Anh không thể đàm phán thương mại với EU nếu chưa rời khối
S&P hạ điểm tín dụng của EU sau Brexit
Marc Faber: Tất cả tiền giấy sẽ vô giá trị
Doanh nghiệp Việt lỗ nghìn tỷ vì đồng yên tăng giá kỷ lục
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 02-07-2016
- Cập nhật : 02/07/2016
Hãng chocolate hàng đầu thế giới từ chối M&A 23 tỷ USD
Hershey đã khước từ đề nghị sáp nhập từ hãng bánh kẹo nổi tiếng - Mondelez.
Nếu Hershey gật đầu, chocolate của hãng sẽ về một nhà với bánh Oreo và chocolate Cadbury của Mondelez. Mảng kinh doanh rất mạnh tại Mỹ của Hershey cũng sẽ được nhập vào hệ thống phân phối toàn cầu của Mondelez.
Cổ đông kiểm soát Hershey - Hershey Trust là quỹ từ thiện 12 tỷ USD, được thành lập bởi gia đình sáng lập công ty này năm 1894. Hershey cho biết trong thông báo: "Hội đồng quản trị công ty thống nhất từ chối lời mời này và quyết định không có thêm các cuộc đàm phán với Mondelez".
Reuters trích lời một nguồn tin cho biết Mondelez đã tìm cách thuyết phục Hershey rằng họ sẽ giữ nguyên thương hiệu và số việc làm của công ty này. Mondelez cũng nhận định thương vụ có ít rủi ro về độc quyền, do thị trường hai bên ít chồng lấn.
Mondelez hiện là hãng bánh kẹo lớn nhì thế giới. Trong khi đó, Hershey đứng thứ 5.
Nếu sáp nhập, họ sẽ vượt qua Mars để đứng thứ nhất, với 18% thị phần toàn cầu, theo hãng nghiên cứu Euromonitor International. Mars hiện có 13,3% thị phần.
Có nguồn tin cho rằng Mondelez sẽ quay lại với lời chào mua lớn hơn. Tuy nhiên, David Palmer - nhà phân tích tại RBC Capital Markets cho rằng thương vụ này sẽ không thể thành công. Do nhiệm vụ của Hershey Trust là duy trì quyền kiểm soát công ty.
Masan nắm 100% vốn Anco, tăng sở hữu Vissan lên gần 30%
Masan Nutri-Science đã chi trả giá bình quân 106.000 đồng/cổ phần để mua 24,9% vốn VISSAN.
CTCP Masan Nutri-Science (MNS), một thành viên của CTCP Tập đoàn Masan (mã MSN) công bố đã mua thêm 30% cổ phần CTCP Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco). Không công bố giá trị giao dịch nhưng MNS cho biết giao dịch này đã giúp Công ty tăng sở hữu tại Anco lên 100%.
Đồng thời, MNS cũng nâng tỷ lệ sở hữu gián tiếp trong Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản (VISSAN) từ 14% lên 24,9%. Công ty đã chi trả giá bình quân 106.000 đồng/cổ phần để mua 24,9% vốn VISSAN.
Trong đợt đấu giá cổ phần VISSAN hồi tháng 3, Anco đã trở thành nhà đầu tư chiến lược của VISSAN khi chi 1.427 tỷ đồng để sở hữu 14% cổ phần.
MNS có hai công ty hoạt động trực tiếp là Proconco và Anco, đang sở hữu 11 nhà máy trên cả nước. Riêng Anco được thành lập năm 2003, vốn là liên doanh giữa Việt Nam và Malaysia.
Masan bắt đầu công bố nắm giữ 52% cổ phần Proconco và 70% cổ phần Anco từ cuối tháng 4/2015 bằng việc mua 99,99% cổ phần của Công ty TNHH Sam Kim. Tập đoàn sau đó đã đổi tên Công ty Sam Kim thành Công ty TNHH Masan Nutri-Science.
Được biết, MNS đang nhắm đến mục tiêu triển khai mô hình kinh doanh trực tiếp vận hành và tích hợp toàn bộ chuỗi giá trị đạm động vật từ thức ăn gia súc, chăn nuôi, giết mổ đến chế biến các sản phẩm thịt.
Khách sạn Duxton Saigon được chuyển nhượng với giá 49 triệu USD
Khách sạn Duxton Saigon được nhà đầu tư Singapore Low Keng Huat chuyển nhượng lại với giá trị giao dịch 49 triệu USD.
Công ty tư vấn bất động sản Savills cho biết, Duxton Saigon, một khách sạn 4 sao tọa lạc tại khu phố đi bộ Nguyễn Huệ (TPHCM) vừa được nhà đầu tư Low Keng Huat chuyển nhượng lại với giá trị giao dịch 49 triệu USD.
Khách sạn được trang bị 191 phòng ở hạng sang, 16 phòng họp và nhiều tiện nghi khác.
Mới đây, tập đoàn Kumho Asiana (Hàn Quốc) đã chuyển nhượng lại Tổ hợp văn phòng – khách sạn – căn hộ dịch vụ Kumho Asiana Plaza (TPHCM) cho Mapletree, một nhà đầu tư Singapore, với giá 215 triệu USD.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Quê Hương Liberty chuyển nhượng Dự án Novotel Saigon Centre cho Công ty cổ phần đầu tư Sài Gòn Green View (SGGV Investment) với mức giá 46,7 triệu USD.
Tập đoàn BRG mới đây cũng mua lại khách sạn Sedona Suites Hanoi (Hồ Tây) với giá 31,5 triệu USD từ Keppel Land Việt Nam.
Theo nhận định của Savills, thị trường khách sạn Việt Nam tăng trưởng đáng kinh ngạc khi lượng khách du lịch tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, nhiều khách sạn quốc tế gia nhập thị trường, các chuyến bay trực tiếp gia tăng nhanh chóng, kèm theo chính sách cởi mở về thị thực nhập cảnh và mức đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng đã góp phần làm nên tăng trưởng ngành du lịch.
PNJ lãi trước thuế trên 300 tỷ đồng, hoàn thành 66% kế hoạch năm
Hiện tại, PNJ đang sở hữu hơn 200 cửa hàng tại hơn 45 tỉnh thành trên cả nước.
Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (mã PNJ) đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2016.
Sau 6 tháng, PNJ đạt tổng doanh thu 4.046 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu trang sức tăng 15%.
Lợi nhuận gộp đạt 699,6 tỷ đồng, tăng 30%. Lợi nhuận trước thuế PNJ đạt 304,5 tỷ đồng, tăng 116% so với cùng kỳ và hoàn thành 66% kế hoạch năm.
PNJ đã mở thêm 13 cửa hàng, chi nhánh mới trong 6 tháng qua. Tính đến cuối tháng 6/2016, PNJ có 204 cửa hàng tại hơn 45 tỉnh thành trên cả nước.
Quỹ ngoại rót tiền vào thủy điện Việt Nam
Tập đoàn TTC đã ký kết hợp đồng hợp tác chiến lược với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Quỹ năng lượng sạch Armstrong (Singapore).
Ngày 30-6 tại TP.HCM, Công ty CP đầu tư Thành Thành Công và Công ty CP Điện Gia Lai (GEC), thuộc Tập đoàn TTC đã ký kết hợp đồng hợp tác chiến lược với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Quỹ năng lượng sạch Armstrong (Singapore).
Theo đó, IFC và Armstrong sẽ lần lượt nắm giữ 16% và 20% vốn chủ sở hữu của GEC, đơn vị hiện đang dẫn đầu về quy mô thủy điện vừa và nhỏ tại khu vực miền Trung - Tây nguyên với 15 nhà máy, tổng công suất đạt 84 MW.
Ông Lê An Khang, tổng giám đốc GEC, cho biết với sự tham gia và hỗ trợ của IFC và Armstrong, GEC không những có điều kiện mở rộng lĩnh vực chủ lực (thủy điện) mà còn trở thành một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc phát triển năng lượng sạch, thay thế nguồn điện năng từ nhiên liệu hóa thạch tại VN.
Theo ông Andrew Affleck - chủ tịch điều hành của Armstrong, việc hợp tác chiến lược này không chỉ giúp GEC đáp ứng đủ mức tăng 10% nhu cầu sử dụng điện hằng năm tại VN mà còn đa dạng hóa các nguồn năng lượng, đồng thời giảm lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch phải nhập khẩu.
“Với tỉ lệ đầu tư của khối ngoại trong lĩnh vực năng lượng còn tương đối khiêm tốn, đầu tư của IFC là một bước tiến quan trọng thúc đẩy cộng đồng đầu tư quốc tế tham gia ngành năng lượng xanh đầy tiềm năng của VN” - ông Hyun Chan Cho, đại diện của IFC, cho biết.