đầu năm, ngành thủy sản gặp nhiều khó khăn nhất từ trước đến nay. Không chỉ hứng chịu thiên tai nặng nề, ô nhiễm mà thị trường cũng khó khăn nhất.
“Trong 6 tháng tới, ngành thủy sản vẫn còn dư địa phát triển, cần tập trung phát triển nguồn giống chất lượng, kiểm soát dư lượng kháng sinh để giữ vững thị trường xuất khẩu. Các cơ quan chức năng ở Bộ và địa phương cần đẩy mạnh hỗ trợ ngư dân trong khai thác, nuôi trồng thủy sản” - Thứ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu.(Zing)
Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tăng đột biến
Giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc 5 tháng đạt 94,9 triệu USD, tăng 72,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 5 tháng đầu năm tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 650,3 triệu USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, thị trường Mỹ, Trung Quốc, Brazil tăng khả quan. Đáng chú ý giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 94,9 triệu USD, tăng 72,7%; sang Brazil đạt 32,8 triệu USD, tăng 118,3% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường Mỹ vẫn dẫn đầu về nhập khẩu cá tra Việt Nam, đạt 152 triệu USD, chiếm 23,4% tổng xuất khẩu, tăng 12,9% so với cùng kỳ 2015. Tuy nhiên, thuế chống bán phá giá cao và chương trình thanh tra cá da trơn được xem là hai rào cản và áp lực lớn nhất của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ. Ngày 29/3/2016, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố quyết định cuối cùng đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 11 (POR11) cho giai đoạn từ 1/8/2013 đến 31/7/2014 đối với sản phẩm cá tra, basa nhập khẩu từ Việt Nam. Trong kết luận cuối cùng, DOC xác định mức thuế cuối cùng đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam. Theo đó, mức thuế mà hai bị đơn bắt buộc lần lượt là 0,41 USD một kg, và 0,97 USD một kg. 14 công ty là bị đơn tự nguyện trong đợt xem xét lần này chịu mức thuế 0,69 USD một kg. Thuế suất toàn quốc vẫn ở mức 2,39 USD một kg. Với mức thuế cao như hiện nay, chỉ có hai công ty là Vĩnh Hoàn và Biển Đông hưởng mức thuế 0% tham gia tích cực và ổn định xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ.
Còn tại châu Âu, tuy mức độ sụt giảm không quá mạnh nhưng 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang thị trường EU vẫn tiếp đà giảm liên tục qua các tháng. Tính đến hết tháng 5/2016, giá trị xuất khẩu sang EU đạt 109,3 triệu USD, giảm 8,1%. Trong đó, 4 thị trường giá trị xuất khẩu đơn lẻ lớn nhất là: Anh giảm 3,4%; Tây Ban Nha tăng 1,9%; Hà Lan giảm 20,8% và Đức tăng 1,8%.
Vải thiều mất mùa nhưng được giá
Ngày 29-6 các xã trồng vải thiều trên địa bàn huyện Lục Ngạn, Bắc Giang như Phượng Sơn, Hồng Giang, Nghĩa Hồ… đang thu hoạch rộ vải thiều giữa vụ.
Ghi nhận tại nhiều điểm cân ở thị trấn Chũ, thị trấn Kim và nhiều điểm trong các khu dân cư, giá vải thiều loại 1 là 24.000-30.000 đồng/kg, loại 2 từ 18.000-24.000 đồng/kg, loại 3 khoảng 11.000-18.000 đồng/kg.
Nhiều người dân phản ảnh mặc dù vải thiều sau khi hái từ trên cây xuống đã được làm sạch rồi mới mang ra các điểm cân, tuy nhiên họ vẫn bị tiểu thương trừ lùi 6-8kg/tạ.
Ông Vi Văn Mẩy, 51 tuổi, ở xã Hồng Giang cho biết sáng cùng ngày bố con ông chở hai chuyến ra một điểm cân trên thị trấn Chũ cân nhưng thương lái trừ 15kg/2 tạ.
Cũng như ông Mẩy, ông Hùng (47 tuổi, ở thị trấn Kim) bức xúc nói: “Công chăm sóc, phân bón rồi thuê hái nhưng khi ra đến điểm cân kiểu gì họ cũng tìm lý do trừ lùi mỗi tạ mất 7-8 cân”.
Theo UBND huyện Lục Ngạn, năm nay vải thiều mất mùa nhưng quả đẹp hơn năm 2015 và giá thu mua cũng cao hơn nhiều so với các năm trước.
Đến ngày 29-6 toàn huyện thu hoạch trên 43.000 tấn (chiếm 61% tổng sản lượng).
Thị trường trong nước chiếm khoảng 19.000 tấn gồm các tỉnh: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP.HCM, thị trường xuất khẩu gồm: Trung Quốc, Malaysia, Úc…
Nhà đầu tư tăng bán vàng
Theo một số chuyên gia trong nước phân tích, tín hiệu tích cực từ sự điều chỉnh tăng giá đã thu hút được số lượng lớn nhà đầu tư tham gia thị trường vàng, trong đó lượng khách tập trung chủ yếu vẫn ở xu hướng bán vàng ra.
Cụ thể, công ty VBĐQ SJC niêm yết giá vàng miếng ở mức 34,88 – 35,20 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 20 nghìn đồng/lượng so với phiên giao dịch cuối ngày hôm qua.
Trong khi đó tại Tập Đoàn DOJI giao dịch ở ngưỡng: 35,05 – 35,15 triệu đồng/lượng, giảm so với giá đóng cửa cuối ngày hôm qua 40 nghìn đồng/ lượng ở cả chiều mua và chiều bán.
Thị trường thế giới, giá vàng tăng lên cao hơn trong phiên giao dịch hôm qua khi đồng Đô la rớt giá và giới đầu tư tiếp tục hứng thú với các tài sản an toàn do bất ổn tài chính dài hạn sau khi Anh bỏ phiếu bất ngờ rời khỏi Liên minh châu Âu.
Vàng giao ngay chốt phiên Mỹ đêm qua ở 1.320 USD một ounce trong khi giá vàng Mỹ tăng 0,7% lên 1.326,9 USD.
Theo một số chuyên gia trong nước phân tích, tín hiệu tích cực từ sự điều chỉnh tăng giá đã thu hút được số lượng lớn nhà đầu tư tham gia thị trường vàng, trong đó lượng khách tập trung chủ yếu vẫn ở xu hướng bán vàng ra. Mặt khác, một số ít các nhà đầu tư chia nhỏ số lượng giao dịch mua vào từng phần để chờ cơ hội vàng tăng giá.
"Có thể thấy một thị trường vàng chịu tác động bởi các yếu tố kinh tế, chính trị luôn khiến nhà đầu tư chọn giải pháp tìm đến vàng là nơi trú ẩn an toàn, đặc biệt ở thời điểm năm 2016 những bất ổn đó lại đang được đẩy lên cao trào. Nhà đầu tư nên cập nhật sát các thông tin để có được cái nhìn tổng thể về thị trường, qua đó đưa ra được phương hướng giao dịch đạt hiệu quả tối ưu nhất", đại diện 1 doanh nghiệp vàng trong nước khuyến nghị.
Trên thị trường châu Á, giá vàng giao ngay hiện đang được giao dịch ở ngưỡng 1316,3 USD/oz, tăng 4,8 USD, tương đương 0,37% so với chốt phiên trước. Hiện giá vàng trong nước đang rẻ hơn vàng thế giới 560 nghìn đồng/lượng.
Hàn Quốc đầu tư 400 triệu USD làm dự án điện sinh khối tại Quảng Bình
Dự án có công suất 100MW, nguồn nhiên liệu chạy máy lấy từ phế phẩm gỗ rừng trồng.
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình cho biết, Tập đoàn Dohwa (Hàn Quốc) sẽ khảo sát để lựa chọn địa điểm đầu tư dự án điện sinh khối trên địa bàn tỉnh trong năm nay và tiến hành các thủ tục đầu tư trong năm 2017.
Dự kiến, nhà máy điện sinh khối sẽ được xây dựng trong hai năm 2018 và 2019 và hòa lưới điện quốc gia vào tháng 1/2020.
Cũng theo UBND tỉnh Quảng Bình, đây là dự án nhiệt điện sạch, không gây ô nhiễm môi trường và thuộc nhóm dự án ưu đãi đầu tư của tỉnh.
Được biết, dự án này có công suất 100MW, chia làm hai giai đoạn, mỗi giai đoạn có công suất 50MW, tổng mức đầu tư khoảng 400 triệu USD. Dự án nhiệt điện sinh khối là nguồn năng lượng sạch, nguồn nhiên liệu chạy máy lấy từ phế phẩm gỗ rừng trồng (gỗ dăm, cành, ngọn, rễ, lá cây...), mỗi năm tiêu thụ khoảng 500 ngàn tấn nguyên liệu.
Đầu năm nay, tỉnh Quảng Bình cũng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà máy sản xuất viên nén năng lượng do tập đoàn Dohwa làm chủ đầu tư tại Khu Công nghiệp Hòn La.
Dự án sẽ tiêu thụ 300.000m3 gỗ rừng trồng để sản xuất viên nén năng lượng xuất khẩu, vốn đầu tư 240 tỷ đồng, thu hút khoảng 200 lao động tại địa phương. Dự kiến, trong quý III/2016, dự này sẽ khởi công và đến cuối năm 2017 bắt đầu đi vào sản xuất.