14 năm liên tục hạt tiêu Việt Nam giữ 'ngôi vương' thế giới
Tám doanh nghiệp sữa bất ngờ bị truy thu 1.000 tỉ
Đề xuất Tổng cục Thuế thanh tra Công ty Coca-cola Việt Nam
Chính phủ cam kết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Sẽ làm việc với Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ về cá ba sa
Tin kinh tế đọc nhanh 30-11-2015
- Cập nhật : 30/11/2015
Hơn 20,2 tỉ USD đổ vào Việt Nam
Theo Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng của năm 2015, cả nước có 1.855 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp phép mới với tổng số vốn đăng ký đạt 13,5 tỉ USD, tăng 30% về số dự án và tăng 1,1% về số vốn so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, có 692 dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký tăng vốn với số vốn tăng thêm đạt 6,67 tỉ USD.
Tính chung, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và tăng thêm đạt hơn 20,2 tỉ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước. Giải ngân vốn đầu tư nước ngoài từ đầu năm đến nay cũng ở mức khá cao so với năm ngoái khi đạt 13,2 tỉ USD. Hàn Quốc vẫn là quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với số dự án được cấp phép mới trị giá hơn 2,5 tỉ USD; tiếp đó là Malaysia, Anh, Nhật…
Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 11-2015 ước đạt 732.740 lượt, tăng 12,9% so với tháng trước và tăng 20,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 11 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam là hơn 7 triệu lượt, giảm 2% so với cùng kỳ nhưng thấp hơn nhiều so với mức giảm 11,3% của 6 tháng đầu năm nay
Ủng hộ doanh nghiệp Đức đầu tư vào Việt Nam
Phát biểu trước hơn 30 đại diện doanh nghiệp (DN) Việt Nam và khoảng 100 đại diện DN Đức tại Diễn đàn DN Việt Nam - Đức tại Frankfurt, thành phố lớn nhất bang Hessen - Đức, chiều 26-11 (giờ địa phương), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh Việt Nam mong muốn đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Đức tiếp tục đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực, nhất là kinh tế.
Theo TTXVN, Chủ tịch nước đánh giá Việt Nam và Đức có tiềm năng và cơ hội lớn trong hợp tác kinh tế, đặc biệt là cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, chế tạo, năng lượng, môi trường...
Trước đó, tại cuộc gặp Thủ hiến bang Hessen Volker Bouffier, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhận định quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và bang Hessen phát triển tích cực thời gian qua, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế - thương mại - đầu tư, giáo dục - đào tạo, hợp tác tư pháp - pháp luật và giao lưu văn hóa. Chủ tịch nước cho biết nhà nước và Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ, tạo môi trường thuận lợi để các DN Đức nói chung và bang Hessen nói riêng sang đầu tư, kinh doanh hiệu quả, lâu dài và ổn định tại Việt Nam, cũng như ủng hộ các địa phương của hai nước chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh.
Trong khuôn khổ các hoạt động tại bang Hessen, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng có cuộc gặp với Chủ tịch Nghị viện bang Hessen Norbert Kartmann. Trước khi cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lên đường về Hà Nội chiều cùng ngày, Chủ tịch nước còn đến thăm Trung tâm Đào tạo nghề của Tập đoàn Sản xuất ôtô OPEL, đồng thời gặp lãnh đạo một số tập đoàn hàng đầu của Đức để thúc đẩy các tập đoàn này tăng cường đầu tư vào Việt Nam.
Buôn bán 500 gói thuốc lá lậu có thể bị xử lý hình sự
Theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, tại tuyến biên giới Tây Nam việc buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá có dấu hiệu phức tạp trở lại. Từ đầu năm đến nay có một số vụ đáng chú ý như tại biên giới Việt Nam-Campuchia thuộc địa bàn tỉnh Long An. Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm buôn lậu C47 và tổ công tác Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 mật phục phát hiện 13 đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu từ Campuchia về Việt Nam. Hay vụ Công an huyện Củ Chi vây bắt đồng loạt các tụ điểm chứa, trung chuyển thuốc lá lậu, đã bắt giữ thùng đối tượng cùng 62.000 bao thuốc lá ngoại nhập lậu...
Mới đây Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 124/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó tăng mức xử phạt hành vi buôn bán thuốc lá nhập lậu lên gấp đôi. Cụ thể hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu từ dưới 10 gói mức phạt 500.000 đến 1 triệu đồng, từ 10 đến dưới 20 gói mức phạt 1-2 triệu đồng, từ 400 bao đến dưới 500 gói mức phạt 50-70 triệu đồng. Từ 500 gói trở lên, người có thẩm quyền đang thụ lý việc chuyển ngay cơ quan điều tra tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Trường hợp cơ quan tố tụng hình sự có quyết định không khởi tố vụ án hình sự bị phạt 70 đến 100 triệu đồng.
Đại diện Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho biết với mức tăng xử phạt của nghị định mới là một trong những động thái của Chính phủ giúp hạn chế được một phần nạn buôn lậu thuốc lá. Vì vào cận tết thuốc lá lậu diễn biến phức tạp tăng trong dịp này.
Mở đường cho ‘rác’ công nghệ vào Việt Nam?
Đó là thông tin nổi cộm tại hội nghị tham vấn giữa DN với các cơ quan quản lý do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức ngày 27-11.
Ông Đỗ Phước Tống, Giám đốc Công ty Cơ khí Duy Khanh kiêm Phó Chủ tịch Hội Cơ khí TP.HCM, cho hay lâu nay công ty mua các máy cũ 10-15-20 năm của Đức, Nhật và Mỹ về dùng tốt. Mua máy mới của Đức, Nhật, Mỹ thì nhiều DN Việt không đủ tiền vì giá rất đắt.
“Do vậy, Nhà nước cấm nhập máy móc cũ trên 10 năm thì các DN Việt chỉ có nước mua máy mới của Trung Quốc hoặc máy cũ dưới 10 năm của Trung Quốc sản xuất. Tuy là máy mới nhưng máy móc do Trung Quốc sản xuất thường chỉ xài 2-3 năm là đã rệu rã rồi! Do đó, cấm nhập máy móc cũ những tưởng sẽ giúp ngăn chặn “rác” cũ công nghệ lỗi thời, hóa ra lại khiến DN phải nhập loại “rác” mới!” - ông Tống cảnh báo.
Đồng quan điểm, ông Trương Quốc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Máy công cụ và thiết bị TAT, đưa ra những dẫn chứng cụ thể cho thấy 100% khách hàng mua máy của công ty ông đều phản ứng với Thông tư 23/2015 vì nếu áp dụng thì DN chỉ có nước… chết.
Ông Tuấn nhận xét thẳng thừng: “Thông tư này giúp một số DN kinh doanh máy móc, thiết bị của Trung Quốc vào Việt Nam dễ dàng hơn. Song các DN Việt lo ngay ngáy khi mua máy Trung Quốc vì các DN nước này bán máy xong lặn mất tăm. Đây là chuyện không mới trên thương trường”.
Đáp lại, bà Trần Tuyết Nhung, Vụ phó Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám sát công nghệ thuộc Bộ KH&CN, cho rằng trong năm qua có hơn 100 trường hợp máy cũ nhập về không sử dụng được.
“Một tỉnh bé như Đắk Nông thôi mà đã bị 4-5 cái máy cũ. Vay ngân hàng xong, mua máy mang về, ráp lại, máy không chạy được, tìm đối tác thì đã… chạy đâu mất tiêu. Tốn một đống tiền, Nhà nước lại tốn tiền lưu kho, lưu bãi chờ xử lý” - bà Nhung dẫn chứng.
Lập tức ông Đỗ Phước Tống phản biện: “Bộ KH&CN nên thống kê lại cho rõ các trường hợp đấy là DN tư mua hay mấy anh DN nhà nước mua về”.
Bổ sung cho thắc mắc của ông Tống, luật sư Vũ Xuân Hưng, Phó phòng Pháp chế VCCI, lưu ý khối DN tư nhân mua máy móc bằng tiền túi. Do vậy hơn ai hết, họ không dại gì nhập những máy cũ không hiệu quả. Nhà nước không cần lo thay cho họ, thay vào đó nên xem lại các quy định xem có hợp lý không và tại sao các DN cực lực phản đối quy định này.
TP HCM chỉ có 1 nhà máy nước đá đạt chuẩn
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP HCM vừa công bố trên website của đơn vị danh sách cơ sở sản xuất nước đá dùng liền đã có giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy và có bao bì kín để các cơ sở dịch vụ ăn uống tìm mua trong nỗ lực “siết” nước đá bẩn, hỗ trợ nước đá sạch.
Tuy nhiên, trong đợt công bố lần đầu, chỉ có... 1 cơ sở là Chi nhánh Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hồng Phúc (đường Tô Ngọc Vân, phường Thạnh Xuân, quận 12).
Lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP HCM cho biết đây là nhà máy được đầu tư dây chuyền đóng gói tự động vào bao bì kín (bao PE), tổ chức sản xuất thực tế đúng như công bố. Một số cơ sở sản xuất khác chỉ mới công bố trên hồ sơ nhưng thực tế vẫn chưa chuyển đổi bao bì hở (bao PP) sang bao bì kín như quy định.