tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 30-06-2016

  • Cập nhật : 30/06/2016

Khó đạt được TTIP trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Obama

tong thong my barack obama. (nguon: afp/ttxvn)

Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo báo Đức Tấm gương (Spiegel) ngày 28/6, Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) sẽ khó đạt được trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Barack Obama và thậm chí triển vọng của hiệp định này còn mờ mịt hơn nữa. Đây là nhận định của ông Bernd Lange, trưởng đoàn đàm phán TTIP thuộc Nghị viện châu Âu (EP).

Các cuộc đàm phán về một hiệp định TTIP gây tranh cãi giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã bế tắc trong nhiều tuần qua do những bất đồng gay gắt giữa hai bên.

Theo báo Đức, khả năng kết thúc thành công đàm phán hiệp định trước khi Tổng thống Obama mãn nhiệm là "rất khó" khi giờ đây EP cũng lên tiếng hoài nghi về thỏa thuận này. 

Ông Bernd Lange nói: "Tôi thực sự không nhận thấy còn có cơ đạt được sự đồng thuận về TTIP trong nhiệm kỳ Chính phủ Mỹ hiện nay. Người Mỹ hầu như không có động tĩnh gì. Phải nói thực rằng mọi việc không thể tiến triển." 

Dự kiến, trong vòng đàm phán tiếp theo từ ngày 11-15/7 tới, hai bên cũng chỉ bàn tới các vấn đề kỹ thuật. 

Ông nêu rõ nếu Mỹ tiếp tục không có động thái gì, các cuộc đàm phán sẽ bị đổ vỡ và đàm phán mới sẽ chỉ được nối lại với Chính phủ Mỹ tiếp theo sau khi Wasington xét tới những đòi hỏi của người dân châu Âu.

Ông Lange cũng cho biết tới nay, hai bên mới đạt được thống nhất về vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như vấn đề thuế quan. 

Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa nhất trí về các lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp hay ngành công nghiệp ôtô. 

Ngoài ra, việc bảo vệ sở hữu trí tuệ hay quyền của người lao động vẫn không được Mỹ thúc đẩy trong đàm phán. 

Ông Lange cho rằng danh sách các vấn đề còn bỏ ngỏ "vẫn rất dài và không có hồi kết."

Ủy viên thương mại EU Cecilia Malmström đang làm việc ở Washington cũng bày tỏ không mấy lạc quan về việc đạt được sự đồng thuận với chính quyền Obama trong các vần đề còn gây tranh cãi giữa hai bên và triển vọng sáng sủa nhất vẫn chỉ là 50/50. 

Bên cạnh phía đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trong EP, nhiều chuyên gia thuộc đảng Xanh và đảng Cánh tả cũng cho rằng TTIP đã "chết" về mặt chính trị và khó có thể đạt được.(TTXVN)


Trung Quốc dọa kiện Mỹ lên WTO vì thuế nhập khẩu thép

Trung Quốc có thể kiện lên WTO để bảo vệ ngành công nghiệp sản xuất thép của nước này, sau khi Mỹ cho rằng một số sản phẩm thép nhập khẩu gây tổn hại các nhà sản xuất thép của Mỹ.

Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 28/6 cho biết Trung Quốc có thể kiện lên Tổ chức thương mại thế giới (WTO) để bảo vệ ngành công nghiệp sản xuất thép của nước này, sau khi Mỹ cho rằng một số sản phẩm thép nhập khẩu gây tổn hại các nhà sản xuất thép của Mỹ.

Bộ Thương mại Trung Quốc đưa ra tuyên bố trên sau khi Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ ngày 24/6 khẳng định sản phẩm thép chống ăn mòn nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Italy và Hàn Quốc gây tổn hại ngành sản xuất trong nước. Đây là bước đi cuối cùng của Mỹ trước khi áp đặt thuế chống bán phá giá và chống trợ giá.

Phòng Thương mại Mỹ đã áp thuế tới 450% đối với các sản phẩm thép của Trung Quốc, và mức thuế từ 3% lên tới 92% đối với các sản phẩm thép chống ăn mòn nhập khẩu từ Italy, Ấn Độ, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).

Theo Bộ trên, việc áp thuế chống bán phá giá và chống trợ giá của Mỹ có thể khiến sản phẩm thép của Trung Quốc bị đánh bật khỏi thị trường Mỹ, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động xuất khẩu thép của nước này.

Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định các biện pháp trên của Mỹ vi phạm các quy định của WTO và Trung Quốc đang cân nhắc các biện pháp, trong đó có việc kiện lên WTO để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước cũng như lợi ích xuất khẩu của mình.

Các nhà sản xuất thép ở Trung Quốc, nước sản xuất và tiêu dùng kim loại lớn nhất thế giới, đã tăng sản lượng và thúc đẩy xuất khẩu mặc dù chính phủ nước này đang nỗ lực cắt giảm công suất hoạt động của ngành này. Đây là nguyên nhân làm leo thang căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và các nước sản xuất thép khác như Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ.(BNews)


6 tháng đầu năm, rau quả Việt Nam xuất khẩu được hơn 1 tỷ USD

 

Xuất khẩu rau quả trong 6 tháng đầu năm ước đạt 1,17 tỉ đô la Mỹ, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2015, chủ yếu nhờ tăng cầu từ thị trường Trung Quốc.

Theo số liệu của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu rau quả trong 6 tháng đầu năm ước đạt 1,17 tỉ đô la Mỹ.

Tính theo quốc gia, 5 tháng đầu năm, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ rau quả Việt Nam lớn nhất với giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt 692 triệu USD, tăng gần 80% so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm tới 70% tổng lượng rau quả xuất khẩu.

Đứng thứ 2 là thị trường Hoa Kỳ với gần 37 triệu USD, tăng gần 63% so với cùng kỳ năm 2015 nhưng chỉ chiếm khoảng 3,74% tổng lượng xuất khẩu, đứng thứ hai sau thị trường Trung Quốc.

Hàn Quốc là thị trường tiêu thụ thứ ba với 35,4 triệu USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ.

Hà Lan đứng thứ 5 về kim ngạch xuất khẩu, đạt gần 23 triệu USD.

Riêng Nhật Bản đã giảm nhẹ về kim ngạch ở mức gần 7% so với cùng kỳ năm 2015.


Phân bón Trung Quốc chiếm gần 45% thị phần nhập khẩu

Theo Bộ NNPTNT, ước tính khối lượng nhập khẩu phân bón các loại trong tháng 6 năm 2016 đạt 328 nghìn tấn, giá trị 86 triệu USD, đưa khối lượng phân bón nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2016 đạt 1,88 triệu tấn với giá trị đạt 531 triệu USD, giảm 9,3% về khối lượng và giảm 20,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Trong nửa đầu năm 2016, khối lượng nhập khẩu phân đạm URE ước đạt 246 nghìn tấn với giá trị đạt 60 triệu USD, tăng gấp hơn 2,5 lần về khối lượng và tăng hơn 2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Mặc dù phân SA (cung cấp trực tiếp cho cây trồng chất đạm và lưu huỳnh) nhập khẩu so với cùng kỳ năm 2015 giảm 6,8% về khối lượng và giảm 18,3% về giá trị (486 nghìn tấn, giá trị nhập khẩu đạt 60 triệu USD), so với năm 2015, nhưng vẫn chiếm tỉ trọng lớn trên thị trường.

Nguồn nhập khẩu phân bón chủ yếu vẫn đến từ Trung Quốc với 44,8% tổng khối lượng nhập khẩu mặt hàng này, dù 5 tháng đầu năm 2016, nhập khẩu phân bón từ thị trường Trung Quốc đã giảm 6,9% về khối lượng và giảm 11,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Các thị trường có giá trị tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2015 là Malaixia (tăng 17,32 lần về khối lượng và tăng 8,46 lần về giá trị), Indonesia (tăng 5,2 lần về khối lượng và tăng 4,45 lần về giá trị), Israen (tăng 3,2 lần về khối lượng và tăng 2,58 lần về giá trị). Ngoài 3 thị trường trên thì các thị trường còn lại đều giảm cả về khối lượng và giá trị. Trong đó, thị trường có giá trị giảm mạnh nhất là Nga và Belarut, cả 2 thị trường trên đều có mức giảm trên 30% về khối lượng và trên 40% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.(LĐ)


Sắp có quyết định chính thức áp thuế tự vệ đối với thép dài và phôi thép

Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương vừa trình Bộ trưởng Bộ Công Thương báo cáo điều tra sơ bộ của Cục về việc áp dụng biện pháp tự về tạm thời đối với sản phẩm thép dài, phôi thép.

Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Cục này sẽ gửi dự thảo bản báo cáo cuối cùng đến tất cả các bên liên quan đóng góp ý kiến trước khi ban hành Quyết định chính thức của vụ việc.

Cụ thể diễn biến vụ việc như sau:

Ngày 25/12/ 2015, Bộ Công Thương ban hành đã ban hành Quyết định số 14296/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép và thép dài có các mã HS như sau: 7207.11.00; 7207.19.00; 7207.20.29; 7207.20.99; 7224.90.00; 7213.10.00; 7213.91.20; 7214.20.31; 7214.20.41;7227.90.00; 7228.30.10; 9811.00.00.

Ngày 7/3/2016, trên cơ sở Báo cáo điều tra sơ bộ của Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 862/QLCT-P2 về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời, với mức thuế lần lượt là 23,3% và 14,2% cho phôi thép và thép dài.

Biện pháp này được áp dụng tối đa là 200 ngày kể từ ngày có hiệu lực.

Căn cứ Điều 18 Pháp lệnh về Tự vệ, Cơ quan điều tra kết thúc điều tra trong vòng 6 tháng kể từ ngày khởi xướng điều tra.

Ngày 24 tháng 6 năm 2016, Cục Quản lý cạnh tranh đã trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét Báo cáo cuối cùng.

Sau khi có ý kiến chỉ đạo từ Bộ trưởng Bộ Công Thương, Cục QLCT sẽ gửi dự thảo Báo cáo cuối cùng cho các bên liên quan trước khi ra Quyết định áp thuế chính thức đối với hai sản phẩm phôi thép và thép dài.

Đây là quyết định được doanh nghiệp sản xuất thép mong chờ từ lâu để tăng tính cạnh tranh với sản phẩm thép nhập khẩu, đặc biệt là thép nhập khẩu chính thức.(NDH)


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục

  • Tin kinh tế đọc nhanh 02-07-20161

    Tin kinh tế đọc nhanh 02-07-2016

    Fed sẽ đảo ngược lộ trình và giảm lãi suất?
    Sản xuất Trung Quốc tiếp tục thu hẹp, chỉ số PMI thấp nhất 4 tháng
    Thượng Hải không còn là sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất Trung Quốc
    Phớt lờ Brexit, thị trường hàng hoá vẫn tăng mạnh nhất kể từ năm 2010
    Sản lượng dầu OPEC lập kỷ lục mới

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 01-07-20162

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 01-07-2016

    Ngành thủy sản Mỹ, Canada chịu ảnh hưởng lớn từ Brexit
    Nga cấm nhập lương thực-thực phẩm của các nước EU tới cuối 2017
    Doanh số bán lẻ tháng 5 của Nhật Bản giảm hơn dự kiến ​​
    Trung Quốc nhằm mục tiêu sẽ cắt giảm công suất thép 45 triệu tấn vào năm 2016
    Xuất khẩu dầu mỏ của Iran trong tháng 7 giảm nhưng cao hơn năm trước 70%

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều  01-07-20163

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 01-07-2016

    Ngành thủy sản tăng trưởng âm trong nửa đầu năm
    Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tăng đột biến
    Vải thiều mất mùa nhưng được giá
    Nhà đầu tư tăng bán vàng
    Hàn Quốc đầu tư 400 triệu USD làm dự án điện sinh khối tại Quảng Bình

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 01-07-20164

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 01-07-2016

    Standard & Poor's và Fitch đồng loạt hạ mức tín nhiệm của Anh
    Dự báo niềm tin sản xuất tháng 7 của Hàn Quốc không đổi
    Tăng trưởng kinh tế Tây Ban Nha giảm nhẹ trong quý II
    Đói nguyên liệu, nhiều nhà máy giảm 50% công suất
    Ngành dệt may phải cấu trúc lại sản xuất

  • Tin kinh tế đọc nhanh sáng 01-07-20165

    Tin kinh tế đọc nhanh sáng 01-07-2016

    ECB kêu gọi các ngân hàng toàn cầu hợp tác sau sự kiện Brexit
    Tinh thần người tiêu dùng Đức tiếp tục sáng sủa hơn vào đầu tháng 7
    Tháng 6: Lượng khách du lịch đến Việt Nam tăng 29,8% so với cùng kỳ
    Bội chi ngân sách 6 tháng ước khoảng 83 ngàn tỷ đồng
    Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng tăng 7,5%

  • Tin kinh tế đọc nhanh 01-07-20166

    Tin kinh tế đọc nhanh 01-07-2016

    11.700 tỷ USD trái phiếu lãi suất âm đang được lưu hành
    Xử phạt 32 doanh nghiệp dược, mỹ phẩm vì nhiều sai phạm
    IMF sẽ hạ dự báo tăng trưởng đối với nền kinh tế Đức sau Brexit
    Ngân hàng trung ương Anh rót 4,1 tỷ USD để trấn an thị trường
    Thâm hụt ngân sách của Nga tương đương 4,3% GDP nửa đầu 2016

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 30-06-20167

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 30-06-2016

    Đại gia Thái Lan hoãn xây siêu dự án lọc dầu 20 tỷ USD tại Việt Nam
    Vì sao doanh nghiệp Việt khó chen chân làm ốc vít, sạc pin cho Samsung
    Xuất khẩu dệt may có thể đạt 50 tỷ USD vào 2025
    Ngân sách phải trả 68.000 tỷ đồng nợ quốc gia
    Brexit không ảnh hưởng việc đầu tư tại cộng hòa Síp

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 30-06-20168

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 30-06-2016

    EU bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý cho Việt Nam
    Mỹ áp thuế hơn 500% lên thép Trung Quốc
    Giá cà phê trong nước chạm “đỉnh”
    Toyota thu hồi 3,37 triệu xe
    IKEA thu hồi 29 triệu tủ gỗ có nguy cơ lật nhào

  • Tin kinh tế đọc nhanh sáng 30-06-20169

    Tin kinh tế đọc nhanh sáng 30-06-2016

    Đánh giá lại nhu cầu thị trường BĐS ở Hà Nội, TPHCM
    Phát triển vật liệu kính tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam
    Kinh tế Mỹ: Chưa kịp mừng... đã lo
    Anh có thể phải tăng thuế, cắt giảm chi tiêu để đối phó Brexit
    CASS: Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,6% trong năm nay

  • Tin kinh tế đọc nhanh 30-06-201610

    Tin kinh tế đọc nhanh 30-06-2016

    Tăng trưởng xuất khẩu khó đạt mục tiêu 10%
    Doanh nghiệp VN không thể làm được nếu không có FDI hỗ trợ
    PVN đã xuất bán gần 8,7 triệu tấn dầu thô và condensate
    Việt Nam sắp có nhà máy mạch nha đầu tiên của Đông Nam Á
    Doanh nghiệp Việt cung cấp nội thất cho khách sạn 6 sao Thái Lan