Tiêu thụ mì ăn liền ở Việt Nam giảm mạnh
Xuất khẩu cà phê toàn cầu giảm đáng kể
Ông Medvedev: Nga có thể tự cung tự cấp để nuôi sống bản thân
Xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc đạt 42 triệu USD
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 02-07-2016
- Cập nhật : 02/07/2016
Gần 90 container lốp xe tồn đọng tại cảng Cát Lái
Theo Tổng công ty Tân Sài Gòn, hiện tại cảng Cát Lái và cảng Hiệp Phước TP.HCM đang tồn đọng trên 200 container hàng hóa nhập khẩu không có người nhận, trong đó có gần 90 container lốp xe đã qua sử dụng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các container hàng tồn đọng nêu trên đều đã nhập khẩu về cảng Cát Lái và cảng Hiệp Phước đã quá hạn 90 ngày chưa làm thủ tục hải quan. Trong đó, ngoài gần 90 container lốp xe đã qua sử dụng còn có gần 60 container nhựa phế liệu; 10 container lúa mì; 10 container bột…
Đáng chú ý, số container lốp xe nêu trên được nhập về cảng Cảng Cát Lái từ đầu năm 2015, nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn chưa đến làm thủ tục hải quan.
Theo Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, toàn bộ số container hàng tồn đọng nêu trên, đơn vị sẽ phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 tổng hợp, thông báo công khai. Quá thời hạn 60 ngày (15 ngày đối với hàng hóa dễ hư hỏng, hàng độc hại…) kể từ ngày thông báo lần đầu, tổ chức, cá nhân không đến làm thủ tục hải quan, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 sẽ thực hiện xử lý các lô hàng này theo quy định tại Thông tư 203/2014/TT-BTC đối với hàng tồn đọng./(HQ)
Tăng kịch trần thuế nhập khẩu một số máy móc cơ khí?
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đang lên phương án điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng máy móc cơ khí hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị trong nước sản xuất được nhằm thúc đẩy ngành cơ khí phát triển để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong các dự án đầu tư.
Theo Bộ Tài chính, qua rà soát 1.269 dòng thuế là các mặt hàng mặt hàng máy móc, thiết bị cơ khí nhận thấy, có 158 dòng hàng là linh kiện, phụ tùng thuộc danh mục các mặt hàng trong nước đã sản xuất được, trong đó 104 dòng hàng đã có mức thuế suất MFN bằng mức cam kết WTO; 54 dòng hàng có mức thuế suất thấp hơn mức cam kết WTO thuộc đối tượng xem xét điều chỉnh tăng thuế suất lên bằng WTO.
Sau khi rà soát các mặt hàng này theo nguyên tắc đảm bảo phù hợp khung thuế suất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được, Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu của 4 mặt hàng máy móc cơ khí.
Cụ thể, thuế nhập khẩu mặt hàng máy sản xuất bia (mã 8438.40.00) dự kiến tăng từ 3% lên 5%; máy để sản xuất giấy hoặc bìa (mã 8439.20.00) tăng từ 2% lên 5%; bộ phận của máy giặt (mã 8450.90.10) tăng từ 3% lên 5%; máy xát vỏ cà phê (mã 8438.80.11) tăng từ 3% lên 5%.
Trong phương án điều chỉnh, có 3 mặt hàng được tăng kịch trần cam kết WTO cũng như khung thuế suất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Riêng mặt hàng bộ phận của máy giặt không tăng kịch trần để đảm bảo nguyên tắc thuế suất bộ phận không cao hơn thuế suất của sản phẩm nguyên chiếc.
Bộ Tài chính tính toán, sau khi điều chỉnh thuế, số thu vào ngân sách Nhà nước về thuế nhập khẩu tăng khoảng 24 tỷ đồng nếu kim ngạch nhập khẩu tương đương năm 2015.
Gần 70 dự án mời gọi đầu tư tại TP.HCM và ĐBSCL
Ngày 1-7, dưới sự chủ trì của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và UBND TP.HCM, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) – TP.HCM.
Tại Hội nghị, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và TP.HCM đã giới thiệu 69 dự án trọng điểm mời gọi đầu tư. Hầu hết địa phương tập trung nhiều vào các dự án hạ tầng giao thông, cảng như dự án tuyến metro số 2 và tuyến monorail số 2 của TP.HCM, dự án cảng biển tổng hợp Hòn Khoai của Cà Mau...
Các địa phương mong muốn nhận được nhiều dự án đầu tư vào chế biến nông – thủy sản, phát triển các khu thương mại – dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng khách sạn cao cấp, khu du lịch – giải trí. Các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang còn tập trung mời gọi đầu tư vào các dự án phát triển kinh tế biển. Hai tỉnh An Giang, Long An tiếp tục mời gọi đầu tư vào các khu thương mại – dịch vụ, khu kinh tế cửa khẩu. Quan tâm đến việc tiêu thụ nông sản, tỉnh Hậu Giang mời gọi đầu tư vào chợ nông sản chất lượng cao quy mô đến 100 ha và tỉnh Vĩnh Long mời gọi đầu tư vào Trung tâm giao dịch hàng nông sản Bình Minh trên diện tích 1,1ha.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư, hiện ĐBSCL thu hút được 1.205 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký khoảng 18 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của ĐBSCL đạt 8,7 tỷ USD (tăng 3,2% so cùng kỳ), trong đó xuất khẩu đạt 5,9 tỷ USD (tăng 4,5% so cùng kỳ).
Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường xuất khẩu nông thủy sản của ĐBSCL có nhiều bước tiến, ngoài việc duy trì thị phần tại các thị trường truyền thống, còn mở rộng được các thị trường tiềm năng khác. Đặc biệt, trái cây đã xuất khẩu vào nhiều thị trường quốc tế. Vừa qua, Việt Nam đã ký kết và kết thúc đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng, kỳ vọng sẽ giúp cho ĐBSCL mở rộng thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, dự báo xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản trong thời gian tới sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do các rào cản thương mại, các vụ kiện chống phá giá, chống trợ cấp diễn biến phức tạp. Trong khi đó, việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng tăng các sản phẩm chế biến sâu, chất lượng cao phục vụ xuất khẩu vẫn chưa phát huy hiệu quả rõ rệt.
Về du lịch, ĐBSCL có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển du lịch sinh thái. Thêm vào đó, ĐBSCL là nơi gìn giữ các nền văn hóa của người Kinh, Khmer, Hoa, Chăm, nhiều lễ hội, ẩm thực độc đáo, đặc biệt loại hình đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Những đặc điểm này đã tạo nên sức hấp dẫn thu hút khách du lịch đến với ĐBSCL thời gian qua. Cụ thể, lượng khách đến ĐBSCL tăng bình quân 11%/năm trong 10 năm qua. Riêng năm 2015, cả vùng đón trên 1,8 triệu lượt khách quốc tế và trên 18 triệu lượt khách nội địa.
Dù có nhiều tiềm năng, song theo đánh giá của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch của ĐBSCL vẫn còn những hạn chế nhất định, thiếu liên kết. Vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ĐBSCL còn thấp. Thương mại giữa ĐBSCL với TP.HCM ngày càng được mở rộng, nhưng nhìn chung vẫn còn khiêm tốn, du lịch chưa kết nối được nhiều tour, tuyền từ TP.HCM đến ĐBSCL.
Hiện tại ĐBSCL vẫn còn những diện tích lớn chưa khai thác phủ kín ở Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, Nam sông Hậu và vùng đất mũi Cà Mau. Do đó, tiềm năng đầu tư nông, ngư nghiệp và các dịch vụ hỗ trợ vào các vùng nguyên liệu ở ĐBSCL vẫn còn rất lớn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp khai thác.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, chương trình Hợp tác Kinh tế toàn diện giữa ĐBSCL và TP.HCM là hoạt động liên kết kinh tế mở nhằm tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp tại vùng kinh tế nông nghiệp lớn nhất Việt Nam. Những năm qua, nhiều giải pháp đã được các địa phương triển khai đặc biệt trong sản xuất lương thực, chế biến nông thủy sản, hoa quả …, đã và đang góp phần quan trọng mang lại hiệu quả kinh tế khả quan cho các địa phương trong khu vực. Vì vậy, việc liên kết giữa TP.HCM và vùng ĐBSCL, khu vực đóng góp 18,5% GDP cả nước, là định hướng đúng đắn và lâu dài.
Ông Nguyễn Thành Phong cũng khẳng định chính quyền thành phố cam kết sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, kinh doanh. Bên cạnh đó, chính quyền cũng cam kết tiếp tục cùng với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, các bộ, ngành Trung ương nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.(HQ)
Thái Lan tiếp tục đấu giá 1,1 triệu tấn gạo dự trữ với giá cao
Ủy ban quản lý chính sách lúa gạo Thái Lan mới đây cho biết trong lần đấu giá sắp tới vào đầu tháng Bảy tới, chính phủ nước này ước tính có thể bán được 1,11 triệu tấn gạo dự trữ cho 29 nhà thầu với giá cao, dự kiến thu về 11,54 tỷ bạt (gần 328 triệu USD).
Bộ Thương mại Thái Lan nhận định nhu cầu gạo đang tăng lên do hạn hán ở nhiều nước, do đó chính phủ nước này có thể bán được giá tốt từ các cuộc đấu thầu tới đây.
Chính phủ Thái Lan đã bán được 6,59 triệu tấn gạo từ kho dự trữ, thu về 69 tỷ bạt trong 2 năm qua và có kế hoạch thúc đẩy bán nhiều nhất có thể trong năm nay.
Bộ Thương mại Thái Lan cho biết nước này sẽ tiếp tục giải phóng lượng gạo tồn kho bằng nhiều cách, kể cả việc mở đấu thầu cho khu vực tư nhân và các nhà nhập khẩu nước ngoài.
Thái Lan cũng sẽ tiếp tục bán gạo theo các hợp đồng liên chính phủ tới nhiều khách hàng tiềm năng như Singapore, Nam Phi, Mozambique, Oman….
Gần đây Indonesia và Philippines đã bày tỏ ý định mua khoảng hơn 1 triệu tấn gạo của Thái Lan
Lãi suất huy động có thể tăng trong 6 tháng cuối năm 2016
Ủy ban giám sát tài chính quốc gia (NFSC) vừa có báo cáo tình hình kinh tế sáu tháng đầu năm 2016 và dự báo sáu tháng cuối năm 2016.
NFSC nhận định lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng tại một số NHTM nhỏ, đặc biệt là lãi suất huy động trung và dài hạn. Bởi từ ngày 14-6 tại một số NHTM nhỏ, lãi suất huy động kỳ hạn dài tăng đến 0,7 % so với cuối năm 2015. Nguyên nhân lãi suất huy động tăng chủ yếu do các NHTM đẩy mạnh huy động vốn trung và dài hạn nhằm cân đối nguồn vốn.
Ngoài ra, tăng trưởng GDP sáu tháng đầu năm 2016 tiếp tục tăng thấp hơn so với cùng kỳ 2015, ở mức 5,52%. Nguyên nhân GDP tăng thấp chủ yếu do sự suy giảm tăng trưởng của khu vực nông nghiệp và khai khoáng.
Cụ thể, sáu tháng qua, nông nghiệp tăng trưởng -0,18% và khai khoáng tăng trưởng -2,2%. Nông nghiệp suy giảm tăng trưởng do xâm nhập mặn, hạn hán, thiên tai. Trong khi khai khoáng suy giảm tăng trưởng chủ yếu do sản lượng khai thác dầu thô sáu tháng 2016 giảm 6,1% so cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, NFSC dự báo lạm phát cả năm 2016 sẽ tăng cao hơn so với năm 2015 nhưng sẽ chỉ ở mức 4%-4,5%.