Nhà nước thu về gần 5.000 tỷ đồng nhờ thoái vốn qua HNX
Truy lùng nữ chủ tịch HĐQT huy động 74 tỷ rồi trốn
Trung Nguyên chính thức lên tiếng về vụ tạm ngừng cung cấp cafe G7
Vì sao tỷ giá tăng?
Ngân hàng Nhà nước không nên vội dự trữ Nhân dân tệ
Tin kinh tế đọc nhanh 01-12-2015
- Cập nhật : 01/12/2015
EU tiếp tục hỗ trợ phát triển du lịch 3 tỉnh miền Trung
Năm 2016, Dự án EU - ESRT sẽ tiếp tục hỗ trợ Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến du lịch và đào tạo nguồn nhân lực du lịch.
Theo đó, trong lĩnh vực phát triển sản phẩm du lịch, dự án sẽ hỗ trợ tổ sản phẩm du lịch xây dựng kế hoạch củng cố và phát triển các điểm du lịch ưu tiên nằm trong hai dòng sản phẩm chung của vùng là "Con đường di sản" và "Đường mòn sinh thái".
Về quảng bá xúc tiến, dự án hỗ trợ Tổ công tác Marketing khu vực phát triển kế hoạch marketing/chiến dịch xúc tiến nhằm thúc đẩy sản phẩm thống nhất chung, trong đó có việc xây dựng trang web du lịch chung của vùng duyên hải miền Trung.
Về đào tạo nhân lực, dự án sẽ hỗ trợ tổ công tác nguồn nhân lực xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực 2016 - 2020 dựa trên phân tích nhu cầu lao động được thực hiện trong năm 2015, cũng như triển khai các khóa đào tạo theo hình thức xã hội hóa.
Thời gian qua, Dự án EU-ESRT đã có rất nhiều hoạt động hỗ trợ Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế về công tác quy hoạch, quản lý nhà nước, đào tạo nghiệp vụ cũng như xúc tiến và quảng bá du lịch.
Dự án đã hỗ trợ, phối hợp với tổ công tác phát triển sản phẩm du lịch của 3 địa phương xây dựng 3 nhóm sản phẩm đặc trưng dựa theo tiềm năng, thế mạnh, lợi thế của điểm đến và mức độ ưu tiên của khu vực.
Dự án cũng đã tổ chức các chuyến khảo sát học tập thực tế, đào tạo ngắn hạn tại nước ngoà cũng như một số khóa tập huấn cho cán bộ Sở VHTT&DL của 3 địa phương. Nhờ đó, Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế đã bước đầu hình thành mô hình tổ chức quản lý điểm đến...
Dự án EU - ESRT là chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh châu Âu tài trợ.
EU-Việt Nam tiến tới thỏa thuận thương mại tự do song phương
Ngày 27/11, mạng tin châu Âu Euro Presse Image đã đăng bài viết với tiêu đề “EU-Việt Nam: Tiến tới thỏa thuận thương mại tự do song phương.”
Bài báo nhấn mạnh sau hơn hai năm đàm phán, Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam đang dần đi tới một Hiệp định thương mại tự do song phương (EVFTA).
EVFTA gỡ bỏ gần như toàn bộ hàng rào thuế quan và mở ra cánh cửa xâm nhập thị trường Việt Nam cho các doanh nghiệp châu Âu. Nội dung Hiệp định bao trùm các lĩnh vực như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư… cho đến mua sắm chính phủ.
Bài báo dẫn lời Ủy viên phụ trách thương mại châu Âu, bà Cecilia Malmstrom, cho biết EVFTA là một thỏa thuận cân bằng, góp phần thúc đẩy trao đổi thương mại với một trong những nền kinh tế năng động nhất châu Á, giúp các doanh nghiệp EU xâm nhập vào một thị trường lớn với 90 triệu dân.
Ngoài lĩnh vực hàng hóa, EVFTA cũng mở rộng sang lĩnh vực dịch vụ, đầu tư và mua sắm công như dịch vụ tài chính, viễn thông hay vận tải. Hiệp định cũng dành một chương nói về nhân quyền và quyền người lao động, trong đó nhấn mạnh phát triển bền vững.
Bài báo cho biết hiệp định EVFTA sẽ giúp thúc đẩy luồng vốn đầu tư chất lượng cao của EU và cả các đối tác khác vào Việt Nam. Với quy mô và tiềm năng phát triển đầu tư của EU, Việt Nam có cơ hội trở thành địa bàn trung chuyển, kết nối cho hoạt động thương mại và đầu tư của EU trong khu vực.
Điều này sẽ thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tích cực của Việt Nam. Việc hoàn tất Hiệp định FTA này sẽ giúp Việt Nam hội nhập thành công vào kinh tế toàn cầu với tư cách là một nền kinh tế thị trường.
Bài báo nhận định EVFTA là thỏa thuận thương mại đầu tiên mà EU ký với một quốc gia đang phát triển.
Nội dung thỏa thuận với mức độ tự do thương mại rộng mở và đồng bộ nhưng cũng chuẩn bị cho Việt Nam một giai đoạn chuyển tiếp để thích ứng. Đây là là điểm mới trong nội dung so với các thỏa thuận mà châu Âu đã ký với các quốc gia đang phát triển khác.
Điều này thể hiện mức độ tin cậy lẫn nhau giữa EU và Việt Nam, với mục tiêu hướng đến tăng trưởng, tạo việc làm và phát triển bền vững, đồng thời đối với Việt Nam, thỏa thuận thương mại tự do với EU cho thấy Việt Nam muốn hướng đà tăng trưởng gắn với thị trường châu Âu và giảm dần mức độ phụ thuộc vào trao đổi với Trung Quốc.
EU là nhà đầu tư lớn thứ 6 tại Việt Nam. Năm 2013, các doanh nghiệp châu Âu đã đầu tư trực tiếp vào Việt Nam hơn 500 triệu euro. Trong 10 năm qua, kim ngạch thương mại Việt Nam-EU đã tăng 200%, hiện đạt mức 28 tỷ euro.
Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ tư đối với EU trong ASEAN. EVFTA đang ở giai đoạn hoàn tất thủ tục kỹ thuật và pháp lý để trình lên Nghị viện châu Âu và dự kiến sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2017 hoặc đầu năm 2018./
Lãnh đạo Coca-Cola từ chức vì gian dối
Bà Rhona Applebaum, giám đốc phụ trách khoa học và y tế của Tập đoàn Coca-Cola, vừa từ chức sau khi truyền thông đưa tin chỉ trích việc Coca-Cola bỏ tiền tài trợ cho một nhóm nghiên cứu nhằm giúp họ phục hồi doanh số bán ra sản phẩm.
Theo Arstechnica, bà Applebaum đã tham gia hỗ trợ thành lập một nhóm nghiên cứu phi lợi nhuận có nhiệm vụ giảm bớt “tội” của các loại nước uống có đường trong đại dịch béo phì và chuyển sang nhấn mạnh hơn tới những tác dụng của việc tập thể dục.
Báo New York Times đã phanh phui mối quan hệ tài chính giữa nhóm nghiên cứu có tên Global Energy Balance Network - GEBN (Mạng lưới cân bằng năng lượng toàn cầu) gồm các nhà nghiên cứu ở trường đại học với Tập đoàn Coca-Cola.
Coca-Cola đã tài trợ cho GEBN 1,5 triệu USD, trong đó 1 triệu USD dành cho Đại học Colorado là nơi mà ông James O. Hill, chủ tịch nhóm, làm giáo sư. Các điều tra tiếp theo còn cho thấy Coca-Cola đã giúp cả việc chọn ra nhóm lãnh đạo cho GEBN, phát cả tuyên ngôn sứ mệnh cho nhóm và thiết kế luôn trang web cho GEBN.
Theo đó, GEBN có nhiệm vụ phản biện về đại dịch béo phì ở Mỹ, cho rằng người Mỹ đã đổ hết tội trạng béo phì cho calori và chế độ ăn trong khi lẽ ra họ phải chú trọng nhiều hơn tới tập luyện.
Bà Applebaum được cho là người nắm vai trò trung tâm trong việc điều hành nhóm nghiên cứu GEBN.
Sau khi mối quan hệ tài chính giữa Coca-Cola và GEBN bung ra, Đại học Colorado đã trả lại Coca-Cola 1 triệu USD và tuyên bố các nghiên cứu của họ không liên quan gì tới doanh số bán ra của Coca-Cola.
Bổ sung quy định về hình thức phá sản công ty nông lâm nghiệp
Chiều 27/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết “Về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng”.
Theo đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hình thức phá sản công ty nông, lâm nghiệp, giải thể đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ kéo dài; cơ chế giao khoán sử dụng đất nông nghiệp của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.
Đồng thời Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách bảo vệ rừng, gắn với giảm nghèo bền vững; hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, người trồng rừng, quản lý, bảo vệ rừng có thu nhập từ rừng để bảo đảm ổn định cuộc sống.
Trên cơ sở rà soát, điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng, Chính phủ xác định những diện tích đất, rừng phòng hộ xung yếu; quy hoạch, đưa diện tích đất, rừng bỏ hoang chưa sử dụng hợp lý trước đây, chuyển sang rừng sản xuất để phát huy hiệu quả kinh tế. Nhà nước bảo đảm lực lượng và kinh phí để quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt và phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.
Nghị quyết của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.
“Đến hết năm 2016 có phương án, kế hoạch giải quyết dứt điểm cơ bản tình hình tranh chấp đất đai; xử lý các vi phạm pháp luật, đặc biệt là tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích, cho thuê, cho mượn, giao khoán đất trái pháp luật, không thực hiện hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính. Tập trung chỉ đạo sớm giải quyết dứt điểm các trường hợp tự ý xây dựng công trình, nhà ở, cư trú trái pháp luật trong phạm vi đất, rừng do các công ty nông, lâm nghiệp quản lý. Thu hồi tài sản, đất đai và tài chính cho Nhà nước theo quy định của pháp luật”, Nghị quyết nêu rõ.
Samsung giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ VN
Theo thông tin từ Bộ Công thương, chuyên gia Samsung vừa kết thúc 3 tháng đợt 1 hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ VN để hoàn thiện quy trình cung ứng sản phẩm, linh kiện cho hai tổ hợp Samsung ở Bắc Ninh và Thái Nguyên.
Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung - ông Han Myong-sup (phải) làm việc tạp công ty nhựa An Phú Việt - Ảnh: C.V.Kình
Theo chương trình hợp tác của Bộ Công thương với Tập đoàn Samsung, Samsung đã cử chuyên gia từ Hàn Quốc sang, bước đầu đã trực tiếp hỗ trợ cho 4 doanh nghiệp là Công ty cổ phần sản xuất và xuất nhập khẩu Bao bì Thăng Long, Bao bì Việt Hưng, Công nghiệp Chiến Thắng, Sản xuất và thương mại Nhựa An Phú Việt hoàn thiện quy trình cung ứng sản phẩm, linh kiện cho hai tổ hợp Samsung tại VN.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Hùng - giám đốc Công ty sản xuất và thương mại nhựa An Phú Việt - cho biết chuyên gia của Samsung vừa kết thúc 3 tháng hỗ trợ và công ty đã hoàn thành những đợt cải tiến lớn để sẵn sàng làm cung cấp linh kiện cho tổ hợp Samsung VN.
Là doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm nhựa, trong đó có những sản phẩm nhỏ như nút nhựa, đèn xin-nhan đã cung cấp được cho các doanh nghiệp xe máy hàng đầu VN, ông Hùng đã tự tìm đến các cuộc hội thảo tìm nhà cung ứng của Samsung ở Hà Nội để liên hệ.
Tháng 9-2015 công ty được chọn và hai chuyên gia Hàn Quốc đã sang công ty hỗ trợ việc cải tiến quy trình sản xuất, hoàn thiện các tiêu chuẩn để có thể được xem xét trở thành nhà cung ứng.
“Hiện họ chưa hứa gì, vì phải đáp ứng tiêu chuẩn mới ký, nhưng tổng giám đốc Tổ hợp Samsung đã đến thăm nhà máy chúng tôi” - ông Hùng nói và cho biết trước mắt, ông đặt mục tiêu làm nhà cung ứng cấp hai sản phẩm sạc pin điện thoại di động cho Samsung.
Thậm chí, ông còn đặt mục tiêu sẽ trở thành nhà cung cấp cấp một và tin rằng sẽ đạt được.